Sáng nay, tại Hà Nội, World Bank đã có buổi họp báo trực tuyến cập nhật tình hình kinh tế vùng Đông Á và Thái Bình Dương dưới sự chủ trì của bà Victoria Kwa Kwa- Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam. Buổi họp báo có sự tham dự của 10 quốc gia trong khu vực bao gồm: Việt Nam, Indonesia, Philippines, Cam-pu-chia, Myanmar, Singapore, Thái Lan, Mông Cổ, Timo Leste và Úc dưới sự chủ trì của ông Bert Hofman, chuyên gia kinh tế trưởng Khu vực Đông Á Thái Bình Dương tại đầu cầu Singapore.

Theo Báo cáo cập nhật kinh tế vùng Đông Á Thái Bình Dương, các nước đang phát triên thuộc khu vực Đông Á Thái Bình Dương sẽ tăng trưởng kinh tế ổn định trong năm nay, nhờ sự phục hồi của các nền kinh tế thu nhập cao và phản ứng khiêm tốn của thị trường với quyết định thu lại gói nới lỏng định lượng của Fed.

Báo cáo nhận định các nước đang phát triển ở Đông Á sẽ có mức tăng trưởng 7,1 % trong năm nay và đây vẫn sẽ là khu vực đóng vai trò đầu tàu tăng trưởng của thế giới.

Với tình hình kinh tế hiện nay, Việt Nam trở về tình trạng môi trường vĩ mô tương đối ổn định trong suốt 2 năm qua. Song, Chính phủ vẫn đang phải đối mặt với những thách thức tài chính ngày càng tăng do thu ngân sách giảm.

Bên cạnh đó là những điểm yếu của ngành tài chính vẫn còn tồn tại, tạo thành trở ngại cho tình hình kinh tế chung, mà điển hình là nợ xấu trong ngân hàng tiếp tục là một mối lo ngại lớn.

Theo các chuyên gia của World Bank, nợ xấu đòi hỏi cơ quan chức năng không được dung nạp hay né tránh việc báo cáo nợ xấu hoặc báo cáo nợ xấu một cách không đầy đủ, không trích lập dự phòng rủi ro. Có nghĩa là cơ quan chức năng phải nghiêm với việc này.

Để đối phó với nợ xấu của ngành ngân hàng, chính phủ đã thành lập Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam (VAMC), có trách nhiệm mua, phục hồi và tái cơ cấu các khoản nợ xấu của các ngân hàng.

Hiện tại, World Bank không thể có khuyến nghị cụ thể về vấn đề nợ xấu với Việt Nam vì chưa biết tầm cỡ nợ như thế nào. Nợ xấu đang ở dạng nút thắt cổ chai, kéo lùi tăng trưởng và sự phục hồi của hệ thống ngân hàng. Trước mắt, nên để các ngân hàng tự giải quyết nợ xấu của mình.

Nói về chương trình tái cơ cấu, theo World Bank, Việt Nam đang được đà cải cách, dự kiến sẽ có một số tiến bộ quan trọng trong năm 2014. Cuối năm 2013, chính phủ đưa ra những động lực mới về cải cách doanh nghiệp nhà nước như yêu cầu về sự minh bạch thông tin, thoái vốn nhà nước. Ngoài ra, chính phủ đã đưa ra chương trình tham vọng cổ phần hóa hơn 432 doanh nghiệp. Đây là những động thái rất tích cực.

Về tăng trưởng bền vững, tăng cường khu vực tư nhân là quan trọng để Việt Nam thành công. Bên cạnh đó, vốn rất quan trọng nhưng cũng còn nhiều vấn đề cần giải quyết như phải giảm bớt gánh nặng của quy định quan liêu, làm sao để doanh nghiệp có đất hoạt động hơn, việc tiếp cận vốn chỉ là một phần trong chương trình nghị sự.

WB nhận định, thành quả kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn còn mong manh và đang đối mặt với những rủi ro liên quan đến các yếu tố bất lợi. Bao gồm:

(i) Tổng cầu khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn yếu và rất dễ bị ảnh hưởng bởi bất kì diễn biến kinh tế tiêu cực nào;

(ii) Tuy xác xuất nhỏ nhưng vẫn còn rủi ro, các cơ quan chức năng có thể buộc phải nới lỏng quan điểm chính sách tài khóa và tiền tệ thận trọng để kích cầu khu vực tư nhân còn yếu;

(iii) Đà cải cách cơ cấu có thể lại tiếp tực chậm chạp khiến cho đà tăng trưởng GDP tiếp tục ở mức thấp và làm giảm bền vững tài khóa./.