Lạm dụng bản sao chứng thực

Thống kê cho thấy, hàng năm cả nước có khoảng 100 triệu bản sao có chứng thực được thực hiện. Đây là sự lãng phí, tốn kém tiền của của người dân, của xã hội.

Theo Nghị định 79/2007/NĐ-CP của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, thì khi thực hiện thủ tục hành chính, người dân có quyền lựa chọn, hoặc nộp bản sao được cấp từ sổ gốc và bản sao được chứng thực từ bản chính; hoặc nộp bản photocopy xuất trình kèm bản chính để công chứng, để người tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm tự kiểm tra, đối chiếu bản chụp photocopy với bản chính. Chính vì thông báo chưa đầy đủ dẫn đến hiện tượng lạm dụng bản sao chứng thực. Từ đó, tình trạng sử dụng bản sao có chứng thực đã vượt quá sự cần thiết, trở thành hiện tượng lạm giấy tờ chứng thực. Điều này vừa gây phiền hà, tốn kém cho người dân, lãng phí cho xã hội; vừa tạo áp lực quá tải cho UBND cấp xã, phòng tư pháp cấp huyện, nhất là vào mùa thi cử, tuyển sinh các cấp học.

Bên cạnh đó, khi người dân đã có bản sao chứng thực, thì không cần đối chiếu với bản chính, vì theo quy định bản sao đã có chứng thực được xem như bản chính, có giá trị sử dụng như bản chính. Tuy nhiên, chia sẻ về vấn đề này Bộ trưởng cũng nói thêm: “Do chất lượng chứng thực ở nước ta chưa thực sự tốt. Tình trạng tùy tiện trong chứng thực các bản sao vẫn còn, tình trạng giấy tờ giả trong xã hội chúng ta không phải là ít nên người tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính muốn chắc chắn (liên quan đến trách nhiệm sau này) nên họ có yêu cầu đối chiếu bản chính”.

Để kịp thời chấn chỉnh tình trạng này, ngày 20/6/2014 Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 17/CT-TTg về một số biện pháp chấn chỉnh tình trạng lạm dụng yêu cầu nộp bản sao có chứng thực đối với giấy tờ, văn bản khi thực hiện thủ tục hành chính. Chỉ thị đã giao cho Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện các nhóm nhiệm vụ chủ yếu và đều phải hoàn thành trước ngày 31/3/2015.

Chưa thống nhất trong quy trình

Theo quy định, khi người dân đã photocopy bản chính rồi để mang đến chứng thực, người dân có trách nhiệm xuất trình bản chính ra, người tiếp nhận hồ sơ phải tự kiểm tra đối chiếu với bản chính và có trách nhiệm phải ký xác thực chứng thực bản chụp đó phù hợp với bản chính, đó là trách nhiệm của nhà nước, trách nhiệm của công chức, viên chức cán bộ. Nếu yêu cầu người dân không chấp nhận bản photocopy do người dân mang đến, yêu cầu photocopy tại cơ quan mình về nguyên tắc là sai so với quy định.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng: “hiện nay tất cả các phòng tư pháp cấp huyện, đa phần các xã đều có máy photocopy, nên nếu người dân cần chứng thực bản sao, thì nên mang bản chính đến nơi công chứng và yêu cầu bộ phận tư pháp photocopy, sau đó chứng thực cho mình. Vừa thuận tiện cho người dân, vừa đảm bảo an toàn cho công tác chứng thực”.

Bên cạnh đó, do pháp luật hiện hành về chứng thực chưa quy định rõ ràng về văn bản song ngữ nên các UBND cấp xã thường không chứng thực văn bằng song ngữ. Điều này cũng gây khó khăn cho người dân khi phân loại giấy tờ văn bằng để đưa đến các cấp thực hiện công chứng.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ Tư pháp đã có công văn hướng dẫn chung cho các tỉnh về cách hiểu, nhận diện thế nào là “giấy tờ/văn bản song ngữ”. Theo đó, giấy tờ/văn bản song ngữ phải là giấy tờ/văn bản được thể hiện đầy đủ bằng hai ngôn ngữ. Thứ hai là do cơ quan thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc cơ quan thẩm quyền của nước ngoài có liên kết với tổ chức ở Việt Nam cấp.

Để căn cơ hơn, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng, đưa nội dung hướng dẫn này vào Nghị định mới của Chính phủ quy định vấn đề chứng thực bản sao./