Bộ trưởng Luận cho biết, con số 34.000 tỷ đồng không có trong Tờ trình và những hồ sơ liên quan mà Chính phủ gửi lên Uỷ ban Thường vụ quốc hội.

Lần này, Chính phủ đề nghị với Quốc hội bàn để ra nghị quyết về chủ trương đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông, tương tự như năm 2000. Kết cấu của Nghị quyết đơn giản chỉ gồm 3 phần: Mục tiêu đổi mới; tiến độ và tổ chức thực hiện quá trình đó thế nào.

"Trong hồ sơ chúng tôi gửi lên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng không có con số nào về tiền nong”, Bộ trưởng Luận nhấn mạnh lại lần nữa.

Trước câu hỏi con số 34.000 tỷ đồng xuất phát từ đâu? Bộ trưởng Luận cho biết, sau khi tìm hiểu, thì chúng tôi được biết là được tổng hợp từ kết quả nghiên cứu của nhiều nhóm chuyên gia khác nhau.

“Trong số 34.000 tỷ đồng này, các nhóm chuyên gia đề xuất không chỉ biên soạn sách giáo khoa, mà còn bao gồm đào tạo lại đội ngũ giáo viên, mua sắm trang thiết bị và nhiều công việc khác. Riêng về biên soạn chương trình và sách giáo khoa, nhóm chuyên gia đề xuất trên 100 tỷ đồng”, ông Luận cho hay.

Thế nhưng, điều đáng nói là con số 34.000 tỷ đồng lại do chính đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo phát ngôn ra. Theo Bộ trưởng Luận, đây là một sai sót, sơ suất đáng tiếc.

“Để xảy ra sơ xuất này thì trách nhiệm thuộc về Bộ Giáo dục và Đào tạo và chúng tôi xin nhận trách nhiệm này”, Bộ trưởng Luận thừa nhận.

Trước đó, ngày 14/4/2014, con số 34.275 tỷ đồng cho đổi mới chương trình, sách giáo khoa được Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển công bố tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lập tức thu hút sự chú ý của dư luận. Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng đây là con số quá lớn cho một đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa.