Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã bày tỏ nhận định lạc quan này tại buổi công bố báo cáo Điểm lại tình hình phát triển kinh tế Việt Nam chiều 5/12. Lãnh đạo WB Việt Nam tin tưởng, với triển vọng trung hạn thuận lợi, tăng trưởng GDP của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 6% trong năm nay.

Chuyên gia kinh tế trưởng của WB Việt Nam, Sebastian Eckardt, cũng cho biết thêm, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam giảm xuống 5,9% trong 3 quý đầu năm chủ yếu do hạn hán và ngập mặn ảnh hưởng đến nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long; giá dầu sụt giảm; và nhu cầu nhập khẩu bên ngoài giảm gây ảnh hưởng đến tăng trưởng xuất khẩu.

Tuy nhiên, các yếu tố cơ bản đảm bảo tăng trưởng Việt Nam vẫn tương đối ổn định, ngành nông nghiệp, khai khoáng chững lại, nhưng được bù đắp bởi tăng trưởng trong ngành chế tạo, chế biến.

Bên cạnh đó, đà tăng trưởng chậm lại đi kèm với mức lạm phát vừa phải và cải thiện cán cân đối ngoại. Lạm phát sau khi xuống thấp kỷ lục vào năm 2015 lại tăng dần lên trong những tháng cuối năm nay, sau khi Nhà nước tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục. Tuy nhiên, lạm phát cơ bản vẫn được kiềm chế và chỉ số giá tiêu dùng dự kiến vẫn thấp hơn mục tiêu 5% của Chính phủ.

Toàn cảnh buổi công bố

Về kinh tế đối ngoại, thặng dư tài khoản vãng lai đang được cải thiện chủ yếu do tăng trưởng nhập khẩu đã chậm lại.

Nguồn vốn FDI vào Việt Nam tăng mạnh và là động lực quan trọng để Việt Nam đạt được các kết quả đáng ghi nhận về thương mại và tăng trưởng kinh tế nói chung. Tính đến cuối tháng 10/2016, Việt Nam đã tiếp nhận đầu tư của trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng cam kết đầu tư FDI lên khoảng 280 tỷ USD (tương đương 150% GDP) cho rất nhiều hoạt động đầu tư đa dạng. Khu vực FDI đóng góp khoảng 18% GDP của Việt Nam, gần 1/4 tổng đầu tư toàn xã hội, 2/3 tổng kim ngạch xuất khẩu và tạo ra hàng triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp.

Mặc dù lợi nhuận và cổ tức bị chuyển ra nước ngoài tiếp tục tăng lên do khu vực FDI của Việt Nam rất lớn, nhưng số này phần nào được bù đắp bởi dòng kiều hối và tổng thặng dư tài khoản vãng lai tăng lên trong những tháng đầu năm. Thặng dư tài khoản vốn tiếp tục ở mức cao do dòng vốn FDI ổn định và Việt Nam vẫn tiếp tục được tiếp cận các nguồn vốn có tính chất ưu đãi. Chính tình trạng cán cân thanh toán được cải thiện đã tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước ổn định tỷ giá danh nghĩa và nâng dự trữ ngoại hối lên khoảng 2,6 tháng nhập khẩu vào cuối quý II vừa qua.

Dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước cũng được nâng lên, tuy vẫn còn ở mức tương đối thấp. Vẫn còn đó mối lo ngại về sự tăng giá tỷ giá thực hữu hiệu (REER) của VND và tác động bất lợi tới khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam trong bối cảnh đồng USD tiếp tục tăng mạnh lên và tình trạng mất giá tiền tệ của các bạn hàng thương mại chính của Việt Nam.

Tuy nhiên, theo Báo cáo điểm lại, vấn đề mà WB thực sự quan ngại là bội chi ngân sách ở mức cao và đang diễn ra trong nhiều năm gần đây. Bội chi ngân sách bình quân của Việt Nam ở mức 5,5% GDP trong 5 năm qua, dẫn đến nợ công tăng cao. Mặc dù rủi ro khó khăn nợ cấp tính tương đối thấp, nhưng nợ công thời gian qua tăng nhanh và đang tiến sát đến ngưỡng trần 65% mà Quốc hội đề ra. Trong khi đó, nhu cầu huy động vốn trung hạn cho ngân sách, bao gồm cả nhu cầu trả nợ ngắn hạn trong nước, lại rất lớn và chi trả lãi suất đang tăng lên.

Hơn nữa, khả năng tiếp cận nguồn vốn có tính chất ưu đãi của nước ngoài sẽ bị thắt chặt khi Việt Nam củng cố được vị thế của mình là quốc gia thu nhập trung bình và phải phụ thuộc nhiều hơn vào thị trường vốn quốc tế để huy động vốn cho Chính phủ trong thời gian tới./.