Chính phủ và tư nhân nghĩ gì về cơ sở vật chất hạ tầng ?

Với chính phủ và xã hội, cơ sở vật chất hạ tầng thường đề cập tới các công trình xây dựng như đường sá, cầu cống, sân bay, trạm điện, trường học, bệnh viện… những công trình cần thiết cho phát triển xã hội và thúc đẩy nền kinh tế.

Chính phủ có nhiều thách thức khi phải đối mặt với vấn đề đánh giá các dự án xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng, không chỉ dựa trên giá trị kinh tế của công trình, mà còn phải dựa vào các ảnh hưởng của nó đối với các đối tượng liên quan và xã hội.

Đứng trên góc nhìn này, các cơ quan nhà nước và chính quyền địa phương quan tâm đến ảnh hưởng của các dự án cơ sở vật chất hạ tầng đến cộng đồng, tác động trong việc phân phối lao động – những người sẽ được hưởng lợi ích trực tiếp khi các dự án mới được triển khai.

Còn với khu vực tư nhân, cơ sở vật chất hạ tầng là “một loại tài sản”, và do đó, vấn đề được quan tâm chủ yếu là tỷ lệ hiệu quả và rủi ro sau khi hoàn thành dự án, cũng như tác động của dự án với kế hoạch đầu tư tổng thể sau này. Một dự án có hấp dẫn hay không phụ thuộc vào các nhân tố tài chính.

Các nhân tố được xem xét bao gồm lợi nhuận ổn định, luận chuyển dòng vốn an toàn và ít biến động. Các sự án cơ sở vật chất hạ tầng thường là thị trường độc quyền với rào cản gia nhập rất lớn. Một khi các dự án xây dựng hoàn thành, đáp ứng nhu cầu thị trường thì tỷ lệ rủi ro sẽ giảm đáng kể.

Nhắc đến đầu tư của khu vực tư nhân không thể không nhắc đến những lựa chọn thay thế. Các nhà đầu tư đánh giá một cơ hội đầu tư vào khu vực cơ sở vật chất hạ tầng dựa trên các tiêu chí liên quan đến các nguồn tài nguyên khác, như: trái phiếu chính phủ, thị trường chứng khoán và tài sản tư nhân.

Có thể nói, các nhà đầu tư không chỉ tìm cách làm sao để đầu tư vào dự án, mà họ còn cân nhắc giữa các lựa chọn khác nhau. Khi quyết định đầu tư vào cơ sở vật chất hạ tầng, họ không chỉ quan tâm đến giá trị của nó, mà còn so sánh với các dự án khác cùng khu vực và chung chế độ pháp lý.

Tư nhân đầu tư vào cơ sở vật chất hạ tầng như thế nào?

Các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào lĩnh vực đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng thông qua nhiều hình thức, từ hợp đồng dịch vụ riêng lẻ, dự án hợp tác giữa tư nhân và nhà nước (PPPs), cho đến tư nhân hóa hoàn toàn. Hiện nay, PPP là hình thức được các quốc gia đang phát triển đẩy mạnh.

Một dự án PPP lại có nhiều hình thức hợp tác khác nhau. Nếu là hợp đồng quản lý, một số dịch vụ (ví dụ như quá trình vận hành và bảo dưỡng một con đường cao tốc) sẽ được thực hiện bởi công ty tư nhân với một chi phí nhất định.

Trong trường hợp cho thuê, doanh nghiệp tư nhân trả một chi phí nhất định để thuê quyền sử dụng tạm thời cơ sở vật chất hạ tầng, có trách nhiệm hoàn toàn với việc vận hành tài sản đó và chấp nhận mọi rủi ro thương mại.

PPP theo hình thức chuyển nhượng xảy ra khi công ty tư nhân huy động vốn để thiết kế lại và tái cấu trúc một tài sản trong một khoảng thời gian nhất định. Họ có toàn quyền sử dụng và bảo dưỡng tài sản đó.

Cuối cùng, với PPP theo hình thức hợp tác đầu tư hay doanh nghiệp liên doanh, một phần tài sản được bán cho đối tượng tư nhân, hoặc nhà nước và đối tượng tư nhân đồng thời tài trợ vốn để mua những tài sản mới.

Các nhà đầu tư và yêu cầu của chính phủ

Các nhà đầu tư khác nhau có những nhu cầu và hạn chế đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng riêng biệt.

Các nhà đầu tư trách nhiệm hữu hạn, như các công ty bảo hiểm hay quỹ hưu trí giới hạn lợi ích, đều có hứng thú đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng bởi các dự án này thường có rủi ro thấp, lợi nhuận đi liền với tốc độ lạm phát, vì vậy rất phù hợp với đặc tính đầu tư và nợ dài hạn của họ.

Như vậy, cá nhà đầu tư này có xu hướng quan tâm đến các dự án mua lại (brownfield) ở các thị trường phát triển, với số vốn đầu tư xác định.

Đặc biệt, các công ty bảo hiểm còn hứng thú với các khoản nợ đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng. Một số quỹ hưu trí lại muốn đưa nguồn vốn vào các dự án đầu tư trực tiếp miễn các khoản lợi nhuận có thể bù đắp rủi ro.

Tuy vậy, phần lớn các quỹ này không sẵn sàng đầu tư vào các dự án có nhiều nguy cơ về phía xây dựng, nguyên vật liệu hay không đảm bảo chất lượng kỹ thuật.

Một số nhà đầu tư khác không ủng hộ các dự án đầu tư trực tiếp bởi họ tin rằng lợi nhuận không thể bù đắp nổi các rủi ro tương ứng; bản chất xã hội của đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng phản ánh một nhà đầu tư sau khi kiếm lợi nhuận từ dự án vẫn phải đối mặt với nhiều áp lực và các quy chế pháp lý bất lợi.

Các nhà đầu tư dựa trên tài sản như các quỹ tài sản có chủ quyền, các công ty gia đình có tiềm lực, có xu hướng đầu tư nhiều hơn trong suốt vòng đời của sản phẩm/dự án.

Theo một cuộc khảo sát tổ chức bởi Preqin, 97% các quỹ tài sản có chủ quyền lựa chọn đầu tư trực tiếp.

Bên cạnh ảnh hưởng từ các nhà cung cấp vốn có thể làm hạn chế các quỹ đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng, rủi ro trong các dự án đầu tư trực tiếp là không tránh khỏi. Ví dụ, Blacksone – một quỹ đầu tư tư nhân và quản lý tài sản tại Mỹ đang đóng vai trò chủ chốt trong công trình xây dựng một nhà máy thủy điện Bujagali ở Uganda. Ngược lại, chính phủ có xu hướng tập trung vào các dự án đầu tư trực tiếp, đặc biệt là các công trình liên quan đến cộng đồng, giúp tạo thêm nhiều việc làm, thúc đẩy xã hội phát triển…

Thêm vào đó, tại các thị trường mới nổi với quỹ đạo tăng trưởng nhanh, nhu cầu các dự án đầu tư trực tiếp đang trên mức vốn hiện có tại thị trường trái phiếu, việc thu hút vốn cho các dự án này đang là ưu tiên đặt lên hàng đầu.

Tuy vậy, cơ hội vẫn thực sự tồn tại. Mặc dù các xu hướng đầu tư trên đang dần trở nên phổ biến hơn trong xã hội, mỗi dự án vẫn tồn tại các phương án tiếp cận riêng biệt. Ví dụ, trong khi các quỹ hưu trí muốn đầu tư vào dự án đầu tư trực tiếp, đi kèm với rủi ro cao là mức lợi nhuận hấp dẫn, một số nhà đầu tư khác chỉ đồng ý tham gia nếu có thêm các văn bản đảm bảo mức độ rủi ro là hợp lý và dưới mức cho phép.

Bên cạnh việc cân nhắc mối quan hệ tương quan giữa lợi nhuận và rủi ro, các cơ quan nhà nước cần thiết lập một cơ chế quản lý thông thoáng, ổn định, chắc chắn, giúp thu hút đầu tư khu vực tư nhân vào đa dạng các dự án.

Nguồn tham khảo:

1.http://www.weforum.org/reports/infrastructure-investment-policy-blueprint

2.http://www3.weforum.org/docs/WEF_II_InfrastructureInvestmentPolicyBlueprint_Report_2014.pdf

3. http://cafef.vn/tai-chinh-quoc-te/bai-toan-kho-1000-ty-usd-cho-co-so-ha-tang-2014031009130613711ca32.chn