Khu vực DNNN hiện đang sử dụng 70% đất đai và 70% viện trợ chính thức ODA trong khu vực sản xuất kinh doanh, 60% tín dụng của nền kinh tế, nhưng chỉ đóng góp 32% tổng GDP cả nước.

Hiệu quả kinh doanh còn thấp

Tại Hội thảo "Phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” được tổ chức mới đây, GS, TS. Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết TW 3 khóa X (2001), tỷ trọng GDP của khối DNNN đang có sự thay đổi, từ mức 34,72% năm 2009 còn 32,4% năm 2013.

Tính đến hết năm 2013, cả nước đã thực hiện sắp xếp được 6.376 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 3.659 doanh nghiệp; chuyển thành công ty TNHH một thành viên 1.033 doanh nghiệp; giao doanh nghiệp 222; bán doanh nghiệp: 158, giải thể: 313.

Cả nước hiện có 85/91 tập đoàn, tổng công ty xây dựng đề án tái cơ cấu, trong đó có 68 doanh nghiệp đã được phê duyệt đề án. Có 949 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, tổ chức dưới dạng công ty TNHH một thành viên, trong đó có 54% doanh nghiệp địa phương, 36% thuộc các bộ, ngành và 10% thuộc các tập đoàn kinh tế nhà nước.

Về chức năng hoạt động, có khoảng 65% doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, còn lại là các doanh nghiệp công ích; phục vụ an ninh, quốc phòng, nông, lâm trường quốc doanh. Đã có 32/63 tỉnh, thành phố không còn DNNN kinh doanh thuần túy.

Năm 2013, có 18 tập đoàn, tổng công ty có quy mô lớn, có vốn nhà nước là 840.000 tỷ đồng, chiếm 83% vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tổng giá trị tài sản 1.985.000 tỷ đồng, tổng doanh thu 1.184.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 136.000 tỷ đồng.

Có 17/18 tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoạt động có lãi. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu là 16,13%, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu là 1,3 lần.

Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương, nhiều tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước có vai trò quan trọng góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tham gia nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, kết hợp phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng.

Tuy nhiên, GS. Huệ cũng thẳng thắn nhìn nhận, năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của khối các DNNN còn thấp. Hiệu quả đóng góp của DNNN chưa tương xứng với nguồn lực DNNN đang nắm giữ. Cụ thể, khu vực DNNN hiện đang sử dụng 70% đất đai và 70% viện trợ chính thức ODA trong khu vực sản xuất kinh doanh, 60% tín dụng của nền kinh tế, nhưng chỉ đóng góp 32% tổng GDP cả nước.

Đồng quan điểm, theo bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động của DNNN cũng còn nhiều điểm cần khắc phục. Các DNNN nắm giữ nhiều nguồn lực, nhưng kết quả chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế, có tình trạng đầu tư dàn trải, một số DNNN làm ăn thua lỗ, làm thất thoát nguồn vốn và tài sản được giao; một số nơi cán bộ lãnh đạo chủ chốt vi phạm pháp luật... làm xấu đi hình ảnh DNNN trong dư luận nhân dân.

Cần thay đổi mạnh mẽ để phát huy vai trò, nhiệm vụ

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ cũng cho biết, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước ta chủ trương phát triển nền kinh tế nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh.

Yêu cầu thực tế đặt ra đòi hỏi vai trò nòng cốt của DNNN trong nền kinh tế Nhà nước phải được thể hiện trên thực tế bằng năng lực cạnh tranh theo quy luật thị trường, bằng hiệu quả kinh tế - xã hội đóng góp cho nền kinh tế, bằng tác động thúc đẩy các thành phần kinh tế khác cùng phát triển, bằng tính vượt trội của năng lực đổi mới công nghệ và trình độ quản lý, chất lượng nguồn lực, nhất là chất lượng nguồn nhân lực.

Theo ông Vương Đình Huệ, để phát huy vai trò then chốt của DNNN, cần tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN. DNNN chỉ tập trung vào lĩnh vực then chốt, thiết yếu, địa bàn quan trọng, quốc phòng và an ninh.

Đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN và bán vốn mà Nhà nước không cần nắm giữ theo nguyên tắc thị trường. Tách bạch nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh và nhiệm vụ chính trị, công ích. Hoàn thiện cơ chế và mô hình thực hiện quyền sở hữu Nhà nước và đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp.

Tăng cường quản lý, giám sát, kiểm tra của chủ sở hữu. Hoàn thiện khung khổ pháp luật, cơ chế, chính sách đầu tư, quản lý vốn Nhà nước trong doanh nghiệp. Kiện toàn đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, quản lý và nâng cao năng lực quản trị DNNN. Thực hiện công khai, minh bạch kết quả hoạt động của DNNN.

Còn theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, để nâng cao hiệu quả hoạt động, DNNN phải tự đổi mới, sắp xếp lại, đi đầu trong đổi mới và ứng dụng khoa học, công nghệ, khoa học, kỹ thuật. Quyết liệt, đẩy mạnh cổ phần hoá theo phương án đã phê duyệt. Đối với thoái vốn ngoài ngành kinh doanh chính, xác định cụ thể loại vốn nào cần thoái ngay, loại vốn nào cần theo lộ trình để có hiệu quả; hoàn thành việc thoái vốn trước ngày 31/12/2015.

Còn theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: “Nếu không có những thay đổi thì DNNN nói chung khó có thể hoàn thành được vai trò và trách nhiệm của mình, ngay cả nhiệm vụ trước mắt là nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản hiện có”.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, những thay đổi đó là cần thực hiện một số nhiệm vụ mục tiêu như tách mục tiêu, nhiệm vụ kinh doanh với nhiệm vụ xã hội và nếu có, phải hoạch toán riêng, công khai và minh bạch; Chính phủ phải bù đắp chi phí thực hiện các nhiệm vụ xã hội. Phải áp dụng đầy đủ kỷ luật thị trường và chế độ ngân sách cứng đối với DNNN (khi khó khăn, thua lỗ trong kinh doanh, quyết không xin và không được xin giảm hay hoãn nộp thuế, giảm, giảm lãi suất, ...) mà giải quyết theo quy luật thị trường.

Đồng thời, phải áp dụng khung khổ và các nguyên tắc quản trị hiện đại theo thông lệ quốc tế: xác định rõ mục tiêu thương mại và tách biệt rõ ràng với nhiệm vụ xã hội của doanh nghiệp (nếu có); tách quản trị công ty, quản lý kinh doanh khỏi quản lý nhà nước; đề cao vai trò và trách nhiệm của Hội đồng quản trị, những người quản lý; công khai minh bạch thông tin...

Bên cạnh đó, phải thiết lập hệ thống thông tin quản lý của chủ sở hữu, tách khỏi và phân biệt với thông tin quản lý nhà nước; khắc phục tình trạng doanh nghiệp báo cáo quá nhiều, các bộ không hiểu và không có thông tin đầy đủ, cần thiết về DNNN nói chung và từng doanh nghiệp nói riêng. Phải thay đổi tư duy và cách thức thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước, mở đường cho sáng tạo quản lý và chấp nhận rủi ro kinh doanh./.