Đây là nhận định của ông Phan Đức Hiếu, Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương tại hội thảo công bố Báo cáo cuộc bình chọn các quy định pháp luật 2016.

Nhiều quy định vô lý

Theo Báo cáo cuộc bình chọn các quy định pháp luật năm 2016, có đến 123/237 quy định pháp luật được doanh nghiệp đánh giá là tồi tệ, gây nhiều khó khăn, rào cản cho doanh nghiệp, cộng đồng. Đáng chú ý là, những quy định này hầu hết nằm ở cấp nghị định và thông tư.

Các quy định bị doanh nghiệp đánh giá thấp điển hình như: Hạn chế đối với hoạt động hợp tác của các cơ sở in; Khi cột đo xăng bị hư hỏng, chỉ được thuê cơ sở khác sửa chữa nếu được cơ sở sản xuất, nhập khẩu, cung cấp phương tiện đo đồng ý; Ghi mã ngành cấp bốn khi làm thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, thủ tục đầu tư; Cấp giấy phép nhập khẩu cho một số máy móc, thiết bị gia công sau in; Muốn chấm dứt dự án đầu tư ra nước ngoài phải xin phép; Kinh doanh vận tải hàng hóa không thu tiền trực tiếp phải có Giấy phép kinh doanh; Yêu cầu điều kiện đối với người đứng đầu cơ sở in…

Lấy ví dụ về bất cập của quy định “phải có bình cứu hỏa trên xe ô tô”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế, VCCI cho biết, những ô tô không có thiết kế cho bình cứu hỏa có thể xảy ra nhiều nguy cơ về cháy nổ hoặc không có khả năng ứng cứu đối với các trường hợp cháy phương tiện. Vì vậy, quy định này gần như không đạt được mục tiêu chính sách. Bên cạnh đó, chi phí thực hiện quy định này cũng khá cao.

Việc phải có bình cứu hỏa trên ô tô là một trong những quy định doanh nghiệp đánh giá thấp

“Ước tính với 3,5 triệu ô tô hiện có ở Việt Nam và mỗi ô tô phải trang bị bình chữa cháy và bình có hạn sử dụng 5 năm, thì chi phí xã hội phải bỏ ra lớn hơn nhiều trong khi hiệu quả của quy định này còn nhiều vấn đề đáng bàn”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Đánh giá về các quy định pháp luật của Việt Nam, ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thiên An Phúc cho biết, nhiều quy định pháp luật của Việt Nam rất vô lý. Điển hình là Thông tư 20/2011/TT - BCT về quy định doanh nghiệp nhập khẩu ô tô phải có giấy ủy quyền chính hãng.

Ông Nguyễn Tuấn cho biết: “điều kiện của Thông tư 20 đặt ra kể cả những doanh nghiệp có tiền, có thời gian, có quy mô cũng không thể đáp ứng được. Sau khi thông tư 20 ra đời thì chỉ có một vài doanh nghiệp được lợi còn toàn bộ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước vỡ nợ hoặc phá sản hết”, ông Tuấn bức xúc.

Đưa ra hệ quả của những bất cập trên, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương khẳng định, chính những bất cập trong các chính sách pháp luật của Việt Nam dẫn đến chi phí tuân thủ của nước ta rất đắt đỏ.

“Trong đó có: Chi phí hành chính do yêu cầu nhiều hồ sơ giấy tờ, tần suất báo cáo; Chi phí đầu tư do việc quy định quá mức không hợp lý về điều kiện kinh doanh; Chi phí cơ hội và rủi ro do các quy định không rõ ràng, cụ thể, tiên liệu”, ông Hiếu giải thích.

Cần tăng cường tham vấn của doanh nghiệp

Một trong những lý do, khiến nhiều chính sách của Việt Nam chưa phù hợp, gây khó khăn cho doanh nghiệp được kể ra đó là trong quá trình xây dựng chính sách chưa tham vấn rộng rãi cộng đồng doanh nghiệp.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, các quy định doanh nghiệp chưa hài lòng chủ yếu nằm ở cấp dưới luật. Điều này là do quá trình soạn thảo ở cấp quốc hội diễn ra minh bạch hơn, tập hợp ý kiến của tầng lớp nhân dân một cách rộng rãi hơn. Còn những quy định dưới luật thì là do Chính phủ, bộ ngành, nên quá trình tham vấn ý kiến người dân và doanh nghiệp hạn chế hơn.

Đồng ý với ý kiến trên, ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Tuyên Quang cũng cho biết, việc tham vẫn cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp khi xây dựng các văn bản pháp luật là điều cần thiết. Tuy nhiên có một thực tế là, nhiều doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp cũng không quan tâm đến việc góp ý cho các chính sách.

Về vấn đề này, bà Vũ Đặng Hải Yến, Nguyên Vụ Trưởng Vụ Pháp chế SCIC nhận định: “Đúng là phần lớn các doanh nghiệp không quan tâm nhiều đến vĩ mô, mà chỉ quan tâm đến việc liệu doanh nghiệp mình có thực hiện được không, có mất nhiều thời gian, chi phí không?”.

Tuy nhiên, theo bà Yến, việc doanh nghiệp không tham gia góp ý nhiều cũng là do phía các cơ quan soạn thảo.

Bà Yến chia sẻ: “Khi làm pháp chế cho một doanh nghiệp nhà nước lớn, nhiều lần chúng tôi đóng góp ý kiến xây dựng luật rất tâm huyết. Tuy nhiên, tất cả những cái chúng tôi góp ý lại không được cơ quan soạn thảo tiếp thu. Điều này, gây nên sự chán nản và tâm lý bỏ cuộc mỗi khi có văn bản lấy ý kiến doanh nghiệp được gửi đến”.

Do đó, bà Yến kiến nghị, cơ quan soạn thảo cần làm việc thực chất hơn, đừng coi lấy ý kiến doanh nghiệp cho đúng quy trình như hiện tại. Về phía doanh nghiệp, bà Yến cũng kiến nghị, đối với lợi ích sát sườn của mình, thì doanh nghiệp phải chủ động hơn trong việc tham vấn ý kiến xây dựng chính sách.

“Trách nhiệm góp ý của doanh nghiệp không nên chỉ là ở lúc thi hành, mà còn là lúc làm chính sách”, bà Yến nhấn mạnh.

Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả của chính sách, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, lỗi thường gặp khi xây dựng chính sách của các nhà lập pháp là chỉ quan tâm đến tính hiệu lực, mà quên mất tính hiệu quả, hay là tư duy “Quản lý bằng mọi giá”. Chính vì vậy, ông Hiếu cho rằng, các nhà lập pháp phải thay đổi tư duy trên thành tư duy “Quản lý bằng cách rẻ nhất và ít rủi ro nhất cho xã hội”.

Bên cạnh đó, cơ quan thẩm định chính sách cần tập trung hơn vào thẩm định nội dung, kết quả tham vấn, đặc biệt là cần kiểm soát chất lượng công việc đánh giá tác động. Ngoài ra cũng cần phả nâng cao trách nhiệm giải trình, tham vấn và phản biện xã hội trong việc xây dựng và ban hành các quy định pháp luật.

Ở góc độ khác, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, các văn bản pháp luật được xây dựng cần thích nghi được với các thay đổi. Bên cạnh đó, quy trình soạn thảo phải minh bạch, dân chủ, lắng nghe ý kiến của người dân. Đặc biệt, đối với cơ quan soạn thảo, nếu ban hành quy định sai, thì phải chịu trách nhiệm, phải thanh tra, xử phạt những người đưa ra cái sai, ảnh hưởng đến xã hội.

“Do, hiện nay, trách nhiệm giải trình đang rất thiếu vắng trong việc xây dựng các văn bản pháp luật”, bà Lan nhấn mạnh./.