Theo báo cáo, ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục được cải thiện, song tăng trưởng kinh tế vẫn ở mức khiêm tốn, thậm chí dưới mức tiềm năng.

Về mặt ổn định, có thể thấy tỷ lệ lạm phát của Việt Nam giảm đáng kể, từ 23% tháng 8/2011 xuống còn 8% vào tháng 6/2014. Hơn nữa, đã có sự cải thiện trong tài khoản đối ngoại và ổn định thị trường ngoại hối, tình hình nợ công cũng đang duy trì mức ổn định.

Tuy nhiên, thâm hụt tài khóa lại tăng lên khi chỉ tiêu bội chi ngân sách 4,8% GDP đã bị vượt 0,5 điểm phần trăm năm 2013, kết quả dự kiến cũng tương tự trong năm 2014. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng vẫn ở mức khiêm tốn và thấp hơn xu hướng dài hạn. Ước tính, GDP năm 2014 khoảng 5,4% và dự báo không vượt quá 5,5% trước năm 2016.

Báo cáo cho thấy, hiện đang tồn tại những rủi ro cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam, đó là: cầu khu vực tư nhân trong nước còn yếu và dễ bị ảnh hưởng, chậm tiến độ cải cách hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước cũng như sự căng thẳng kéo dài về tranh chấp lãnh thổ trong khu vực.

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận xét: “Tăng trưởng dự báo ở mức 5,4% vẫn cao hơn nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới, nhưng mức tăng trưởng đó vẫn chưa xứng với tiềm năng của Việt Nam”. Bà nhấn mạnh thêm: “Trong ngắn hạn, tăng trưởng kinh tế vẫn ở mức khiêm tốn do cầu trong nước còn yếu. Còn triển vọng dài hạn phụ thuộc vào việc Việt Nam có thể nhanh chóng giải quyết những vấn đề cơ cấu của nền kinh tế đến đâu để có thể nâng cao hiệu quả kinh tế và năng lực cạnh tranh của quốc gia”./.