Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh

Nhiều nguyên nhân khiến khiếu kiện gia tăng tính phức tạp

Lý giải cho tình trạng này, người đứng đầu ngành Thanh tra cho biết, một phần là do cơ chế chính sách.

“Mặc dù chúng ta đã thay đổi, bổ sung, điều chỉnh nhiều lần, nhưng hiện vẫn còn bất cập, chưa đảm bảo với yêu cầu thực tế. Song song, là việc khiếu nại về đất đai, chiếm tỷ trọng rất cao tới 67%”, ông Tranh cho biết.

Nguyên nhân thứ hai, trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức giải quyết khiếu nại, tố cáo còn một số nơi, một số trường hợp chưa quyết liệt. Giải quyết khiếu nại chưa đến nơi đến chốn, còn đùn đẩy, né tránh, giải quyết chưa khách quan, công tâm.

Thứ ba là do ý thức của người dân trong việc khiếu nại. “Có những trường hợp đã giải quyết nhiều lần, nhiều cấp, nhiều ngành, thấu lý đạt tình, nhưng người dân vẫn chưa đồng tình. Cộng với việc do kích động, người dân nghe theo đi khiếu nại đông người để gây áp lực cho chính quyền”, Tổng thanh tra chỉ rõ.

Để giải quyết vấn đề này, Tổng Thanh tra cho biết, sắp tới phải xem xét lại cơ chế chính sách, nhất là trong lĩnh vực đất đai. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền phải quan tâm hơn nữa, thể hiện trách nhiệm hơn nữa trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

“Song song đó phải chọn một số vụ việc, giải quyết dứt điểm đến nơi đến chốn. Cũng như phải xử lý nghiêm đối tượng cầm đầu, gây rối”, ông Tranh nhấn mạnh.

Có những vụ việc kéo dài đến trên 30 năm

Tổng Thanh tra cho biết, có những vụ việc tồn đọng rất lâu, kéo dài đến trên 30 năm. Trước tình hình đó, năm 2012 Thanh tra Chính phủ đã ban hành kế hoạch 1130 để giải quyết tồn đọng phức tạp kéo dài.

Qua hơn 1 năm rà soát, phân loại, giải quyết những vụ việc tồn đọng phức tạp kéo dài, đến nay đã giải quyết được trên 90% vụ việc.

Sau thực hiện kế hoạch 1130, Thanh tra Chính phủ xem xét thấy vẫn còn một số vụ việc tồn đọng, nên đã ban hành kế hoạch 2100 để tiếp tục giải quyết những tồn đọng kéo dài.

Qua thống kê phân loại bước đầu, người đứng đầu ngành Thanh tra cho biết, năm 2013 có khoảng 60% khiếu nại sai, 50% tố cáo sai. Cụ thể:

- Sai về mặt nội dung, tức là nội dung khiếu nại không đúng. Người dân sau khi thực hiện việc đền bù, giải tỏa, đã chấp nhận quyết định đền bù của cơ quan Nhà nước và nhận tiền, nhưng sau một thời gian rất dài, vì quyền lợi lại tiến hành tiếp tục khiếu nại.

- Sai thứ hai về mặt nội dung là đòi lại đất cũ. Có những lô đất bà con chỉ làm một vài năm, rồi do điều kiện, hoàn cảnh, chuyển gia chủ, sử dụng đất mới, đã sử dụng ổn định lâu dài, được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thì hiện nay cũng tiến hành đi đòi lại đất cũ.

- Khiếu nại sai thẩm quyền. Trong trường hợp này, bà con có tâm lý khiếu nại càng cao, hy vọng càng nhiều, được giải quyết nhanh, nhưng theo quy định pháp luật thì không phải như vậy mà phải giải quyết theo thẩm quyền.

“Vì vậy, chúng tôi cũng đề nghị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để người dân hiểu được việc khiếu nại như thế nào, quyền nghĩa vụ, thẩm quyền, nội dung, để làm sao hạn chế đến mức thấp nhất khiếu nại sai. Mà khiếu nại sai thì cơ quan nhà nước không giải quyết được, người dân cũng không được gì, lại mất thời gian, tốt kém”, ông Tranh nói.

Nhiều điểm mới trong Luật Tiếp công dân

Trước sự quan ngại của người dân về sự nhiêu khê khi đến gặp các cơ quan công quyền Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh cho biết, theo Luật Tiếp công dân mới, người dân sẽ yên tâm hơn về vấn đề này. Cụ thể:

- Về mặt thủ tục hành chính, có thể giảm bớt nhiêu khê, phiền hà về mặt thời gian. Luật lần này còn quy định cả hệ thống chính trị, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải trực tiếp tiếp công dân.

- Luật quy định về vai trò của người đứng đầu trong việc tiếp công dân định kỳ, đồng thời quy định những điều cấm cán bộ tiếp công dân được làm.

- Luật cũng quy định nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền lợi người đi khiếu nại.

“Có thể nói, luật đã có nhiều điểm mới, có giá trị pháp lý rất cao để bảo đảm việc tiếp công dân đi vào nề nếp, có hiệu quả”, Tổng Thanh tra khẳng định./.