Đây là vấn đề đặt ra tại Hội thảo “Khởi tạo động lực tăng trưởng mới: Tăng cường liên kết doanh nghiệp FDI – Nội địa” do Trường đại học Kinh tế quốc dân và Viện nghiên cứu Chính sách quốc gia Nhật Bản phối hợp tổ chức ngày 26/3 tại Hà Nội.

Vướng "bẫy" vì không “học” được công nghệ mới

GS.TS Trần Thọ Đạt, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân đưa ra cho rằng: tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua chủ yếu do đóng góp của các nhân tố theo chiều rộng như với các yếu tố lao động trẻ, vốn tài nguyên... Tuy nhiên, sau khó khăn kinh tế, dư địa cho tăng trưởng theo chiều rộng đã bị thu hẹp.

Có cùng quan điểm, GS Kenichi Ohno, Viện Nghiên cứu Chính sách quốc gia Nhật Bản (GRIPS) thẳng thắn nhận xét: tăng trưởng của Việt Nam dường như chưa có chất lượng. Sau vài năm đạt được thu nhập trung bình thấp, bẫy thu nhập trung bình không còn là một nguy cơ xa xôi mà đã trở thành hiện hữu cho Việt Nam.

Một trong những dấu hiệu là tăng trưởng của Việt Nam đang chậm lại, năng suất sản xuất vẫn khá thấp, thiếu hụt của chuyện dịch cơ cấu theo đúng nghĩa, khả năng cạnh tranh trong bảng xếp hạng không có dấu hiệu tăng và xuất hiện các vấn đề do tăng trưởng gây ra.

Thực tế, bẫy thu nhập trung bình không chỉ là những vấn đề của riêng Việt Nam mà còn là vấn đề của nhiều quốc gia láng giềng đã từng mắc phải.

Trong bối cảnh hiện nay, khi dòng vốn FDI đã và đang được xem là sức sống mới cho các nền kinh tế đang phát triển, đặc biệt với các quốc gia có thu nhập trung bình thấp như Việt Nam .

Tuy nhiên, TS. Lê Thanh Hà, Trường Đại học Kinh tế quốc dân phân tích: muốn nâng cao năng lực công nghiệp phải có nhiều FDI vào sản xuất chế tạo, nhưng ngay cả lĩnh vực này thì cũng không có chuyện chuyển giao công nghệ tự phát.

TS. Hà cho rằng với sự có mặt của các Tập đoàn Intel, Samsung, Canon cũng không đồng nghĩa với việc Việt Nam có thể dễ dàng được chuyển giao công nghệ cao.

Các Tập đoàn đa quốc gia như vậy thường đến các nước đang phát triển để thực hiện công đoạn lắp ráp, cần nhiều nhân công giá rẻ, là phân khúc thấp nhất của chuỗi cung ứng toàn cầu. Khi đó, nếu không có sự chuyển giao công nghệ, thì FDI cho công nghiệp chế tạo sản xuất lớn như vậy cũng không khác gì FDI vào lĩnh vực sản xuất đồ ăn hay may mặc… Vấn đề nội địa hóa, tiếp thu công nghệ sản xuất còn bắt nguồn từ các nguyên nhân khác, như: thị trường và chiến lược kinh doanh toàn cầu.

TS. Trương Chí Bình, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp, Bộ Công thương dẫn câu chuyện của Toyota. Hiện, Toyota có 12 nhà cung cấp phụ tùng linh kiện, chỉ có 2 nhà cung cấp là doanh nghiệp Việt Nam cung cấp bộ phận nhựa và một số phụ tùng xe.

Qua tìm hiểu, bà Bình khẳng định, doanh nghiệp Việt Nam không làm vệ tinh cho Toyota được không hẳn vì vấn đề năng lực mà là do, lượng hàng Toyota ViệtNam đặt quá ít, không đủ để doanh nghiệp đầu tư sản xuất có hiệu quả.

Thậm chí trong một chiếc điện thoại di động, thì linh kiện lớn nhất là cái vỏ, nhà sản xuất hoàn toàn có thể vận chuyển từ nơi khác đến lắp ráp với chi phí rẻ, mà không nhất thiết đầu tư máy móc sản xuất ở Việt Nam.

GS.TSKH Nguyễn Mại cho biết: Samsung có 68 nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng tại Việt Nam. Trong đó, tới 48 doanh nghiệp là FDI rồi. Doanh nghiệp nội địa của ta chỉ làm cho họ nhãn mác, bao bì... Nếu không hấp thụ được công nghệ của Samsung qua chuyển giao công nghệ thì các con số FDI thu hút hàng ngàn tỷ cũng không hoàn toàn ý nghĩa.

Còn ông Yutaka Yasuka Kawa, Phó Giám đốc Công ty Phát triển đầu tư Javina đánh giá, điểm tắc đầu tiên là chất lượng sản phẩm, là năng lực doanh nghiệp nội địa. Việt Nam cũng có nhiều nơi đầu tư mua máy móc hiện đại như máy ép nhựa, máy dập của Nhật về sản xuất. Nhưng các sản phẩm này cần phải được kiểm tra chất lượng thường xuyên. Các công ty ít nhất phải có con người, phải có thiết bị đo lường hiện đại để đảm bảo sản phẩm đạt yêu cầu.

Thực tế, thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều chính sách ưu đãi đặc biệt cho đầu tư vào các ngành công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ nhưng còn quá nhiều “điểm vướng” để việc thực thi các chính sách này ở địa phương mang lại hiệu quả.

Bài học về công nghiệp hóa

GS.TS Trần Thọ Đạt cho rằng: Việt Nam cần quan tâm đến các chính sách và biện pháp để tăng cường liên kết doanh nghiệp FDI-nội địa và gia tăng tỷ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp FDI. Từ đó, cần tìm cách thức để phát huy vai trò, tác động lan tỏa của các tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam, thúc đẩy tăng trưởng.

Liên quan đến vấn đề tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa, PGS.TS Nguyễn Ngọc Sơn, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng: Việt Nam có thể tham khảo các hình thức liên kết và tác động lan tỏa của doanh nghiệp FDI - tập đoàn đa quốc gia -doanh nghiệp nội địa.

Đầu tiên, đó là liên kết ngược với các nhà cung cấp thông qua thuê ngoài (outsoursing). Các tập đoàn đa quốc gia cần rất nhiều sản phẩm nguyên liệu thiết bị đầu vào chất lượng cao.

Tiếp đến là liên kết xuôi với khách hàng, trong đó, mối liên kết quan trọng nhất là kết nối mạng lưới phân phối. Các tập đoàn đa quốc gia chính là khách hàng và mở ra thị trường rộng lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN).

Các tập đoàn đa quốc gia thuê hệ thống phân phối các thương hiệu nổi tiếng thường tập trung đầu tư lớn cho hệ thống marketing như các đại lý bán xe, trạm nhiên liệu, chuỗi cửa hàng. Do đó, các DNVVN tại các nước đang phát triển có cơ hội cung cấp dịch vụ hỗ trợ.

Ngoài ra, việc liên kết với đối thủ cạnh tranh, vì việc tham gia các tập đoàn đa quốc gia thiết lập nhiều tiêu chuẩn cao hơn, tăng tính cạnh tranh, tạo động lực cho sự đổi mới và học hỏi về công nghệ…

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, GS Kenichi Ohno, Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản cho biết có 2 kinh nghiệm khác nhau giữa Malaysia và Thái Lan.

Ví dụ ngành ô tô, trong khi Malaysia theo hướng “đơn thương độc mã”, tự phát huy năng lực cốt lõi cùng với những can thiệp chính sách, thì Thái Lan đi theo hướng ngược lại, cởi mở môi trường cạnh tranh theo thị trường. Thái Lan chào đón các công ty đa quốc gia nước ngoài đầu tư FDI thiết lập nền tảng (không cần cố xây dựng thương hiệu nội địa về xe ô tô). Ngành công nghiệp ô tô nhanh chóng vươn lên đứng hàng đầu quốc gia và Đông Nam Á, xuất khẩu được 2,45 triệu chiếc trong năm 2012. Thái Lan nổi lên toàn cầu như một nơi sản xuất thiết bị tự động chất lượng cao.

Đáng chú ý, dù trực tiếp lắp ráp sản xuất xe là doanh nghiệp nước ngoài, nhưng doanh nghiệp Thái Lan và liên doanh có thể tham gia vào chuỗi giá trị rất nhiều, các nhà cung cấp cấp 1 là 635 doanh nghiệp, còn nhà cung cấp cấp 2, 3 là khoảng 1700 doanh nghiệp. Tính tổng, có khoảng 2000 doanh nghiệp nhà cung cấp Thái Lan trong lĩnh vực xe hơi, một số trong đó đã đạt được kỹ năng và công nghệ tương đối cao.

GS Kenichi Ohno khuyến nghị, Việt Nam nên tham khảo theo mô hình Thái Lan trong việc công nghiệp hóa, có sự phối hợp chặt chẽ trong khu vực FDI chứ không bỏ qua nó như Malaysia. Vì Việt Nam bắt buộc phải tận dụng việc chuyển giao công nghệ trong liên kết FDI để nâng cao khả năng cạnh tranh trong môi trường hội nhập toàn cầu.

Tuy nhiên, GS Kenichi Ohno cũng thẳng thắn cho biết: công nghệ tiên tiến có giá trị rất lớn, được bảo hộ sáng chế và chỉ được chuyển giao nếu “người học” bỏ chi phí lớn hoặc việc chuyển giao có ích cho chiến lược toàn cầu của các Tập đoàn đa quốc gia. Do đó, các quốc gia ở giai đoạn đầu công nghiệp hóa cần học hỏi các công nghệ “thích hợp” từ khu vực FDI và các kỹ năng như lập kế hoạch chiến lược, marketing, quản lý lao động…

TS Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng: tăng cường liên kết các doanh nghiệp nội địa với tập đoàn đa quốc gia là một trong những hướng đi đúng đắn để đạt được mục tiêu tăng giá trị bên trong để tiếp tục tăng trưởng nhanh và tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng cần dựa vào hiệu quả huy động các nguồn lực nhằm tăng khả năng cạnh tranh công nghiệp, nâng cao trình độ công nghệ và tăng năng suất lao động. Cần chuyển sang mô hình công nghiệp hóa phát huy lợi thế so sánh động, dựa trên các lợi thế so sánh bậc cao gồm: lao động chất lượng cao, nguyên liệu tinh chế, công nghệ hiện đại và sức mua cao…/.