Toàn cảnh Hội thảo

Tăng trưởng kinh tế bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường

Tại Hội thảo khoa học quốc tế “Kinh tế Việt Nam trong trung hạn: triển vọng và một số ảnh hưởng của yếu tố môi trường", ngày 18/11, TS. Đặng Đức Anh, trưởng nhóm nghiên cứu của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia (NCIF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, giai đoạn 2016-2020, tăng trưởng kinh tế được kỳ vọng hồi phục mạnh trong giai đoạn tới với sự hỗ trợ từ các hiệp định thương mại, lực đẩy từ các doanh nghiệp FDI và nhu cầu bên ngoài, cùng với quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, cải cách về thể chế và môi trường kinh doanh.

Tuy nhiên, những thành tựu về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có khả năng bị đe dọa do chịu tác động ngày càng tăng của biến đổi khí hậu.

Theo Chỉ số về mức độ tổn thương do biến đổi khí hậu (CCVI), một chỉ số đánh giá mức độ tổn thương do tác động của biến động khí hậu trong 30 năm tới thông qua 42 yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường, thì Việt Nam xếp hạng thứ 23 trong tổng số 193 quốc gia, và là một trong 30 nước chịu “rủi ro rất cao”. Trong đó, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Mặc dù Việt Nam không phải quốc gia gây tác động nghiêm trọng tới quá trình nóng lên toàn cầu, nhưng lại nằm trong nhóm 25 quốc gia thu nhập thấp-trung bình dẫn đầu về phát thải khí nhà kính hàng năm. Cùng với quá trình phát triển kinh tế, tình trạng ô nhiễm môi trường và sự cố môi trường ngày càng gia tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong trung và dài hạn.

Đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí tại Việt Nam gây thiệt hại đến 5% GDP hằng năm. Ngoài khoản thiệt hại chung như trên, hằng năm nước ta còn phải chi ra 780 triệu USD cho công tác chữa trị những chứng bệnh gây nên, với chi phí trực tiếp cho việc khám chữa bệnh lên đến khoảng 400 tỷ đồng.

Để đánh giá tác động của thiên tai và ô nhiễm môi trường đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam giai đoạn 2016-2020, nhóm nghiên cứu giả định mức độ thiệt hại trực tiếp do thiên tai và ô nhiễm môi trường bằng mức trung bình của giai đoạn 2011- 2015, tức là khoảng 0,4% GDP (Bảng 1).

Bảng 1: Thiệt hại do thiên tai và chi phí khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường giai đoạn 2011-2015

Năm

Thiệt hại do thiên tai (% GDP)

Chi khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường (% GDP)*

2011

0,43

0.0000

2012

0,49

0.0012

2013

0,84

0.0033

2014

0,07

0.0027

2015

0,19

0.0029

*Số 2011-2014 là số quyết toán, số 2015 là số dự toán

Nguồn: Bộ Tài chính và Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai

Theo số liệu thống kê của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho thấy trong giai đoạn 2011-2015, tổng thiệt hại do thiên tai gây ra khoảng 0,4% GDP mỗi năm. Trong đó, năm 2013 là năm có thiệt hại cao nhất khoảng 0,84% GDP và năm 2014 là năm thấp nhất khoảng 0,07% GDP. Theo số liệu thống kê của GSO, ước tính thiệt hại 9 tháng năm 2016 khoảng 10,5 nghìn tỷ đồng, chưa kể các thiệt hại do tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng tại khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Tuy nhiên, ông Đức Anh cũng lưu ý, mức thiệt hại này mới chỉ được ước tính dựa trên tác động trực tiếp của yếu tố thời tiết và môi trường đến nền kinh tế mà chưa bao hàm các tác động gián tiếp khác. Ví dụ, hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn hoặc mất đất canh tác không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp mà còn tác động đến việc làm, thu nhập của hộ gia đình, doanh nghiệp; qua đó, ảnh hưởng đến thu ngân sách và đầu tư.

Tương tự, ô nhiễm môi trường đất và nước làm giảm năng suất cây trồng và tác động tiêu cực đến hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản và hoạt động du lịch; qua đó tác động đến việc làm, thu nhập và tiêu dùng, đầu tư của dân cư cũng như đóng góp cho ngân sách của Chính phủ.

Để lượng hóa các tác động gián tiếp này, nghiên cứu này sử dụng mô hình kinh tế lượng dạng cấu trúc Mô hình VANMIEU v2.2 để đánh giá tác động của yếu tố môi trường tới nền kinh tế dựa trên giả định nguồn thu và chi tiêu của Chính phủ giảm tương ứng với phần giảm do tác động trực tiếp của yếu tố thiên tai và môi trường (Bảng 2).

Bảng 2. Kết quả mô phỏng tác động của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đến một số chỉ tiêu kinh tế giai đoạn 2016-2020 (% giảm so với kịch bản cơ sở)

Chỉ tiêu

2016

2017

2018

2019

2020

GDP

0,61

0,59

0,58

0,58

0,57

Tăng trưởng tiêu dùng tư nhân

0,02

0,11

0,12

0,13

0,14

Tăng trưởng tổng đầu tư

1,68

1,12

1,13

1,13

1,12

Tăng trưởng việc làm

0,08

0,07

0,08

0,082

0,085

Nguồn: Kết quả tính toán từ mô hình kinh tế lượng cấu trúc VANMIEUv2.2

“Kết quả mô phỏng chính sách cho thấy, trong giai đoạn 2016-2020, nếu tình trạng ô nhiễm môi trường và thiệt hại do thiên tai không được hạn chế thì tăng trưởng kinh tế trung bình mỗi năm sẽ giảm khoảng 0,6% GDP (bao gồm cả tác động trực tiếp và gián tiếp). Tăng trưởng tiêu dùng bình quân mỗi năm giảm 0,1%. Tăng trưởng tổng đầu tư toàn xã hội và việc làm sẽ bị giảm trung bình mỗi năm tương ứng khoảng 1,2 và 0,08%”, thay mặt nhóm nghiên cứu, TS. Đặng Đức Anh cho hay.

Khi nền kinh tế mạnh lên, thì tiêu cực từ biến đổi khí hậu ít hơn

Ở một góc độ khác, PGS, TS. Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng: “Biến đổi khí hậu, có nên quá lo lắng không, tôi nghĩ là nên, nhưng không nên quá, vì nếu có cải cách mạnh mẽ, nếu có đổi mới sáng tạo để nâng cao thể lực nền kinh tế và khả năng chống đỡ thì không có gì đáng lo cả. Ví dụ tại Đồng bằng sông Cửu Long nếu nước biển dâng, thì đó là cơ hội nuôi tôm sạch, hoặc một cái gì đó khác, để có thể thu về nguồn lợi lớn hơn trồng lúa. Điều này phụ thuộc vào năng lực dự báo, dự đoán, dám thay đổi và trình độ khoa học, công nghệ”.

Theo ông Bá, hiện nay giữa tư duy và hành động của chúng ta cũng đang có vấn đề. Dẫn ví dụ TP. Hồ Chí Minh địa thế dốc từ Củ Chi xuống biển, ông Bá băn khoăn, tại sao lại phát triển Thành phố này cứ theo hướng Nam và mỗi năm đổ hàng bao nhiêu tỷ đồng để khắc phục ngập lụt.

“Cách phát triển như thế có đúng không, tại sao không phát triển về hướng Củ Chi?”, ông Bá đặt câu hỏi.

Từ đó, ông Bá cho rằng: “Thiên tai lớn, nhưng nhân tai cũng không nhỏ. Đừng để người ta hiểu rằng chỉ tại ông giời hết, bởi thiên tai không chỉ tại ông giời!”.

Đồng tình với quan điểm của vị nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, TS. Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đặt vấn đề, các đánh giá tác động cho rằng, thiên tai, biến đổi khí hậu một năm có thể lấy mất của Việt Nam 1% GDP, vậy đặt vấn đề ngược lại là liệu chúng ta có dám đầu tư từng đó cho bảo vệ môi trường hay không? Vì thế cần có sự liên hệ giữa biến đổi khí hậu với vấn đề ô nhiễm môi trường và đánh giá tác động của nó tới tăng trưởng kinh tế trong tương lai. Bởi, các vấn đề do nhân tai, dù có thể đền bù, nhưng việc khôi phục sinh thái rất lâu. Điển hình là vụ ô nhiễm môi trường Formosa

“Nên có từng chuyên đề một về thiệt hại từ biến đổi khí hậu. Cần thấy rằng, biến đổi khí hậu có mặt trái, tiêu cực, nhưng cũng có những mặt tích cực, như tại Ninh Thuận xưa hạn, thì nay lại có mưa”, ông Chinh đề xuất.

Đặt vấn đề phải có sự lựa chọn, TS.Trần Quang Văn, Trường Đại học Kinh tế - Luật TP. Hồ Chí Minh ví von, có 2 bức tranh về 2 ông già. Một ông già ngồi giữa đồng xanh, một ông ăn hamberger trong phòng máy lạnh, nhưng phía ngoài là ống khỏi thải khó… vậy chọn gì? Từ đó, vị chuyên gia này đề xuất, cần có những đánh giá tác động cụ thể về tác động của biến đổi khí hậu, của ô nhiễm môi trường đối với tăng trưởng kinh tế để lựa chọn hướng phát triển cho mình.

GS, TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư nước ngoài thì cho rằng, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là làm thế nào vẫn tăng trưởng, nhưng vẫn bảo vệ được môi trường. Như vậy, cần có một cơ cấu kinh tế phù hợp.

“Tôi phản đối phát triển công nghiệp thép, xi măng, hóa chất… chúng ta đang nói đến công nghiệp hóa theo hướng hiện đại và đã gặp trường hợp gây ô nhiễm của Formosa, vậy mà vẫn có chuyện đưa Thép Cà Ná đưa vào quy hoạch. Bộ trưởng Bộ Công Thương trả lời Quốc hội theo kiểu trước có, rồi bỏ ra, bây giờ cho lại. Tối nói nhiều rồi, tiếp tục sản xuất thép lò cao là ngu xuẩn, chừng nào còn được phát biểu thì tôi còn kịch liệt phản đối”, ông Mại mạnh mẽ./.