Tại cuộc Đối thoại chính sách do Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngày 27/5/2016, những khó khăn, thách thức trong thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu nhà nước được lần giở.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông (trái) chủ trì cuộc đối thoại

Lãng phí, thất thoát nhiều, mà chưa thấy ai phải chịu trách nhiệm

Nhà nước đang đầu tư một khối lượng rất lớn vốn và tài sản sở hữu toàn dân vào sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp. Số liệu của 781 doanh nghiệp 100% sử hữu Nhà nước năm 2014: tổng tài sản 3.105 nghìn tỷ đồng (trong đó, Tập đoàn, Tổng công ty và công ty mẹ -con chiếm 90%).

Vốn chủ sở hữu 1.233 nghìn tỷ đồng (tập đoàn chiếm: 65%, tổng công ty: 25,2%, khối công ty mẹ con chiếm 2,3%). Nếu tính toàn bộ các doanh nghiệp có 100% và trên 50% sở hữu Nhà nước thì tổng nguồn vốn kinh doanh hay tổng tài sản lên đến 5.408 nghìn tỷ đồng.

Thay mặt nhóm nghiên cứu, ông Phạm Quốc Trung, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Doanh nghiệp, CIEM cho biết, quá khứ đã cho thấy thất thoát, lãng phí, kém hiệu quả, thậm chí tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật là do quản lý, giám sát của chủ sở hữu nhà nước không tốt, không rõ trách nhiệm.

Làm rõ hơn nhận định trên, Viện trưởng CIEM, TS. Nguyễn Đình Cung băn khoăn, hiện nay đang có nhiều thứ làm hao mòn tài sản công công, làm nghèo quốc gia hơn là tăng thịnh vượng, thế nhưng chưa thấy ai chịu trách nhiệm.

“Báo chí nêu rất nhiều, chúng ta đều nghe, nào là sơ sợi Đình Vũ, phân đạm Ninh Bình, gang thép Thái Nguyên, ethanol Phú Thọ và nhiều nơi khác... Còn trước là vinashin... Đó là hiện tượng, nhưng khá phổ biến. Điều tôi nhấn mạnh là như vậy, nhưng không thấy ai chịu trách nhiệm. chứng nào chưa quy được trách nhiệm cho ai, thì chừng đó chưa thể đẩy lùi xu thế này”, ông Cung chua xót.

Phải thành lập cơ quan chuyên trách

Một nguyên nhân khiến các hiện tượng trên trở nên khá phổ biến, theo nghiên cứu của CIEM đó là do pháp luật hiện hành về quản lý – giám sát quản trị DNNN còn thiếu hoặc quy định chưa đủ rõ, chưa cụ thể ở một số nội dung.

Hiện nay, tổ chức bộ máy, cách thức, hình thức thực hiện chức năng chủ sở hữu trong nội bộ các cơ quan đại diện chủ sở hữu chưa có pháp luật điều chỉnh nên đang được thực hiện hết sức khác nhau.

Ông Phạm Quốc Trung chỉ rõ, thực tế, những năm qua, việc quản lý vốn nhà nước đã có những bước biết. Tuy nhiên, cho dù đã cải cách, thì cơ quan quản lý nhà nước vẫn được giao chức năng đại diện chủ sở hữu.

“Việc này làm thiên lệch quan hệ cạnh tranh với các đối tượng khác trong thị trường. Bởi, DNNN có trên 5 triệu tỷ đồng và các lợi thế khác, trong khi các doanh nghiệp khác, thì bé tý và đầy khó khăn...”, vị phó ban của CIEM nhấn mạnh.

Điều đáng nói là sử dụng bộ máy quản lý hành chính nhà nước để quản lý kinh doanh đã dẫn đến nhiều hệ lụy.

“Chúng tôi quan sát đa số việc đưa nhân sự dù rất giỏi trong quản lý nhà nước tới doanh nghiệp, thì không thành công. Hành chính khác kinh doanh nên có tình trạng này. Vì thế, cần độc lập và chuyên trách”, ông Trung phân tích.

Đã vậy, theo nghiên cứu của CIEM, ở góc độ từ dưới nhìn lên, thì tương đối tập trung, nhưng về mặt thể chế lại tương đối phân tán trong vấn đề chủ sở hữu. Cụ thể, Thủ tướng có 5 thẩm quyền quyết định, 2 thẩm quyền phê duyệt. để thủ tướng thực hiện các quyền này, thì cũng cần hàng loạt các ý kiến từ các bộ ngành liên quan...

Để khắc phục những yếu điểm trên, ông Trung cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chịu trách nhiệm xây dựng Dự thảo nghị định mới về cơ quan đại diện chủ sở hữu theo hướng với tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn, sẽ chuyển từ bộ quản lý ngành như hiện nay về một cơ quan chuyên trách.

Các DNNN kinh doanh khác chuyển về tổng công ty đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

Doanh nghiệp nhà nước địa phương, công ích, quốc phòng, an ninh vẫn do uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, bộ quản lý ngành, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an làm đại diện chủ sở hữu như hiện nay.

Về cơ cấu tổ chức của cơ quan đại diện chủ sở hữu, quan điểm của CIEM là Chính phủ thực thành lập cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với DNNN và phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp phù hợp với quy định pháp luật và lộ trình tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước đến năm 2020.

Đây là cơ quan thuộc Chính phủ, có tên gọi dự kiến là uỷ ban đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, ông Trung cho biết.

Thực tế, việc đề xuất xóa bỏ bộ chủ quản cũng không mới. Theo TS. Nguyễn Đình Cung, thành lập cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước là câu chuyện đã được bàn nhiều năm ở nhiều cấp từ bên Đảng cho đến chính quyền.

Mặc dù, thực tiễn đã chứng minh là để cải thiện quản trị doanh nghiệp nhà nước cần có cơ quan chuyên trách độc lập thực hiện quyền chủ sở hữu tách khỏi chức năng quản lý nhà nước, nhưng từ thực tiễn đến hoạch định chính sách có khoảng cách.

“Ở Việt Nam, khoảng cách này có thể đến vài chục năm”, ông Cung nói.

Không có chuyện bàn lùi!

Trích dẫn nghị quyết Đaị hội Đảng 12 là tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước và chức năng quản lý Nhà nước; Sớm xoá bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước của các bộ, UBND đối với vốn, tài sản Nhà nước tại các doanh nghiệp; Thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp Nhà nước, Thứ trưởng Đặng Huy Đông khẳng định, để đưa vào nghị quyết nội dung này thì đã qua nhiều vòng thảo luận, nên giờ không phải lúc bàn chủ trương, mà là bàn cách làm thế nào.
Thứ trưởng Đặng Huy Đông nhấn mạnh, thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN, đồng nghĩa với việc xóa bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu của các bộ.

Vì thế, việc tổ chức đối thoại là để nhận diện khó khăn, thuận lợi khi thực hiện việc này, bàn cách làm chứ không phải bàn lại về chủ trương, “không có chuyện bàn lùi”.

“Nước đã đến chân rồi, đừng hy vọng vài tiếng nói lạc lõng không đủ thuyết phục của cơ quan chủ quản mà có thể thay đổi được chủ trương đó”, Thứ trưởng Đông mạnh mẽ.

Thông điệp ông muốn qua đại diện các doanh nghiệp lớn của Nhà nước có mặt tại cuộc đối thoại gửi đến lãnh đạo các doanh nghiệp này, là hãy bàn thật nghiêm túc, thật sâu, thật kỹ, để góp ý vào dự thảo nghị định về cơ quan đại diện chủ sở hữu mà ông đang là trưởng ban soạn thảo còn CIEM là cơ quan thường trực.

Về mô hình tổ chức, cần xác định cơ quan này có thuộc Chính phủ hay không, về thẩm quyền, cần xác định cơ quan này có phải cơ quan ngang bộ hay không, Thứ trưởng Đông tán thành hướng đề xuất của CIEM.

Bởi, theo Thứ trưởng, cơ quan này cần thuộc Chính phủ mới đủ tầm để quản lý lượng vốn và tài sản khổng lồ của nhà nước, đều lên đến hàng triệu tỷ, chiếm hơn 1/3 GDP của cả nước.

“Con số tài sản gần đây nhất mà tôi nhận được bao gồm cả doanh nghiệp và và ngân hàng thương mại thì tài sản là 5 triệu tỷ, gấp hai lần GDP, nợ cũng khổng lồ, lên đến 1,3 triệu tỷ. Toàn là triệu tỷ cả, không phải nhỏ, vì thế, tầm của cơ quan đại diện chủ sở hữu phải xứng đáng”, Thứ trưởng Đông khẳng định.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Đông cũng nhấn mạnh, điều đó không có nghĩa cứ điều cán bộ nào thật to về nắm cơ quan đó là làm được. Vấn đề này do cách xác định chức năng quyền hạn của cơ quan này quyết định./.