Câu chuyện của những dự án nghìn tỷ “đắp chiếu”

Trên các tờ báo và trang tin điện tử gần đây tràn ngập câu chuyện về lỗ lớn, nợ nhiều, Đạm Ninh Bình “kêu cứu” Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Công ty TNHH Một thành viên Đạm Ninh Bình đi vào hoạt động năm 2012, nhưng lỗ lớn từ đó và đến nay, tổng lỗ luỹ kế đã lên gần 2.700 tỷ đồng. Chi phí lãi vay, khấu hao thiết bị, công nghệ đã khiến Nhà máy rơi vào cảnh càng sản xuất càng lỗ lớn.

Tháng 03/2016, Nhà máy công bố dừng hoạt động do thua lỗ quá lớn, không cạnh tranh được với phân bón Trung Quốc. Hơn nữa, dây chuyền thiết bị của nhà máy thường xuyên bị hư hỏng trong khi việc mua mới, thay thế phải phụ thuộc hoàn toàn về phía nhà thầu Trung Quốc.

Khó khăn chồng chất, Đạm Ninh Bình đang phải đối mặt với khoản nợ 8.300 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2016, Đạm Ninh Bình tiếp tục lỗ khoảng 457 tỷ đồng.

Năm 2015, Tập đoàn Hoá chất đã phải cho Đạm Ninh Bình vay 366 tỷ đồng để trả nợ phía Trung Quốc, năm 2016 dự kiến số phải trả là 563 tỷ đồng lãi vay.

Do đó, UBND tỉnh Ninh Bình kiến nghị Thủ tướng xem xét cho phép công ty được dãn thời gian trả nợ tối thiểu là 5 năm cho Eximbank Trung Quốc đối với các khoản vay dài hạn đầu tư cho dự án để công ty ổn định lại sản xuất, giảm lỗ.

Đồng thời, cho phép Đạm Ninh Bình được áp dụng chính sách trích lập dự phòng chênh lệch tỷ giá sau giai đoạn đầu tư đối với các khoản nợ vay có nguồn gốc ngoại tệ theo nghĩa vụ nợ phát sinh trong kỳ trong trường hợp tỷ giá có biến động. Ninh Bình cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm Ure nhằm giúp hạn chế hàng nhập khẩu quá rẻ trong trong thời gian qua, và là nguyên nhân trực tiếp gây lỗ lớn cho Đạm Ninh Bình.

Tổng lỗ luỹ kế của Công ty TNHH Một thành viên Đạm Ninh Bình đã lên gần 2.700 tỷ

Trước Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc cũng có câu chuyện tương tự, năm 2015, khi dự án đi vào hoạt động, cũng là lúc công ty lâm vào thua lỗ nặng với con số 675 tỷ đồng, năm 2016 số lỗ dự kiến khoảng 488 tỷ đồng. Hiện nay, nợ vay của Đạm Hà Bắc hiện đã lên tới trên 7.000 tỷ đồng. Chi phí lãi vay, khấu hao lớn khiến công ty vẫn đứng trước nguy cơ chìm trong thua lỗ.

Nhìn lại những năm về trước, những dự án nghìn tỷ, hiệu quả thấp vẫn còn ám ảnh nhiều người. Đó là: Dự án Nhà máy Nhôm Tân Rai, Nhà máy Nhôm Tân Cơ, Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ, Bảo tàng Hà Nội, Công viên Hòa Bình và gần đây nhất là Dự án xe buýt nhanh Hà Nội, Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông.

Trên đây chỉ là 2 trong số nhiều dự án nghìn tỷ “đắp chiếu”. Bởi thực tế, báo cáo của Uỷ ban Kinh tế thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và các biện pháp thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016 trình ra trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đã điểm danh nhiều dự án thua lỗ, đắp chiếu, như: Dự án nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất với số vốn đầu tư lên đến hơn 2.200 tỷ đồng đã dừng hoạt động, Dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 trên 8.000 tỷ đồng vẫn chưa hoạt động sau 10 năm triển khai, Nhà máy Bột giấy Phương Nam với số vốn 3.000 tỷ đồng sau 10 năm phải bỏ hoang vì không thể sản xuất được do công nghệ không phù hợp...

Mới điểm qua một số dự án nghìn tỷ đã thấy khiếp sợ. Nhìn lại những năm về trước, những dự án nghìn tỷ, hiệu quả thấp vẫn còn ám ảnh nhiều người. Đó là: Dự án Nhà máy Nhôm Tân Rai, Nhà máy Nhôm Tân Cơ, Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ, Bảo tàng Hà Nội, Công viên Hòa Bình và gần đây nhất là Dự án xe buýt nhanh Hà Nội, Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông.

Vì đâu nên nỗi?

Đối với riêng 2 nhà máy đạm Ninh Bình và Hà Bắc, sai lầm đã được nhìn thấy ngay từ đầu bởi những điều tưởng chừng rất đơn giản. Trong một trao đổi với Báo điện tử Tuổi Trẻ, ông Vũ Văn Nhẫn - tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đạm Ninh Bình (hiện đang quản lý Nhà máy đạm Ninh Bình) - công nhận đa số các nhà máy sản xuất urê trên thế giới sản xuất đạm từ khí đồng hành khi khai thác dầu.

Trong khi đó, giá dầu xuống thấp, giá khí cũng xuống theo đã khiến giá thành của họ giảm. Thế nhưng Đạm Ninh Bình lại sản xuất từ than. Do nhà máy mới đi vào sản xuất nên khấu hao và chi phí tài chính đã cao, đầu vào lại đắt, khiến Nhà máy bị lỗ.

Hai nhà máy đạm Ninh Bình, Hà Bắc vốn đã mất lợi thế vì sản xuất từ than, cộng với giá than tăng, chi phí lãi vay lớn, khấu khao thiết bị lớn, dẫn tới lỗ lớn hơn nhiều so với kế hoạch đề ra trước đó.

Hơn nữa, hai nhà máy đi vào hoạt động trong lúc thị trường đã bão hoà. Nhu cầu phân đạm hàng năm của Việt Nam khoảng 2 triệu tấn. Riêng 4 nhà máy sản xuất phân đạm với tổng công suất tương đương 2,65 triệu tấn là Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau, Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình đã tạo ra sự cạnh tranh quyết liệt và phức tạp trên thị trường phân bón Việt Nam trong bối cảnh cung vượt cầu.

Ngoài đối thủ cạnh tranh trong nước, Công ty còn phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc, với sản lượng nhập khẩu phân bón chiếm tới 50% của toàn ngành.

Giá phân đạm tiếp tục được duy trì ở mức thấp 240 USD một tấn, tạo lợi thế cho phân bón nhập khẩu tràn vào Việt Nam. Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 322.787 tấn urê tương ứng 77,1 triệu USD, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ.

Mặc dù được quảng bá với công nghệ hiện đại châu Âu, song nhiều thiết bị, máy móc của hai nhà máy Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc đều có nguồn gốc từ Trung Quốc. Trong một văn bản gửi lên Bộ Công Thương, ban lãnh đạo Đạm Ninh Bình đã thừa nhận tình trạng hư hỏng vặt của máy móc thiết bị nhập từ Trung Quốc ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh.

Còn đối với những dự án nghìn tỷ “đắp chiếu” nói chung, báo cáo trước Quốc hội về tình hình kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm 2016 vào ngày 29/07, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng chỉ ra rằng, nguyên nhân của tình trạng trên là do việc chấp hành pháp luật chưa nghiêm, chất lượng dự án chưa tốt, việc kiểm soát quy mô, định mức, đơn giá còn chưa chặt chẽ, còn để xảy ra thất thoát lãng phí.

Phát biểu tại phiên họp thứ 50 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội vào ngày 11/07/2016, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng thừa nhận, hiệu quả đầu tư của nhiều dự án, đặc biệt là dự án vốn Nhà nước thấp, thậm chí thất thoát mất vốn.

Dẫn lời ông Ngô Minh Hải - Phó chủ nhiệm thường trực Câu lạc bộ Doanh nghiệp nhà nước (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương) trên Tuổi trẻ cho rằng, Nhà máy đạm Ninh Bình là trường hợp điển hình của đầu tư tràn lan, kém hiệu quả. Bài học của Đạm Ninh Bình cũng là hệ quả điển hình của cơ chế chính sách quá ưu đãi với doanh nghiệp nhà nước.

Hãy để doanh nghiệp sống theo cơ chế thị trường

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, với những dự án nghìn tỷ thua lỗ. Nếu cứu bằng thuế của người dân, trong khi ngân sách đang hạn hẹp, là không hợp lý vì có nhiều nơi khác xứng đáng đầu tư hơn

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, biện pháp tốt nhất là nên để các doanh nghiệp hoạt động theo đúng cơ chế thị trường, đã thua lỗ triền miên thì không nên cứu bởi có cứu cũng khó hiệu quả, thậm chí có nguy cơ mất thêm vốn.

Còn theo ông Ngô Minh Hải, trước doanh nghiệp thua lỗ, vấn đề đặt ra là phải thanh lọc đội ngũ lãnh đạo, tốt nhất là bán hết vốn nhà nước và cần đẩy mạnh cổ phần hóa để doanh nghiệp sống theo cơ chế thị trường.

Còn theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thời gian tới sẽ quán triệt thực hiện nghiêm các quy định về đầu tư công, trách nhiệm người đứng đầu và xử lý nghiêm minh các vi phạm.

Trong khi đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nhấn mạnh, thời gian tới, đồng thời với việc giải ngân, tăng cường đầu tư thì Chính phủ đang quyết liệt trong kiểm soát thực hiện đầu tư xây dựng.

“Không thể đầu tư nhanh nếu chúng ta để thất thoát được. Thất thoát trong thời gian qua cũng rất bức xúc nên lần này tập trung để tăng cường kiểm soát từ khâu chủ trương đầu tư, dự án đầu tư, thực hiện đầu tư đến đưa vào khai thác sử dụng công trình. Và như vậy có thể nâng cao được hiệu quả đầu tư xây dựng” – Phó Thủ tướng nói.

Trước tình hình trên, bên cạnh việc chủ động thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề xuất thực hiện các giải pháp đồng bộ, kịp thời xử lý trách nhiệm người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước nếu thực hiện không đúng, chậm trễ triển khai và gây thất thoát, lãng phí, thiệt hại tài sản nhà nước nhằm tạo ra chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực hiện đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.

Cùng với đó là quản lý, giám sát chặt chẽ nguồn thu từ cổ phần hóa và thoái vốn, bảo đảm đúng mục đích, có hiệu quả. Xây dựng phương án đổi mới phương thức hoạt động Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn lực quan trọng của nhà nước tại Tổng công ty này./.

Tham khảo từ các nguồn:

http://www.tienphong.vn/xa-hoi/dbqh-de-nghi-truy-trach-nhiem-hang-loat-nha-may-nghin-ty-dap-chieu-1033173.tpo

http://vneconomy.vn/doanh-nhan/vi-sao-hai-doanh-nghiep-phan-dam-ty-usd-roi-vao-con-bi-cuc-20160915014756338.htm

http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20160915/du-an-lo-ngan-ti-keu-cuu-thu-tuong/1171542.html