Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã thẳng thắn chỉ ra điều này Hội nghị triển khai Nghị quyết 19 năm 2017 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, ngày 10/3.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì hội nghị

Nhiều điểm mới trong Nghị quyết 19 phiên bản 2017

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, 4 năm qua, Chính phủ liên tục ban hành các Nghị quyết 19 nhằm nỗ lực thực hiện đột phá chiến lược về thể chế, mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh.

Bằng Nghị quyết 19, lần đầu tiên Việt Nam định vị và đặt mục tiêu về chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia trong xếp hạng toàn cầu; đồng thời xây dựng và thực hiện hệ chính sách tương ứng theo thông lệ quốc tế.

Cụ thể, Nghị quyết 19 ban hành năm 2014 và 2015 sử dụng phương pháp và đánh giá xếp hạng về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB).

Nghị quyết 19/2016 sử dụng phương pháp, bảng xếp hạng của WB đồng thời bổ sung thêm trụ cột thể chế và một số chỉ tiêu về hiệu quả thị trường của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF).

Nghị quyết 19/2017 tiến thêm một bước, bao phủ hết các yếu tố của môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia, sử dụng 4 đánh giá xếp hạng toàn cầu: Đánh giá, xếp hạng về Mức độ thuận lợi kinh doanh của WB; Đánh giá, xếp hạng về Năng lực cạnh tranh quốc gia của WEF; Đánh giá, xếp hạng về Năng lực đổi mới sáng tạo của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới; Đánh giá, xếp hạng Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc.

“Cách làm nói trên đã mang lại sức sống cho các Nghị quyết 19, giúp chúng ta đo lường và theo dõi được mức độ cải thiện và khoảng cách về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh so với các nền kinh tế trong khu vực”, Thứ trưởng Đặng Huy Đông vui mừng chia sẻ.

Trong 3 năm gần đây, thứ hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam liên tục được cải thiện, năm 2016 đã tăng 9 bậc (từ vị trí 91 lên vị trí 82). Tuy vậy, tốc độ triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong Nghị quyết 19 còn chậm.

Đối với Nghị quyết 19/2017, Chính phủ đặt mục tiêu đạt trung bình ASEAN 4 trên 10 chỉ tiêu về môi trường kinh doanh. Giai đoạn 2017-2020, cải thiện điểm số trên 4 nhóm trụ cột: Môi trường kinh doanh (theo WB); Năng lực cạnh tranh toàn cầu (theo WEF); Đổi mới sáng tạo (Theo Tổ chức Trí tuệ thế giới); Chính phủ điện tử (theo Liên hợp quốc). Trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương được gắn với gần 250 chỉ tiêu cụ thể.

Vẫn nhiều lo lắng trong thực tế triển khai

Mặc dù kết quả Nghị quyết 19 là rất đáng mừng, song theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tốc độ triển khai thực hiện còn rất chậm; kết quả đạt được hàng năm chỉ là một phép cộng giản đơn, tính trên đầu ngón tay.

Cụ thể, theo Viện trưởng Viên Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), TS. Nguyễn Đình Cung, Việt Nam đã đạt một số kết quả cải thiện 9 bậc tăng từ 91 - 82 tuy nhiên so với mục tiêu Asean 4 là xếp thứ 43 khoảng cách cần đạt được là rất lớn.

Điều đáng lưu ý là còn rất nhiều văn bản, mặc dù đã nêu liên tục trong các nghị quyết 19 vẫn chưa bổ sung, sửa đổi theo yêu cầu. Ví dụ: Ban hành Danh mục hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành theo Nghị định số 187/2013/NĐ-CP (ngày 20/11/2013); Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT, ngày 12/11/2013 quy định về kiểm tra, chứng nhận an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu; Thông tư số 19/2012/TT-BYT, ngày 9/11/2012 về thủ tục công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm; Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

“Chưa giảm được số lượng hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu từ khoảng 30 - 35% xuống còn 15% là món nợ lớn đối với doanh nghiệp”, ông Cung nhấn mạnh.

Ngoài ra, TS. Cung còn cho biết, còn khá nhiều nhiệm vụ trong Nghị quyết 19 năm 2016 chưa thực hiện được; có tới 40% giải pháp chưa thực hiện được; các cơ quan công chức như hiện nay thì khó đạt được mục tiêu.

Vì thế, theo người đứng đầu CIEM, thì “cần phải có hành động quyết liệt trên nhiều tuyến phối hợp chặt chẽ với sự quyết liệt của Chính phủ và sự vào cuộc của người đứng đầu các bộ và yêu cầu trách nhiệm giải trình để có được kết quả số nhân chứ với kết quả phép cộng nho nhỏ khó thành công. Đòi hỏi sự chung tay tất cả với quyết tâm theo tinh thần Chính phủ sáng tạo, hành động liêm chính thì chúng ta mới thành công”.

Trên cơ sở tổng kết quá trình thực hiện Nghị quyết 19 những năm qua, Thứ trưởng Đặng Huy Đông khẳng định, nếu chỉ triển khai thực hiện theo cách truyền thống, tuần tự, từng bước; nếu chỉ có sự tích cực của các hiệp hội doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp; mà không có sự tích cực, năng động và sáng tạo của cán bộ, công chức nhà nước có thẩm quyền với tinh thần của Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động và phục vụ người dân và doanh nghiệp, thì các khó có thể đạt được mục tiêu đề ra.

Phải tăng cường đối thoại giữa doanh nghiệp với bộ, ngành, địa phương

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ khi đến Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội) được nhiều người cho biết, quy trình, thủ tục đã thuận lợi, tiến bộ hơn rất nhiều. Và khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng ghi nhận năm 2016 có tới 84% doanh nghiệp đánh giá tích cực đối với các thủ tục trong thành lập doanh nghiệp, 75% hài lòng với những cải cách về thủ tục thuế.

“Nhưng ngay cán bộ Phòng Đăng ký kinh doanh Hà Nội và cả daonh nghiệp cũng cho rằng có thể làm tốt hơn nữa, bởi trong đánh giá môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB) thì tiêu chí khởi sự kinh doanh ở Việt Nam đang đứng thứ 121, thuế đứng thứ 167. Có nghĩa là trong một thời gian dài trước đây chúng ta quá kém và khi có sự cải thiện thì mọi người đều phấn khởi, nhưng bây giờ chúng ta có thể làm tốt hơn rất nhiều”, Phó Thủ tướng nói.

Nhắc lại một số khuyến nghị trong Báo cáo Việt Nam 2035, Phó Thủ tướng cho biết để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng bền vững ở tốc độ 8-9% trong 15 năm tới nhằm đưa đất nước ra khỏi “bẫy” thu nhập trung bình thì một trong những điều kiện tiên quyết là cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Việc thực hiện Nghị quyết 19 phải tuân thủ 4 nguyên tắc là: Tiếp cận theo thế giới; ngày càng cụ thể; giải quyết ngay những vấn đề trước mắt nhưng cũng phải có tính dài hạn; đo, đếm được, có giám sát.

Từ các kiến nghị, bức xúc của doanh nghiệp, các hiệp hội nêu lên trong hội nghị, Phó Thủ tướng nhận xét các doanh nghiệp đã có lòng tin là những ý kiến của mình sẽ được lắng nghe, tiếp thu.

Do vậy, phải có cơ chế để sao cho tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp không chỉ đến được với chính quyền các cấp mà còn phải được trao đi, đổi lại trong ban hành, triển khai chủ trương, chính sách.

“Chính phủ luôn sẵn sàng lắng nghe và nghe không phải để đấy. Một số kiến nghị của doanh nghiệp đã nói rõ vướng mắc ở luật, nghị định, thông tư hay ở người thực thi, thậm chí là công văn của Bộ do cấp vụ ký cũng làm khó doanh nghiệp. Nhưng, quan trọng hơn doanh nghiệp không chỉ là kêu mà cần kiến nghị sửa cụ thể ra sao. Văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành rồi thì rất khó sửa nên doanh nghiệp phải tiếp cận ngay từ đầu. Và các doanh nghiệp lớn, các hiệp hội với thực tiễn, có đội ngũ luật sư, những người làm pháp chế thì hoàn toàn có thể làm được”, Phó Thủ tướng đặt vấn đề.

Bên cạnh đó cần phải tăng cường đối thoại giữa các doanh nghiệp, hiệp hội với bộ, ngành, địa phương. Cụ thể, ngay trong tuần tới Phó Thủ tướng yêu cầu tổ chức cuộc họp giữa Bộ Y tế và Hiệp hội Sữa Việt Nam với các cơ quan liên quan về quy định muối trong chế biến thực phẩm phải được bổ sung Iốt tại một Nghị định.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ sớm sửa đổi Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật…

“Tinh thần của Chính phủ là phải rất kỷ cương. Chính phủ chỉ đạo thì các bộ, địa phương phải vào cuộc. Đối với những thông tư, quy định không phù hợp, gây khó khăn cho doanh nghiệp, các bộ phải sửa ngay”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Về một số rào cản đối với việc cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam, Phó Thủ tướng cho rằng có nguyên nhân từ hạn chế về năng lực, nhận thức; thói quen và nhất là tư duy cục bộ, lợi ích cá nhân.

“Thay đổi thói quen không dễ ,nhưng rào cản lớn nhất là tư duy cục bộ, lợi ích cá nhân. Cơ quan nào cũng muốn ban hành chính sách ra, mình phải có quyền song nếu nhìn rộng ra tại sao thế giới người ta làm đơn giản hơn mà hiệu quả hơn? Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật, còn nếu né tránh sẽ không bao giờ sửa được. Cái này Chính phủ đặt ra rất cương quyết, phải xử lý nghiêm những nơi, những cán bộ có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh./.