Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình

Chưa đủ điều kiện để buộc phải điều chỉnh tỷ giá

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng, sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển của Việt Nam đã gây ảnh hưởng nhất định đến tâm lý người dân. Tâm lý đó thể hiện rõ trên thị trường vàng và ngoại hối những ngày đầu, nhưng đã nhanh chóng được khắc phục.

Cụ thể, trong toàn hệ thống tiền gửi bằng ngoại tệ không tăng thậm chí tiếp tục giảm và tiền gửi bằng tiền đồng tiếp tục tăng lên. Trong những ngày vừa qua, tỷ giá có lúc điều chỉnh tăng sát với trần, ngoài những yếu tố tâm lý như trên, thì chủ yếu là do kỳ vọng của xã hội vào việc điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước. Trong 6 tháng qua, chúng ta chưa điều chỉnh tỷ giá, do vậy, trong xã hội cũng có kỳ vọng điều chỉnh.

Tuy nhiên, qua phân tích cung cầu của thị trường và cục diện kinh tế vĩ mô, thì hiện nay, quan hệ cung cầu vẫn được đảm bảo. Sáu tháng qua, tỷ trọng xuất siêu cao, cán cân thanh toán thặng dư lớn trên 10 tỷ USD và cung cầu ngoại tệ của thị trường là khá dồi dào.

‘Trước bối cảnh như vậy, chúng tôi cho rằng điều kiện khách quan để buộc phải điều chỉnh tỷ giá là chưa có”, Thống đốc khẳng định.

Tuy nhiên, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cũng bỏ ngỏ khả năng điều chỉnh tỷ giá từ giờ tới cuối năm. Nếu có điều chỉnh, thì Ngân hàng Nhà nước chủ động điều chỉnh ở mức không quá 2%.

Hỗ trợ ngư dân: Cần nhìn nhận dưới cả góc độ kinh tế và xã hội

Đánh giá về Chương trình hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ, Thống đốc thừa nhận, nếu đứng dưới góc độ tín dụng ngân hàng có thể là chương trình không thành công, bởi vì nợ xấu, nợ quá hạn, nợ cần phải khoanh chiếm một tỷ trọng rất lớn.

Tuy nhiên, đứng dưới góc độ kinh tế xã hội thì chương trình này cũng có những mặt tích cực to lớn của nó. Nhờ chương trình này mà Việt Nam có đội tàu tương đối lớn giúp cho ngư dân có thể vươn khơi ra những vùng biển xa đặc biệt ở Hoàng Sa và Trường Sa, không chỉ thực hiện bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền của Đất nước mà còn nâng cao thêm năng lực đánh bắt xa bờ một cách đáng kể của ngư dân Việt Nam.

Trên cơ sở yếu kém của các chương trình cũ, Thống đốc Bình cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang lên kế hoạch để khắc phục được những mặt yếu kém đó, từ đó cơ cấu lại ngành đánh bắt xa bờ của Việt Nam trong tổng thể tái cơ cấu ngành nông nghiệp Việt Nam.

Giải thích rõ hơn về gói tín dụng 10.000 tỷ đồng, Thống đốc nói: “Gói tín dụng này nội dung chủ yếu nhằm giúp ngư dân có thể đóng tàu sắt to lớn hơn, vững chãi hơn để có thể vươn khơi bám biển dài ngày hơn và đánh bắt xa bờ được hiệu quả hơn”.

Tuy nhiên để thực hiện thành công gói tín dụng này đòi hỏi cần một thời gian trong khi chúng ta vẫn phải duy trì năng lực sản xuất, năng lực đánh bắt xa bờ của ngư dân. Do vậy, một phần trong gói tín dụng này vẫn để hỗ trợ cho ngư dân trong việc hoán cải các con tàu hiện nay và sửa chữa nâng cấp các con tàu cũ.

Về việc ký giải ngân cho 4 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết phát triển nông nghiệp với mức lãi suất tối đa chỉ từ 7% cho ngắn hạn và hơn 10% cho dài hạn, Thống đốc cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với các bộ, ngành địa phương, các cấp đi khảo sát mô hình này trong toàn quốc. Theo kế hoạch sẽ lựa chọn 20-30 dự án trọng điểm để tiến hành chương trình này.

Đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã ký hợp tác này cho 4 dự án của tỉnh An Giang và từ nay đến giữa tháng 6 này sẽ ký tiếp 4 dự án nữa.

“Chúng tôi cho rằng, toàn bộ chương trình thí điểm này sẽ được tiến hành thí điểm 1-2 năm và tổng kết rút kinh nghiệp trên cơ sở đó sẽ hoàn thiện các mặt bằng pháp lý kể cả cơ chế tín dụng trong hoạt động sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới, để thực hiện chương trình này thành công”, Thống đốc cho biết./.