TS. Nguyễn Đình Cung phát biểu khai mạc

2 năm thực hiện vẫn chung một vấn đề cũ

Là người soạn thảo cũng như tham gia Nghị quyết 19 từ đầu, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương chia sẻ, đến nay, đã 3 lần ban hành nghị quyết, cảm nhận chung là chưa tích cực, dù được đánh giá là cần thiết và doanh nghiệp rất kỳ vọng vào những tác động tích cực của

Điển hình như Chỉ số thông quan qua biên giới, dù được tính toán là có thể tiết kiệm hàng tỷ USD một ngày chi phí cho doanh nghiệp, nhưng cũng chưa có được bước tiến. Do chỉ số này liên quan nhiều bộ, nhưng phần lớn các bộ rất trì trệ trong việc phối hợp với Bộ Tài chính trong triển khai chỉ số này.

Ví dụ 1 cửa quốc gia, mặc dù có kết nối các bộ, nhưng tới nay mới có 2-3 thủ tục kết nối trong 100 thủ tục.

“Các bộ chỉ thực hiện thủ tục ít ảnh hưởng quyền lợi bộ mình. Còn những thủ tục tác động tích cực được các doanh nghiệp trông mong lại chưa thực hiện kết nối”, ông Cung thẳng thắn.

Vì thế, ông đề nghị kết nối cách thực chất không nên hình thức để báo cáo bao nhiêu thủ tục được kết nối.

Doanh nghiệp đang gặp rất nhiều vướng mắc

Được mời phát biểu đầu tiên ngay sau báo cáo tổng kết việc thực hiện 2 nghị quyết 19 (2014-2015), Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, hiện số lượng lô hàng xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành là cực kỳ lớn.

“Hiện Việt Nam mỗi năm có khoảng 8,4 triệu lô hàng nhập khẩu, tỷ lệ kiểm tra là khoảng 30%-35%, tức là gần 3 triệu lô hàng phải kiểm tra”, vị thứ trưởng này cung cấp thêm thông tin.

Vì thế, “Nghị quyết 19 của Chính phủ đã đặt mục tiêu tới cuối năm nay, phải giảm tỷ lệ kiểm tra xuống còn khoảng 15%”, ông Tuấn cho biết.

Phản ánh thực tế vướng mắc của doanh nghiệp, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho hay, về mặt thủ tục, thời gian kiểm tra chuyên ngành với hàng nhập khẩu vẫn kéo rất dài. Điển hình như thủ tục hun trùng cho bông vải nhập khẩu mất khoảng 10-15 ngày. Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã tổng hợp, kiến nghị nhiều lần với các cơ quan liên quan, song theo phản ánh của doanh nghiệp thì tình trạng này vẫn đang tồn tại.

Dẫn ví dụ là Thông tư 37 năm 2015 của Bộ Công Thương sửa Thông tư 32 năm 2009 về kiểm tra formaldehyt cho vải, sản phẩm dệt may, ông Trương Văn Cẩm khẳng định Thông tư này vẫn gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Chi phí giám định hàm lượng formaldehyt là 2 triệu đồng mỗi mẫu vải. Thậm chí đối với các lô hàng nhập khẩu về làm mẫu theo hình thức chuyển phát nhanh, có khi chỉ có 5-10 mét vải, doanh nghiệp vẫn phải kiểm định hàm lượng formaldehyt và chi phí vẫn như vậy.

“Bộ Công Thương đã có công văn giải thích nhưng khi Thông tư không rõ ràng thì công văn giải thích cũng chưa đạt mà phải sửa đổi Thông tư đó, quy rõ các trường hợp miễn kiểm tra, vì các Nghị nguyết 19 đều ghi rõ việc kiểm tra chuyên ngành phải chuyển căn bản sang hậu kiểm và tăng cường diện miễn kiểm tra. Thực hiện Thông tư 37 thì hầu hết các lô hàng đều phải kiểm tra”, ông Cẩm nói rõ.

Bình luận thêm về vấn đề này, TS. Nguyễn Đình Cung nhận định Thông tư 37 không bám theo Nghị quyết 19 của Chính phủ, phần nhiều không lắng nghe doanh nghiệp.

“Fomadehy là vấn đề kéo dài nhiều năm. Tôi đã từng thấy một doanh nghiệp phát khóc tại một hội thảo và nói rằng đây sẽ là lần cuối cùng họ kiến nghị, vì đã kiến nghị quá nhiều. Hy vọng tân Bộ trưởng Công Thương sẽ giải quyết rốt ráo vấn đề này”, ông Cung mong mỏi.

Tập trung nhiều hơn vào vấn đề thủ tục hành chính, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Thủy sản Việt Nam cho biết, nhiều vướng mắc trong Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT về kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu đã được các doanh nghiệp kiến nghị 2 năm qua, nhiều điểm đã được Bộ và các vụ, cục ghi nhận, nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Tương tự là vấn đề công bố hợp quy và dán nhãn sản phẩm. Theo ông Nam, hơn 80% nguyên liệu thủy sản nhập khẩu là để sản xuất xuất khẩu, chứ không tiêu thụ trong nước.

“Doanh nghiệp thủy sản phần lớn ở miền Nam, nhưng cứ phải ra Hà Nội để làm thủ tục này, vòng vèo mất hàng tháng trời, trong khi về mặt an tòan thực phẩm là có thể bỏ thủ tục này, ông Nam làm rõ thêm.

Cũng liên quan đến dệt may, ông Nguyễn Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam cho biết năm 2015 Việt Nam nhập khẩu khoảng 1 triệu tấn bông, tương đương khoảng 50 nghìn container, trong đó khoảng 18 nghìn container bị lấy mẫu kiểm dịch. Với chi phí khoảng 1 triệu đồng cho mỗi mẫu 0,5kg bông, các doanh nghiệp mất khoảng 18 tỷ đồng cho kiểm dịch.

“Đó là chưa kể tới hàng nghìn người, xe cộ phải ra cảng, xin kiểm dịch rồi chầu chực lấy kết quả, ít nhất là 2,5 ngày, thường thì từ 7 đến 8 ngày. Gây gánh nặng rất lớn cho doanh nghiệp trong thông quan, trong khi kiểm tra bao năm nay không phát hiện ra nguy cơ nào. Không hiểu sao chúng ta vẫn duy trì thủ tục này”, ông Sơn băn khoăn.

Còn bà Nguyễn Ánh Tuyết, Công ty TNHH Ford Việt Nam thì than về hàng loạt thông tư của các bộ liên quan đến việc nhập khẩu ô tô, từ Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an tới Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch…

Chốt lại vấn đề, TS. Nguyễn Đình Cung chua xót: “Điều này cho thấy, khó khăn chính đến từ quy định của các của các bộ. Vì thế, nếu các bộ trưởng không thay đổi, thì khó giải quyết được vấn đề”.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà phát biểu kết luận Hội nghị

Cần minh bạch và chính phủ điện tử

“Qua 2 năm thực hiện Nghị quyết 19, kinh nghiệm thành công cũng có, kinh nghiệm cho thấy hiệu lực thực thi chưa cao cũng có. Các nhiệm vụ được giao rất cụ thể, nhưng các ý kiến tại hội nghị hôm nay có nói cơ chế giám sát chưa đủ mạnh”, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, ông Lê Mạnh Hà nhận định sau gần 4 tiếng đồng hồ lắng nghe các ý kiến trên cương vị chủ trì Hội nghị.

Vì thế, theo ông Lê Mạnh Hà, trước hết, muốn tăng cường giám sát để thúc đẩy công khai, minh bạch, thì công cụ cực kỳ quan trọng là xây dựng Chính phủ điện tử theo Nghị quyết 36a.

“Nếu không thì sẽ không bao giờ có công cụ để người dân và doanh nghiệp giám sát và nếu không có giám sát thì bao giờ cũng có tiêu cực, nhũng nhiễu”, ông Lê Mạnh Hà nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Nghị quyết 35 yêu cầu các Bộ ngành, địa phương mở một chuyên mục về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên trang thông tin điện tử, công khai kết quả giải quyết kiến nghị, khiếu nại của doanh nghiệp trên trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị mình, nếu không giải quyết thì phải nói rõ tại sao.

Nghị quyết 19 năm 2016 có nhiều điểm mới, đó là được thiết kế có giao nhiệm vụ cụ thể hơn cho Văn phòng Chính phủ. Cụ thể là chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Đoàn kiểm tra, giám sát của Chính phủ và tổng hợp báo cáo Chính phủ tại các phiên họp thường kỳ tháng cuối quý. Đồng thời mở diễn đàn tiếp nhận các ý kiến phản biện chính sách của doanh nghiệp và người dân tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.

Đây được coi là một giải pháp quan trọng nhằm thay đổi “lỗi” của các phiên bản Nghị quyết 19 trước, đó là tính thực thi yếu.

Cũng liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát, hàng quý Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp sẽ giao ban về tình hình triển khai Nghị quyết số 35 và Nghị quyết số 19. “Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để báo cáo tại các phiên họp Chính phủ”, Phó Chủ nhiệm Lê Mạnh Hà nói./.