Báo động tình trạng thói quen uống rượu bia vẫn lái xe của người Việt

Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam là một trong số ít quốc gia đang có xu hướng tăng nhanh về mức tiêu thụ đồ uống có cồn trong khi mức tiêu thụ của toàn thế giới thập kỷ qua hầu như không thay đổi. Mức tiêu thụ rượu bia bình quân đầu người ở Việt Nam (trên 15 tuổi cả hai giới) quy đổi theo cồn nguyên chất tăng từ 3,8 lít giai đoạn 2003-2005, lên 6,6 lít giai đoạn 2008-2010, cao hơn mức trung bình của thế giới (6,2 lít) và đứng thứ ba trong các nước khu vực Đông Nam Á.

Điều này thực sự trở thành mối lo ngại cho toàn xã hội khi đó là một trong những nguyên nhân chính làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông, gây ra nhiều vụ tai nạn thương tâm, đe dọa tính mạng con người, tổn hại tài sản vật chất. Theo báo cáo của WHO năm 2014, tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia ở Việt Nam chiếm khoảng 36,2% ở nam giới và 0,7% ở nữ giới. Báo cáo cũng cho thấy, trên 18.412 nạn nhân tai nạn giao thông nhập viện có nồng độ cồn trong máu cao hơn mức cho phép (> 50mg/dl) ở người đi xe máy là 36%, ở người lái xe ô tô (> 0 mg/dl) là 66,8%.

Phân tích số liệu điều tra quốc gia của 1.061 trường hợp tử vong do tai nạn giao thông tại Việt Nam cho thấy 1/5 các trường hợp có nguyên nhân là sử dụng chất có cồn. Đáng nói, kết quả điều tra pháp y của Trường Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Việt Đức trên 100 người tử vong do tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia có khoảng 59% nạn nhân có độ tuổi từ 15-29 và 24% nạn nhân từ 30-44 tuổi, 97% là nam giới. Đa số các vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia là nghiêm trọng, 68% nạn nhân có thời gian sống dưới 30 phút sau khi tai nạn xảy ra (Bộ Y tế, 2016).

Người Việt cần từ bỏ ngay thói quen lái xe khi đã uống rượu bia để bảo vệ an toàn cho bản thân và xã hội

Gỡ nút thắt từ siết chặt chế tài xử phạt?

Mặc dù tác hại của việc tham gia giao thông khi đã sử dụng rượu bia được tuyên truyền rộng rãi đến người dân, nhưng thực tế tai nạn giao thông do rượu bia vẫn không hề giảm ở Việt Nam thời gian qua.

Một trong những nguyên nhân được nói đến là do lực lượng chức năng phát hiện và xử lý vẫn chưa nghiêm, dẫn đến tình trạng người dân vẫn cố tình vi phạm dù biết đó là hành vi phạm pháp.

Ngày 26/05/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Triển khai Nghị định của Chính phủ, từ ngày 16/08/2016, tại 4 thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ, Cục cảnh sát giao thông phối hợp với công an thành phố tập trung kiểm soát việc uống rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông ngay tại khu vực gần các nhà hàng, quán rượu bia vào các giờ cao điểm từ 11 giờ đến 14 giờ, từ 16 giờ đến 21 giờ.

Cảnh sát giao thông xử lý mạnh các đối tượng vi phạm theo quy định của Nghị định 46/2016/NĐ-CP. Áp dụng các biện pháp mạnh để xử lý các trường hợp chống đối lực lượng thực thi công vụ theo quy định của pháp luật.

Đáng chú ý, ngay ngày đầu tiên ra quân xử phạt lỗi nồng độ cồn (16/8), Phòng cảnh sát giao thông (PC67), Công an TP. Hà Nội đã xử phạt một tài xế mức 17 triệu đồng, tạm giữ ô tô 7 ngày, tước bằng 5 tháng. Mặc dù mức phạt gây “choáng” cho nhiều người, nhưng đa phần dư luận xã hội ủng hộ cần phải có chế tài xử lý nghiêm mới mong giảm được thói quen lái xe khi sử dụng rượu bia của nhiều người.

Hy vọng, thời gian tới, việc tăng cường lực lượng chốt chặn ngay gần các nhà hàng, quán bia, rượu sẽ làm giảm số vụ tai nạn liên quan đến rượu bia và số người vi phạm nồng độ cồn./.

Nguồn tham khảo:

1. Bộ Y tế (2016). Hỏi đáp về phòng, chống tác hại của rượu bia, truy cập từ http://vncdc.gov.vn/files/article_attachment/2016/6/hoi-dap-ve-ruou-bia_final.pdf

2. Võ Phương (2016). Từ 16/8: Cảnh sát giao thông lập chốt gần các nhà hàng, xử lý ma men, truy cập từ http://www.vietnamplus.vn/tu-168-canh-sat-giao-thong-lap-chot-gan-cac-nha-hang-xu-ly-ma-men/401280.vnp