Thay đổi cách tiếp cận với vấn đề Biển Đông

Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Singapore, chuyên gia Malcolm Cook thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, đánh giá rằng phán quyết của PCA, với việc bác bỏ yêu sách “đường 9 đoạn” và kết luận về các thực thể tại Biển Đông, không chỉ có ý nghĩa với Philippnes, mà còn ý nghĩa đối với Trung Quốc và cả khu vực.

Sau phán quyết của tòa, Trung Quốc đang phải đối với mặt với thách thức lớn là làm thế nào để thay đổi cách tiếp cận với vấn đề Biển Đông.

Đánh giá về phán quyết của PCA, TS. Lê Hồng Hiệp, thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, cho rằng có thể coi đây là một cột mốc lịch sử trong tiến trình tranh chấp Biển Đông từ trước tới nay, vì đây là lần đầu tiên một quốc gia đã sử dụng các công cụ pháp lý để thách thức các yêu sách của một quốc gia khác tham gia vào tranh chấp này.

Theo ông Hồng Hiệp, ý nghĩa quan trọng của phán quyết thể hiện ở chỗ nó đã làm sáng tỏ một số các yêu sách của các bên liên quan, qua đó có thể thúc đẩy các bên hướng tới khả năng giải quyết được cuộc xung đột này về lâu dài.

Đặc biệt, phán quyết của PCA đã giúp thu hẹp đáng kể phạm vi tranh chấp ở trên Biển Đông, nhất là các tranh chấp liên quan tới yêu sách của Trung Quốc xung quanh cái gọi là “đường lưỡi bò” và các thực thể ở quần đảo Trường Sa.

Cụ thể, PCA đã ra phán quyết rằng các yêu sách của Trung Quốc đối với các quyền lịch sử trong phạm vi "đường 9 đoạn" là đi ngược lại Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, vì vậy nó không có giá trị pháp lý.

Một điểm nữa là PCA xác nhận rằng không có một thực thể nào ở quần đảo Trường Sa có đủ điều kiện để coi là một đảo có khả năng duy trì sự sống của con người, cũng như khả năng duy trì đời sống kinh tế riêng theo quy định của điều 121 của UNCLOS 1982, chính vì vậy không có thực thể nào ở quần đảo Trường Sa được hưởng Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý, mà chỉ có tối đa được hưởng vùng lãnh hải 12 hải lý.

Vì vậy, theo chuyên gia này, xác nhận trên đã làm giảm đáng kể các chồng lấn trong yêu sách của các bên ở Biển Đông.

Phiên tranh tụng tại Tòa Trọng tài/ Ảnh: PCA

Phản ứng của thế giới trước phán quyết PCA

Phản ứng trước phán quyết của PCA, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Perfecto Yasay đã ra tuyên bố hoan nghênh, đồng thời kêu gọi các bên liên quan "kiềm chế và bình tĩnh". Bộ trưởng Yasay nhấn mạnh "Philippines khẳng định tôn trọng quyết định mang tính bước ngoặt này", coi đây như một đóng góp quan trọng vào các nỗ lực đang diễn ra nhằm giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông.

Cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Fumio Kishida nhấn mạnh, phán quyết của PCA mang tính ràng buộc pháp lý, do đó các bên liên quan phải tuân thủ phán quyết này. Trong tuyên bố, Ngoại trưởng Kishida nêu rõ: Nhật Bản kiên định ủng hộ việc tôn trọng quy định luật pháp và sử dụng các biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong giải quyết các tranh chấp trên biển.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố khẳng định nước này "không chấp nhận cũng như không công nhận" phán quyết của PCA, cho rằng phán quyết của PCA là "không có cơ sở, vô giá trị và không có hiệu lực ràng buộc". Chính quyền Đài Loan (Trung Quốc) cũng tuyên bố không chấp nhận phán quyết của PCA.

Ngày 13/7, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk đã bày tỏ hy vọng phán quyết của PCA sẽ có ý nghĩa quan trọng tích cực trong việc giải quyết các vấn đề nổi cộm ở vùng biển này.

Ông khẳng định EU "hoàn toàn tin tưởng" vào PCA và tiến trình vụ kiện, đồng thời bày tỏ hy vọng phán quyết trên sẽ được sử dụng để "tạo ra một động lực tích cực" trong nỗ lực tìm kiếm một giải pháp đối với tranh chấp trên Biển Đông. Chủ tịch EC cũng cho biết EU sẽ tiếp tục ủng hộ việc duy trì luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
Trong một phát biểu liên quan vào ngày 12/7, Chủ tịch Tusk kêu gọi Trung Quốc tôn trọng hệ thống quốc tế, bảo vệ "trật tự quốc tế dựa trên quy định". Ông nhấn mạnh "trật tự quốc tế dựa trên quy định đáp ứng lợi ích chung của chúng ta, vì vậy cả Trung Quốc và EU phải bảo vệ trật tự đó vì lợi ích của người dân".

Còn theo nhật báo Pháp Le Monde (Pháp), điều mà Bắc Kinh cần lo ngại không phải là nguy cơ chiến tranh trực tiếp trên Biển Đông mà chính là việc hình ảnh của Trung Quốc ở Châu Á đang bị chính nước này hủy hoại.

theo Le Monde, phán quyết PCA (Tòa Trọng tài Thường trực ở La Haye) rõ ràng đã cho thấy Trung Quốc lạm dụng vũ lực ở Biển Đông, không tôn trọng luật biển và đã xâm phạm chủ quyền của Philippines.

nhật báo Le Monde cho rằng Trung Quốc đã phạm hai sai lầm lớn. Thứ nhất, Trung Quốc đã tự hủy hoại tham vọng trở thành một cường quốc trỗi dậy hòa bình và tuân thủ các chuẩn mực quốc tế. Thứ hai, Trung Quốc đã gây ra mâu thuẫn và góp phần làm cho căng thẳng quân sự leo thang trong khu vực có nhiều nước đồng minh của Mỹ.

Theo Le Monde, chính Trung Quốc là nước gây bất ổn và chạy đua vũ trang trong khu vực. Những gì mà Trung Quốc gây ra hoàn toàn đối lập với cái mà Bắc Kinh nói là đang mưu cầu.

Phán quyết thuận lợi cho Việt Nam

Trước những băn khoăn, thậm chí lo lắng của không ít người về việc phán quyết ngày 12/7 có thể khiến Việt Nam mất chủ quyền ở Trường Sa, trả lời phỏng vấn của báo Tuổi trẻ, PGS.TS Vũ Thanh Ca, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và hải đảo khẳng định, phán quyết của Tòa Trọng tài thuận lợi cho Việt Nam.

Ông lưu ý rằng đây là Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS), mà công ước chỉ điều chỉnh các vấn đề liên quan tới biển mà không điều chỉnh các vấn đề liên quan tới chủ quyền đảo. Chủ quyền đảo được điều chỉnh bởi luật pháp quốc tế liên quan đến chủ quyền lãnh thổ.

Căn cứ vào quy định của công ước, trong vụ Philippines kiện Trung Quốc, tòa chỉ có thẩm quyền đối với các phán quyết liên quan đến việc giải thích và áp dụng UNCLOS mà không có bất cứ thẩm quyền nào để giải quyết các vấn đề liên quan tới chủ quyền quốc gia đối với các đảo.

Phán quyết này của tòa là cực kỳ quan trọng vì nó sẽ giới hạn vùng tranh chấp trên Biển Đông. Như ta đã biết, theo UNCLOS, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam có chiều rộng tối đa 200 hải lý tính từ đường cơ sở và vùng thềm lục địa có chiều rộng tối đa tới 350 hải lý tính từ đường cơ sở.

Nếu các đảo thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có vùng đặc quyền kinh tế, một phần vùng đặc quyền kinh tế của các đảo này sẽ chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Như vậy, tự nhiên quy chế các đảo đã biến vùng không có tranh chấp trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam thành vùng có tranh chấp.

“Phán quyết sẽ giúp ta giữ nguyên vẹn vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa; và nếu từ nay Trung Quốc vẫn cố tình vi phạm các khu vực này của Việt Nam, họ sẽ càng chứng tỏ cho thế giới họ là kẻ hung bạo, sẵn sàng chà đạp lên luật pháp quốc tế”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Trước đó, ngày 12/7, ngay sau khi có phán quyết của Tòa Trọng tài, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 trên cơ sở đề nghị của Philippines đã đưa ra phán quyết cuối cùng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ: “Việt Nam hoan nghênh việc Tòa trọng tài đã đưa ra phán quyết cuối cùng ngày 12/7/2016. Việt Nam sẽ có tuyên bố về nội dung phán quyết.

Việt Nam một lần nữa khẳng định lập trường nhất quán của mình về vụ kiện này như đã được thể hiện đầy đủ trong Tuyên bố ngày 5-12-2014 của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Tòa trọng tài. Trên tinh thần đó, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực theo quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương.

Nhân dịp này, Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, cũng như tất cả các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam liên quan đến các cấu trúc địa lý thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”./.

Nguồn tài liệu trích dẫn

http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20160715/phan-quyet-cua-toa-trong-tai-thuan-loi-cho-viet-nam/1136872.html

http://bnews.vn/phan-ung-cua-singapore-thai-lan-va-an-do-ve-phan-quyet-cua-pca/19764.html

http://bnews.vn/viet-nam-hoan-nghenh-viec-pca-ra-phan-quyet-lien-quan-toi-bien-dong/19743.html

http://baotintuc.vn/the-gioi/eu-hy-vong-phan-quyet-cua-pca-tao-dong-luc-giai-quyet-tranh-chap-bien-dong-20160713162016146.htm