Sáng nay (12/04), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2015 đã được chính thức công bố.

Toàn cảnh Lễ công bố PAPI 2015 sáng ngày 12/04/2016

Bị vòi vĩnh gần 25 triệu, dân mới tố cáo tham nhũng

Nghiên cứu từ khảo sát PAPI năm 2015 cho thấy xu hướng suy giảm hiệu quả quản trị và hành chính công ở 5/6 chỉ số nội dung chỉ số PAPI đo lường. Gần 14.000 người dân được chọn ngẫu và phỏng vấn trực tiếp trong cuộc khảo sát này. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam thể hiện đánh giá của người dân thông qua trải nghiệm và cảm nhận của họ về hiệu quả quản trị, hành chính công và cung ứng dịch vụ công cụ của bộ máy công quyền các cấp.

Trong số 6 chỉ số nội dung gồm: tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công, chỉ số nội dung “Công khai, minh bạch” giảm mạnh nhất đến 7% điểm so với kết quả năm 2014.

Phát biểu tại Lễ công bố, TS. Đặng Hoàng Giang, đại diện cho Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc - UNDP (một trong các cơ quan tham gia khảo sát PAPI cùng một số cơ quan của Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam), kết quả phân tích dữ liệu PAPI 2015 so sánh với các năm cho thấy, hiệu quả quản trị và hành chính công ở Việt Nam đã có xu hướng "suy giảm đáng kể".

"Các điểm chỉ số nội dung: công khai, minh bạch và kiểm soát tham nhũng đều giảm mạnh. Các điểm chỉ số: sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở, trách nhiệm giải trình với người dân cũng giảm đáng kể. Chỉ có chỉ số cung ứng dịch vụ công tăng nhẹ", TS. Đặng Hoàng Giang cho biết.

Đáng chú ý, về kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, kết quả khảo sát PAPI 2015 cho thấy mức độ trầm trọng "kinh niên" của căn bệnh tham nhũng tại Việt Nam khi chỉ số nội dung "kiểm soát tham nhũng trong khu vực công" tiếp tục giảm 3% điểm so với năm 2014.

Báo cáo PAPI 2015 cũng nhấn mạnh: "Các chỉ tiêu đo mức độ hối lộ trong các trường tiểu học công lập và khu vực hành chính công, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho thấy tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh, chung chi, đòi bồi dưỡng thêm để nhận dịch vụ tốt hơn có xu hướng gia tăng".

Đa số ý kiến trả lời khảo sát cho thấy tình trạng vị thân và tham nhũng trong chính quyền địa phương đang rất phổ biến. Tuy nhiên, kết quả phân tích cũng cho thấy, động lực và quyết tấm chống tham nhũng trong giới chức nhà nước và người dân giảm dần.

Điều này được chứng minh qua tỷ lệ khảo sát khi chỉ có khoảng 3% số người bị nhũng nhiễu, đòi hối lộ đã tố giác hành vi tham nhũng của cán bộ chính quyền.

Nếu số tiền bị vòi vĩnh chưa tới 24,6 triệu đồng, người dân sẽ không tố giác hành vi đòi hối lộ

Ngoài ra, mức độ chịu đựng sự vòi vĩnh, nạn đòi hối lộ của người trả lời trên toàn quốc lớn hơn rất nhiều so với những năm trước: Người bị vòi vĩnh sẽ không tố giác hành vi đòi hối lộ, nếu số tiền bị vòi vĩnh chưa lên tới khoảng 24,6 triệu VNĐ.

44% người dân phải “lót tay” cán bộ để làm sổ đỏ

Báo cáo cũng cho biết, số người dân được biết thông tin về thu, chi ngân sách cấp xã/phường cũng thấp hơn trước và trong só người được biết thì độ tin cậy của họ vào tính xác thực của thông tin cũng giảm xuống. Mức độ công khai, minh bạch về kế hoạch sử dụng đất, khung giá đất ở địa phương tiếp tục giảm sút và người dân ít có cơ hội đóng góp ý kiến cho quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất địa phương như trước.

Kết quả khảo sát ở nội dung này cho thấy, tỷ lệ người người được biết đến danh sách hộ nghèo giảm đáng kể và trong số ít những người biết đến danh sách hộ nghèo, chỉ có một số nhỏ tin tưởng vào độ xác thực của danh sách này. Chẳng hạn như, có tới 46% số người được hỏi trên toàn quốc cho rằng, những hộ trên thực tế rất nghèo nhưng không được đưa vào danh sách hộ nghèo. Năm 2015, mức độ công khai, minh bạch về kế hoạch sử dụng đất và khung giá đất ở địa phương tiếp tục giảm sút; người dân ít có cơ hội đóng góp ý kiến cho quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở địa phương hơn trước.

Phát biểu tại Lễ công bố, bà Pratibha Mehta, Điều phối viên Liên hợp quốc tại Việt Nam nhấn mạnh: “Trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp trên toàn quốc sắp tới, báo cáo PAPI năm 2015 được công bố hôm nay cung cấp một nguồn dữ liệu, thông tin như một tấm gương phản chiếu để bộ máy chính quyền các cấp nhiệm kỳ mới nhìn lại hiệu quả cải cách quản trị và hành chính công của đất nước trong 5 năm qua, đồng thời làm cơ sở so sánh tiến bộ trong thời gian tới”.

Người dân bày tỏ quan ngại đối với tham nhũng trong khu vực công và trong cung ứng dịch vụ công. Những người được hỏi trên phạm vi toàn quốc cũng cho rằng, tình trạng vị thân và tham nhũng trong chính quyền địa phương hiện còn rất phổ biến. Bên cạnh đó, người dân không tin tưởng nhiều vào quyết tâm chống tham nhũng của chính quyền địa phương. Trên toàn quốc, chỉ có 37% số người được hỏi cho rằng chính quyền cấp tỉnh đã thực sự nghiêm túc xử lý việc tham nhũng xảy ra ở địa phương.

So với kết quả khảo sát năm 2014, có sự gia tăng đột biến ở tỷ lệ người dân cho biết chi “lót tay” để làm xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Ước tính khoảng 44% số người đã làm thủ tục liên quan đến sổ đó trong năm 2015 phải đưa hối lộ mới làm xong được thủ tục liên quan đến sổ đỏ, tăng gấp đôi so với tỷ lệ ước tính 24% năm 2014.

Báo cáo PAPI cũng nêu bật kết quả cấp tỉnh năm 2015 và so sánh qua 5 năm (2011- 2015) ở 6 nội dung. Điểm số tổng hợp PAPI của cả 6 nội dung cho thấy 7 tỉnh, thành phố cải thiện nhiều sau 5 năm, trong khi đó có tới 13 tỉnh, thành phố giảm điểm mạnh. Nam Định, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Đà Nẵng và Long An luôn có tên trong nhóm tỉnh, thành phố đạt điểm cao nhất trong suốt 5 năm.

Nhìn chung, trong 5 năm qua, các tỉnh, thành phố đạt điểm cao thường tập trung ở các vùng đông bắc, miền Trung và Đông Nam Bộ. Những tỉnh, thành phố đạt điểm thấp thường tập trung ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

PGS TS Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES) chia sẻ: “Chúng tôi hy vọng rằng, những chỉ báo làm nền tảng so sánh cho nhiệm kỳ chính quyền giai đoạn 2016 – 2021”./.

Chỉ số PAPI là khảo sát xã hội xã hội học khách quan, lớn nhất tại Việt Nam tập trung tìm hiểu hiệu quả công tác điều hành, thực thi chính sách, cung ứng dịch vụ công dựa trên đánh giá và trải nghiệm của người dân, với dữ liệu được thu thập thường niên. Từ năm 2009 đến 2015, PAPI đã thu thập và phản ánh trải nghiệm của gần 75.000 người dân.