Đây là một trong nhiều nội dung đáng chú ý của Hội thảo Đổi mới trong quản lý và quản trị bệnh viện công tại Việt Nam do Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội quốc gia phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức tại Hà Nội vào ngày 13/12. Hội thảo đã đánh giá, xem xét các họat động quản trị và quản lý bệnh viện công từ trước khi tiến hành đổi mới đến nay, từ đó đề xuất phương thức đổi mới quả lý và quản trị bệnh viện công tại Việt Nam.

Chuyển đổi mô hình quản trị còn nhiều vướng mắc

Theo bà Trần Thị Hồng Minh, Phó trưởng ban Thông tin doanh nghiệp và thị trường của Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, hiện tại, sự phát triển các hình thức của bệnh viện công của Việt Nam hoàn toàn đúng với xu hướng phát triển của nền kinh tế cũng như chủ trương của Chính phủ trong quá trình đổi mới thể chế cung ứng dịch vụ công. Việc trao quyền tự chủ cho các bệnh viện được Chính phủ coi là một chính sách quan trọng hướng tới cải thiện kết quả hoạt động của các bệnh viện cũng như giảm bớt gánh nặng ngân sách nhà nước.

Hội thảo đã đề xuất phương thức đổi mới quản lý và quản trị bệnh viện công tại Việt Nam

Chủ trương chuyển đổi mô hình quản trị bệnh viện công tại Việt Nam được nhiều bệnh viện đồng tình và thực hiện thành công. Thực tế, việc chuyển đổi mô hình quản trị này nhằm: tăng nguồn thu cho bệnh viện, cơ sở để đầu tư, mở rộng bệnh viện; Đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao khám chữa bệnh và hoạt động thường xuyên của bệnh viện; Chủ động kinh phí chi trả hoạt động bệnh viện, có nguồn kinh phí để trích lập các quỹ; Thay đổi ý thức, thái độ làm việc của nhân viên y tế.

Các đơn vị sự nghiệp đã thực hiện tự chủ được thành lập quỹ bổ sung thu nhập, quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi để chi bổ sung thu nhập cho người lao động. Điều này có tác dụng lớn trong khuyến khích, động viên nhân viên.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi này hiện tại vẫn còn nhiều vướng mắc, đặc biệt là vấn đề tự chủ tài chính của các bệnh viện, trong đó có việc đảm bảo tài chính và nguồn vốn đầu tư phát triển bệnh viện; giảm gánh nặng tài chính cho người bệnh; tinh gọn tổ chức bộ máy quản trị; đào tạo, phát triển chuyên môn; thù lao, đãi ngộ cán bộ y tế…

Một điểm rất đáng lưu ý là, nguồn ngân sách Nhà nước cấp hằng năm cho các bệnh viện tự chủ ngày càng giảm. Vì vậy, nguồn thu chính của bệnh viện chủ yếu dựa vào thu viện phí và bảo hiểm y tế. Chính vì vậy, việc điều chỉnh giá tính đúng tính đủ chi phí thực hiện theo định hướng và lộ trình chung.

Tuy nhiên, về phía người dân, những người có thẻ bảo hiểm y tế là những người được hưởng lợi qua quá trình chuyển đổi, quyền lợi của người có thẻ BHYT tăng lên khi được thụ hưởng các dịch vụ khám, chữa bệnh tiên tiến, hiện đại ngay trên địa bàn và được cơ quan bảo hiểm xã hội thanh toán. Nhờ đó, chi phí khám chữa bệnh của người dân có thể giảm. Tuy nhiên, đã có bất cập nảy sinh trong giai đoạn đầu khi thực hiện vừa qua là có tình trạng trục lợi bảo hiểm y tế.

Không để tình trạng bệnh viện tự chủ tìm mọi cách để “tận thu”.

Vấn đề đặt ra là lộ trình cải cách đứng trên quyền lợi các bên và gắn mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động cả hệ thống y tế, không chỉ xét riêng quyền lợi bệnh viện. Bệnh viện công có những lợi thế ưu đãi hơn so bệnh viện tư, gắn với đó đảm nhận trách nhiệm xã hội Nhà nước giao. Cho nên, tự chủ tài chính là đòi hỏi bệnh viện công phải tự chuyển mình. Đồng thời, yêu cầu cần giải quyết từ phía cơ quan quản lý nhà nước để bảo vệ quyền lợi tiếp cận dịch vụ y tế của người dân với kiểm soát chi phí.

Song, gánh nặng về tài chính có thể lại đổ thêm lên đầu người bệnh nếu các bệnh viện tự chủ chỉ quan tâm tới lợi nhuận, tìm mọi cách để “tận thu”. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh trong ngành y tế giữa các bệnh viện và vùng miền ảnh hưởng tới mục tiêu thực hiện công bằng trong y tế.

Theo bà Minh, tự chủ đơn vị sự nghiệp y tế công lập (bệnh viện công) ở Việt Nam là hướng đi đúng đắn và phù hợp với điều kiện Việt Nam. Mức độ tự chủ trong quản lý bệnh viện công gắn với mức độ tự bảo đảm kinh phí của đơn vị. Phương thức quản trị của Nhà nước đối với bệnh viện công cần thay đổi theo mức độ tự chủ của bệnh viện. Có thể coi đây là quá trình đổi mới, sắp xếp lại bệnh viện công. Điểm khác so với quá trình đổi mới, sắp xếp lại DNNN với mục tiêu: chất lượng, hiệu quả; đảm bảo chức năng xã hội của bệnh viện.

Tuy nhiên, để thực hiện tốt lộ trình tự chủ bệnh viện và đạt mục tiêu đề ra, cần cẩn trọng từng bước; chuẩn bị các điều kiện cần thiết về cơ chế, chính sách, thay đổi quan điểm, nhận thức trong cơ quan quản lý và cả lãnh đạo, nhân viên bệnh viện, bộ máy, nhân sự, con người; không phải là tài sản của nhà nước.

Theo bà Minh, cần có lộ trình cụ thể theo từng giai đoạn. Chẳng hạn, giai đoạn 1 từ năm 2017 đến năm 2018, thực hiện thí điểm áp dụng cơ chế quản trị mới từ 1 đến 2 bệnh viện công trung ương tự chủ hoàn toàn. Khi đó, đối với quản trị bệnh viện sẽ thành lập Tổ công tác đổi mới bệnh viện trực thuộc Bộ trưởng Bộ Y tế; Thành phần Tổ công tác: mời thêm thành phần ngoài cơ quan quản lý; thí điểm áp dụng cơ chế quản trị doanh nghiệp phi lợi nhuận đối với bệnh viện công nhóm 1; thí điểm áp dụng hình thức điều khoản hợp đồng thay giao/duyệt kế hoạch hoạt động; Kiểm tra, giám sát và đánh giá kết quả hoạt động thường xuyên; giai đoạn tiền đề để chuẩn bị hành lang pháp lý.

Muốn chuyển đổi vai trò quản lý nhà nước đối với các bệnh viện, thì quyết tâm chính trị là hàng đầu. Còn đối với quản lý bệnh viện, thì phải có cơ chế thị điểm, hoạt động như doanh nghiệp phi lợi nhuận; Tự chủ tuyển dụng, tiếp nhận lao động; tự chủ trong quản lý tài chính; Quản lý bệnh viện gắn cam kết điều khoản hợp đồng. Trách nhiệm giám đốc bệnh viện rõ ràng, theo mục tiêu cụ thể; Công khai, minh bạch, tăng sự tham gia giám sát của cộng đồng; Chuyển đổi phương thức quản lý trong nội bộ bệnh viện; thống nhất, đoàn kết trong bệnh viện; Từ đó, mối quan hệ giữa cơ quan quản lý và giám đốc bệnh viện được giảm sát bởi cơ quan giám sát độc lập để thực hiện theo hợp đồng đã ký.

Giai đoạn 2 từ năm 2019 đến năm 2020, là chuyển đổi phương thức quản trị mới với bệnh viện công tự chủ. Mô hình cụ thể: Cơ quan quản lý và bảo hiểm y tế sẽ tham gia ký hợp đồng với hội đồng bệnh viện, hội đồng bệnh viện sẽ quản lý toàn bộ hoạt động và vận hành của bệnh viện đó. Còn Bộ y tế và bảo hiểm y tế sẽ giám sát một cách gián tiếp. Bên cạnh đó, cũng thành lập cơ quan giám sát và kiểm định chất lượng (đây là cơ quan độc lập). Đơn vị giám sát phải có sự tham gia của người dân, của các tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức độc lập có năng lực chuyên môn trong lĩnh vực y tế. Điều quan trọng sự tham gia của các đại diện này phải được giữ vai trò đủ lớn trong ra quyết định kết quả giám sát .

Các bệnh viện tự chủ phải có trách nhiệm công khai, minh bạch các thông tin lên các phương tiện thông tin đại chúng, website để người dân, người bệnh đều được tiếp cận thông tin này. Kết quả kiểm tra, giám sát cũng phải được công bố công khai…

Kinh nghiệm quý từ nước bạn

Chia sẻ tại hội thảo, đại diện WHO tại Việt Nam Nguyễn Kim Phương cho biết, kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, các nước thường phân loại thành 4 loại bệnh viện. Loại thứ nhất là bệnh viện sử dụng ngân sách; bệnh viện là tự chủ; bệnh viện được công ty hóa, và sau cùng là đơn vị được tư nhân hóa.

Cụ thể, phân tích mô hình đổi mới quản trị bệnh viện công trên thế giới hiện nay là

Trung Quốc, Brazil, Estonia; Spain; Mông Cổ; Hồng Kông thì cho thấy: đối với bệnh viện sử dụng ngân sách (bệnh viện được quản lý công trực tiếp – thì tài chính chủ yếu dựa vào ngân sách trực tiếp (Bộ Y tế); Còn bệnh viện tự chủ - tài chính chủ yếu dựa vào bảo hiểm y tế, và việc kiểm soát thông qua công cụ hợp đồng mua dịch vụ bảo hiêm y tế; Còn bệnh viện tự chủ thì được kiểm soát bởi một nhà quản lý tư nhân. Ngoài ra mạng lưới cung ứng dịch vụ - một nhóm các bệnh viện được kiểm soát bởi một cơ quan quản lý, theo địa lý hoặc dân cư).

Bà Phương nhấn mạnh, kinh nghiệm của Brazil là đổi mới quản trị bệnh viện thành một tổ chức xã hội (nghĩa là công – tư- hợp tác). Các cơ sở vẫn là của công, kinh phí do ngân sách cấp toàn bộ, còn quản lý thì thuê tư nhân, phi lợi nhuận (Họ có quyền tự chủ hoàn toàn trong quản lý nhằm đạt được các mục tiêu; nguồn nhân lực và mua sắm theo luật riêng); còn về công cụ để đạt được trách nhiệm giải trình (theo hợp đồng quản lý; và họ có ủy ban độc lập để đánh giá); còn về cơ chế thanh toán: có ngân sách tổng thể (phần cố định dựa trên số lượng dịch vụ và chi phí; phần biến động dựa trên việc đạt được các mục tiêu và các đích đề ra. Nếu muốn cải cách, bắt buộc phải tác động đồng loạt đến các yếu tố liên quan.

Nhờ tác động như vậy, kết quả mà Brazil đạt được là hiệu suất và chất lượng được cải thiện; Các biện pháp quản lý được cải tiến (hệ thống tính chi phí, lập kế hoạch chiến lược hoạt động của bệnh viện); Duy trì các chức năng xã hội của bệnh viện - nghĩa vụ xã hội được chỉ rõ trong hợp đồng; Quyền tự chủ quản lý đích thực; Quản lý theo hợp đồng và đánh giá hoạt động một cách mạnh mẽ, theo dõi, giám sát. Góp phần hỗ trợ chính trị thêm mạnh mẽ./.