Đó là một trong số những cơ hội lớn cho kinh tế Việt Nam khi tham gia các FTA nói chung và TPP nói riêng được các chuyên gia đưa ra tại Hội nghị Lãnh đạo Doanh nghiệp Việt Nam 2016 với chủ đề “Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương - Cơ hội và thách thức trong kinh doanh tại Việt Nam” tổ chức vào sáng 08/04/2016 tại thành phố Hồ Chí Minh.

Hội nghị lần này tập trung trao đổi, thảo luận vào 4 nội dung: Nhận định về phát triển kinh tế Việt Nam khi tham gia Hiệp định TPP; Triển vọng, cơ hội và thách thức đối với đẩu tư và thương mại trong TPP; các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ; những thay đổi về chính sách về lao động của Việt Nam khi TPP có hiệu lực.

Kinh tế Việt Nam sẽ hình thành theo xu thế phát triển của kinh tế thời đại

Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho rằng, việc ký kết Hiệp định TPP của Việt Nam không chỉ là kết quả của quá trình 5 năm kiên trì đàm phán mà còn là thành quả của tiến trình 30 năm Đổi mới, trong đó hội nhập kinh tế quốc tế giữa vai trò quan trọng và ngày càng được khẳng định mạnh mẽ. Mục tiêu của Việt Nam khi tham gia vào TPP là nhằm mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu, thúc đẩy thu hút đầu tư của các nước vào Việt Nam, nhằm tận dụng các cơ hội mà khu vực thương mại tự do TPP có thể đem lại, đồng thời hỗ trợ cho tiến trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Việt Nam đang tiến hành, hướng tới một mô hình tăng trưởng bền vững, năng động và hiệu quả.

Trong khi đó, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, Cố vấn cao cấp của Chính phủ trong đàm phán TPP nhận định: Sự phát triển của kinh tế Việt Nam trong 3 năm tới (2016-2018) sẽ hình thành theo xu thế phát triển của kinh tế thời đại.

Theo vị chuyên gia kinh tế này, kinh tế thế giới đang chuyển đổi từ kỷ nguyên công nghệ chế tạo sang công nghệ cao do công nghệ thông tin dẫn dắt, cũng như từ sản xuất vật chất sang phát triển các ngành dịch vụ, đồng thời chuyển đổi từ thị trường quốc gia sang thị trường thế giới và khu vực, tham gia vào mạng lưới sản xuất và chuỗi cung ứng, chứ không chỉ là xuất khẩu vào thị trương riêng lẻ.

Cùng với việc hình thành các tập đoàn kinh tế lớn đa quốc gia là xu hướng cá thể hóa doanh nghiệp và sự xuất hiện của “kinh tế chia sẻ”. Bên cạnh đó, sự phân phối lao động theo nguồn lực chuyển sang tối đa hóa hiệu quả hoạt động thị trường, từ chạy theo tốc độ tăng trưởng sang coi trọng chất lượng tăng trưởng nhằm bảo đảm phát triển bền vững, mô hình nhà nước chuyển từ Nhà nước chỉ huy sang mô hình nhà nước kiến tạo phát triển.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, TPP cũng khiến khu vực nông nghiệp, nông thôn sẽ dễ bị tổn thương. Vì nếu sản phẩm không cạnh tranh được và không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như phòng chống dịch bệnh sẽ không xâm nhập được vào thị trường các nước trong TPP, dù họ có đưa thuế nhập khẩu về 0%, trong khi đó, sản phẩm của các nước này lại dễ dàng vào nước ta. Khi đó một bộ phận người lao động sẽ mất việc làm và sẽ tạo sức ép về mặt xã hội.

Hội nhập chưa tác động rõ nét tới nền kinh tế trong năm 2016

Dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong 3 năm tới, chuyên gia kinh tế Trương Đình Tuyển cho rằng: năm 2016 tác động của các FTA chưa lớn, kinh tế thế giới năm 2016 phục hồi chậm, tình hình kinh tế trong nước đã xuất hiện những dấu hiệu khó khăn hơn năm 2015, nếu tiến trình tái cơ cấu triển khai quyết liệt thì sẽ phải đánh đổi tăng trưởng. Trong ngắn hạn tăng trưởng sẽ sụt giảm, nhưng là sự sụt giảm lành mạnh và có thể bù đắp bởi sự cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh. Trong năm 2016, còn có sự chuyển giao lãnh đạo các cấp chính quyền, nên sẽ mất một thời gian để khởi động bộ máy mới.

Hơn nữa, kinh tế vĩ mô vẫn còn hạn chế yếu kém, như: Cân đối ngân sách rất căng thẳng, nợ công tăng cao; nợ xấu chưa được xử lý tốt; doanh nghiệp trong nước rất khó khăn; tiến trình tái cơ cấu diễn ra chậm, chưa đạt yêu cầu trên cả bốn nội dung về tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu nông nghiệp.

Những hạn chế yếu kém này dẫn đến xu thế tiêu cực đang diễn ra từ từ đầu năm 2016, tác động đến khả năng tăng trưởng trong năm 2016 và cả những năm sau. Đó là, lãi suất huy động đang tăng ở tất cả các tổ chức tín dụng và ở tất cả các kỳ hạn, rất khó giữ mặt bằng lãi suất cho vay như năm 2015, điều này tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp trong nước; tình hình khô hạn và xâm nhập mặn nghiêm trọng ở Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng Sông Cửu Long không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp vụ này mà còn ảnh hưởng kéo dài đến vụ sau, năm sau. Như vậy, trong năm 2016 sự phát triển kinh tế Việt Nam vừa có lực đẩy vừa có lực cản, từ năm 2017 lực đẩy sẽ mạnh hơn còn lực cản sẽ phụ thuộc vào nỗ lực giải quyết những vấn đề nội tại của nền kinh tế nước ta, nhất là việc thực hiện tiến trình tái cơ cấu chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Từ những lý do trên, ông Tuyển dự báo, tăng trưởng kinh tế năm 2016 chỉ ở mức 6,5%, thậm chí thấp hơn tùy thuộc vào kết quả của tái cơ cấu bốn nội dung trọng tâm và cải thiện môi trường kinh doanh. Trong giai đoạn 2017-2018, nhiều khả năng TPP sẽ có hiệu lực trong năm 2017 (trừ FTA Việt Nam – EU), các FTA đã kết thúc đàm phán cũng có hiệu lực sẽ tạo ra xung lực mới cho tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, ông Nestor Scherbey – Cố vấn cao cấp Liên minh thuận lợi hóa Thương mại Việt Nam (VTFA) cho rằng: nhằm tuân thủ các cam kết về thương mại trong TPP, doanh nghiệp Việt Nam cần sẵn sàng đầu tư mới trong sản xuất nguyên vật liệu và hàng hóa ngay từ bây giờ. Tuy nhiên, phải chú ý các yêu cầu cung cấp tài liệu chứng minh nguồn gốc của nguyên vật liệu và các thành phần được sử dụng để sản xuất, lắp ráp thành phẩm để xuất khẩu sang một số nước TPP.

Ông Nestor Scherbey cũng cho biết, các công ty đa quốc gia FDI sẽ phải xác định lại chuỗi cung ứng toàn cầu của họ để tận dụng các ưu đãi thuế do các hiệp định FTA, trong đó có TPP mang lại, khi sản xuất hàng hóa xuất khẩu sang các thị trường TPP. Điều này cũng mang đến cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam để trở thành nhà cung cấp cho các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam và các công ty toàn cầu khác trong chuỗi cung ứng của họ./.