Tăng trưởng đang dưới tiềm năng

Báo cáo với chủ đề “Những ràng buộc đối với tăng trưởng” cho thấy, nền kinh tế Việt Nam năm 2013, được đánh giá ở trạng thái ổn định ở cấp vĩ mô. Tăng trưởng GDP đạt mức 5,42% (nhích nhẹ so với năm 2012); lạm phát tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất trong 13 năm với tỷ lệ 6,04% vào cuối năm; doanh thu bán lẻ tăng 5,6%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội giảm còn 30,4% GDP - mức thấp trong nhiều năm trở lại.

Tuy nhiên, gốc rễ của sự phục hồi, sâu xa hơn là năng lực sản xuất của nền kinh tế chưa thực sự vững chắc khi khối doanh nghiệp trong nước tỏ ra yếu đuối và tụt hậu, chưa tìm được hướng đi và thị trường. Nhu cầu từ bên ngoài ảnh hưởng lên khu vực trong nước là khá khiêm tốn.

Chính sách kinh tế trong năm 2013 xoay xở trong không gian chật hẹp, bởi ngân sách thâm hụt cao và nhu cầu tín dụng thấp. Do đó, hiệu quả kích thích kinh tế của các biện pháp hỗ trợ từ phía tài khóa và tiền tệ không cao. Thị trường bất động sản chứng kiến những thay đổi trong cấu trúc thị trường và hoạt động giao dịch sôi động trở lại.

Báo cáo cũng chỉ ra những ràng buộc cản trở tốc độ tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam như: chất lượng môi trường kinh doanh thấp, quyền sở hữu bị xâm phạm, tình trạng tham nhũng vẫn là vấn đề bức xúc. Trong đó, cơ sở vật chất hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất hạ tầng năng lượng hạn chế, hoạt động đầu tư công quá mức là những ràng buộc rõ nhất. Thực trạng nguồn nhân lực của Việt Nam khá dồi dào, nhưng thiếu kinh nghiệm, kỹ năng cũng là cản trở đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Theo Báo cáo này, có 2 kịch bản dự báo tăng trưởng: kịch bản thấp dự báo mức tăng trưởng GDP đạt khoảng 4,15%, trong khi kịch bản cao hơn cũng chỉ đạt mức là 4,88%, theo giá cố định năm 2010. Lạm phát sẽ tiếp tục ở mức thấp, chỉ 4,76% - 5,51%.

2 kịch bản đều dự báo thấp hơn mức tăng trưởng thực tế của năm 2013 và cũng như mục tiêu Quốc hội đề ra là 5,8%.

TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng, sở dĩ dự báo GDP giảm đến mức dưới 5% là do Báo cáo đã cập nhật những số liệu kinh tế vĩ mô trong nước trước diễn biến mới là tình hình căng thẳng đang diễn ra trên biển Đông, việc Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan Haiyang Shiyou 981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đe dọa quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Tuy nhiên, đánh giá về 2 kịch bản tăng trưởng (tăng GDP năm 2014 mức thấp là 4,15%, cao là 4,88%) mà Báo cáo nêu, TS. Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, điều này là chưa thuyết phục, và ông không bi quan về tăng trưởng như nhóm tác giả đã nêu trong Báo cáo.

Đồng quan điểm, PGS, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng cho rằng, những liệt kê về ràng buộc đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam như VEPR đưa ra là chưa ổn.

Theo ông Thiên, đó không chỉ đơn thuần là những chi tiết xếp cạnh nhau trong nền kinh tế. Các ràng buộc này đã thành một hệ thống, giờ muốn đục chỗ nào để thoát ra cũng khó.

“Vì sao chúng ta cố đột phá mãi mà không được? Hệ thống ràng buộc này có thể ví như một vòng xoáy, giờ muốn tháo ra một điểm nào đó cũng không dễ. Không thể coi mỗi ràng buộc đó như một điểm mà có thể nhặt từng cái ra để xử lý”, vị chuyên gia kinh tế này nhấn mạnh.

Kinh tế đang trên đường phục hồi thì chạm cú sốc

Tháo gỡ những ràng buộc

Báo cáo của VEPR cho rằng, Việt Nam cần tháo gỡ những ràng buộc tăng trưởng bao gồm bất ổn kinh tế vĩ mô, sự xói mòn niềm tin của các chủ thể kinh tế vào tương lai, yếu kém hiệu quả của các trung gian tài chính và đội ngũ lao động...

“Các chương trình tái cơ cấu kinh tế cần tiếp tục thực hiện theo lộ trình để không bỏ lỡ cơ hội cải cách một lần nữa”, nhóm nghiên cứu khuyến nghị.

Báo cáo kiến nghị, trong giai đoạn đứng trước thử thách khó khăn với Trung Quốc, Việt Nam càng cần thực hiện quyết tâm thay đổi mô hình kinh tế, con đường phát triển và thay đổi tư duy điều hành nền kinh tế. Giai đoạn kinh tế suy giảm vừa qua cho thấy, nhiều bài học lớn, cùng với những tranh chấp với Trung Quốc hiện nay, nhu cầu cải cách, giảm phụ thuộc càng rõ ràng hơn.

Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Việt Nam cần và hoàn toàn có thể giảm phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc. Hiện nay, Việt Nam nhập nhiều sản phẩm như máy móc, thiết bị, thậm chí nguyên, vật liệu từ Trung Quốc. Lý do là giá rẻ, giúp doanh nghiệp có thể quay vòng vốn nhanh. Tuy nhiên, đã đến lúc tính toán đa dạng hóa nguồn cung cấp, giá có thể đắt hơn, nhưng theo ông Thành, doanh nghiệp cần tính xa, và có thể sẽ phải chấp nhận việc quay vòng vốn có thể chậm hơn. “Cần xác định các đối tác kinh tế chiến lược như Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và ASEAN để xây dựng cơ sở hợp tác dài hạn, dần giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc”, ông Thành nói.

Báo cáo cho rằng, Chính phủ cần chú trọng phân bổ nguồn lực, tạo dựng cơ chế khơi thông đầu tư sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Đặc biệt với kinh tế biển, cần hỗ trợ trực tiếp (sửa chữa, nguyên liệu) để người dân bám biển; bổ sung các tàu lớn của quốc gia để hỗ trợ về hậu cần cho các đội tàu cá.

Đối với thị trường bất động sản, nên để thị trường tiếp tục tự điều chỉnh, xuống giá. Nói về định hướng của chính sách tỷ giá, theo TS. Thành, không chỉ là điều chỉnh ngắn hạn trong nửa cuối năm (tăng khoảng 2%-3%) mà chính sách tỷ giá cần một tầm nhìn ổn định trong tương lai nhằm tác động tích cực đến sản xuất trong nước.

“Sau giai đoạn căng thẳng trên biển Đông với Trung Quốc, nên có sự điều chỉnh tỷ giá vì điều kiện vĩ mô thuận lợi như hiện nay không có nhiều”, TS. Thành nhận định.

Trước dự báo không khả quan lắm về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay như VEPR đưa ra, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương Lê Đăng Doanh lưu ý rằng, trong bối cảnh phức tạp như hiện nay, “chúng ta cần phải phân tích để nhìn rõ sức chịu đựng của nền kinh tế như thế nào và tìm cách ứng xử ra sao?”

Hơn nữa, bối cảnh quốc tế phức tạp, “đòi hỏi phải có sự sáng tạo, có sự đổi mới và cải cách. Nhưng cần xem xét năng lực đổi mới, sáng tạo của nước ta như thế nào. Liệu Việt Nam có tiếp tục làm được một cuộc đổi mới có kết quả để cả thế giới ngưỡng mộ như những năm 1986 và 1990 hay không?”, ông Doanh nói.

Còn GS, TSKH. Nguyễn Quang Thái đề nghị, cần nhìn nhận tăng trưởng trong mối quan hệ giữa kinh tế và xã hội. Bởi, chỉ số tăng trưởng thực sự phải đi liền với giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội...

Theo ông Thái, trong ngắn hạn, nền kinh tế chưa thực sự tăng trưởng mạnh mẽ được, vậy điều đó tác động thế nào đến nền kinh tế trong nước, đây là một bài toán cần lưu ý./.