Hơn 1 ngày “ra lò” 1 tiến sĩ - câu chuyện của Học viện Khoa học Xã hội

Những ngày qua, trên các kênh thông tin truyền thông đang xôn xao thông tin Học viện Khoa học Xã hội liên tục đào tạo tiến sĩ với tần suất chỉ hơn một ngày cho “ra lò” một tiến sĩ. Tổng số tiến sĩ bảo vệ thành công tại Học viện năm 2015 là 165 người, nếu tính theo ngày làm việc thì trung bình, hơn một ngày có một tiến sĩ.

Năm 2016, Học viện này cũng thông báo tuyển sinh đào tạo tiến sĩ với 350 chỉ tiêu và 1.600 chỉ tiêu đào tạo thạc sĩ. Theo đó, thống kê từ đầu năm 2016 đến đầu tháng 4 đã có 58 tiến sĩ bảo vệ thành công (năng suất 1 ngày 1 giờ 15 phút ra một tiến sĩ).

Không chỉ gây bất ngờ về số lượng, nhiều đề tài tiến sĩ bảo vệ thành công cũng thực sự gây sửng sốt. Điển hình như: đặc điểm giao tiếp với dân của chủ tịch UBND xã, Hứng thú rèn luyện nghiệp vụ sư phạm của sinh viên cao đẳng sư phạm, Hành vi nịnh trong tiếng Việt, hay Sự thích ứng với hoạt động dạy học của giáo viên tiểu học mới vào nghề, Địa vị pháp lý của Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ...

Đây chỉ là một vụ việc điển hình về thực trạng đào tạo tiến sĩ của Việt Nam thời gian qua. Từ thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, không khó để nhận ra tốc độ tăng trưởng quy mô đào tạo sau đại học, trong đó có đào tạo tiến sĩ, đang “phình” ra một cách ngoạn mục. Chỉ tính riên trong 10 năm (2001-2011), số nghiên cứu sinh tăng gần gấp đôi, từ 2.500 lên đến gần 4.700. Trong lần đầu tiên tiến hành thẩm định công tác đào tạo tiến sĩ ở các trường đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện trong hai năm 2013 và 2014, có đến một nửa số cơ sở đào tạo không làm đúng quy trình đào tạo tiến sĩ; 2/3 nhà thẩm định độc lập đánh giá luận án không đạt yêu cầu.

Tổng hợp một số tiến sĩ bảo vệ thành công từ đầu năm 2016 tại Học viện Khoa học Xã hội

Cái gốc của vấn đề nằm ở đâu?

Trước những ý kiến trái chiều của dư luận, phía Bộ Giáo dục và Đào tạo và Học viện đã có những giải thích cho vấn đề này với báo chí. Theo đó, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) khẳng định, hàng năm, Học viện Khoa học Xã hội xác định chỉ tiêu và báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo theo quy định. Trong 3 năm gần đây, Học viện xác định và tuyển sinh vào khoảng 350 nghiên cứu sinh/năm.

Theo quy định hiện hành, chỉ tiêu đào tạo trình độ tiến sĩ lớn hay nhỏ phụ thuộc chủ yếu vào số giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ, chức danh GS, PGS…

Hiện nay, theo báo cáo của học viện, đội ngũ giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ của cả Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS) là 380, trong đó có 175 người có chức danh GS, PGS. Như vậy, chỉ tiêu do Học viện xác định vẫn trong phạm vi quy định, không vi phạm lỗi vượt quá chỉ tiêu.

Về chất lượng, bà Phụng cho hay, trong 4 năm gần đây, để nâng cao chất lượng đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức thẩm định chất lượng của khoảng gần 10% luận án của các cơ sở đào tạo. Qua thống kê, chưa có luận án nào của Học viện Khoa học Xã hội không đạt yêu cầu chất lượng.

Luận án tiến sĩ phải làm trong nhiều năm. Số lượng nghiên cứu sinh bảo vệ trong một khoảng thời gian không phải là yếu tố phản ánh chất lượng đào tạo.

Về phía Học viện Khoa học Xã hội, trong buổi họp báo về “lò đào tạo tiến sĩ” Giáo sư Võ Khánh Vinh - Giám đốc Học viện cho biết, chúng tôi là cơ sở duy nhất trên cả nước chỉ đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ về khoa học xã hội với 412 giáo sư, phó giáo sư và tiến sĩ tham gia giảng dạy. Chỉ tiêu đào tạo 350 tiến sĩ mỗi năm còn là quá ít.

Với một số đề tài được cho là chưa xứng tầm, giáo sư Vũ Dũng - Viện trưởng Viện tâm lý học, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam chia sẻ, trong suy nghĩ của nhiều người cứ nghĩ luận án tiến sĩ là phải to tát lắm, nhưng ở các nước phát triển, đề tài phải là vấn đề cụ thể, thiết thực. Ví dụ ở Hà Lan, có một luận án nghiên cứu về việc viết chữ trong nhà vệ sinh, việc nhổ nước bọt ở ngoài đường… Nghe không hoành tránh nhưng những đề tài này lại mang tính thực tiễn lớn, có ý nghĩa văn hoá. Học viện chủ trương đào tạo gắn liền với nghiên cứu, nghiên cứu gắn liền thực tiễn nên cần những đề tài có ý nghĩa thiết thực.

Mặc dù đã đưa ra những luận cứ, luận điểm khá “xác đáng” cho vấn đề đào tạo tiến sĩ ít hay nhiều, chất lượng hay không chất lượng, nhưng dường như dư luận cũng vẫn chưa cảm thấy thỏa đáng.

Có thể đối với những người đã ở trình độ cao sẽ đưa ra một giải thích dễ hiểu nhất về làn sóng phản ứng dư luận những ngày qua là bởi “phần đông người Việt Nam vẫn có trình độ bình thường hoặc thấp”, nên hiểu vấn đề không thấu đáo, không nhìn xa trông rộng ra tầm thế giới.

Nhưng xét đến cùng, cái gốc của vấn đề vẫn nằm ở chỗ mục đích đào tạo tiến sĩ để làm gì? Có phải điều Việt Nam cần là có thật nhiều tiến sĩ trên tổng số dân, hay cần những người đã là tiến sĩ phải trở thành động lực cho sự phát triển của nước nhà? Chẳng phải nếu chất lượng tốt, ít cũng là đủ; mà không tốt thì bao nhiêu cũng là thừa. Thử hỏi, đã bao nhiêu đề tài “mang tính ứng dụng thực tiễn cao” và “theo đúng xu hướng của thế giới” kia đã được ứng dụng vào thực tiễn, hay cứ to là hàn lâm, nhỏ là thực tiễn?./.

Nguồn tham khảo:

1. Phạm Mai (2016). Viện trưởng Học viện Khoa học Xã hội: "Chỉ tiêu 350 tiến sĩ là ít", truy cập từ http://www.vietnamplus.vn/vien-truong-hoc-vien-khoa-hoc-xa-hoi-chi-tieu-350-tien-sy-la-it/382573.vnp

2. Bích Lan (2016). Học viện Khoa học Xã hội lên tiếng về "Lò sản xuất tiến sĩ", truy cập từ http://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/hoc-vien-khoa-hoc-xa-hoi-len-tieng-ve-lo-san-xuat-tien-si-503165.vov