Dư cung ngay từ năm 2017

Theo thống kê của Hiệp hội Xi măng Việt Nam, đến năm 2016, tổng công suất thiết kế của ngành xi măng Việt Nam đạt gần 88 triệu tấn/năm. Nếu tính các dự án đang tiến hành đầu tư, dự kiến hoàn thành trong năm 2018, tổng công suất thiết kế toàn ngành lên đến 108 triệu tấn/năm. Ngoài ra, những nhà máy xi măng đã đi vào sản xuất cũng đã và đang không ngừng đầu tư cải tiến kỹ thuật, công nghệ nên năng lực sản xuất thực tế đến năm 2020 có thể lên đến 120-130 triệu tấn.

Ngay từ năm 2017, lượng xi măng sản xuất ra đã vượt nhu cầu

Theo ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, dự báo tiêu thụ xi măng trong nước năm 2020 đã vào khoảng 82 triệu tấn, nghĩa là sẽ dư thừa 36-47 triệu tấn. Còn theo dự báo trong quy hoạch, với khả năng tiêu thụ trong nước năm 2020 là 93 triệu tấn thì sẽ dư thừa khoảng 25-36 triệu tấn xi măng. Thậm chí, ông Cung còn cho rằng, sự dư thừa này có thể bắt đầu ngày từ năm 2017 (Vân Ly, 2016).

“Nhu cầu tiêu thụ nội địa năm 2016 khoảng 60 triệu tấn, dự báo từ nay đến năm 2020, mỗi năm tăng 5-6 triệu tấn và đến năm 2020 nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước khoảng 80-82 triệu tấn. Vì vậy, sự dư thừa này có thể bắt đầu từ năm 2017 và áp lực cạnh tranh tiêu thụ nội địa tiếp tục gia tăng”, ông Cung nói.

Lý giải nguyên nhân của tình trạng dư thừa lượng lớn sản phẩm xi măng của Việt Nam là bởi công suất của Ngành tăng mạnh trong thời gian gần đây và tính cạnh tranh trong xuất khẩu giảm. Theo tính toán của các chuyên gia trong ngành, chỉ tính riêng giai đoạn 2016-2017, ước có thêm 5 nhà máy xi măng đi vào hoạt động với tổng công suất thiết kế xấp xỉ 15,7 triệu tấn/năm (Thy Hằng, 2016).

Đặc biệt, tác động cạnh tranh từ Trung Quốc, ước tính chưa đầy đủ của các chuyên gia trong ngành, nguồn xi măng thừa từ Trung Quốc năm 2016 lên đến gần 700 triệu tấn (gấp khoảng 8 lần tổng công suất xi măng của Việt Nam), kèm theo đó là giá rẻ sẽ làm gia tăng sức cạnh tranh đối với các doanh nghiệp trong nước không chỉ thị trường nội địa mà cả những thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam.

Thực tế cho thấy, không ít doanh nghiệp xuất khẩu xi măng thừa nhận, những tín hiệu báo về từ các thị trường xuất khẩu chính hiện nay, như: Bangladesh, Indonesia và Philippines đều khá xấu, cũng chỉ vì mức giá chào từ Trung Quốc rất hấp dẫn.

Cần giải pháp nào?

Để cân đối cung - cầu thị trường xi măng, ông Nguyễn Quang Cung cho rằng, cần điều chỉnh lại quy hoạch ngành xi măng. Theo đó, một mặt, khuyến khích áp dụng công nghệ mới, thay thế các dây chuyền cũ, lạc hậu, mặt khác không thể cho phép đầu tư tràn lan mà phải dựa trên cơ sở tính toán kỹ nhu cầu (Lan Anh, 2017).

Theo ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu (Bộ Xây dựng), các doanh nghiệp xi măng cần có những giải pháp sản xuất và tiêu thụ hợp lý, tránh gây thêm áp lực cho tiêu thụ trong nước. Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với bộ, ngành, địa phương liên quan thúc đẩy sử dụng các sản phẩm xi măng cho các chương trình công ích, như: làm đường bê tông xi măng, vật liệu xây không nung… nhằm gia tăng sức tiêu thụ trong nước, bảo đảm phát triển ổn định của ngành xi măng. Bên cạnh đó, nhằm giảm bớt áp lực cạnh tranh, cân đối cung - cầu, nhiều dự án xi măng đã được giãn, điều chỉnh đưa ra khỏi quy hoạch. Dự kiến từ năm 2018, không đưa thêm dây chuyền xi măng vào hoạt động.

Đồng quan điểm này, TS Phạm Nguyên Minh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại cho rằng, các nước, như: Thái Lan, Malaysia hay Indonesia, họ chỉ có khoảng 10 “đầu mối” sản xuất xi măng lớn, còn Việt Nam hiện có tới gần 60 nhà sản xuất xi măng lớn, nhỏ, cạnh tranh rất khốc liệt. Trong khi tình hình sản xuất xi măng trong nước vẫn lụn vụn, phân tán. Do vậy, cần khuyến khích “cụm lại” để giảm bớt tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Tổng Giám đốc phụ trách kinh doanh xuất khẩu Tập đoàn Xi măng The Vissai cho rằng, những thương vụ M&A trong ngành xi măng trong thời gian qua như một “liều thuốc” mạnh giúp hồi sinh nhiều doanh nghiệp xi măng làm ăn thua lỗ, bên bờ vực phá sản. Mặt khác, M&A cũng là con đường để ngành xi măng khắc phục những khó khăn trong hoạt động sản xuất, bởi lẽ, điểm yếu của chúng ta là có quá nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ, phân tán. Vì vậy, sáp nhập liên kết để tạo thành những doanh nghiệp đầu mối mạnh sẽ gia tăng tính cạnh tranh và lợi thế về giá cho xi măng xuất khẩu, cũng như có lợi thế hơn khi đàm phán với đối tác nhập khẩu.

“Nhiều nhà máy xi măng khác, như: Đồng Bành, Cẩm Phả trước đây bên bờ vực phá sản, nhưng sau công cuộc M&A đã thoát cảnh phá sản”, ông Đạt dẫn chứng (Mai Thanh, 2016).

Tham khảo từ:

Vân Ly (2016). Xi măng dư thừa, xuất khẩu lại gặp khó, truy cập từ http://www.thesaigontimes.vn/155578/Xi-mang-du-thua-xuat-khau-lai-gap-kho.html

Thy Hằng (2016). Nghịch lý ngành xi măng: thừa cung- thiếu cầu nhưng vẫn mở rộng sản xuất, truy cập từ http://enternews.vn/nghich-ly-nganh-xi-mang-thua-cung-thieu-cau-nhung-van-mo-rong-san-xuat.html

Mai Thanh (2016). Xi măng tính chuyện M&A, truy cập từ http://enternews.vn/xi-mang-tinh-chuyen-ma.html

Lan Anh (2017). Ngành xi măng: Nỗi lo cung vượt cầu, truy cập từ http://baocongthuong.com.vn/nganh-xi-mang-noi-lo-cung-vuot-cau.html