Trong chiến dịch vận động tranh cử, ông Donald Trump đã đưa ra 2 tuyên bố liên quan đến thương mại quốc tế. Thứ nhất, tuyên bố Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ, do đó sẽ tăng 45% hạn ngạch thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Thứ hai, Trump sẽ rút nước Mỹ khỏi cam kết gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trên thực tế, ngay sau khi ông Trump chính thức nhậm chức hôm 20/1 vừa qua, Nhà Trắng đã ra thông cáo tuyên bố Mỹ rút khỏ TPP.

Mục đích tối hậu của 2 tuyến bố trên là nhằm cải thiện thâm hụt cán cân thương mại, đặc biệt là với Trung Quốc và đem công ăn việc làm lại cho nước Mỹ. Chúng ta hãy lần lượt xét đến các vấn đề này.

Cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, Mỹ không thể thắng

Cho dù chưa có gì xẩy ra, nhưng việc Trump tuyên bố sẽ tăng mức thuế đánh vào hàng hóa nhập từ Trung Quốc lên 45% đã dấy lên sự đáp trả từ Trung Quốc, theo kiểu “ăn miếng, trả miếng”. Hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ đạt kim ngạch 500 tỷ USD mỗi năm, chỉ chiếm 16% hàng xuất khẩu của Trung Quốc. Nhưng, Mỹ là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Trung Quốc. Việc dựng hàng rào bảo hộ của Mỹ sẽ đánh vào các ngành điện tử, máy móc, thép xây dựng, cho đến may mặc – những ngành giàu tiềm năng xuất khẩu, mang lại nhiều ngoại tệ và việc làm cho Trung Quốc. Từ đó, Trung Quốc sẽ bị thiệt hại nặng bởi chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ.

Tuy nhiên, Trung Quốc mới là bên nắm “thế trên” trong cuộc chiến thương mại với Mỹ. Mới đây, Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc đã cảnh báo rằng, nước này có thể đáp trả hành động của Mỹ theo nhiều cách. Cụ thể là thay thế đơn đặt hàng cho Boeing bằng Airbus. Thị trường xe hơi của Mỹ và iPhone tại Trung Quốc sẽ bị thu hẹp. Và, việc nhập khẩu ngô và đậu nành từ Mỹ sẽ bị dừng lại.

Trung Quốc còn có thể làm hơn thế bằng cách ngăn chặn các công ty quốc gia lớn của Trung Quốc làm ăn với các công ty của Mỹ, như việc ngừng đơn đặt hàng với Boeing là một ví dụ. Hơn nữa, một trong các công ty thành công nhất của Mỹ - Apple sẽ bị đảo lộn bởi cuộc chiến thương mại. Hầu hết iPhone của hãng Apple được lắp ráp tại Trung Quốc. Nhưng, chi phí lắp ráp chỉ chiếm chưa đầy 4% giá trị gia tăng của sản phẩm. Trung Quốc có thể cho dừng tất cả các dây chuyền lắp ráp iPhone của Apple, mà không bị thiệt thòi quá lớn. Trong khi đó, Apple sẽ phải đối mặt với một nỗ lực hết sức tốn kém, khó khăn và dường như không thể làm nổi, nếu phải chuyển ngay các cơ sở lắp ráp iPhone về Mỹ.

Chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc khó có thể nổ ra một cách khốc liệt như Tổng thống Trump tuyên bố

Nhưng, quan trọng hơn, việc dựng hàng rào thuế quan chống lại hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ khó mà làm được gì nhiều để thu hẹp thâm hụt thương mại của Mỹ và tạo công ăn việc làm cho giới lao động Mỹ. Vấn đề là ở chỗ, logic đằng sau việc đánh thuế cao lên hàng sản xuất tại Trung Quốc, ví dụ như iPhone, là khuyến khích các công ty Mỹ trở về chính quốc, không mở rộng các cơ sở lắp ráp tại Trung Quốc nữa. Từ đó, tạo công ăn việc làm tại Mỹ và tăng xuất khẩu hàng sản xuất tại Mỹ sang Trung Quốc và các nước khác. Từ đó, thu hẹp thâm hụt thương mại của Mỹ với phần còn lại của thế giới.

Mặc dù vậy, theo nhiều chuyên gia, việc đánh thuế cao lên hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc chỉ khiến các công ty đa quốc gia như Apple chuyển cơ sở lắp ráp đến các nước thứ ba, có tiền lương và công nhân giá rẻ, mà vẫn không quay về Mỹ. Có chăng, thì các hãng điện tử như Apple, hoặc các hãng xe hơi như Ford chỉ chuyển các công đoạn có độ tự động hóa cao về Mỹ. Kết cục là vẫn không tạo công ăn việc làm tại Mỹ và vẫn không tăng hàng xuất khẩu có nguồn gốc lắp ráp từ Mỹ. Tức là không cải thiện thâm hụt thương mại, thông qua việc đánh thuế cao vào hàng hóa có nguồn gốc sản xuất tại Trung Quốc.

Chính từ logic này, mà dẫn đến cam kết thứ hai của Trump là sẽ rút khỏi TPP ngay trong 100 ngày đầu ông bước vào nhiệm sở. Khi đó, việc các công ty Mỹ đi săn lùng các quốc gia có lao động rẻ để đặt cơ sở lắp ráp, rồi xuất khẩu sản phẩm ngược lại thị trường tiêu thụ khổng lồ là Mỹ, qua các hiệp định thương mại tự do như TPP, sẽ không còn ý nghĩa nữa. Bởi lẽ, thay vì mở cửa thị trường như cam kết trong TPP, hàng rào bảo hộ có thể được dựng lên. Điều này khiến cho cam kết rút khỏi TPP của Trump có vẻ là cần thiết hơn và dễ xảy ra hơn so với việc gây cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Song, rõ ràng việc làm như vậy là đi ngược lại giá trị tự do dân chủ của Tây Âu và Mỹ. Nhìn rộng hơn, Brexit (Anh rời khỏi EU) và việc Trump đắc cử khiến cho các nước tư bản hàng đầu hướng về chủ nghĩa dân túy (populist nationalism), quay lưng lại với tự do hóa. Và, Trung Quốc nổi lên như cường quốc kinh tế duy nhất bảo vệ giá trị của chủ nghĩa tư bản toàn cầu hóa.

Như vậy, trong ngắn hạn, chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc khó có thể nổ ra một cách khốc liệt như Trump tuyên bố, do khả năng đáp trả của Trung Quốc là rất mạnh. Nhưng, liệu việc cam kết rút khỏi TPP có phải là sự nhường chỗ cho Trung Quốc “lèo lái” con tầu kinh tế và thương mại toàn cầu hóa hay không?

Xu thế toàn cầu hóa và hậu quả của việc Mỹ rút khỏi TPP

Trong cuộc họp của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tại Peru cuối tháng 11/2016, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra một ý kiến táo bạo về thiết lập trật tự thị trường do Trung Quốc dẫn đầu, thông qua việc mở cửa cho thương mại và đầu tư. Với việc tuyên bố rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận TPP, Trump đã để ra khoảng trống cho Trung Quốc thúc đẩy trật tự thương mại mới: Quan hệ Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (Regional Comprehensive Economic Partnership - RCEP). Bảy trong số 12 thành viên của TPP là thành viên tiềm năng của RCEP. Ông Tập cũng mời các nước Mỹ Latinh tham gia vào sáng kiến “Một vành đai, một con đường”. Tuy nhiên, có những giới hạn cho việc Trung Quốc thay thế Mỹ và Tây Âu dẫn dắt thương mại toàn cầu.

Để hiểu tại sao, chúng ta phải hiểu rõ bản chất của thương mại thời đại hiện nay, làn sóng toàn cầu hóa lần thứ hai, kể từ cách mạng công nghiệp, mà Richard Baldwin, thuộc Trường Quản trị kinh doanh Geneva, đã chỉ ra. Theo Richard Baldwin, thương mại tự do luôn bị giới hạn bởi phí tổn về khoảng cách, bao gồm chi phí vận tải, liên lạc và giao tiếp. Trong làn sóng toàn cầu hóa lần thứ nhất, vào cuối thế kỷ XIX, sự giảm chi phí vận tải do xuất hiện tầu biển đã làm gia tăng nhanh chóng thương mại thế giới. Vận tải biển đã cho phép trao đổi thương mại quốc tế về hàng công nghiệp chế tạo ở châu Âu, đổi lấy tài nguyên và sản phẩm nông nghiệp ở châu Mỹ và châu Úc. Vào kỷ nguyên đó, hoàn toàn không có khả năng xây dựng chuỗi sản xuất linh kiện, lắp ráp và cung ứng toàn cầu. Vì lý do đó, công nghiệp chế tạo, cùng với nó là hiệu quả theo quy mô và sự lan tỏa của tri thức, chỉ tập trung ở các nước giàu đã công nghiệp hóa.

Tuy nhiên, đến làn sóng toàn cầu hóa lần thứ hai, thì chi phí liên lạc, giao tiếp giảm mạnh do phát triển công nghệ thông tin viễn thông, máy tính và cuối cùng là internet. Điều đó cho phép các công ty đa quốc gia, như hãng xe hơi Toyota, hay công ty điện tử Samsung, tổ chức mạng lưới sản xuất linh kiện, lắp ráp và cung ứng trên toàn cầu. Như Baldwin chỉ ra, công nhân Mỹ ở tiểu bang Nam Carolina không phải là đang cạnh tranh với công nhân tại Mexico, với vốn tư bản và tri thức nghèo nàn như trong thập niên 1970. Họ đang cạnh tranh với sự phối hợp gần như không thể bị đánh bại giữa tri thức công nghệ và tổ chức của Mỹ cộng với nhân công rẻ của Mexico. Chủ nghĩa tư bản quốc gia trở thành toàn cầu hóa. Tính hiệu quả về quy mô, tức là việc tổ chức dây truyền sản xuất - cung ứng thành nhiều công đoạn, mỗi công đoạn chỉ tập trung vào cái mà nó làm hiệu quả nhất, rồi được phối hợp, lắp ráp lại thành sản phẩm cuối cùng – nay đã mang tính toàn cầu. Dĩ nhiên, quốc gia có tiền lương thấp càng tham gia được vào nhiều công đoạn của chuỗi sản xuất – cung ứng toàn cầu (tăng tỷ lệ nội địa hóa), thì càng tăng khả năng cạnh tranh, xuất khẩu và tăng dự trữ ngoại tệ. Hầu hết các nước đang pháp triển đã thất bại trong việc đón bắt cơ hội này và chỉ dừng lại ở khâu có giá trị gia tăng thấp nhất là sử dụng lao động rẻ trong công đoạn lắp ráp. Riêng một vài nước, trong đó tiêu biểu nhất là Trung Quốc, đã thành công trong việc tham dự ngày càng sâu rộng hơn trong chuỗi sản xuất – cung ứng toàn cầu. Thương mại dựa trên lợi thế so sánh, tài nguyên thô đổi lấy sản phẩm công nghiệp chế tạo vẫn đang diễn ra giữa Trung Quốc với các quốc gia Âu – Mỹ. Nhưng, chính thương mại dựa trên lợi thế về quy mô, mà nhờ đó hàng sản xuất tại Trung Quốc cạnh tranh được với hàng sản xuất tại Mỹ, là cái đã khiến Trump quay lại với chủ nghĩa bảo hộ và từ bỏ TPP.

Như vậy, không chỉ các chủ tư bản của các công ty xuyên quốc gia, như Apple, được hưởng lợi từ vốn tri thức công nghệ và tổ chức, được nghiên cứu và phát triển (R&D) bởi các công ty đó. Làn sóng toàn cầu hóa thứ hai đã cho phép một số quốc gia đang phát triển (chủ yếu là Trung Quốc) cũng được hưởng lợi từ vốn tri thức đó, qua sự kết hợp công nghệ Mỹ với tiền lương thấp ở bản địa. Chỉ có điều, công nhân ở Mỹ với tiền lương cao bị mất việc làm, do không cạnh tranh nổi với hàng sản xuất tại Trung Quốc hay Mexico. Liệu Trump đang cố gắng đấu tranh cho công nhân Mỹ, đối lại với giới chủ của các công ty Mỹ? Liệu ông ta không lo rằng, bằng việt rút khỏi TPP, ông ta cho Trung Quốc cơ hội tổ chức thương mại thế giới theo hướng chống lại lợi ích Mỹ? Hay là ông ta không lo là đang giới hạn lợi thế theo quy mô toàn cầu của các công ty Mỹ, khiến họ sẽ ở vào tình thế bất lợi và sẽ buộc phải chuyển nhiều hơn nữa các công đoạn sản xuất tới bất cứ nơi nào, mà họ được chào đón?

Tuy nhiên, cả châu Á, chứ đừng nói là riêng Trung Quốc, chưa có đủ khả năng để duy trì được tính năng động của thương mại thế giới. Mỹ và Tây Âu vẫn còn quá quan trọng để Trung Quốc có thể quay lưng và tổ chức trật tự thương mại cho riêng mình.

Nếu chúng ta nhìn vào tỷ lệ trong GDP toàn cầu, một thước đo sơ bộ về sức mạnh kinh tế, phần của Trung Quốc nhảy từ 4% vào năm 2000 lên 15% vào năm 2016. Phần của châu Á (bao gồm cả Nhật Bản) là 31%. Trong khi đó, Mỹ và EU cộng lại chiếm 47% GDP toàn cầu. Song, quan trọng hơn, Mỹ và Tây Âu vẫn là thị trường tiêu thụ lớn nhất trong giao dịch quốc tế. Theo giá thị trường năm 2015, tiêu dùng của Trung Quốc chỉ bằng ¼ mức tiêu thụ của Mỹ và EU cộng lại. Hơn nữa, tri thức công nghệ, nguồn gốc quan trọng nhất của thương mại hiện đại, đến từ các công ty xuyên quốc gia của Mỹ và Tây Âu. Các công ty của Trung Quốc vẫn không thể so sánh được về chiều sâu tri thức công nghệ để thay thế các công ty Mỹ và Tây Âu.

Nói như vậy để thấy rằng, thật may mắn cho loài người là “ngọn lửa” của các nguồn lực thúc đẩy thương mại toàn cầu vẫn còn hết sức mạnh mẽ. Ngay cả Trump cũng khó có thể dập tắt được chúng để quay trở lại với chủ nghĩa bảo hộ./.

TS. Lê Hồng Nhật

Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 2+3, tháng 01/2017