Đề án Quy hoạch chung xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến 2030 và tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ tháng 7/2011. Hiện các địa phương trong vùng Thủ đô đã bước đầu triển khai thực hiện đồ án, trong đó nhiều dự án quy mô lớn.

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được về phát triển hạ tầng, giao thông, nhà ở… công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng Thủ đô vẫn còn không ít hạn chế, bất cập trong đó nổi bật là việc cụ thể hoá quy hoạch còn chậm, còn thiếu nhiều quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch phân khu, chi tiết.
Cùng với đó là sự phát triển thiếu bền vững trong mô hình phát triển đô thị, khu công nghiệp, thiếu đồng bộ, thiếu tính kết nối, chưa có kế hoạch, chưa cân đối các nguồn lực thực hiện theo từng giai đoạn, dẫn đến lãng phí các nguồn lực nhất là đất đai, tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản, gây bức xúc trong dư luận. như việc liên kết chia sẻ các chức năng vùng còn chưa rõ ràng; các khu công nghiệp tập trung nhiều ở các cửa ngõ vào Thủ đô Hà Nội; các dự án khu đại học tập trung, các khu đô thị quy mô lớn… cần được xem xét, đảm bảo phù hợp hơn với thực tiễn phát triển; công tác phối hợp giữa các tỉnh, thành phố với các bộ, ngành còn nhiều lúng túng, chưa tạo được sự gắn kết giữa các tỉnh, thành phố trong nội vùng…
Đồng thời, các định hướng, chiến lược phát triển mới trong vùng Thủ đô theo các nghị quyết của Trung ương, các định hướng phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành phố trong vùng cần thiết phải được cập nhật trong đồ án điều chỉnh quy hoạch nhằm đảm bảo tính thời sự phục vụ phát triển vùng.

Do đó, việc điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 là cần thiết.

Phạm vi Vùng Thủ đô Hà Nội gồm toàn bộ ranh giới của Thủ đô Hà Nội và 9 tỉnh xung quanh


Mục tiêu hướng tới là đáp ứng các yêu cầu phát triển, công tác quản lý quy hoạch và đầu tư xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội có sự phân công, hợp tác, chia sẻ và liên kết giữa các địa phương trong Vùng; đảm bảo phân bổ nguồn lực quốc gia có hiệu quả; hạn chế những mặt trái của quá trình đô thị hóa đến môi trường sống, tác động của biến đổi khí hậu nhằm xây dựng Vùng phát triển thịnh vượng và có môi trường bền vững.

Đồng thời, đáp ứng nhu cầu xây dựng đồng bộ và hiện đại hệ thống mạng lưới hạ tầng kỹ thuật và xã hội của Vùng, tạo điều kiện cho các đô thị tiếp tục phát huy vai trò là những hạt nhân tạo động lực thúc đẩy phát triển cho các khu vực xung quanh về kinh tế, văn hóa - xã hội; phát triển cân bằng giữa đô thị và nông thôn; bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Việc điều chỉnh quy hoạch cũng làm cơ sở cho lập và điều chỉnh các quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, vùng dọc tuyến đường vành đai, cao tốc liên tỉnh, các vùng và khu chức năng đặc thù, quy hoạch chung các đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn mới và các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật; là cơ sở lập dữ liệu phục vụ công tác quản lý, đề xuất cơ chế chính sách và mô hình quản lý Vùng.

Phạm vi Vùng Thủ đô Hà Nội gồm toàn bộ ranh giới của Thủ đô Hà Nội và 9 tỉnh xung quanh là Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang (trong đó Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang là 3 tỉnh được mở rộng so với Quyết định số 490/2008/QĐ-TTg ngày 5/5/2008 của Thủ tướng Chính phủ). Tổng diện tích toàn vùng khoảng 24.314,7 km2.

Trên cơ sở vị trí, vai trò, điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội, các tỉnh trong Vùng tạo thành các mối liên kết với những đặc trưng và lợi thế riêng, chia sẻ chức năng, hỗ trợ phát triển để khai thác tối đa và hiệu quả các tiềm năng, động lực của các địa phương trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của từng tỉnh và toàn Vùng.

Thủ đô Hà Nội, tỉnh Vĩnh Phúc và Bắc Ninh, là các địa phương có tốc độ và tỉ lệ đô thị hóa cao; có vị trí trung tâm của toàn Vùng trên cơ sở vị thế của Thủ đô Hà Nội với các vai trò quan trọng trong các lĩnh vực của quốc gia, trong đó nổi bật là các thế mạnh về công nghiệp, đào tạo, nguồn nhân lực và các điều kiện hạ tầng; các chức năng cấp vùng, quốc gia và quốc tế được tăng cường thông qua việc thiết lập các trung tâm tài chính - thương mại, nghiên cứu - phát minh khoa học, hội nghị hội thảo, thể dục thể thao, không gian di sản và du lịch quốc tế…

Trong đó, Hà Nội với vị thế Thủ đô, trung tâm đầu não chính trị, hành chính của quốc gia; là trung tâm văn hóa, giáo dục đào tạo và khoa học kỹ thuật quan trọng của cả nước; là một trong những trung tâm kinh tế, du lịch, thương mại, dịch vụ của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Phát huy vai trò là trung tâm động lực chính, đầu mối liên kết quản lý, kinh doanh, nghiên cứu và phát triển kinh tế - xã hội, tập trung hình thành các trung tâm thương mại tài chính lớn của quốc gia (Trung tâm tài chính Bắc Sông Hồng; Trung tâm hội chợ; Trung tâm hành chính, thương mại, văn hóa Tây Hồ Tây…), các khu nghiên cứu - đào tạo công nghệ cao (Khu công nghệ cao Hòa Lạc; Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc…); Trung tâm văn hoá - lịch sử lớn (Hoàng Thành Thăng Long; Vườn Quốc gia Ba Vì…); đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa của Thủ đô khoảng từ 65 - 70%.

Các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên và Hà Nam, là các tỉnh thuộc Đông Nam đồng bằng sông Hồng. Phát huy các lợi thế tiếp cận cửa ngõ và hệ thống giao thông hướng biển (hành lang Hà Nội - Phố Nối - Hải Dương - Hải Phòng), tam giác kinh tế phía Nam Hà Nội (Hưng Yên - Đồng Văn - Phủ Lý); phát triển các dịch vụ công nghiệp - đô thị kết nối trung tâm Vùng Thủ đô Hà Nội với cửa ngõ kinh tế biển; phát triển các khu công nghiệp sạch, công nghiệp hỗ trợ, logistics, trung tâm thương mại, y tế, đào tạo, thể dục thể thao, chế biến nông phẩm cấp vùng.

Các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang là các tỉnh trung du miền núi. Đây là vùng cửa ngõ chuyển tiếp giữa Vùng Thủ đô Hà Nội với Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc.

Trong đó, Hòa Bình đóng vai trò là vùng sinh thái, bảo vệ môi trường, đảm trách những chức năng chính về hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia, liên vùng (cấp điện, cấp nước, điều tiết lũ, bảo vệ nguồn nước...). Phú Thọ phát triển các vùng du lịch văn hóa di sản, du lịch sinh thái (Đền Hùng, Xuân Sơn)… Thái Nguyên phát triển về y tế, giáo dục đào tạo chất lượng cao cho Vùng Thủ đô Hà Nội và toàn quốc, du lịch quốc gia (hồ Núi Cốc, ATK…)... Bắc Giang là cửa ngõ xuất nhập khẩu, trung tâm tiếp vận - trung chuyển hàng hóa của Vùng Thủ đô Hà Nội với cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn), phát triển du lịch (Tây Yên Tử, Hồ Khuôn Thần, Hồ Cấm Sơn…), sản xuất các sản phẩm nông lâm nghiệp chất lượng cao tại các huyện phía Đông của tỉnh; là đầu mối kinh doanh - thương mại quan trọng của Vùng với các tỉnh Đông Bắc của Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc.../.