Rạng sáng ngày16/3, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định nâng lãi suất liên bang - hay còn gọi là lãi suất qua đêm liên ngân hàng - lên 25 điểm cơ bản tức 0,75%-1%. Đây là lần tăng lãi suất thứ hai trong vòng bốn tháng qua của FED. Như vậy, FED đã tăng lãi suất lần thứ 3 kể từ khủng hoảng tài chính.

Năm 2017, khả năng FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất qua đêm thêm 2 lần nữa

Đánh giá về động thái này của FED, các nhà nghiên cứu kinh tế của HSBC tại Hoa Kỹ dự báo sẽ còn hai đợt tiếp sau.

“Khó có thể tin rằng châu Á có thể rũ bỏ hoàn toàn sự thắt chặt do Ngân hàng Trung ương Mỹ tạo ra”, các chuyên gia của HSBC nhận định.

Vấn đề ở đây là nợ. So với chu kỳ thắt chặt của FED vừa rồi, tình hình vay nợ của các nước trong khu vực châu Á khá cao. Chính vì vậy, ngay cả sự gia tăng biên độ nhỏ cũng góp phần tác động đến nhu cầu cuối cùng tăng nhanh hơn so với trước đây. Và điều đó sẽ ảnh hưởng đến cả hoạt động tiêu dùng cũng như đầu tư.

Dĩ nhiên điều này không phải là vấn đề nếu xuất khẩu tăng cao có thể bù đắp cho những lực kéo trong nước. Nhưng, vấn đề cốt lõi là: điều này không có nghĩa chúng ta sẽ trải nghiệm kịch bản tương tự thời kỳ bùng nổ xuất khẩu giữa những năm 2000. Thời điểm đó, mỗi năm lượng hàng xuất khẩu ở các nước đang phát triển ở châu Á tăng khoảng 15%.

Kể từ khi khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra, con số xuất khẩu dao động gần 4%, và trong vài năm gần đây lượng hàng xuất vẫn giữ nguyên không thay đổi.

Theo các chuyên gia của HSBC, việc duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu bền vững - một khoản đủ lớn để bù đắp cho khu vực châu Á đang bị lực đẩy từ lãi suất đô la cao hơn - dường như bất khả thi.

Bởi, chi tiêu ở phương Tây đang chuyển hướng khỏi sử dụng những mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của các nước châu Á mới nổi. Họ quan tâm đến chăm sóc sức khoẻ nhiều hơn, bớt mua sắm đồ đạc đi, trong khi một số công ty ở Mỹ và châu Âu thậm chí còn quay lại tự sản xuất vì chi phí nhân công ở phương Đông đã không còn cạnh tranh nhiều nữa.

Đó là chưa kể đến nguy cơ ngày càng tăng về chủ nghĩa bảo hộ.

Vì vậy, so với những năm 2000 thì hiện nay nợ cao hơn nhiều, và xuất khẩu ít “sống động” hơn.

“Trong bối cảnh này, việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang là một điểm tiêu cực đối với tình hình tăng trưởng tăng trưởng ở các nước châu Á mới nổi”, các chuyên gia nhận định.

Nhà kinh tế trưởng của HSBC tại Mỹ, Kevin Logan, không tin rằng lãi suất sẽ tăng lên nhanh chóng (ông cho rằng năm 2018 sẽ chỉ có một đợt tăng lãi suất nữa thôi, ngoài việc bình thường hóa bảng cân đối). Nhưng nếu lãi suất cứ tăng mỗi 25 điểm phần trăm thì sẽ tăng thêm gánh nặng cho khu vực châu Á.

“Mỗi khi các nguyên tắc cơ bản vẫn còn nhiều bất ổn, việc FED đang đẩy nhanh việc thắt chặt sẽ mang lại nhiều thách thức cho khu vực châu Á. Việc đó cũng sẽ đẩy bất ổn tăng thêm vì ảnh hưởng của việc thắt chặt của ngân hàng trung ương Mỹ trở nên rõ ràng hơn.”, ông Kevin Logan nhấn mạnh.

Việc FED tăng lãi suất sáng ngày 16/03 vừa qua cũng tác động không nhỏ tới Việt nam.

Phát triển với báo giới, TS. Cấn Văn Lực, Giám đốc Trung tâm đào tạo BIDV cho biết, với động thái này của FED, chắc chắn năm nay tỷ giá chịu áp lực khá nhiều.

Đương nhiên, việc Fed tăng lãi suất USD cũng đã ảnh hưởng nhiều đến tỷ giá của Việt Nam. Đồng hành cùng với đó là áp lực đối với câu chuyện về lạm phát của Việt Nam cũng tạo áp lực lên tỷ giá vì muốn giữ lạm phát thì phải tăng lãi suất vì giữa lạm phát và lãi suất có sự tác động qua lại nhất định.

Bên cạnh đó, hiện nay nhiều nước đang theo dõi động thái của chính quyền Mỹ và sẽ có những điều chỉnh trong chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, chính sách về tỷ giá và như vậy cũng sẽ tạo áp lực lên VND.

“Theo tính toán của chúng tôi, nếu chúng ta kiểm soát tốt thì mức độ mất giá của VND cũng vào khoảng từ 2-3%, tôi thấy mức là là hợp lý trong bối cảnh hiện nay vì trong cuộc chiến tranh về tiền tệ ở nhiều nước cũng đã và đang giảm giá tiền. Tất nhiên, chúng ta cần phải tính toán tổng hòa lợi ích của toàn bộ nền kinh tế để quyết định về vấn đề tỷ giá vì đây là vấn đề nhậy cảm chứ không chỉ riêng về lĩnh vực thương mại hay đầu tư,” TS. Cấn Văn Lực chỉ rõ./.