Năm 2017, kinh tế thế giới sẽ có nhiều biến động

Một số phân tích về tình hình kinh tế thế giới năm 2017 ảnh hưởng đến các thị trường bộ phận Việt Nam

Kinh tế Hoa Kỳ. Tăng trưởng GDP gộp đến quý III/2016 tại Hoa Kỳ đã tăng 3,2% cao hơn mức dự đoán trước đó là 2,9%. Đồng USD lên giá so với hầu hết các đồng tiền khác. TPP có thể sẽ không được thông qua tại Hoa Kỳ, nhưng kinh tế Hoa Kỳ năm 2017 sẽ không đến mức bất ổn.

Kinh tế EU, sự kiện Brexit, Ý không thông qua cải cách hiến pháp. Năm 2016 chứng kiến nước Anh quyết định rời Liên minh châu Âu (EU), khiến đồng bảng Anh giảm giá. Những ảnh hưởng từ sự kiện này sẽ còn tiếp tục trong trung hạn. Trong năm 2017, nước Anh và EU sẽ không có những biến động lớn, nhưng không có triển vọng tích cực về luồng tiền từ Anh và EU ra ngoài khối. Bên cạnh đó, Ý không thông qua cải cách hiến pháp cũng nằm trong xu thế quay về nội địa. Cùng với Hoa Kỳ, kinh tế EU sẽ đi vào giai đoạn điều chỉnh hướng nội.

Kinh tế Nhật Bản. Nhìn chung, kinh tế Nhật Bản không có nhiều biến động trong năm 2017 và sẽ phản ứng theo kinh tế Hoa Kỳ và EU.

Kinh tế Nga. Kinh tế Nga tiếp tục ổn định và phát triển tiệm tiến. Luồng vốn đến và đi từ Nga về cơ bản sẽ không có biến động lớn.

Kinh tế Trung Quốc. Các vấn đề sẽ tùy thuộc rất nhiều vào Hoa Kỳ, EU và Brexit. Tuy nhiên, nếu tình hình Biển Đông ổn định, luồng tiền từ Trung Quốc đến các nước khác, trong đó có Việt Nam sẽ ổn định như năm 2016.

Kinh tế Hàn Quốc. Việc Tổng thống bị điều trần trước Quốc hội về cáo buộc bê bối gần đây không ảnh hưởng nhiều đến đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam, nhưng cũng cần phải quan sát chặt chẽ.

Kinh tế Việt Nam

Tăng trưởng ổn định. Trên bình diện tổng thể, tăng trưởng kinh tế năm 2016 khá ổn định. Năm 2017, có một số yếu tố thuận và một số yếu tố không thuận, nhiều khả năng tăng trưởng GDP ít nhất cũng sẽ ổn định ở mức như năm 2016 (6,3%). Một số yếu tố thuận lợi, như: Chính phủ quyết tâm hướng tới xây dựng một Nhà nước kiến tạo; Doanh nghiệp đã vượt qua giai đoạn khó khăn, đang ở giai đoạn tái phục hồi, tăng trưởng; Người dân định hướng vào phát triển kinh tế và đã có bài học tăng trưởng quá mức của giai đoạn 2005-2007, nên cũng kiểm soát được đầu tư. Trong khi đó, một số yếu tố không thuận, như: Định hướng chính sách của chính quyền mới của Hoa Kỳ không chắc chắn. TPP nhiều khả năng chưa được thông qua vào năm 2017 (thậm chí có thể bị hủy bỏ); Thế giới tiềm ẩn những bất ổn khó dự báo.

Lạm phát thấp. Cùng với nhiều khả năng tăng trưởng ổn định như năm 2016, lạm phát năm 2017 cũng được dự báo là ổn định ở mức thấp (dưới 5%). Các luồng tiền ngoại cũng như trong nước (đặc biệt là tín dụng) cũng không có nhiều đột biến. Vì vậy, lạm phát sẽ bình ổn trong xu thế đi ngang.

Lãi suất ngân hàng thấp, nhưng đã cận sàn. Hệ quả tất yếu của lạm phát ổn định và ở mức thấp là lãi suất ngân hàng sẽ thấp. Năm 2016, lãi suất trung bình là dưới 10% (Các ngân hàng thương mại cổ phần công bố mức lãi suất tiết kiệm cao nhất 7,2%-7,6%/năm, trong khi ngân hàng quốc doanh dao động khoảng 6,5%-6,8%/năm). Tuy nhiên, cuối tháng 11/2016 sàn lãi suất đã xuất hiện. Năm 2017, khả năng lạm phát cũng tương tự mức năm 2016 dẫn đến lãi suất ngân hàng cũng xoay quanh mức năm 2016 và có thể tăng chút ít cùng với việc có thể tỷ giá thay đổi.

Hạn mức tín dụng ngân hàng đủ rộng, nhưng không đột biến. Năm 2016, số dư tín dụng ngân hàng cuối tháng 11 mới chỉ đạt 14,03% trong khi kế hoạch tăng trưởng tín dụng 2016 là 18%-20% (và có thể đạt được mức 18% vào cuối tháng 12/2016). Lưu ý là trong năm 2016, tình hình kinh tế khá tốt, nhưng tăng trưởng tín dụng cũng chỉ nằm trong kế hoạch. Năm 2017, tình hình kinh tế về cơ bản không có nhiều biến động khác biệt so với năm 2016, nên tăng trưởng tín dụng cũng nằm trong mức của năm 2016.

Đầu tư công đã ổn định trong giai đoạn 2016-2020. Nghị quyết Quốc hội về đầu tư công trung hạn đã được thông qua. Giá trị đầu tư trong 5 năm 2016-2020 khoảng 2 triệu tỷ đồng đã được xác định. 11 tháng năm 2016, khu vực nhà nước đã vay 388 tỷ đồng cho các chương trình mục tiêu, nhưng cũng không tiếp tục tăng được do tác động của Nghị quyết số 07-NQ/TW, ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Vì vậy, nguồn đầu tư từ ngân sách được coi là ổn định trong cả năm 2016 nói chung và năm 2017 nói riêng.

Đầu tư nước ngoài không bùng nổ như kỳ vọng, thậm chí có thể suy giảm. Năm 2016, dưới tác động của kỳ vọng vào TPP, nguồn đầu tư nước ngoài có một cú hích mới. Tuy nhiên, thực tiễn đã không diễn ra như dự kiến do nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố TPP đã gặp khó khăn. Thu hút FDI giảm, tổng vốn đăng ký 11 tháng đầu năm 2016 đạt 18,1 tỷ USD, bằng 89,5% cùng kỳ năm 2015. Tính đến hết năm 2016, tổng vốn thu hút khoảng hơn 24,4 tỷ USD. Năm 2017, cùng với việc chính quyền của Tổng thống đắc cử của Hoa Kỳ không ủng hộ TPP, việc đầu tư nước ngoài không tiếp tục tăng trưởng mạnh là một khả năng được dự báo. Hơn nữa, cùng với việc thay đổi chủ trương so với Chính quyền Tổng thống Obama, chính quyền mới của Hoa Kỳ còn cho thấy có xu hướng quay về bảo hộ thị trường nội địa. Vì vậy, nguồn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong năm 2017 là không lớn và không tăng.

Đầu tư dân cư có thể chỉ tăng tiệm tiến, không đột biến. Năm 2016, khu vực dân cư có đầu tư khá tốt vào thị trường, đặc biệt là thị trường bất động sản. Một trong những sản phẩm được đầu tư khá mạnh là phân mảng thị trường căn hộ trung cao cấp (của các chủ đầu tư có uy tín) và phân mảng condotel (Condo và Hotel có ý nghĩa là Khách sạn căn hộ hay Căn hộ khách sạn). Tuy nhiên, đã có dấu hiệu cung của hai phân mảng này vượt cầu. Tuy nhiên, phân mảng bất động sản giá thấp, phân mảng căn hộ bình dân, căn hộ giá thấp, nhà ở xã hội tiếp tục có cầu cao nhưng chưa được đáp ứng. Do đó, năm 2017, nguồn tiền trong dân sẽ dịch chuyển sang phân mảng giá thấp. Hơn nữa, do những biến động không chắc chắn của tình hình kinh tế thế giới, khả năng luồng tiền trong dân sẽ bị chững lại, không tăng tiếp tục như năm 2016.

Luồng tiền kiều hối ổn định. Kiều hối vẫn nằm trong xu thế tăng trưởng, kiều hối năm 2016 và năm 2017 tiếp tục có xu hướng tăng, tuy không tăng cao như những năm trước năm 2015 (1 tỷ USD/năm). Tuy nhiên, với mức trên 12 tỷ USD/năm, năm 2017 vẫn hứa hẹn một luồng tiền tốt, ổn định từ kiều hối vận hành vào Việt Nam.

Dự báo tình hình các thị trường bộ phận năm 2017

Thứ nhất, thị trường chứng khoán tiếp tục giằng co. Năm 2016, thị trường chứng khoán không có đột biến. Luồng tiền vào - ra thị trường chứng khoán cũng không đột biến. Chỉ có điểm đặc biệt là cổ phiếu Faros (cổ phiếu gắn liền với doanh nghiệp bất động sản) tăng trưởng mạnh trong năm 2016.

Hai tháng cuối năm 2016, diễn biến tình hình thị trường chứng khoán là rất khó nắm bắt, do đó, đây là thị trường khó dự báo nhất trong năm 2017. Một mặt, Nhà nước sẽ tiếp tục kiên quyết thoái vốn khỏi các doanh nghiệp nhà nước, trong đó, tập trung chủ yếu vào 2 lĩnh vực là bất động sản và chứng khoán. Vì vậy, vẫn sẽ có một luồng tiền có yếu tố nước ngoài vận hành vào thị trường này để nắm các doanh nghiệp Việt Nam (đặc biệt các doanh nghiệp nắm những ngành nghề trọng tâm, trọng điểm). Mặt khác, việc các doanh nghiệp nhà nước có thực sự tuân thủ tiến trình cổ phần hóa hay không cũng là một vấn đề hết sức khó khăn. Nếu luồng tiền nước ngoài và tư nhân trong nước đủ để hấp thụ tất cả các phần doanh nghiệp nhà nước thoái vốn, thị trường sẽ ổn định ở mức tốt. Ngược lại, bất cứ một yếu tố gì xảy ra không thuận, thị trường này không thể dự báo được.

Thứ hai, thị trường ngoại tệ cần phòng tránh các bất trắc. Đầu tháng 12/2016, có dấu hiệu đầu cơ ngoại tệ, đưa tỷ giá trên thị trường tự do tăng lên mức trên 23.000 VNĐ/USD. Đây là biểu hiện một cuộc đầu cơ tỷ giá quy mô nhỏ nhân cơ hội: (i) có khoảng thiếu hụt nguồn tiền ngoại tệ dự kiến và nguồn tiền thực tiễn vận hành vào nền kinh tế do có tình hình kinh tế thay đổi; (ii) những tháng cuối năm 2016, các doanh nghiệp phải kết toán ngoại tệ; (iii) đồng USD lên giá so với hầu hết các đồng tiền khác; (iv) việc phao tin đổi tiền để gây tâm lý tránh giữ tiền nội tệ. Tuy nhiên, hiện nền kinh tế vẫn có 40 tỷ USD dự trữ ngoại tệ, đồng thời các yếu tố kinh tế vĩ mô vẫn đang ổn định (tăng trưởng ổn định, lạm phát thấp, lãi suất ổn định mức thấp) nên nhiều khả năng vụ đầu cơ này cũng không có nhiều hệ lụy. Tuy vậy, điều này cũng đặt ra yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải có các động thái can thiệp cần thiết để bình ổn thị trường.

Trong năm 2017, có 3 yếu tố ảnh hưởng đến thị trường này cần phải quan sát và nắm bắt sát sao. Một là, diễn biến tỷ giá đồng USD và các đồng tiền khác. Hai là, luồng tiền vào ra thị trường Việt Nam (cả ngắn hạn và dài hạn, cả đầu tư trực tiếp và gián tiếp; kiều hối và ODA; xuất nhập khẩu). Ba là, các điều hành chính sách tiền tệ của Chính phủ theo hướng giữ ổn định tỷ giá hay thả nổi tỷ giá. Về cơ bản, đến nay chúng ta vẫn sử dụng liệu pháp tỷ giá trườn bò, vì vậy, nhiều khả năng sẽ không có biên động lớn trong năm 2017.

Thứ ba, thị trường vàng không rõ xu hướng. Thị trường vàng rất không rõ xu thế. Trong năm 2016, giá vàng trong nước dao động trong khoảng 34,5-36 triệu đồng/cây vàng. Trung bình cao hơn giá trung bình trên thế giới khoảng trên dưới 3 triệu đồng. Tuy vậy, xu thế của thị trường vàng không rõ rệt. Trong tháng 10, tháng 11/2016 có một đợt tăng giá, nhưng cuối tháng 11/2016, vàng quay đầu giảm giá song lại phục hồi được vào cuối tuần đầu tháng 12/2016. Nhìn chung, xu thế không rõ rệt. Dự báo cho năm 2017, giá vàng tăng hay giảm hiện đang là một điều không rõ rệt. Những cùng với việc tăng giá của đồng USD, việc giá vàng giảm là có thể. Vì vậy, đầu tư vào thị trường vàng có thể ít sôi động hoặc rất sôi động tùy thực tiễn. Hệ quả là, nguồn tiền của thị trường vàng có thể vận hành sang thị trường bất động sản.

Thứ tư là thị trường bất động sản có những điều chỉnh. Các luồng tiền vận hành vào thị trường bất động sản trước và sau tháng 11/2016 có nhiều biến động khác nhau. Trước tháng 11, tình hình khá tốt. Từ tháng 11 trở đi và trong năm 2017, tình hình sẽ có chiều hướng đi ngang hoặc suy giảm. Luồng tiền tín dụng từ ngân hàng sẽ không tiếp tục tăng nữa, từ thị trường chứng khoán không mạnh, từ đầu tư nước ngoài sẽ không như mong muốn, từ đầu tư công sẽ cận trần, từ trong dân cư sẽ suy giảm (do không tiếp tục đầu tư đón dòng tiền nước ngoài). Bên cạnh đó, kiều hối cũng sẽ đi ngang, trong khi đó luồng tiền từ các công cụ tài chính phái sinh tiếp tục chưa xuất hiện. Hệ quả là, thị trường bất động sản bắt buộc phải điều chỉnh. Phân khúc nhà trung, cao cấp sẽ đi ngang (những dự án đã gần kết thúc đầu tư sẽ thành công; những dự án đã khởi công sẽ được cố gắng thúc đẩy tiến độ; những dự án chuẩn bị khởi công có thể sẽ bị đình hoàn). Nhà giá thấp sẽ lên ngôi (Vingroup đã lập công ty đầu tư nhà giá thấp với các tiện ích tương đương nhà cao cấp). Những dự án nhà giao ngay sẽ được ưu thế; những dự án tiềm năng sẽ bị bất lợi.

Kết luận

Thị trường đang ở thời điểm điều chỉnh, các yếu tố kinh tế thế giới tác động đến Việt Nam đang thay đổi. Đặc biệt, luồng tiền nhiều khả năng không vận hành vào như mong muốn. Đã và đang xuất hiện những biểu hiện phản ứng cả tích cực và tiêu cực với những biến động đó. Tuy nhiên, nhiều khả năng tình hình không xấu, nhưng cũng không còn theo kịch bản tăng trưởng thuận lợi nữa. Trong bối cảnh hiện nay, các bên liên quan phải tự trang bị kiến thức, thông tin và quyết định sự tham gia của mình vào thị trường. Song, trên bình diện tổng thể, nếu có tiền, việc hướng đến thị trường bất động sản giá thấp vẫn là một kênh đầu tư có tiềm năng trong năm 2017./

Tài liệu tham khảo:

1. Văn Kiên (2016). 5 triệu tỷ đồng “chôn” vào doanh nghiệp nhà nước, truy cập từ http://-www.-tien-phong.-vn/-kinh-te/5-trieu-ty-dong-chon-vao-doanh-nghiep-nha-nuoc-1081280.tpo

2. Minh Đức (2016). Định khung chính sách tiền tệ 2017, truy cập từ http://vneconomy.vn/tai-chinh/dinh-khung-chinh-sach-tien-te-2017-20161202124235479.htm

3. Bạc Dương (2016). Thủ tướng lo chủ nghĩa bảo hộ có nguy cơ trở lại, truy cập từ http://vneconomy.vn/thoi-su/thu-tuong-lo-chu-nghia-bao-ho-co-nguy-co-tro-lai-20161208102244232.htm

3. Thanh Xuân (2016). Hơn 70% kiều hối chảy vào sản xuất. http://thanhnien.vn/kinh-doanh/hon-70-kieu-hoi-chay-vao-san-xuat-770744.html

4. Bảo Anh (2016). Ì ạch giải ngân đầu tư công, Thủ tướng phải ra công điện, truy cập từ http://-vneconomy.-vn/thoi-su/i-ach-giai-ngan-dau-tu-cong-thu-tuong-phai-ra-cong-dien-2-0-1-6-1-2-0-1-1-0-2-9-2-4-8-9-0.-htm

5. Nguyễn Tuyền (2016). Mỹ bóng gió rời bỏ TPP, FDI vào Việt Nam đã giảm nhanh trông thấy, truy cập từ http://dantri.com.vn/su-kien/my-bong-gio-roi-bo-tpp-fdi-vao-viet-nam-da-giam-nhanh-trong-thay-20161203123401394.htm

6. Thu Thảo (2016). Ông Donald Trump muốn áp thuế 35% doanh nghiệp Mỹ đem việc làm ra nước ngoài, truy cập từ http://thanhnien.vn/kinh-doanh/ong-donald-trump-muon-ap-thue-35-doanh-nghiep-my-dem-viec-lam-ra-nuoc-ngoai-771262.html