WTO phê chuẩn hiệp định thương mại 1.000 tỷ USD

WTO cho biết, họ đã có đủ sự phê chuẩn cần thiết từ các nước thành viên để TFA có hiệu lực từ hôm 22/2, sau khi đạt đủ 2/3 quốc gia thành viên thông qua. Việc đàm phán TFA bắt đầu từ năm 2004 và hoàn tất năm 2013, với sự tham gia của 164 quốc gia thành viên WTO. Với nội dung bao trùm các vấn đề về hải quan nhằm thúc đẩy và tạo thuận lợi cho hoạt động vận chuyển, thông quan, giải phóng hàng hóa xuất - nhập khẩu, quá cảnh tại các cửa khẩu, cũng như các biện pháp hợp tác giữa hải quan các nước và hỗ trợ kỹ thuật thực hiện, Hiệp định TFA hứa hẹn tạo ra một động lực mới thúc đẩy hoạt động thương mại hàng hóa quốc tế và mang lại lợi ích chung cho tất cả các quốc gia thành viên WTO.

Tổng Giám đốc WTO, ông Roberto Azevedo hoan nghênh việc TFA có hiệu lực và nhấn mạnh vai trò nền tảng của hiệp định đối với cải cách thương mại. CNN dẫn lời ông Roberto Azevedo cho biết: “Đây là thông tin quan trọng vì ít nhất hai lý do. Thứ nhất, cho thấy cam kết của các thành viên đối với hệ thống thương mại đa phương và họ đang thực hiện theo cam kết đã nêu tại Bali năm 2013. Thứ hai, có nghĩa chúng ta có thể bắt đầu thực thi Hiệp định, giúp cắt giảm chi phí thương mại trên thế giới, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để giúp các nước nghèo hơn thực thi Hiệp định”.

Tổng Giám đốc WTO, ông Roberto Azevedo

TFA sẽ giảm thời gian nhập khẩu hàng hóa thêm 1,5 ngày và thời gian xuất khẩu thêm gần 2 ngày. Nhờ đó, theo ước tính trung bình của WTO, TFA sẽ giảm chi phí thương mại của các nước thành viên thêm 14,3% và giúp kim ngạch giao dịch hàng hóa toàn cầu tăng 1.000 tỷ USD mỗi năm.

Các nước kém phát triển nhất thế giới sẽ hưởng lợi lớn nhất từ TFA, khi Hiệp định này cho phép các nước đang và kém phát triển đặt ra kế hoạch thực thi TFA phụ thuộc vào năng lực của các nước. Một quỹ về TFA đã được thành lập theo đề nghị của các nước đang và kém phát triển nhằm đảm bảo các nước này nhận được sự hỗ trợ cần thiết để đạt được lợi ích đầy đủ của Hiệp định và nhằm hỗ trợ mục tiêu cuối cùng để tất cả các thành viên thực thi đầy đủ Hiệp định.

Các nước phát triển đã cam kết thực thi ngay lập tức Hiệp định, đặt ra một loạt cải cách thuận lợi hóa thương mại. Với 12 điều khoản, TFA đưa ra nhiều biện pháp để cải thiện sự minh bạch, tính dự báo của thương mại qua biên giới và tạo một môi trường kinh doanh ít phân biệt đối xử nhất. Các điều khoản của TFA bao gồm cải thiện tính sẵn có và công khai thông tin về các thủ tục qua biên giới, cải thiện quyền của thương nhân, giảm phí và các phương thức liên quan đến xuất - nhập khẩu hàng hóa, thủ tục thông quan nhanh hơn, nâng cao điều kiện về tự do quá cảnh hàng hóa. Hiệp định cũng bao gồm các biện pháp về hợp tác hiệu quả giữa hải quan và các cơ quan khác về thuận lợi hóa thương mại và các vấn đề liên quan đến hải quan.

Ngược lại, các nước đang phát triển sẽ chỉ áp dụng các điều khoản TFA ngay lập tức khi họ chỉ rõ các cam kết Loại A. Với các điều khoản khác của Hiệp định, họ phải xác định khi nào các điều khoản nào được thực thi và cần hỗ trợ xây dựng năng lực để thực thi các điều khoản đó, gọi là cam kết Loại B và Loại C. Các cam kết này có thể được thực thi muộn hơn với các nước kém phát triển cần nhiều thời gian hơn để thông báo cam kết. Hiện có 90 thành viên WTO đưa ra thông báo về cam kết Loại A.

Động lực cho quá trình cải cách của Việt Nam

Việt Nam đã phê chuẩn TFA từ tháng 11/2015. Đối với Việt Nam, những nội dung trong TFA hoàn toàn phù hợp với các mục tiêu cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan mà Chính phủ đang thúc đẩy mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Hơn thế nữa, TFA còn đặt ra các tiêu chuẩn thuận lợi hóa thương mại rõ ràng, thống nhất, kèm theo các hỗ trợ kỹ thuật cần thiết để thực thi. Vì vậy, TFA có thể là động lực cộng hưởng có ý nghĩa và là thước đo khách quan cho quá trình cải cách tự thân này của Việt Nam.

Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng đó, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ là những đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ TFA, bởi hiện tại thủ tục hải quan đang là một trong những vấn đề gây nhiều cản trở nhất cho các doanh nghiệp trong quá trình xuất - nhập khẩu. Theo nghiên cứu của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, Việt Nam hiện đang đứng thứ 65/189 nước về thủ tục hải quan, chỉ cần giảm 1 ngày trong thủ tục hải quan có thể tiết kiệm cho các doanh nghiệp tới 1,6 tỷ USD.

Việt Nam hiện đang đứng thứ 65/189 nước về thủ tục hải quan

Tuy nhiên, tham gia TFA cũng đặt ra những thách thức không nhỏ trong việc vừa đảm bảo thực hiện cam kết tạo thuận lợi hóa thương mại, vừa phải đảm bảo kiểm soát hoạt động xuất - nhập khẩu chặt chẽ, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng hóa không đảm bảo chất lượng, gây tổn thất đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trong nước.

Do đó, để việc thực thi TFA thật sự đem lại hiệu quả, thì doanh nghiệp và Nhà nước phải cùng góp sức. Nhà nước có chức năng sửa đổi các quy trình, quy định pháp luật trong nước cho phù hợp với TFA. Còn doanh nghiệp có nhiệm vụ cùng với Nhà nước rà soát và khuyến nghị sửa đổi các quy định đó phù hợp với các quyền và lợi ích của mình. Doanh nghiệp cũng có vai trò giám sát Nhà nước trong việc thực thi TFA đúng và đầy đủ.

Hy vọng rằng, với sự phối hợp chặt chẽ giữa khu vực công và tư như vậy, TFA sẽ là một sức ép, một cú huých thực sự cho việc cải cách thủ tục hải quan triệt để của Việt Nam, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng hiệu quả các lợi ích từ thương mại quốc tế, đặc biệt từ các cam kết mở cửa thương mại tự do sắp tới./.

Tham khảo từ các nguồn:

http://baocongthuong.com.vn/hiep-dinh-thuan-loi-hoa-thuong-mai-cua-wto-chinh-thuc-co-hieu-luc.html

http://www.trungtamwto.vn/tin-tuc/hiep-dinh-tao-thuan-loi-thuong-mai-cua-wto-co-hoi-cai-cach-thu-tuc-hai-quan-cua-viet-nam

http://money.cnn.com/2017/02/22/news/economy/trillion-dollar-trade-agreement/