Đó là chủ đề chính được thảo luận tại Hội thảo Việt Nam – Na Uy với chủ đề “Thủy điện và cải cách thị trường điện tại Việt Nam” diễn ra tại Hà Nội ngày 19/3.

Nhu cầu về thủy điện rất lớn

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng, mức tiêu thụ năng lượng năm 2013 của Việt Nam khoảng 57 triệu tấn dầu quy đổi và dự báo sẽ tiếp tục gia tăng ở mức cao, khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2010-2020 và xấp xỉ 5% trong giai đoạn 2020-2030.

Trong đó, tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện, mặc dù có chậm lại do ảnh hưởng chung của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng từ 12%-15% trong giai đoạn 2011-2020 và khoảng 10% trong giai đoạn 2021-2030.

Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu điện ngày một gia tăng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững, Việt Nam đang thực hiện các biện pháp mang tính chiến lược, bao gồm: tăng cường đầu tư các cơ sở sản xuất năng lượng; giảm dần sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch bằng cách đa dạng hóa việc khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng; tập trung khai thác các nguồn năng lượng tái tạo sẵn có và phát triển điện hạt nhân; tích cực tìm kiếm và gia tăng trữ lượng các nguồn dầu, khí thiên nhiên cũng như đẩy mạnh việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, ứng dụng công nghệ phát thải thấp…

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cân đối sử dụng các nguồn tài nguyên, trong đó có việc khai thác hiệu quả thủy điện và cải cách thị trường điện.

“Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét tới năm 2030, Việt Nam sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển các nguồn thủy điện, đưa tổng công suất các nguồn thủy điện từ 14.000MW hiện nay lên 21.300MW vào năm 2020”, Thứ trưởng Hưng nhấn mạnh.

Đồng thời, Việt Nam cũng sẽ nghiên cứu đưa nhà máy thủy điện tích năng vào vận hành phù hợp với sự phát triển của hệ thống điện nhằm nâng cao hiệu quả và tối ưu vận hành của hệ thống. Theo đó, dự kiến năm 2020, thủy điện tích năng có tổng công suất 2.400MW và sẽ nâng lên 5.700 vào năm 2030.

Bên cạnh đó, Việt Nam từng bước phát triển thị trường điện cạnh tranh, đa dạng hóa phương thức đầu tư và kinh doanh điện.

Nhiều tồn tại cần tháo gỡ

Tuy nhiên, theo ông Hưng, tỷ trọng thủy điện trong cơ cấu nguồn của Việt Nam hiện nay tương đối lớn lên tới khoảng 40% và dự kiến đạt tương ứng khoảng 36% và 25% vào các năm 2015 và 2020. Vì vậy, công tác vận hành hệ thống điện sẽ phải đối mặt với những khó khăn và thách thức liên quan tới công tác quản lý, phối hợp hài hòa và vận hành tối ưu các nhà máy thủy điện, đặc biệt là các nhà máy thủy điện trên cùng bậc thang nhằm đáp ứng các mục tiêu phát điện, tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, phòng chống lũ hạ du đồng thời đáp ứng các tiêu chí liên quan tới môi trường.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, việc đầu tư xây dựng các dự án thủy điện cũng chiếm dụng đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái cũng như đến đời sống của dân cư trong khu vực dự án... Đây là những vấn đề lớn còn tồn tại và cần phải tiếp tục giải quyết.

Bởi vậy, Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành xây dựng các đề án phát triển sản xuất, ổn định đời sống cho người dân tái định cư. Đồng thời để đảm bảo phát triển thủy điện một cách bền vững, phát triển đi đôi với bảo vệ môi trường – xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, các nhà máy thủy điện vận hành theo đúng quy trình được phê duyệt, bảo đảm hiệu quả phát điện, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của hạ du, cắt giảm lũ, hạn chế các tác động tiêu cực đối với hạ du...

Cùng với đó, nghiên cứu ban hành quy định về giám sát thực hiện công tác bảo vệ và giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường, quy định về dòng chảy tối thiểu ở hạ du các hồ chứa, quy trình vận hành liên hồ chứa về mùa kiệt trên các lưu vực sông, tăng cường kiểm tra công tác quản lý, vận hành các công trình thủy điện, bảo đảm an toàn cho công trình, người dân.

Và học tập kinh nghiệm từ Na Uy

Na Uy là quốc gia có tiềm năng thủy điện lớn trên thế giới. Trong Liên minh châu Âu, điện năng sản xuất từ thủy điện của Na Uy luôn đứng đầu, với sản lượng hàng năm lên tới 120 TWh, chiếm hơn 95% tổng điện năng tiêu thụ tại Na Uy.

Với năng lực, trình độ công nghệ, kinh nghiệm xây dựng, vận hành và bảo dưỡng các nhà máy thủy điện từ nhiều năm qua của Na Uy, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng tin tưởng những thông tin liên quan tới lĩnh vực thủy điện mà các đối tác Na Uy mang tới Hội thảo lần này sẽ có ý nghĩa to lớn trong việc tìm ra các giải pháp dài hạn đối với các vấn đề thủy điện mà Việt Nam đang phải đối mặt.

Ông Hưng cũng hy vọng các đối tác hai bên sẽ cùng chia sẻ với nhau những kinh nghiệm và cơ hội để góp phần thúc đẩy các hoạt động hợp tác cụ thể trong lĩnh vực năng lượng.

Đề xuất về những hỗ trợ từ phía Na Uy, đại diện Cục Năng lượng Việt Nam mong muốn Na Uy sẽ giúp Việt Nam rà soát về quy hoạch thủy điện; hỗ trợ kiểm tra giám sát đặc biệt trong các hồ chứa thủy điện, phát triển các hệ thống thủy điện chức năng... Ngoài ra, đại diện Cục Năng lượng cũng bày tỏ mong muốn được trao đổi kinh nghiệm về việc định giá giá điện của Nauy. Mặt khác, ngoài việc giúp đỡ Việt Nam phát triển thị trường điện thì Nauy cũng có thể đầu tư trực tiếp vào các nhà máy điện ở thị trường Việt Nam./.