Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

Nợ công vẫn an toàn

Trước sự quan ngại của các đại biểu quốc hội về nợ công, nhất là trong bối nền kinh tế nhiều khó khăn, thu ngân sách thấp, nợ công tăng cao, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: nợ công những năm gần đây có xu hướng tăng, theo con số tuyệt đối.

Trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, nguồn vốn của Nhà nước tích luỹ từ nội bộ nền kinh tế cho đầu tư phát triển còn chưa lớn, để có nguồn vốn đáp ứng cho nhu cầu phát triển của đất nước, cần phải huy động nguồn tài chính bổ sung cho đầu tư phát triển, đặc biệt là cơ sở hạ tầng. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến nợ công gia tăng trong thời gian qua.

Tuy nhiên, nếu so với GDP, thì tỷ lệ thay đổi không nhiều (tỷ lệ nợ công trên GDP qua năm 2010 là 51,7%, năm 2011 là 50,1%; năm 2012 ở mức 50,8% và ước tính năm 2013 là 54,1%; hiện nay ở mức theo quy định của Quốc hội là 65%.

Về cơ cấu nợ công, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, khoảng 50% là nợ nước ngoài với điều kiện vay cơ bản là ưu đãi với thời gian đáo hạn còn lại khoảng 15 năm; 50% còn lại là khoản vay trong nước thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn phần lớn nằm trong khoảng từ 2-5 năm.

“Vấn đề đặt ra là áp lực về vay mới để trả nợ vay cũ trong nước là tương đối lớn bởi nguyên nhân chủ yếu do thị trường vốn trong nước còn chưa phát triển, đối tượng mua trái phiếu chính phủ phần lớn là các ngân hàng thương mại, trong khi cơ cấu nguồn vốn của các ngân hàng này chủ yếu là không kỳ hạn hoặc có kỳ hạn ngắn”, Bộ trưởng chia sẻ.

Đối với việc thu - chi NSNN, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết tại kỳ họp thứ sáu, Chính phủ đã báo cáo ước thực hiện thu NSNN năm 2013 hụt khoảng 25.200 tỷ đồng so dự toán. Nhưng đến nay, thực tế số ghi thu- ghi chi thì thực chất thu cân đối NSNN chỉ hụt 7.770 tỷ đồng.

Nhằm quản lý hiệu quả nợ công, theo Bộ trưởng Dũng cần: Thực hiện cân đối ngân sách tích cực, từng bước giảm bội chi NSNN so với GDP, bố trí nguồn để trả nợ trong nước, ngoài nước đến hạn hàng năm theo đúng cam kết; Trong quá trình điều hành NSNN phấn đấu tăng thu để sử dụng một phần hợp lý để tăng chi trả nợ; thực hiện cơ cấu lại nợ; kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với các khoản vay về cho vay lại, các khoản bảo lãnh cho doanh nghiệp; định kỳ kiểm tra, xử lý kịp thời những vướng mắc, những vi phạm…

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) đề nghị: Trước những diễn biến căng thẳng tại Biển Đông, ngành Tài chính cần có kịch bản chiến lược tính đến việc hạn chế lệ thuộc vay vốn từ Trung Quốc?

Khẳng định rằng, Việt Nam không lệ thuộc vào vốn vay từ Trung Quốc, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Việt Nam vay tiền của Trung Quốc để thực hiện các dự án là không nhiều. Trong đó, đầu tư vào thị trường chứng khoán của Trung Quốc chỉ chiếm 0,33% quy mô giá trị của thị trường chứng khoán Việt Nam. Trung Quốc có 2 nhà đầu tư lớn đang đầu tư vào 2 tập đoàn và công ty, nhưng không có gì đáng lo ngại, vì đây đều là những nhà đầu tư dài hạn.

Tái cơ cấu DNNN đã có nhiều chuyển biến

Trong báo cáo gửi đến Quốc hội, Bộ Tài chính cho biết, tính đến hết tháng 03/2014 đã có 81/108 doanh nghiệp đã được phê duyệt Đề án tái cơ cấu, trong đó: Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án của 19 doanh nghiệp, Bộ chủ quản phê duyệt đề án của 40 doanh nghiệp, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố phê duyệt Đề án của 22 doanh nghiệp); 6/108 doanh nghiệp đã xây dựng đề án tái cơ cấu nhưng chưa được phê duyệt; 20/108 doanh nghiệp chưa báo cáo việc xây dựng đề án tái cơ cấu; 01 doanh nghiệp hiện đang thực hiện cổ phần hoá.

Theo số liệu báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương và các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước gửi về Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 05/2014 cả nước đã thực hiện sắp xếp được 5.971 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 4.066 doanh nghiệp.

Năm 2013, cả nước sắp xếp, chuyển đổi: 101 doanh nghiệp, trong đó: cổ phần hóa: 74 doanh nghiệp, chuyển thành Công ty TNHH MTV 12 doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất 12 doanh nghiệp, bán 3 doanh nghiệp. Riêng 5 tháng đầu năm 2014 đã cổ phần hóa được 17 doanh nghiệp, trong đó có 13 Tổng công ty nhà nước. Theo kế hoạch, trong hai năm 2014 – 2015, cả nước sẽ thực hiện cổ phần hóa 432 doanh nghiệp (trong đó năm 2014 dự kiến cổ phần hóa 163 doanh nghiệp).

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, về phía trách nhiệm của Bộ Tài chính đã xây dựng các cơ chế chính sách liên quan đầy đủ. Về chế tài, trong Nghị quyết của Chính phủ, trong Chỉ thị của Thủ tướng cũng nêu rất rõ chế tài, trách nhiệm đối với người đứng đầu không thực hiện đúng lộ trình, đúng kế hoạch cổ phần hóa, kế hoạch thoái vốn, phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng, trước Chính phủ.

“Bộ sẽ đồng hành với các ngành, các địa phương để tiếp tục thực hiện theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ”, Bộ trưởng Dũng khẳng định.

Quốc hội sẽ ra nghị quyết về nội dung trả lời của Bộ trưởng

Tổng kết lại nội dung trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài chính kết thúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, dù nợ công đang ở mức giới hạn cho phép nhưng nó đang đe dọa an ninh tài chính vi mô.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Chính phủ tập trung giải quyết các nhóm vấn đề sau:

Thứ nhất, tái cơ cấu nợ công, tăng cường vay dài hạn. Nếu chuyển cơ cấu nợ ngắn hạn sang dài hạn, đặc biệt ưu tiên các khoản vay ODA vừa lãi thấp, hạn trả nợ dài.

Thứ hai, cân đối nguồn ngân sách, thu đúng thu đủ theo quy định pháp luật, cân đối thu chi hợp lý để đảm bảo khả năng trả nợ của ngân sách.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, ý kiến của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói các khoản vay để trả nợ không làm tăng thêm nợ công có thể chấp nhận được. Tuy nhiên ông cho rằng, các khoản vay là để phát triển chứ không phải để trả nợ, Quốc hội đồng ý nâng bội chi ngân sách là để đầu tư chứ không phải trả nợ. Cho nên phải tăng thu để trả nợ.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là một mối đe dọa với an ninh tài chính cho nên phải tập trung giải quyết. Đồng thời phải rà soát lại nợ công, nợ chính phủ để có biện pháp giải quyết mức an toàn.

Thứ ba, phải cân đối thu chi, tiết kiệm chi. Những khoản thất thoát lãng phí thì phải tiết kiệm. Việc phải chi thì lập dự toán báo cáo Quốc hội để duyệt chi.

Thứ tư, quản lý chặt chẽ các hoạt động thuế: Nợ thuế, gian lận kê khai thuế, trốn thuế, chuyển giá. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Tài chính phát huy tinh thần năm 2013 vượt chỉ tiêu thu ngân sách. Yêu cầu tiếp tục chỉ đạo nghiêm túc, phối hợp chặt chẽ với địa phương chống tình trạng buôn gian bán lận, lậu thuế. Chỉ cần thu đúng, thu đủ ngân sách có khả năng sẽ vượt thu, dùng vượt thu ấy trả nợ đi giảm nguy cơ nợ công.

Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ đạo Bộ Tài chính cần quyết liệt hơn, tạo điều kiện giảm thời gian nộp thuế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phấn khởi làm ăn và nộp thuế, đồng thời xây dựng đội ngũ cán bộ thuế, hải quan chuyên nghiệp, trong sạch.

Thứ năm, đề nghị Bộ trưởng và các ngành liên quan tập trung quản lý giá các mặt hàng thiết yếu tác động trực tiếp đời sống người dân để có biện pháp kiểm soát, bình ổn, đảm bảo quyền lợi của người dân. Nguyên tắc quan trọng nhất vẫn là thị trường công khai minh bạch phải được đảm bảo, chỉ điều tiết những mặt hàng thiết yếu.

Cuối cùng, phải giám sát chặt chẽ cổ phần hóa. Có biện pháp thực hiện kế hoạch cổ phần hóa đã được Chính phủ phê duyệt. Công tác định giá phải công khai minh bạch, tránh thất thoát trong những trường hợp không đáng. Nâng cao hơn nữa công tác quản lý ở doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa, theo đúng chủ trương Chính phủ đề ra.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng cho biết, Quốc hội sẽ ra nghị quyết cụ thể với phần nội dung trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng./.