Hàng nghìn năm con cháu đất Việt luôn gắn bó với biển Đông

Chủ quyền ấy đã được lịch sử chứng minh với những luận cứ không thể chối cãi qua nhiều chứng cứ xác thật.

Đất nước Việt Nam với hình chữ S, có bờ biển dài khoảng 3.260 km từ Bắc xuống Nam và vùng biển rộng hơn 1 triệu km 2 với hơn 4.000 hòn đảo lớn nhỏ và 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam có 28 tỉnh, thành phố giáp biển. Từ xa xưa, biển đảo là một bộ phận cấu thành phạm vi chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Các hải đảo và quần đảo cùng với đất liền tạo ra môi trường sinh tồn và phát triển đời đời của dân tộc ta.
Hàng nghìn những bằng chứng lịch sử đã cho thấy nhà nước Việt Nam là nhà nước đầu tiên trong lịch sử, ít nhất là từ thế kỷ thứ XVII, đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa khi chúng còn là vùng đất vô chủ.

Việc khẳng định và thực thi chủ quyền này là thực sự, rõ ràng, liên tục, hòa bình và phù hợp với các quy định quốc tế.

Có thể thấy, trong lịch sử thời Tây Sơn, sách Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông ghi rõ: “Thời gian từ năm 1771 đến 1801, Nhà Tây Sơn luôn tiếp tục việc gìn giữ chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Việc thực thi chủ quyền của Việt Nam dưới thời kỳ Pháp làm đại diện diễn ra liên tục và thực sự. Người Pháp đã thay Việt Nam xây dựng nhiều công trình ghi dấu ấn chủ quyền, như: bia chủ quyền, trạm khí tượng, hải đăng và tiếp tục bảo vệ, quản lý, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Những tư liệu quý báu của nhà bác học Lê Quý Đôn ghi chép trong Phủ biên tạp lục là những cứ liệu lịch sử đáng tin cậy với những trích dẫn văn bản mang tính pháp lý còn lưu lại của nhà nước phong kiến thời bấy giờ về Hoàng Sa, Trường Sa là của người Việt, có ý nghĩa về mặt lịch sử, ngoại giao và chủ quyền về biển đảo rất rõ nét.

Toàn Đảng, toàn dân Việt Nam một lòng hướng về biển Đông như một phần máu thịt của mình

Dù đứng trước sự đe dọa xâm lấn, vẫn kiên định lập trường

Thời gian gần đây, Trung Quốc nhiều lần có hành động xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Điển hình như: Ngày 1/5/2014 Trung Quốc đã đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào khu vực biển Đông gần quần đảo Hoàng Sa dẫn tới việc Việt Nam phải đưa ra tuyên bố phản đối, tàu thuyền của hai quốc gia đã có một số va chạm; Trong năm 2015 Trung Quốc tăng cường các hoạt động quân sự như huấn luyện, tuần tiễu trinh sát, diễn tập trên biển nhằm phô trương lực lượng, răn đe uy hiếp các nước có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc; Đầu tháng 1/2016, Trung Quốc đưa máy bay ra các đảo nhân tạo mà không hề thông báo cho Cơ quan quản lý bay khu vực FIR-Hồ Chí Minh, vi phạm nghiêm trọng quy định về an toàn bay của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), đe dọa an ninh và an toàn hàng không trong khu vực...

Trước bối cảnh đó, Việt Nam đã có những phản ứng mạnh mẽ theo đường ngoại giao, cùng tiếng nói rất đúng, kịp thời, cần thiết, không né tránh một số vấn đề mà trước đây thường cho là nhạy cảm của các nhà khoa học, sử học, luật sư và báo chí trong nước đã nâng cao nhận thức, khơi dậy lòng yêu nước của nhân dân; đồng thời, qua đó các cơ quan báo chí, thông tấn lớn trên thế giới đưa tin nhiều về vấn đề này khiến dư luận quốc tế hiểu hơn về cơ sở pháp lý, lịch sử, lập trường của Việt Nam trong việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông. Điều đáng mừng là, qua thông tin rộng rãi trên báo chí Việt Nam và nước ngoài, nhiều chính khách, học giả trên thế giới, dư luận quốc tế đã lên tiếng đồng thuận, ủng hộ lập trường chính nghĩa, lẽ phải của Việt Nam.

Đáng chú ý, ngày 13/07/2016, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức Lễ phát động Cuộc thi viết “Thanh niên, sinh viên Việt Nam ở nước ngoài với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam”. Cuộc thi nhằm nhằm đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Đồng thời, tăng cường giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc đối với thanh niên, sinh viên Việt Nam ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã kiên trì giải quyết tranh chấp biển, đảo bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Là thành viên của Hiến chương Liên hợp quốc, của UNCLOS cũng như Tuyên bố của các bên về cách ứng xử ở Biển Đông (DOC), Việt Nam luôn tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế, kiên trì con đường giải quyết các vấn đề phát sinh bằng biện pháp hoà bình, trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau; trong đó, biện pháp chủ yếu là thông qua đàm phán, thương lượng, nhằm tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài, đáp ứng lợi ích chính đáng của tất cả các bên liên quan, vì độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, vì hòa bình, ổn định ở khu vực và quốc tế. Theo tinh thần đó, những vấn đề còn đang bất đồng, tranh chấp song phương thì giải quyết theo hướng song phương; còn những vấn đề tranh chấp liên quan đến nhiều bên thì giải quyết đa phương và phải hết sức công khai, minh bạch giữa các nước liên quan.

Có thể thấy, ngay cả trong những thời gian căng thẳng nhất về tranh chấp tại biển Đông, thì không chỉ những chiến sĩ, bộ đội, hải quân, cảnh sát biển ngày đêm làm nhiệm vụ, mà ngay cả những ngư dân cũng như người dân cả nước đã luôn hướng về biển Đông như một phần máu thịt của chính mình.

Việt Nam kiên quyết không lùi bước trước những hành động xâm phạm chủ quyền biển đảo

Một số chủ trương, giải pháp để quản lý, bảo vệ biển đảo Việt Nam

Về mục tiêu, Đảng và Nhà nước ta xác định rõ: phải giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán; giữ gìn quan hệ hòa bình, không để xảy ra xung đột và bảo đảm cho phát triển kinh tế biển.

Về lập trường, chúng ta luôn luôn khẳng Việt Nam có chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời được hưởng các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, thềm lục địa theo đúng UNCLOS 1982. Lập trường của Việt Nam cũng kiên định giải quyết các tranh chấp chủ quyền biển đảo bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC 2002).

Với mục tiêu, lập trường và chủ trương trên trong vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo, đến nay chúng ta tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy liên quan đến quy chế các vùng biển và chủ quyền của Việt Nam; Tuyên bố về lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, đường cơ sở, Luật Hàng hải, Luật Dầu khí, Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Biên giới quốc gia, Luật Biển; Tham gia các công ước quốc tế về biển, luật biển, giao thông hàng hải và tiến hành đối ngoại cả song phương lẫn đa phương với Trung Quốc để giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp liên quan đến chủ quyền ở Hoàng Sa, quyền khai thác cửa Vịnh Bắc Bộ, “đường lưỡi bò” và thềm lục địa của Việt Nam.

Đồng thời, Việt Nam không ngừng hướng tới nâng cao năng lực quản lý nhà nước, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh. Xây dựng các chiến lược, quy hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên biển, kết hợp với chú trọng phát triển môi trường xanh, bền vững.

Đặc biệt, cuối năm 2015, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á đã trở thành một Cộng đồng ASEAN, có vị trí ngày càng quan trọng trong cấu trúc khu vực, đặc biệt về mặt kinh tế và an ninh. Cộng đồng ASEAN không chỉ có biên giới quốc gia riêng rẽ của các nước thành viên, mà còn có đường biên giới "chung" bao quanh cộng đồng. Do vậy, ASEAN cần phải coi vấn đề Biển Đông là vấn đề của chính mình, tập trung xây dựng một Cộng đồng ASEAN cường thịnh, đoàn kết, đồng thuận, chia sẻ và có vai trò quyết định hơn đối với vấn đề Biển Đông. Cộng đồng ASEAN phải kiên định thúc đẩy Trung Quốc tuân thủ DOC và sớm thông qua Bộ quy tắc ứng xử đa phương trên Biển Đông (COC). Cộng đồng ASEAN cần phải có những tuyên bố kịp thời với những hành động cụ thể, “đủ liều lượng” để yêu cầu Trung Quốc phải bảo đảm môi trường hòa bình và hợp tác trong khu vực.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần tăng cường tiềm lực, kiên quyết đấu tranh với các hành động vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên biển và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Tăng cường hợp tác với các nước trong và ngoài khu vực có lợi ích ở Biển Đông, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Ấn Độ, Úc, Mỹ, Anh, Pháp... để cùng giữ gìn an ninh biển, bảo vệ trật tự pháp lý trên biển; bảo vệ các nguyên tắc pháp lý được đông đảo cộng đồng quốc tế thừa nhận.

Về công tác tuyên truyền, tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác thông tin đối ngoại; tuyên truyền biển, đảo và phân giới, cắm mốc năm 2015; triển khai nhiệm vụ năm 2016, đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Công tác thông tin Đối ngoại cho biết, trong năm 2016 và những năm tiếp theo các cơ quan thông tấn báo chí cần đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền biển đảo để bạn bè, dư luận quốc tế hiểu chính xác, đầy đủ về quan điểm, lập trường chính nghĩa của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề phức tạp trên Biển Đông. Cung cấp những chứng cứ lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền đầy đủ của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tích cực chủ động, đa dạng hóa các phương pháp, hình thức tuyên truyền về kết quả, ý nghĩa của việc hoàn thành phân giới cắm mốc. Đẩy mạnh tuyên truyền quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước láng giềng, tuyên truyền đường lối đối ngoại hòa bình của Việt Nam, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị với các nước láng giềng.

Trước những tham vọng xâm phạm chủ quyền biển đảo của tổ quốc, Việt Nam cần có những biện pháp thích đáng ở các cấp độ khác nhau: song phương, khu vực và toàn cầu. Một mặt, kiên trì theo đuổi các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS; mặt khác, coi trọng sử dụng hiệu quả cơ chế toàn cầu và khu vực, thông qua các diễn đàn của Liên hợp quốc và ASEAN để các tổ chức này có tiếng nói, thể hiện rõ quan điểm đối với hành vi vi phạm chủ quyền của một quốc gia thành viên./.

Nguồn tham khảo:

1. http://canhsatbien.vn

2. http://www.nhandan.com.vn

3. http://www.bienphong.com.vn