Cụ thể, Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ thấp mức dự báo tăng trưởng kinh tế các nước đang phát triển xuống 4,8% cho năm nay trong khi mức dự báo đưa ra hồi tháng 1/2014 là 5,3%.

“Tỷ lệ tăng trưởng tại các nước đang phát triển vẫn ở mức thấp đã không tạo đủ số việc làm cần thiết để cải thiện cuộc sống của 40% số người thuộc diện nghèo nhất”, Chủ tịch nhóm WB, ông Jim Yong Kim nói. “Các nước cần phải tăng tốc và đầu tư nhiều hơn nữa vào quá trình tái cơ cấu trong nước thì mới có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế tổng thể và đủ mức xoá nghèo cùng cực ngay trong thế hệ hiện tại”.

Ngân sách quốc gia tại các nước đang phát triển bị tàn phá nặng nề kể từ năm 2007. Tại gần một nửa các nước này thâm hụt chi tiêu chính phủ đã vượt mức 3% GDP và tỷ lệ nợ so với GDP cũng đã tăng trên 10 điểm phần trăm kể từ 2007.

Theo các chuyên gia kinh tế, các nước còn bị thâm hụt lớn cần thắt chặt chính sách tài khóa, trong đó phải kể đến Ga-na, Kê-nia, Ấn Độ, Ma-lai-xia và Nam Phi. Ngoài ra, chương trình tái cơ cấu bị dừng lại tại một số nước đang phát triển cũng cần được khởi động lại nhằm duy trì tăng trưởng nhanh.

“Vấn đề chính là phải chi tiêu khôn ngoan hơn thay vì chi tiêu nhiều hơn. Những nút thắt hạn chế trong ngành năng lượng, cơ sở hạ tầng, thị trường lao động và môi trường kinh doanh tại nhiều nền kinh tế lớn thuộc nhóm thu nhập trung bình đã cản trở tốc độ tăng trưởng GDP và tăng năng suất lao động. Cải cách chính sách trợ giá có thể tạo thêm nguồn tiền phục vụ nâng cao chất lượng đầu tư công nhằm tăng cường nguồn vốn con người và cơ sở vật chất hạ tầng”, ông Andrew Burns, tác giả chính bản báo cáo phát biểu.

Tuy vậy, kinh tế toàn cầu vẫn được nhận định sẽ lấy lại đà tăng trưởng từ nay đến cuối năm và nâng mức tăng trưởng cả năm lên 2,8% và đạt mức 3,4% và 3,5% trong các năm 2015 và 2016. Các nước thu nhập cao sẽ đóng góp phân nửa mức tăng trưởng trong các năm 2015 và 2016 trong khi con số này năm 2013 là dưới 40%./.