Lạc quan về kinh tế Việt Nam

ADB đưa ra dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ tăng nhẹ lên 5,6% trong năm 2014 và tiếp tục tăng lên 5,8% trong năm 2015, cùng với sự hồi phục của nền kinh tế Mỹ và khu vực đồng euro, song song với những tiến bộ đạt được trong việc giải quyết những yếu kém của hệ thống ngân hàng thương mại trong nước.

Theo ông Dominic Mellor, chuyên gia kinh tế của ADB tại Việt Nam, lạm phát được dự báo sẽ ở mức trung bình 6,2% trong năm 2014, với sản lượng lương thực nhìn chung ổn định, chính sách kích cầu giảm bớt và đồng tiền Việt Nam giảm giá nhẹ. Năm 2015, lạm phát sẽ ở mức 6,6% khi các hoạt động sản xuất kinh doanh hồi phục mạnh hơn.

Đồng tình với ông Dominic, ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam, nhấn mạnh tăng trưởng kinh tế sẽ đi theo chiều hướng tích cực nhờ vào một số biện pháp mà Chính phủ Việt Nam đưa ra nhằm giảm nhẹ rủi ro trong khu vực ngân hàng, bao gồm việc mua một số lượng đáng kể nợ xấu thông qua VAMC, tăng cường giám sát hoạt động cho vay của ngân hàng thương mại, sáp nhập và tái cơ cấu một số ngân hàng yếu kém. Bên cạnh đó là việc thực hiện các quy định mới về phân loại nợ và trích lập dự phòng nhằm thu hẹp khoảng cách với chuẩn mực quốc tế sẽ bắt đầu có hiệu lực vào tháng 6/2014.

Về khả năng phương thức đầu tư PPP, đây được coi là cách tiếp cận hữu hiệu để xây dựng cơ sở hạ tầng vật chất và xã hội, mang lại lợi ích cho người dân. Báo cáo chỉ ra rằng, cho đến nay mức độ đầu tư của tư nhân vào các kết cấu hạ tầng trọng yếu vẫn còn hạn chế.

Hơn nữa, hình thức đầu tư PPP vốn được ưa chuộng từ trước đến nay ở Việt Nam thường khác xa so với thông lệ chuẩn mực của quốc tế, và phần lớn các dự án PPP đều không áp dụng cơ chế đấu thầu cạnh tranh.

Tuy nhiên, ADB cũng đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc xây dựng một khuôn khổ pháp lý thống nhất để các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào các chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các giao dịch PPP diễn ra.

Việt Nam có thể tăng trưởng cao hơn nhờ cải cách

Ông Tomoyuki Kimura cho rằng, Việt Nam chưa rơi vào bẫy thu nhập trung bình, vì các thông số tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong bối cảnh kinh tế khó khăn nói chung hiện nay không phải là thấp. Việt Nam có tiềm năng đạt được mức tăng trưởng cao hơn nhờ cải cách.

Tuy nhiên, đại diện ADB cũng lưu ý, nếu Việt Nam không đẩy nhanh cải cách doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), hệ thống tài chính ngân hàng và đầu tư công thì vẫn có khả năng rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”.

Được hỏi về nợ xấu, ông Tomoyuki Kimura đánh giá cao các chuẩn mực mới về phân loại nợ và dự phòng nhằm tiệm cận các chuẩn mực quốc tế dự kiến có hiệu lực vào tháng 6/2014. Tuy nhiên, để đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu, cần đặt ra các chỉ tiêu cụ thể và thời hạn để thu hẹp khoảng cách giữa quy định của quốc gia với các chuẩn mực quốc tế. /.