Theo đó, trả lời câu hỏi của báo chí xoay quanh vấn đề Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) (Brexit) sẽ có tác động thế nào đến kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn và dài hạn, đặc biệt là vấn đề đầu tư, xuất - nhập khẩu giữa hai nước, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng cho biết, về ảnh hưởng của Brexit đối với Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có chỉ đạo nghiên cứu đánh giá tác động này đến nền kinh tế Việt Nam như thế nào.

TS. Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

Tuy nhiên, theo ông Lâm phân tích, hiện nay Anh đang trưng cầu dân ý, thời gian thực hiện có thể kéo dài đến vài năm. Bước đầu Tổng cục Thống kê chưa có đánh giá cụ thể, tuy vậy, Tổng cục Thống kê đang có nghiên cứu theo chỉ đạo từ Bộ trưởng để đánh giá tác động của Brexit trên những góc độ sau:

Thứ nhất, về lĩnh vực đầu tư, chúng tôi sẽ rà soát lại tất cả các dự án đầu tư mà Vương quốc Anh đầu tư tại Việt Nam. Nếu Anh thuộc Liên minh châu Âu (EU) thì chính sách liên quan đến đầu tư có lợi thế gì, và khi rút ra khỏi EU thì có lợi thế gì.

Thứ hai, về lĩnh vực xuất - nhập khẩu, khi Anh ở trong EU thì thuế suất thế nào, khi rời khỏi EU thì thuế suất thế nào. Tổng cục Thống kê sẽ nghiên cứu kỹ từng nhóm hàng xuất – nhập khẩu của Việt Nam và đánh giá tác động thế nào.

Đồng thời, TS. Nguyễn Bích Lâm cho rằng, đánh giá tác động của Brexit đối với Việt Nam vào thời điểm này là hơi sớm, nhưng mối quan hệ giữa Việt Nam với Anh trong đầu tư, hoạt động xuất nhập khẩu chiếm tỷ trọng không nhiều, nên trong thời gian ngắn trước mắt không tác động nhiều.

Cũng liên quan đến vấn đề này, dẫn lời chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu trên Báo điện tử VOV cho biết, tỷ trọng thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Anh quốc không nhiều so với các nền kinh tế khác, nên việc Anh quốc rời EU, xét riêng khía cạnh quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Anh quốc thì có thể không bị ảnh hưởng nhiều. Nhìn xa hơn trong trung hạn và dài hạn, điều này thậm chí còn mang lại lợi ích nhất định, tất nhiên cần lộ trình từ 1-2 năm sau khi Anh chính thức rời EU. Bởi vì khi đó, giữa Việt Nam và Anh quốc có thể có những thỏa thuận đơn phương, không lệ thuộc EU.

Tuy nhiên, xét rộng ra thì EU là đối tác xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Hoa Kỳ), nếu kinh tế EU suy yếu sau cú sốc này, có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và EU, nhất là nhiều dự báo rằng, việc Anh quốc rời EU thì làm cho kinh tế Anh quốc và kinh tế EU đều suy yếu.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Người lao động điện tử, ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương), nhấn mạnh dù còn cần đến 2 năm để nước Anh hoàn tất lộ trình rời khỏi EU - Brexit - nhưng chắc chắn thương mại của Việt Nam sẽ là một trong những lĩnh vực phải chịu nhiều áp lực nhất trước sự kiện này.

Đặc biệt, đối với mặt hàng tôm, tuy tỷ trọng không phải quá lớn nhưng về xếp hạng, Anh hiện đứng thứ 3 về tỉ trọng xuất khẩu của Việt Nam vào khối EU.

Chưa kể, phần lớn lượng hàng xuất khẩu đều là các mặt hàng chủ lực, như: thủy sản, nông sản, dệt may, da giày, gỗ, máy móc, thiết bị và phụ tùng; điện thoại và linh kiện các loại... Đặc biệt, Anh là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam trong khối EU và hiện là một trong số ít thị trường đơn lẻ nhập khẩu tôm của Việt Nam có mức tăng trưởng dương trong bối cảnh thị trường lớn EU, ASEAN… sụt giảm. Do vậy, không thể nói sự kiện nước Anh “chia tay” EU sẽ không tác động lớn tới thương mại Việt Nam.

Theo phân tích của Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu Đặng Hoàng Hải, có thể khi Anh rời EU sẽ vẫn duy trì mối liên kết như một liên minh hải quan, tức là vẫn giữ được việc thông quan bình thường, không có rào cản nào giữa Anh và các thị trường khác. Tuy nhiên, dù ở kịch bản lạc quan nhất thì thương mại của Việt Nam sẽ vẫn vướng thêm các rào cản mới.

Đáng lo ngại nhất, theo ông Đặng Hoàn Hải, đó là Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với EU đang trong quá trình rà soát pháp lý và dự định ký kết vào năm sau chắc chắn sẽ bị chậm lại bởi EU sẽ ưu tiên hoàn tất thủ tục cho Anh rời khỏi châu Âu, trì hoãn phê duyệt hiệp định FTA với Việt Nam./.