Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư diễn ra sáng nay (11/1). Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã có bài phát biểu cho thấy những trăn trở và thách thức của nền kinh tế hiện nay. Tạp chí Kinh tế và Dự báo lược đăng những nội dung chính trong bài phát biểu này (Tiêu đề bài do Tạp chí đặt).

2016: Năm có nhiều cái nhất

Năm 2016 là năm có nhiều sự thay đổi với sự kiện toàn của hệ thống chính trị, bắt đầu một nhiệm kỳ mới với quyết tâm mới, khí thế mới và sức mạnh mới, và cũng là năm bắt đầu chặng đường của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, bắt đầu nhiều chương trình và quyết sách quan trọng.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng kết quả phát triển kinh tế - xã hội của năm 2016 là tích cực nếu so với các nền kinh tế có cùng trình độ phát triển trên thế giới và khu vực. Nhìn lại sau hơn 20 năm kể từ khi Việt Nam chính thức tham gia sân chơi hội nhập, năm 2016 được cho là năm có nhiều cái nhất: nhiều khó khăn nhất, nhiều bài học nhất, và nhiều lĩnh vực của nền kinh tế đạt kỷ lục cao nhất.

Bối cảnh quốc tế phức tạp nhất, một loạt diễn biến mới của kinh tế thế giới nảy sinh khiến thế giới chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro bất định hơn, như Anh rời Liên minh châu Âu, kết quả bầu cử tổng thống Mỹ, sự thất bại của Thủ tướng Italia trong cuộc trưng cầu dân ý, sự suy giảm tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, đồng Nhân dân tệ vào giỏ tiền tệ của IMF… đã khiến cục diện thế giới bị thay đổi, nhiều thỏa thuận thương mại, trong đó có hiệp định TPP cần có sự điều chỉnh để phù hợp với tình hình mới.

Giá dầu thô thế giới giảm thấp nhất trong vòng 12 năm qua, cùng với giá cả thế giới các mặt hàng cơ bản ở mức thấp đã làm thương mại toàn cầu suy giảm, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại... ảnh hưởng không nhỏ đến các nền kinh tế, nhất là các nền kinh tế dựa nhiều vào dầu mỏ, trong đó có Việt Nam.

Môi trường và thiên tai trong nước là nghiêm trọng nhất, thậm chí chưa từng có trong lịch sử. Xâm nhập mặn đã vào sâu trong đất liền; hạn hán nghiêm trọng đã diễn ra ở diện rộng, ngay cả những khu vực được cho là có nhiều nước cũng bị hạn; lũ lụt diễn ra liên tục và chúng ta phải đau lòng dùng khái niệm “lũ chồng lũ” để miêu tả mức độ tàn phá không khác mấy so với thời chiến tranh...

Hậu quả nghiêm trọng chưa từng có của sự cố môi trường biển miền Trung cùng với hậu quả thiên tai đã khiến chúng ta lần đầu tiên phải chứng kiến mức tăng trưởng âm của khu vực nông nghiệp, vốn được coi là thế mạnh và cứu cánh của nền kinh tế trong rất nhiều năm.

Năm 2016 là năm có nhiều bài học nhất, trong đó bài học về môi trường và biến đổi khí hậu là bài học đắt giá nhất, được rút ra từ khâu quản lý lỏng lẻo, khai thác tài nguyên bừa bãi, phá rừng, quy hoạch phát triển bị phá vỡ một cách tùy tiện, xả thải gây ô nhiễm môi trường biển, môi trường nước, môi trường không khí... Bên cạnh đó, còn có nhiều bài học đắt giá khác về quản lý, sử dụng nguồn lực, ngân sách quốc gia (như các dự án lớn không hiệu quả), tài nguyên thiên nhiên, an toàn vệ sinh thực phẩm, bài học về con người (như bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ)...

Năm 2016 cũng là năm cả hệ thống chính trị thể hiện sự quyết tâm, chỉ đạo, điều hành quyết liệt nhất. Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã ban hành các nghị quyết, kết luận thể hiện rõ đường lối quyết tâm trong phát triển kinh tế - xã hội và chỉnh đốn Đảng.

Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XIV cũng đã thông qua nhiều Nghị quyết quan trọng với sự nhất trí cao của các Đại biểu Quốc hội, thể hiện sự đồng thuận và quyết tâm cao nhất của cử tri cả nước trong phát triển kinh tế - xã hội và đổi mới thể chế.

Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, điều hành quyết liệt trong năm 2016, điển hình là các Nghị quyết 19, Nghị quyết 35, Nghị quyết 60 cùng với các chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời hàng tháng, hàng quý để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 01 năm 2016 của Chính phủ.

Năm 2016 là năm cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam được cả hệ thống chính trị và toàn xã hội quan tâm nhiều nhất. Nhờ sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể, đã lấy lại được niềm tin của người dân và doanh nghiệp, sự phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều khởi sắc, phát triển cả về số lượng và chất lượng. Số doanh nghiệp đăng ký mới và giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt mức kỷ lục, cao nhất từ trước tới nay.

Những trăn trở và thách thức phía trước

Một năm đã trôi qua, nhưng rất nhiều vấn đề, nhiều câu hỏi vẫn làm chúng ta trăn trở, tìm lời giải đáp. Tại sao tăng trưởng của chúng ta vẫn được cho là dưới tiềm năng? Tại sao nguy cơ tụt hậu vẫn hiện hữu đối với đất nước chúng ta? Làm thế nào để vượt qua bẫy thu nhập trung bình? Vấn đề già hóa dân số? Các vấn đề về thu nhập bình quân đầu người thấp; tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; vấn đề ô nhiễm môi trường; vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm...

Vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại cần phải giải quyết: tham nhũng, lãng phí vẫn chưa khắc phục được; đầu tư công chưa hiệu quả; bội chi ngân sách còn cao; nợ xấu còn nhiều; mất cân đối thu – chi ngân sách; hệ thống ngân hàng hoạt động chưa vững; chênh lệch giàu nghèo ngày càng gia tăng; đời sống của một bộ phận người dân, công nhân, nông dân... còn rất nhiều khó khăn.

Điều này đặt ra hàng loạt các thách thức, đòi hỏi chúng ta phải có những suy nghĩ làm thế nào để đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, giàu mạnh hơn, người dân được ấm no, hạnh phúc và hưởng thụ xứng đáng từ những thành quả của phát triển, lấy lại niềm tin của nhân dân, của doanh nghiệp. Đó cũng là những gì thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ và toàn ngành kế hoạch và đầu tư.

Nhận diện những thách thức là để định hình những giải pháp, cách tiếp cận, phương pháp thực hiện, từ đó phải đổi mới, cải cách mạnh mẽ hơn, nhanh hơn, thiết thực hơn, hiệu quả hơn. Trong chặng đường phía trước, nền kinh tế sẽ phải đối mặt với 3 thách thức cơ bản, đó cũng là những thách thức khó khăn nhất:

Thứ nhất, đó là kinh tế bị tụt hậu; đó là vượt qua bẫy thu nhập trung bình; đó là thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước. Đất nước đã có nhiều đổi thay và phát triển. Nhưng nếu so với các nước trong khu vực ASEAN, chúng ta vẫn là nước đứng ở vị trí thấp ở nhiều khía cạnh, nếu không muốn nói là chúng ta đã phát triển dưới tiềm năng và khả năng cho phép.

Về quy mô nền kinh tế, Việt Nam đứng thứ 6; về thu nhập bình quân đầu người, Việt Nam đứng thứ 7; về xếp hạng năng lực cạnh tranh, môi trường kinh doanh, Việt Nam đứng thứ 5... Chúng ta cần hiểu rằng, các nước đứng trên sẽ không dừng lại để chờ chúng ta vượt và các nước phía sau lại đang có sự cải cách mạnh mẽ, họ sẽ không chịu đứng sau và sẽ sớm vượt qua Việt Nam nếu chúng ta không có sự bứt phá, cứ bước đi những bước chậm chạp.

So với Thái Lan, chúng ta phải mất 16 năm để đuổi kịp họ về trình độ phát triển ở hiện tại. So với Phillippines - quốc gia cạnh tranh vị trí trực tiếp đối với Việt Nam, chúng ta vẫn luôn ở vị trí bám theo họ mà chưa thu hẹp được khoảng cách, để vượt họ thì còn là cả một vấn đề lớn.

Nguyên nhân là do chất lượng tăng trưởng thấp; hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao, ít cải thiện và chưa bền vững. Trong nhiều năm, tăng trưởng chủ yếu dựa vào đóng góp của yếu tố vốn và lao động, trong khi hiệu quả đầu tư lại thấp; cơ cấu kinh tế chậm đổi mới; năng suất lao động chưa được cải thiện và còn cách khá xa so với các nước trong khu vực; thị trường lao động chưa phát triển và chậm chuyển dịch theo hướng công nghiệp, dịch vụ...

Thứ hai, biến đổi khí hậu và vấn đề môi trường. Những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt sẽ diễn ra với tần xuất nhiều hơn, khả năng tàn phá sẽ lớn hơn. Ứng phó với biến đổi khí hậu là không đơn giản, đòi hỏi không chỉ ở giải pháp phù hợp mà còn cần phải có nguồn lực rất lớn. Nếu không thì mọi thành quả, mọi cố gắng, nỗ lực phát triển kinh tế sẽ bị phá hủy trong chốc lát, trong khi để khắc phục phải mất nhiều năm, chưa nói đến phát triển trở lại còn lâu hơn nữa.

Việc làm đầu tiên là cần phải có quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội mang tầm chiến lược, được lập theo phương pháp tích hợp, thích ứng với biến đối khí hậu; quy hoạch phải được thực hiện nghiêm túc; không phá vỡ một cách tùy tiện. Có vậy mới hạn chế tối đa thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra và hướng tới phát triển bền vững.

Thứ ba, hội nhập quốc tế. Nền kinh tế nước ta tham gia hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và có độ mở cao. Với mỗi biến động hàng ngày, hàng giờ của kinh tế thế giới, sẽ có tác động ngay đến kinh tế Việt Nam. Bên cạnh đó, hội nhập sẽ gia tăng sự cạnh tranh giữa các nền kinh tế, giữa các doanh nghiệp trong khi sức cạnh tranh của nền kinh tế cũng như của lực lượng doanh nghiệp Việt Nam còn rất yếu. Nếu không có sự phát triển nhanh, liên tục thì không những khó tham gia sân chơi hội nhập và còn có thể bị thua ngay trên sân nhà.

Điều cần thiết, quan trọng và cốt lõi là phải giữ được sự ổn định kinh tế vĩ mô, kiên định đường lối xây dựng một nền kinh tế “độc lập, tự chủ” mà Đảng đã đề ra. Chúng ta phải tận dụng thời gian, chắt chiu từng cơ hội, tự đổi mới, tự vươn lên thì mới có khả năng vượt qua được thách thức này.

Khát vọng của ngành Kế hoạch và Đầu tư

Trong thời kỳ đổi mới và xây dựng, phát triển đất nước, khát vọng Việt Nam là “phấn đấu xây dựng Một xã hội văn minh, thịnh vượng, hiện đại và dân chủ; Một nhà nước pháp quyền; Một môi trường bền vững; và Một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”.

Khát vọng của đất nước cũng chính là khát vọng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bởi cùng chung khát vọng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ; khẳng định vị trí, vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp chiến lược quan trọng về phát triển kinh tế, xã hội của Đảng, Chính phủ.

Khát vọng phát triển đất nước là khát vọng lớn nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đất nước ta còn đang thua nhiều nước xung quanh ở nhiều khía cạnh, điều đó hun đúc trong mỗi lãnh đạo, công chức, viên chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư khát vọng bắt kịp các nước đi trước chúng ta.

Chúng ta đã không còn là quốc gia nghèo, chậm phát triển; nhưng chặng đường đang phát triển để tiến tới một quốc gia giàu mạnh còn rất dài. Nếu phải mất 25 năm đổi mới để đạt tư cách “đang phát triển có mức thu nhập trung bình thấp” thì để trở thành một nước thu nhập trung bình cao và nước phát triển, sẽ phải mất nhiều hơn thế, sẽ là tầm nhìn 30 năm, 50 năm. Làm thế nào để rút ngắn được thời gian này?

“Thời gian là vàng nhưng cũng là kẻ thù”. Là vàng khi chúng ta tận dụng được thời gian để hành động đúng, vươn kịp thời đại. Là kẻ thù khi chúng ta để nó trôi đi vô nghĩa. Thời gian không chờ đợi. Thời gian trôi đi đồng nghĩa cơ hội cũng trôi đi, tận dụng được thời gian, cũng là tận dụng cơ hội.

Năm 2016, thu nhập bình quân đầu người của chúng ta mới chỉ tăng thêm được 106 đô la. Nhiệm vụ và cũng là khát vọng đặt ra đến năm 2020 là phải đạt 3.200 đến 3.500 đô la/1 người. Như vậy mỗi năm phải tăng thêm ít nhất 250 đô la nữa mới có thể đạt được mục tiêu đề ra. Để đuổi kịp các nước, chúng ta phải phấn đấu theo cấp số nhân, phải đạt được mức thu nhập vào tốp đầu của các nước ASEAN. Khát vọng là lớn lao, nhiệm vụ là nặng nề nhưng nếu không có khát vọng, chúng ta sẽ rơi vào trạng thái hài lòng với những gì đạt được, ngủ quên với chiến thắng của quá khứ mà mất đi ý chí, quyết tâm và động lực để phát triển.

Khát vọng đổi mới, sáng tạo được phát huy từ truyền thống hơn 70 năm hình thành và phát triển của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đổi mới tư duy, đổi mới phương pháp, đổi mới cách làm.

Với nhiệm vụ tham mưu chiến lược về cơ chế, chính sách được đặt lên hàng đầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư quyết tâm theo đuổi con đường đổi mới thể chế, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh hấp dẫn, cạnh tranh, bình đẳng; triển khai và thực hiện hiệu quả đột phá chiến lược về thể chế kinh tế thị trường trong lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ.

“Một bước đi lớn” trong đổi mới của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chính là đổi mới tư duy, vượt qua chính mình, không vì lợi ích cục bộ. Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư công gặp nhiều khó khăn, Bộ đã đổi mới cách làm, tháo gỡ những khó khăn, rào cản trong việc tổng hợp kế hoạch đầu tư công trung hạn, và kế hoạch năm 2017; tham mưu, kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao quyền lựa chọn dự án, chương trình cần ưu tiên đầu tư cho các Bộ, ngành, địa phương, tạo sự chủ động cho các Bộ, ngành và địa phương trong việc quyết định sử dụng nguồn lực của mình, đầu tư vào đâu đảm bảo hiệu quả, tạo động lực cho phát triển. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ tập trung tham mưu về định hướng, nguyên tắc, tiêu chí, rà soát và tổng hợp kế hoạch.

Khát vọng kiến tạo phát triển của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được truyền cảm hứng từ tư tưởng xây dựng Chính phủ kiến tạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Với lịch sử hơn 70 năm đầy tự hào của ngành và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng với sự lớn mạnh và phát triển của cơ quan, vị trí, vai trò tham mưu chiến lược không ngừng được củng cố. Mỗi cán bộ của ngành phải luôn luôn đi đầu trong quá trình kiến tạo phát triển đất nước. Bóng dáng của hai chữ ‘kế hoạch và đầu tư” luôn xuất hiện trong những quyết sách, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội.

Khát vọng phối hợp, hợp tác và điều phối, những kết quả của năm 2016 cũng như những thành quả hôm nay của nền kinh tế không phải chỉ có sự đóng góp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mà là nhờ sự đóng góp, phối hợp, hợp tác và điều phối hiệu quả giữa Bộ với các cơ quan, bộ, ngành và địa phương trong cả nước.

Trong thời gian tới, mục tiêu “ổn định kinh tế vĩ mô” luôn đặt lên hàng đầu. Mặc dù Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thành xuất sắc vị trí, vai trò “nhạc trưởng”, nhưng vẫn mong muốn nhận được sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, Bộ, ngành và địa phương, nhất là trong điều phối kinh tế vĩ mô.

Trách nhiệm với đất nước

Hướng về năm 2017 và những năm tiếp theo, bối cảnh quốc tế sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường tác động không nhỏ đến nền kinh tế. Cục diện quốc tế dự kiến có nhiều thay đổi cùng với sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chúng ta cần phải nhanh nhạy, nắm bắt cơ hội và tạo ra cơ hội mới, chủ động, linh hoạt, một mặt tránh cho đất nước rơi vào thế kẹt, thế bị động trước những dàn xếp của các nước lớn, mặt khác duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường tiềm lực kinh tế trong nước để đứng vững trước những thay đổi của thế giới và phát triển nhanh, bền vững.

Nền kinh tế đã bộc lộ nhiều yếu kém cả về chất lượng tăng trưởng cũng như năng suất lao động, hiệu quả và sức cạnh tranh. Kết quả của sự đổi mới về thể chế, pháp luật, chính sách mới chỉ ở tầm cao mà chưa thực sự đi vào cuộc sống, chưa đi sâu xuống cấp dưới, xuống từng doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp được khai sinh, nhưng còn cả một chặng đường lớn mạnh. Trong khi đó, những vấn đề về tiếp cận nguồn vốn, tiếp cận đất đai, thủ tục hành chính... vẫn còn là trở ngại chính làm cho chi phí trung gian còn rất cao, và khiến các doanh nghiệp chưa thể “sống”, tồn tại chứ chưa nói gì đến phát triển lớn mạnh và có khả năng cạnh tranh quốc tế.

Những khó khăn bên ngoài và nội tại của nền kinh tế đã tồn tại trong thời gian dài. Nếu không được khắc phục một cách toàn diện, sẽ dẫn tới nguy cơ khó thực hiện được mục tiêu lớn là “đưa đất nước trở thành một nước công nghiệp, theo hướng hiện đại vào năm 2020” mà Đảng đã đề ra.

Trước những khó khăn, sóng gió sắp tới, liệu Bộ Kế hoạch và Đầu tư có giữ vững được ngọn cờ cải cách, thắp sáng được ngọn lửa đổi mới? liệu chúng ta có dám thẳng thắn nhìn nhận nền kinh tế vẫn còn yếu kém trong bảng xếp hạng thế giới, một nền kinh tế đầy tiềm năng nhưng chưa bao giờ đạt được hết kỳ vọng? liệu chúng ta có dám dũng cảm vượt qua chính mình, tự đổi mới, xây dựng khát vọng vươn lên, cống hiến?

Để làm được điều, gốc rễ là ở vấn đề “con người”. Thấm nhuần truyền thống lịch sử của dân tộc, tư tưởng Hồ Chí Minh và truyền thống của ngành kế hoạch và đầu tư – truyền thống của bản lĩnh, trí tuệ, đổi mới, cải cách và đoàn kết, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng và đang phấn đấu thực hiện 8 chữ vàng:

Trí – Hành – Kết – Tâm – Chuyên – Danh – Khát vọng – Bản lĩnh. Đầu tư trí tuệ để hành động quyết liệt; đã hành động là phải đạt kết quả; hành động phải được dẫn đường bằng tâm sáng; hành động là phải chuyên nghiệp; tất cả vì thanh danh, thương hiệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Mỗi cá nhân, mỗi tập thể phải xây dựng khát vọng, khát vọng vươn lên, khát vọng đổi mới, khát vọng trưởng thành, từ chưa tốt thành tốt, từ tốt một sẽ thành tốt 2, từ chưa giỏi thành giỏi, từ giỏi 1 phải thành giỏi 2. Cuối cùng, bối cảnh sẽ ngày càng khó khăn, thách thức, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phải không ngừng duy trì được bản lĩnh của một cơ quan đầu ngành trong quản lý nhà nước, tham mưu chiến lược cho Đảng và Chính phủ, giúp đất nước ngày một giàu mạnh, phát triển.

Ra quân trong những ngày đầu năm 2017 với chủ đề “tăng cường kỷ cương, đề cao trách nhiệm, thi đua sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiên phong đi đầu, nâng cao nhuệ khí, hào hứng bắt tay vào công việc, trước tiên là quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) của Đảng; triển khai toàn diện các nhiệm vụ của Nghị quyết 01 năm 2017 của Chính phủ; giữ vững ngọn lửa đổi mới; nắm chắc cơ hội, thực hiện nhiệm vụ nhanh, chính xác, kịp thời; phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra không chỉ của riêng Bộ Kế hoạch và Đầu tư mà còn của cả nước./.