Nhiều vụ tai nạn, cháy nổ tàu du lịch xảy ra

Trong những năm gần đây, các vụ tai nạn, cháy nổ liên quan đến tàu du lịch ở Vịnh Hạ Long không hề ít, trong đó có nhiều vụ việc liên quan tới du khách nước ngoài với mức độ nghiêm trọng cao. Cụ thể như, vào tháng 2/2011, 12 du khách đến từ nhiều nước như Anh, Mỹ, Nga, Nhật, Pháp... đã thiệt mạng trong vụ tàu du lịch Trường Hải 06 QN 5198 bị chìm tại khu neo đậu tàu lưu trú khu vực đảo Ti Tốp; Vụ đâm tàu trên vịnh Hạ Long khiến 5 du khách Đài Loan thiệt mạng hồi đầu tháng 10/2012; vào tháng 4/2014, tàu QN 3736 của Công ty TNHH du lịch Cửu Long chở 17 du khách, trong đó có 15 khách quốc tế, đang trở về sau chuyến nghỉ đêm trên Vịnh thì bị cháy tại khu vực động Thiên Cung, cho dù tai nạn này không gây thiệt hại về người, nhưng đã gây hoảng loạn đối với du khách; 25/12/2015, tàu du lịch Hoa Phượng 02 (thuộc Công ty TNHH Hoa Phượng Đỏ) đang trên đường chở khách từ bến Gia Luận (TP. Hải Phòng) về bến tàu Bãi Cháy (TP. Hạ Long), khi đến khu vực giữa đảo Rều và động Thiên Cung, vịnh Hạ Long thì bất ngờ bị bốc cháy. Lúc này trên tàu có 5 thuyền viên, 1 phục vụ, 19 du khách (17 người nước ngoài) và 2 hướng dẫn viên, rất may, không có thiệt hại về người.

Mới đây nhất, vào trưa 6/5/2016, tàu du lịch Aphrodite (QN-6299) thuộc Công ty TNHH MTV Dịch vụ du lịch VIT Hạ Long tự nhiên bốc cháy và chìm, khiến 37 du khách (36 người nước ngoài) phải nhảy xuống biển thoát thân. Mặc dù không thiệt hại về người, nhưng cũng có 4 du khách (trong đó có 3 người nước ngoài) bị thương, phải nhập viện.

Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ninh, hiện có 534 tàu du lịch, trong đó có 202 tàu lưu trú qua đêm và 332 tàu phục vụ tham quan theo tiếng (tàu tiếng). Theo tính toán của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ninh, hiện đội tàu lưu trú qua đêm trên Vịnh chỉ hoạt động khoảng 50% công suất, trong khi tàu tiếng chỉ sử dụng hết khoảng 42% công suất. Như vậy, với đà tăng trưởng khách như hiện nay, theo tính toán phải tới năm 2025, 534 con tàu trên mới hoạt động hết công suất. Thực tế để giành khách, các chủ tàu đua nhau đại hạ giá và thả nổi dịch vụ, khiến hình ảnh du lịch vịnh Hạ Long trở nên xấu xí trong mắt không ít du khách. Đáng lo ngại trong 7 năm qua xảy ra 20 vụ tai nạn liên quan đến tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, khiến 22 du khách (trong đó chủ yếu là khách nước ngoài) thiệt mạng.

Du khách hoảng sợ nhảy khỏi tàu du lịch Aphrodite (QN-6299) ở Quảng Ninh hôm 6/5/2016

Nguyên nhân có phải từ niên hạn tàu gỗ?

Theo xác định của các cơ quan chức năng, nguyên nhân chính của các vụ cháy tàu chủ yếu là tàu xuống cấp, chắp vá, trong đó có những lỗi khó chấp nhận, như: rồ ga mạnh, dây điện không chịu nổi nên cháy và gây hỏa hoạn cho tàu. Theo ông Vũ Văn Hợp - Chánh văn phòng, kiêm người phát ngôn của UBND tỉnh Quảng Ninh, hầu hết các tàu gỗ đang hoạt động trên vịnh Hạ Long đều được đóng theo kiểu truyền thống, tự phát, không theo một quy chuẩn nào. Nếu không siết chặt, tai họa có thể tái diễn.

Về vấn đề này, Đại tá Vũ Văn Dương (Phó giám đốc Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy tỉnh Quảng Ninh) cho rằng: “Nguyên nhân thường liên quan đến chập điện hoặc sử dụng khí dầu mỏ hóa lỏng (gas) trong nấu ăn; cũng không loại trừ ý thức trách nhiệm của khách du lịch và cán bộ nhân viên khi hút thuốc và lơ là trong phòng chống cháy nổ”.

Theo Đại tá Dương, do tàu hoàn toàn làm bằng gỗ, trên tàu lại có nhiều chất dễ cháy và không trang bị hệ thống chữa cháy tự động nên khi gặp lửa, đám cháy bùng phát rất lớn, khó kiểm soát. Mặc dù, lực lượng thuyền viên trên tàu được khẳng định hoàn toàn đủ tiêu chuẩn nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy tại chỗ.

Để hạn chế tình trạng này, ngày 24/12/2015, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành văn bản số 4088/2015/QĐ-UBND quy định tạm thời về quản lý hoạt động tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long. Theo đó, Quyết định nêu rõ quy định về tuổi tàu vỏ gỗ hoạt động đủ 15 năm kể từ khi cấp đăng kiểm đóng mới và tàu vỏ sắt hoạt động đủ 25 năm kể từ khi cấp đăng kiểm đóng mới không được vận chuyển khách du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long.

Quy định này của UBND tỉnh Quảng Ninh đã gặp phải nhiều phản ứng của doanh nghiệp, chủ tàu bởi theo Nghị định số 111/2014/NĐ-CP, ngày 20/11/2014 của Chính phủ, quy định niên hạn sử dụng của phương tiện thủy nội địa là tàu khách không phải tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, khách sạn nổi, nhà hàng nổi, tàu cao tốc, tàu đệm khí đối với tàu vỏ gỗ không quá 25 năm, vỏ kim loại không quá 30 năm.

Cục Kiểm tra văn bản quy phạm (Bộ Tư pháp) cũng đã ra thông báo “tuýt còi” về một số quy định trong Quyết định số 4088/QĐ-UBND ban hành quy định tạm thời về quản lý hoạt động tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long. Cụ thể là, Quyết định số 4088/QĐ-UBND do UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành có một số nội dung không đúng thẩm quyền, trái với quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Đầu tư 2014, Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004... Trong đó, nhiều nội dung có dấu hiệu trái pháp luật như quy định về niên hạn tàu, vật liệu đóng tàu trái với quy định của Nghị định số 111/2014/NĐ-CP của Chính Phủ ban hành ngày 20/11/2014; Thông tư số 43/2012/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải.

Tuy nhiên, vẫn giữ quan điểm giảm niên hạn tàu vỏ gỗ du lịch nhằm đảm bảo an toàn cho du khách, giữ hình ảnh đẹp về du lịch Quảng Ninh, ông Vũ Văn Khánh - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Quảng Ninh cho biết, sắp tới, UBND tỉnh Quảng Ninh sẽ làm việc với Bộ Giao thông Vận tải, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm (Bộ Tư pháp) để báo cáo Chính phủ cho phép thực hiện quy định niên hạn hoạt động của tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, Bái Tử Long như Quyết định 4088.

Hiện trong 534 con tàu có tới gần 200 tàu ngấp nghé ngưỡng 15 năm hoạt động. Nghĩa là sẽ có từng đó con tàu bị “khai tử” nếu nội dung Quyết định 4088 của tỉnh Quảng Ninh được Thủ tướng chấp thuận.

Khẩn trương rà soát, kiểm tra chất lượng tàu du lịch

Mặc dù mỗi vụ tai nạn, cháy nổ xảy ra đều có những nguyên nhân khác nhau, nhưng có thể thấy một số điểm chung, đó là: Nếu như các vụ đắm tàu, chìm tàu chủ yếu xảy ra do những yếu tố thời tiết cực đoan diễn biến bất thường, do những tác động của biến đổi khí hậu, tức là do yếu tố khách quan, thì với những tai nạn cháy nổ, phần lớn lại do nguyên nhân chủ quan và sự mất an toàn từ những nguyên nhân này rất khó chấp nhận đối với khách du lịch.

Nhận thức được điều này, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh cũng đã liên tục chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra lại điều kiện đảm bảo an toàn cháy nổ của các tàu du lịch đang hoạt động du lịch trên Vịnh Hạ Long, đặc biệt là các tàu vỏ gỗ; kiên quyết dừng hoạt động của các tàu không đảm bảo an toàn theo quy định. Yếu tố phòng cháy được đặt lên hàng đầu, song nguy cơ cháy nổ, đặc biệt trên tàu vỏ gỗ thực sự rất khó lường do chập điện, đun nấu, thậm chí chỉ là từ sự sơ xuất nhỏ của du khách hoặc thuyền viên.

Một thực tế nữa có thể thấy rõ, đó là mặc dù việc trang bị hệ thống phòng cháy chữa cháy trên tàu đã là bắt buộc, các thuyền viên trên tàu cũng được tập huấn, trang bị đủ kiến thức về phòng cháy chữa cháy, nhưng khi xuất hiện cháy, hầu hết những người có mặt trên tàu từ khách du lịch đến thuyền viên đều tìm cách thoát thân chứ không đủ bình tĩnh để vận hành các thiết bị chữa cháy.

Được biết, nhằm đảm bảo an toàn tối đa cho du khách và thuyền viên, vấn đề chữa cháy tự động đã được UBND Tỉnh xét đến, cụ thể tại Quy định tạm thời về quản lý hoạt động tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long đã nêu rõ: Đối với tàu đóng mới, phải trang bị hệ thống chữa cháy tự động hoặc bán tự động cho buồng máy của tàu. Đối với tàu lưu trú, đóng mới phải trang bị hệ thống chữa cháy tự động hoặc bán tự động bằng nước và tối thiểu 01 bình bột MFZ4 hoặc MFZ2 (ABC) cho các phòng ngủ của tàu. Kể cả đối với tàu sửa chữa lớn (chu kỳ kiểm tra 5 năm), bộ phận tham mưu cũng đề xuất phải trang bị, tuy nhiên các chủ tàu đề xuất chưa thực hiện do gặp khó khăn trong việc lắp đặt. Quan điểm của Tỉnh là chi phí hay những khó khăn kỹ thuật trong việc lắp đặt đều có thể giải quyết và khắc phục được, song việc đảm bảo an toàn cho du khách là vấn đề quan trọng nhất, là trách nhiệm mà cơ quan chức năng và chủ tàu du lịch luôn phải đặt lên hàng đầu. Cùng với đó, chủ trương giảm dần tàu vỏ gỗ của tỉnh Quảng Ninh cũng là một trong những giải pháp hiệu quả nhằm giảm nguy cơ cháy nổ, cũng như những nguy cơ tiềm ẩn khác đối với tàu du lịch, với mục tiêu cuối cùng là đảm bảo an toàn cho du khách, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.

Có thể thấy, các giải pháp của Tỉnh chưa thực sự hiệu quả khi mà các vụ cháy nổ vẫn có nguy cơ xảy ra hàng ngày.

Trước tình trạng đó, mới đây Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo tỉnh Quảng Ninh cần khẩn trương rà soát, kiểm tra chất lượng và điều kiện bảo đảm an toàn phòng, chống cháy nổ; tăng cường công tác giám sát, quản lý nhà nước đối với tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng nhấn mạnh, cần kịp thời chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh tàu du lịch vận chuyển tham quan, lưu trú trên vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long, bảo đảm an toàn về tính mạng và tài sản cho khách du lịch tại khu vực Di sản thế giới - Kỳ quan thiên nhiên vịnh Hạ Long.

Hi vọng, cùng với sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng, tình trạng tai nạn, cháy nổ tại các tàu du lịch ở Quảng Ninh sẽ sớm được giải quyết, trả lại hình ảnh đẹp về một nơi du lịch đẹp, an toàn trong mắt du khách trong và ngoài nước./.

Một kinh nghiệm của TP. Hồ Chí Minh về việc giải quyết tình trạng cháy tàu du lịch. Cụ thể, một vụ cháy đã xảy ra với tàu Vina Express chở 92 người bao gồm 85 hành khách (trong đó có 37 hành khách nước ngoài) và 7 thuyền viên vào đầu năm 2014 khi đang trên đường từ Thành phố ra Vũng Tàu. Dù vụ cháy không gây thiệt hại về người, chính quyền Thành phố ngay sau đó một ngày đã có công văn khẩn yêu cầu Cảng vụ đường thủy nội địa TP. Hồ Chí Minh tạm dừng hoạt động tất cả các tàu cánh ngầm của các hãng để kiểm tra điều kiện an toàn và sau gần 1 năm kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động thì tàu cánh ngầm mới được hoạt động trở lại.

Nguồn tham khảo:

1. Phương Nhi (2016). Tăng cường quản lý tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, truy cập từ http://baochinhphu.vn/Hoat-dong-dia-phuong/Tang-cuong-quan-ly-tau-du-lich-tren-vinh-Ha-Long/253822.vgp

2. Lê Diệu Linh (2016). Tăng cường quản lý hoạt động tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, truy cập từ http://www.quangninh.gov.vn/vi-VN/Trang/tin%20chi%20tiet.aspx?newsid=28814&cid=13;&dt=06-05-2016

3. Hải Ninh (2016). Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo rà soạt quyết định trái luật, truy cập từ http://kienthuc.net.vn/doc-30s/chu-tich-tinh-quang-ninh-chi-dao-ra-soat-quyet-dinh-trai-luat-656455.html