Cầu thông, nhưng lòng dân không “thông”

Dự án cầu Hạc Trì bắc qua sông Lô được xây dựng nhằm thay thế cầu đường bộ - đường sắt Việt Trì có tổng mức đầu tư hơn 1.900 tỷ đồng theo hình thức BOT.

Công trình có tốc độ thiết kế 80 km/giờ, chiều rộng nền đường 24 m, thiết kế 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp.

Quyết định phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng cầu Việt Trì mới, nay gọi là cầu Hạc Trì, ghi rõ: Xây dựng cầu Hạc Trì đảm bảo điều kiện thuận lợi về giao thông nhằm phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, để Việt Trì trở thành đô thị loại 1, góp phần giảm ùn tắc giao thông trên cầu Việt Trì cũ.

Tuy nhiên, mặc dù cầu đã được thông, phí cũng đã được thu, nhưng lòng dân lại chưa “thông”.

Người dân sống tại phường Bạch Hạc (TP. Việt Trì, Phú Thọ) đã nhiều lần bức xúc kéo đến khu vực trạm thu phí BOT cầu Hạc Trì (TP.Việt Trì) ngăn không cho xe ô tô đi qua để phản đối việc cấm xe ô tô qua cầu Việt Trì cũ.

Cụ thể, sáng ngày 04/3/2016, hàng chục người dân đã tụ tập tại trạm thu phí cầu Hạc Trì để phản đối việc chủ đầu tư xây dựng trụ bê tông ngăn ôtô trên đường lên cầu Việt Trì cũ.

Giải thích lý do không đi cầu mới, nhiều người cho rằng, mức phí 35.000 đồng mỗi lượt xe dưới 12 chỗ tại trạm thu phí cầu Hạc Trì là quá cao, đề nghị chủ đầu tư BOT miễn phí cho dân sinh sống trong khu vực.

Sau nhiều lần thương lượng với người dân và thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ, Ban Quản lý Dự án BOT cầu Hạc Trì đã giảm 80% tiền phí qua cầu cho người dân sinh sống có ô tô từ 12 chỗ trở xuống ở phường Bạch Hạc, giảm 60% tiền phí cho người dân ở xã Sông Lô và thành phố Việt Trì.
Tuy nhiên, người dân vẫn không đồng tình và mong muốn có quyền được lựa chọn đi đường cũ hay đường mới chứ không thể ép bị đi vào cầu BOT Hạc Trì.
Phát biểu với báo giới, ông Vũ Ngọc Lăng, Vụ trưởng Quản lý, Bảo trì đường bộ (Tổng cục Đường bộ) cũng cho biết, đề nghị dựng trụ bê tông của công ty BOT cầu Việt Trì đã được Tổng cục Đường bộ chấp thuận vì đây là biện pháp tối ưu nhất ngăn chặn người dân qua cầu Việt Trì đã xuống cấp.

Phương án có cảnh sát giao thông chốt chặn sẽ gây tốn kém nhân lực, việc đặt trụ bê tông có phản quang, có đèn chiếu sáng nên đỡ tốn kém, không gây mất an toàn.

Ông Lăng thông tin thêm, Bộ Giao thông đã có quyết định cấm ôtô, chỉ cho phép xe máy đi lại qua cầu Việt Trì cũ và tuyên truyền cho người dân khu vực này mấy tháng nay.

Cầu Hạc Trì bắt đầu thu phí BOT từ 7/12/2015, mức phí thấp nhất là 35.000 đồng/lượt xe dưới 12 chỗ, cao nhất là 180.000 đồng/lượt từ 18 tấn trở lên.

Sự việc tái diễn nhiều lần nhưng cả UBND tỉnh Phú Thọ cũng như Bộ Giao thông vận tải vẫn không có biện pháp giải quyết làm thỏa mãn những khúc mắc của người dân.

Trạm thu phí cầu Hạc Trì

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Yêu cầu giải quyết triệt để khúc mắc của dân

Phát biểu tại cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc chiều ngày 11/7/2016, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc cần quan tâm một cách nghiêm túc việc giải quyết quan hệ giữa phát triển kinh tế với các vấn đề xã hội, đời sống của người dân.

Theo Phó Thủ tướng, nếu giải quyết không tốt, chắc chắn sẽ dẫn đến mất trật tự an toàn giao thông và an ninh xã hội.

Cụ thể, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Xây dựng, UBND tỉnh Phú Thọ đánh giá toàn diện an toàn của cầu Việt Trì cũ, xây dựng phương án lưu thông trên cầu cũ đảm bảo an toàn cho cầu, thuận lợi cho người dân.

Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, UBND tỉnh Phú Thọ đề xuất phương án giá phí phù hợp trên cơ sở tính toán tổng thể lại chi phí đầu tư xây dựng công trình nhằm đảm bảo thời gian thu hồi vốn, đảm bảo lợi nhuận cho nhà đầu tư, phù hợp với khả năng chi trả của người dân.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đánh giá cao việc báo chí đã kịp thời phản ánh bức xúc của người dân liên quan đến dự án BOT cầu Hạc Trì, đồng thời đề nghị báo chí tiếp tục thông tin một cách nhanh nhạy, chính xác, trách nhiệm hơn trong thời gian tới.

Tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước tập trung thực hiện khâu đột phá chiến lược trong phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông vận tải, thời gian qua, hạ tầng đường bộ, sân bay, cảng biển đã phát triển rất mạnh góp phần quan trọng nâng cao năng lực vận tải, đảm bảo dịch vụ hậu cần cho nền kinh tế.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng cho rằng, có một số dự án BOT còn để lại bức xúc trong dư luận, người dân, trong đó chủ yếu là mức phí cao và việc người dân, đặc biệt là người lao động nghèo ít sự lựa chọn.

“Phải quan tâm đến lợi ích của nhân dân. Phát triển hạ tầng, làm đường là để nâng cao năng lực vận tải, để phát triển kinh tế, nhưng người hưởng lợi cuối cùng là nhân dân. Bên cạnh đó, cũng cần cân đối hài hoà để đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư, những người đã bỏ vốn ra để xây dựng, khai thác công trình”, Phó Thủ tướng nói.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, việc huy động nguồn lực từ xã hội, trong đó có hình thức BOT không phải là mới, và không phải dự án BOT nào người dân cũng có ý kiến.

Có thể kể đến một số nguyên nhân cơ bản như hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực đầu tư BOT chậm được hoàn thiện; còn hạn chế về năng lực quản lý, điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước về giao thông, đặc biệt là về BOT. Bên cạnh đó, còn có sự chủ quan, hạn chế về năng lực, kinh nghiệm của các chủ thể tham gia đầu tư BOT, việc nhà đầu tư chưa chủ động tiếp thu ý kiến, giải thích thắc mắc của người dân.

Từ những phân tích nêu trên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu, Bộ Giao thông vận tải chủ trì, tiếp tục rà soát để có báo cáo Chính phủ về BOT toàn diện, sâu sắc hơn để có ý kiến chính thức, báo cáo Quốc hội và nhân dân cả nước.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định, để hiện thực chiến lược đột phá trong phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, hình thức hợp tác công – tư (PPP) sẽ là trọng tâm, mà hình thức hợp tác BOT sẽ vẫn là một trong những hướng chính trong thời gian tới./.