"Đây chính là lời xin lỗi thiết thực nhất đối với người dân", Bộ trưởng Đinh La Thăng nói.

Xử lý nghiêm để lấy lại niềm tin của nhân dân

Ông cho biết, mặc dù giá trị cây cầu này không lớn, chỉ trên 1 tỷ đồng, nhưng mức độ (sai phạm) lại hết sức nghiêm trọng vì nó làm chết, bị thương nhiều người. Điều quan trọng hơn, nó ảnh hưởng và gây mất niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan quản lý nhà nước.

Chính vì vậy, tuần qua Bộ Giao thông vận tải đã kiến nghị phải phải khởi tố vụ án, truy cứu trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến vụ việc này.

Bộ trưởng cho biết, Bộ đã xác định vụ lật cầu là hết sức nghiêm trọng và đã cử 1 tổ công tác độc lập lên để nghiên cứu thực tế, xác định rõ nguyên nhân của vụ lật cầu. Đó là do việc thi công không đảm bảo theo yêu cầu thiết kế. Thiết diện chịu lực chỉ đảm bảo được 50%, quy trình chế tạo ắc neo không đúng theo thiết kế, vì vậy đã dẫn tới đứt ắc neo gây lật cầu.

Trên cơ sở căn cứ khoa học và thực tiễn, chúng tôi báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất Bộ Công an và UBND tỉnh Lai Châu khởi tố vụ án.

Chia sẻ về vấn đề chậm tiến độ các dự án giao thông, vị tư lệnh ngành cho hay, có nhiều nguyên nhân làm chậm tiến độ. Cụ thểlà do: công tác giải phóng mặt bằng; năng lực hạn chế của các chủ thể tham gia vào quá trình tổ chức triển khai dự án như: Ban quản lý, nhà thầu thi công, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát.

Để giải quyết những vướng mắc này, Bộ trưởng Thăng cho biết, sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương vận động, tuyên truyền, tổ chức công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện cho người dân đến nơi ở mới.

Đồng thời, siết chặt quản lý các ban quản lý dự án, nâng cao chất lượng công tác tư vấn thiết kế, giám sát.

Riêng với các nhà thầu thi công, Bộ trưởng Thăng cho biết, sẽ tổ chức phân loại, làm rõ loại nào mới được thi công các công trình trọng điểm, loại nào chỉ được thi công tỉnh lộ, quốc lộ.

"Hiện nay, các dự án trọng điểm đã khắc phục tình trạng chậm tiến độ như trước đây. Ví dụ, dự án cao tốc Nội Bài-Lào Cai đã khắc phục được tình trạng chậm tiến độ, năm nay sẽ thông toàn tuyến. Tất cả các dự án trọng điểm về giao thông sẽ bảo đảm tiến độ, chất lượng”, Bộ trưởng khẳng định.

Đảm bảo an ninh hàng không

Ngay sau vụ mất tích của máy bay Malaysia, Bộ Giao thông vận tảivđã phải áp dụng biện pháp đảm bảo an ninh cấp độ 1 tại các sân bay. Bộ đã chỉ đạo những cơ quan trực thuộc phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan thuộc các Bộ: Công an, Quốc phòng, Ngoại giao để kịp thời có thông tin về các nhóm khủng bố, thủ đoạn, phương thức hoạt động khủng bố, cũng như vấn đề sử dụng hộ chiếu giả, giấy tờ giả.

Biện pháp căn bản hơn, đó là phải sửa đổi hơn 30 điều trong Luật Hàng không dân dụng (sửa đổi). Trong đó, có đề nghị nâng cao việc bảo đảm an ninh, an toàn hàng không hơn. Đó là tăng cường, hiện đại hóa trang thiết bị bảo đảm an toàn hàng không; nâng cao điều kiện, tiêu chuẩn cho những người trực tiếp làm công tác đảm bảo an ninh, an toàn hàng không.

“Với việc áp dụng an ninh cấp độ 1 chắc chắn sẽ gây phiền hà cho người dân. Cho nên chúng tôi mong người dân chia sẻ vì trước hết những biện pháp này là bảo đảm an toàn cho chính người dân, cho chính hành khách”, Bộ trưởng nói.

Sẽ điều chuyển nếu chậm cổ phần hóa

Xác định rằng, việc cổ phần hóa trước hết là trách nhiệm của chủ tịch HĐQT, của tổng giám đốc các DNNN và bên trên đó là trách nhiệm của Bộ trưởng, Thứ trưởng, nên Bộ trưởng thẳng thắn: “Nếu không thực hiện cổ phần hóa, chúng tôi sẽ điều chuyển đi làm việc khác”.

Cho biết, tại Bộ Giao thông vận tải, thực tế đã có việc điều chuyển tại Tổng Công ty công trình giao thông 8.

Bộ trưởng cũng cho biết, không chỉ trong lĩnh vực cổ phần hóa, mà ở tất cả những lĩnh vực khác, Bộ cũng sử dụng biện pháp này.

“Trong 2 năm tới chúng tôi sẽ cổ phần hóa toàn bộ các DNNN còn lại. Vấn đề là xử lý được những tồn tại vướng mắc về mặt tài chính; xác định được trách nhiệm người đứng đầu thì cổ phần hóa sẽ thành công”, Bộ trưởng nhấn mạnh./.