Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,3% năm 2017

Sáng 5/10, WB tại Việt Nam công bố báo cáo cập nhật Kinh tế Đông Á – Thái Bình Dương. Báo cáo cho biết, trong khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, Việt Nam vẫn chứng tỏ khả năng chống chịu của mình. Về chỉ số tăng trưởng, WB cho biết, tăng trưởng của Việt Nam sẽ bị suy giảm trong năm nay nhưng sẽ tăng trở lại mức 6,3% năm 2017.

Tuy nhiên, theo báo cáo, mất cân đối tài khóa kéo dài vẫn gây quan ngại. Kết quả tài khóa đầu năm 2016 cho thấy áp lực ngân sách vẫn đeo đẳng do giá dầu giảm và hoạt động kinh tế yếu đi làm sụt giảm nguồn thu.

“Thâm hụt tài khóa sẽ vẫn cao trong năm nay nhưng sau đó sẽ giảm dần trong trung hạn nhờ Chính phủ thực hiện các kế hoạch thắt chặt tài khóa”. Theo đó, thâm hụt ngân sách của Việt Nam được dự báo ở mức 5,9% trong năm nay và giảm dần về 5,7% trong năm 2017 và 5,0% trong năm 2018.

Đồng thời, nợ công được dự báo tăng lên gần 64,1% GDP vào cuối năm nay và tiến sát trần 65% trong vòng 2 năm tới.

Nhận xét thêm về tình hình nợ công, kinh tế gia Eckardt khẳng định nợ công của Việt Nam có thể tiến sát mức trần 65% trong bối cảnh GDP tăng trưởng chậm lại trong năm nay, nhưng sẽ không vượt ngưỡng do Quốc hội đặt ra.

Điều cần quan tâm là thâm hụt ngân sách vẫn kéo dài trong nhiều năm qua. Trong các văn bản, Chính phủ Việt Nam luôn khẳng định kiềm chế thâm hụt tài khóa để đưa nợ công về mức ổn định và giảm dần trong trung hạn.

“Trong mọi trường hợp, chúng tôi nhận thấy Chính phủ cần giải quyết các mất cân đối ngân sách để làm sao nợ công duy trì ở mức ổn định trong trung hạn”, ông Eckardt nhấn mạnh.

“Chúng tôi không quá chú trọng đến con số 65% GDP bởi dẫu sao đó cũng chỉ là một ngưỡng tham khảo để đánh giá nợ công. Điều quan trọng hơn là tập trung vào diễn biến của thâm hụt ngân sách và đề ra các chính sách để giảm mức thâm hụt này”, chuyên gia này cho biết thêm.

Tăng trưởng khu vực duy trì tốt

Theo Báo cáo, dự báo trong 3 năm tới, tăng trưởng của các nước đang phát triển khu vực Đông Á -Thái Bình Dương vẫn duy trì tốt.

“Viễn cảnh tăng trưởng các nước đang phát triển khu vực Đông Á - Thái Bình Dương vẫn tích cực, mặc dù tăng trưởng toàn cầu suy giảm, nhưng được bù lại bởi tiêu dùng và đầu tư trong nước tăng mạnh,” bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch WB phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương nhận xét.

Cụ thể, theo Báo cáo Cập nhật kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương, các nước trong khu vực dự kiến duy trì tăng trưởng ổn định ở mức 4,8% năm 2016; 5,0% năm 2017 và 5,1% năm 2018.

Ngoài ra, WB cũng đã phân tích viễn cảnh các nước trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương trong bối cảnh thách thức toàn cầu, trong đó gồm có các yếu tố như tăng trưởng chậm tại các nền kinh tế phát triển, viễn cảnh không mấy sáng sủa tại hầu hết các nước đang phát triển và thương mại toàn cầu trì trệ…

Trong trung hạn, Báo cáo cập nhật kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương nêu một số lĩnh vực chính sách cần tập trung thúc đẩy tăng trưởng hòa nhập như: Trung Quốc cần phát huy thành công trước đây về giảm nghèo nhờ tăng cường cung cấp dịch vụ công cho vùng nông thôn và cho nhóm dân di cư ngày càng tăng vào các thành phố.

Các nước khác trong khu vực cần điều chỉnh chi công, tăng cường hợp tác công tư và nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công nhằm xóa bỏ yếu kém về cơ sở hạ tầng.

Báo cáo cũng hối thúc các nhà hoạch định chính sách giải quyết nạn suy dinh dưỡng còn khá phổ biến. Tại nhiều nước, ngay cả tại một số nước có thu nhập cao, tỷ lệ trẻ em thiếu dinh dưỡng vẫn còn đáng kể. Đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng sức khỏe và năng lực nhận thức kém và tình trạng này rất khó khắc phục./.