Tham nhũng và những hậu quả khôn lường

Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 coi “tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”, tức là vì các lợi ích vật chất, tinh thần, mà làm các việc sai với chức trách được giao. Người có chức vụ, quyền hạn là người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó.

Sự câu kết giữa quan chức và doanh nghiệp gây nên những thiệt hại to lớn cho nhiều nền kinh tế trên thế giới, đặc biệt, khi có sự câu kết giữa các tập đoàn lớn với các vị trí chủ chốt trong chính quyền thì thiệt hại trở nên rất nghiêm trọng. Các doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả, kế toán, kiểm toán sai lạc, mang tính hình thức, che đậy và chỉ để nhằm đối phó trở nên phổ biến, những tập đoàn lớn, ngân hàng lớn kết quả kinh doanh xấu với các khoản thua lỗ khổng lồ là nguyên nhân dẫn đến sự suy thoái kinh tế kéo lùi sự phát triển của quốc gia.

Mặt khác, khi các doanh nghiệp được quan chức tiếp tay thao túng thị trường, ngoài việc phá vỡ quy luật cạnh tranh của kinh tế thị trường, nó còn nuôi dưỡng, duy trì tập quán coi đút lót, hối lộ như là những cách thức để đạt được mọi thứ, gây ra những thiệt hại về tài chính, tinh thần, sức khỏe cho cộng đồng; làm suy giảm uy tín lãnh đạo của đảng cầm quyền; thậm chí làm mục ruỗng các trụ cột của Nhà nước, đe dọa sự tồn tại của cả một chế độ.

Mối quan hệ không bình thường giữa cán bộ, đảng viên có chức, có quyền với doanh nghiệp để trục lợi, trên thực tế, theo cách hiểu thông thường của nhân dân và theo luật lệ của nhà nước phong kiến trước đây là sự câu kết giữa quan tham và gian thương để thu lợi bất chính. Theo cách hiểu hiện đại, đây là một dạng tham nhũng của 2 đối tượng có quyền và có tiền, đó là: “quan chức” và doanh nghiệp gắn bó với nhau trong nhiều hành vi bất chính nhằm cùng nhau thu lợi. Khi cán bộ, đảng viên tham nhũng họ không còn là “công bộc” của dân nữa mà bị liệt vào hạng “tham quan ô lại” hay “quan cách mạng” như cách gọi của nhân dân và của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ở đây, “quan chức” cũng được hiểu với nghĩa như vậy.

Vì sao khó giải quyết vấn nạn tham nhũng?

Để trừng trị tội tham nhũng cần phải có các bằng chứng, song hiện tại, các cơ quan phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam khi thu thập các bằng chứng đang vấp phải 2 rào cản lớn, đó là: sự “im lặng” của doanh nghiệp và sự thờ ơ của người dân.

Đối với doanh nghiệp, các nhà kinh tế đều biết và có thể tính được các chi phí "khác" trong giá bán của các loại sản phẩm của doanh nghiệp, song, các cơ quan bảo vệ pháp luật lại không điều tra ra được các bằng chứng cụ thể vì chính doanh nghiệp đã hợp pháp hóa những chi phí đó.

Tại sao các doanh nghiệp đều biết, muốn có được "dự án" phải có chi phí “bôi trơn”? Hay nói một cách bao biện là chi phí “ngoại giao" và biết cả lượng tiền phải chi cho mỗi loại “dự án”, nhưng vẫn im lặng, đó là vì lợi ích của doanh nghiệp (trường hợp cung cấp các chứng cứ đó cho các cơ quan điều tra, kiểm tra, giám sát chỉ khi các lợi ích đó bị xâm hại quá đáng), hoặc bị quan chức lật lọng, trở cờ!

Các doanh nghiệp ở nước ta hiện nay đang hoạt động trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nơi mà các quy luật cung - cầu, quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh... là yếu tố trực tiếp tác động, điều tiết hoạt động của các doanh nghiệp. Ngoại trừ một số doanh nghiệp hoạt động theo các mục tiêu phục vụ cộng đồng, còn lại tất cả các doanh nghiệp đều hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận. Song, cũng vì mục tiêu đó, doanh nghiệp có xu hướng lách luật, thậm chí là vi phạm pháp luật, mua chuộc “quan chức” nhà nước để tìm kiếm lợi nhuận, đôi khi bất chấp mọi luân thường, đạo lý.

Do vậy, doanh nghiệp chính là một phía của mối quan hệ dẫn đến tham nhũng. Trong mối quan hệ đó, về nhận thức của các cơ quan xây dựng các văn bản pháp quy đều mặc nhiên thừa nhận, phía “quan chức” giữ vị trí chủ động, còn doanh nghiệp giữ vị trí bị động và nhiều khi còn được xem là bị hại. Xét về tổng thể, trong cơ chế thị trường, mục tiêu lợi nhuận đã đưa doanh nghiệp đến chỗ là phía chủ động trong mối quan hệ với “quan chức”. Doanh nghiệp tìm đến "quan chức" bởi sự cạnh tranh các nguồn lực mà “quan chức” đang nắm giữ, không phải doanh nghiệp là nạn nhân của những “quan chức”.

Trong cách hiểu của người dân và doanh nghiệp cũng có nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp bị “quan chức" vòi vĩnh. Đành rằng, cũng có “quan chức” gợi ý doanh nghiệp “lại quả”, “bồi dưỡng”, nhưng xét về nguồn gốc thì đó cũng chỉ là sự lặp lại những điều mà quan chức đó “học được” từ các doanh nghiệp trong những lần “làm việc” trước đó. Điều này khác với cách thể hiện trong Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 chủ yếu điều chỉnh cán bộ, công chức, còn với doanh nghiệp, pháp luật phòng, chống tham nhũng của Việt Nam mới chỉ điều chỉnh đối với doanh nghiệp nhà nước, chưa bao trùm được hành vi của những người có chức vụ và quyền hạn trong lĩnh vực tư (bao gồm những người có chức vụ, quyền hạn là lãnh đạo, quản lý trong các doanh nghiệp không có vốn của Nhà nước hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam).

Mặc dù Điều 6 của Luật Phòng, chống tham nhũng (2005) quy định: “Công dân có quyền phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng; có nghĩa vụ hợp tác, giúp đỡ cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, xử lý người có hành vi tham nhũng”, song người dân khi thực hiện quyền tố cáo tham nhũng gặp quá nhiều rủi ro sau khi kết thúc sự việc, hơn nữa, những thiệt hại về vật chất và tinh thần lại không được bù đắp một cách tương xứng.

Vụ xét nghiệm nhân bản mẫu máu của hàng trăm bệnh nhân ở Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội), với 320.000đ là số tiền thưởng cho mỗi người mà 3 chị Hoàng Thị Nguyệt, Khuất Thị Định và Phan Thị Nam Đông - những người tố cáo tiêu cực nhận được. Số tiền thưởng này có ý nghĩa gì khi 3 nhân viên y tế đem cả việc làm, danh dự và cả sự an toàn để phanh phui tham nhũng? Họ vì y đức, lời thề nghề nghiệp, vì lương tâm và xứng đáng được xã hội tôn vinh. Song, cũng cần nhận thấy rằng xã hội chưa bù đắp và bảo vệ tương xứng với những mất mát của họ.

Theo Quang Duy, Báo Lao động, ngày 16/8/2013

Trường hợp Bà Nguyễn Thị Hòa (một trong 88 người được Ban chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng Trung ương tuyên dương năm 2010), chống tiêu cực trong Dự án kè Hồ Tây đã phanh phui được 39 tỷ đồng tham nhũng, cái giá mà bà phải trả cho thành tích ấy không phải là nhỏ, ngoài việc phải tự lo kinh phí (bán đi một căn nhà), thì suốt 3 năm trời, bà đã phải gõ cửa nhiều cơ quan chức năng để gửi đơn, sống một mình, chịu cảnh có nhiều người ném đất đá vào nhà, lập bàn thờ trước cửa nhà. Thậm chí, sau khi được biểu dương, khen thưởng, bà vẫn luôn bị kẻ xấu dòm ngó, đe dọa.

Tổ chức Minh bạch Quốc tế đánh giá trong Báo cáo Chỉ số cảm nhận tham nhũng 2012 và bảng xếp hạng chỉ số cho 183 nước trên thế giới thì, "tình hình tham nhũng ở Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu giảm”. Nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng thực hiện còn hình thức, hiệu quả thấp; việc hoàn thiện thể chế chậm, tổ chức và hoạt động của các cơ quan chuyên trách về chống tham nhũng còn bất cập; công tác phát hiện tham nhũng còn yếu, chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra; việc xử lý hành vi tham nhũng có biểu hiện nương nhẹ, vẫn còn tình trạng lạm dụng để xử lý kỷ luật, hành chính, không khởi tố vụ án, đình chỉ vụ án, bị can, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm; việc thu hồi tài sản tham nhũng đạt hiệu quả rất thấp”. Do đó, mọi người đều có thái độ e ngại chống tiêu cực, tham nhũng, khi xảy ra tiêu cực thì người dân thờ ơ, cho qua, còn cơ quan, địa phương, đơn vị thì tìm cách bưng bít che đậy, sợ ảnh hưởng đến thành tích của cơ quan, đến sự an toàn của cả nhân viên và người lãnh đạo.

Vì thế, tham nhũng cứ diễn ra hàng ngày mà báo cáo của cơ quan, đơn vị là “không phát hiện có tiêu cực tham nhũng”, làm nảy sinh tràn lan "tham nhũng vặt" trong giải quyết việc công của các công chức cấp thấp và các tỷ lệ ăn chia ngầm trong giải quyết công việc của công chức cấp cao với các doanh nghiệp.

Theo Báo cáo khảo sát xã hội học “Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức” của Thanh tra Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới công bố ngày 20/11/2012, có 45% cán bộ công chức chứng kiến hành vi tham nhũng, 44% doanh nghiệp trả chi phí không chính thức, 28% người dân trả chi phí không chính thức.

Trong khi đó, với tiêu đề “Tham nhũng: Liệu doanh nghiệp có thoát khỏi vòng luẩn quẩn”, bản báo cáo của nhóm nghiên cứu thuộc Ngân hàng Thế giới công bố ngày 31/10/2013, thì có đến gần 40% số doanh nghiệp được hỏi xác nhận có giao dịch với cơ quan nhà nước và đưa hối lộ, trong đó các ngành như kế hoạch và đầu tư, tài chính, thuế, hải quan vẫn là nhóm dẫn đầu về tệ nạn này.

Một số kiến nghị

Giải quyết vấn nạn tham nhũng, đặc biệt là tham nhũng giữa quan chức và doanh nghiệp đòi hỏi một quá trình lâu dài, bền bỉ và không hề đơn giản. Tác giả bài viết kiến nghị một số giải pháp sau để góp phần hạn chế và khắc phục phần nào vấn nạn này:

Một là, tiếp tục sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005, theo hướng:

- Các doanh nghiệp hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam phải thực hiện theo Luật Phòng, chống tham nhũng, thay vì chỉ riêng cho doanh nghiệp nhà nước như hiện nay. Quy định trách nhiệm của doanh nghiệp trong phòng, chống tham nhũng. Doanh nghiệp phải cam kết về phòng, chống tham nhũng như sau: có bộ phận chống tham nhũng trong doanh nghiệp, trước khi kinh doanh có đánh giá rủi ro (nguy cơ hối lộ); đào tạo cán bộ, nhân viên nâng cao nhận thức; trách nhiệm giải trình, đánh giá rút kinh nghiệm quá trình thực hiện. Xây dựng các chuẩn mực và thủ tục nhằm bảo vệ sự liêm khiết trong doanh nghiệp, trong đó có quy tắc ứng xử về tính chính xác, tính chính trực và tính đúng đắn trong hoạt động kinh doanh và công tác phòng ngừa tham nhũng. Có chế độ báo cáo về phòng chống tham nhũng.

- Cho phép thành lập các doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng và các doanh nghiệp tư nhân tư vấn về chống tham nhũng hoạt động kinh doanh trên cơ sở nguồn thu từ tỷ lệ phần trăm tài chính, tài sản thu hồi, tịch thu được từ các vụ tham nhũng được trích lại.

- Bất cứ sự trả thù nào đối với người tố cáo tham nhũng cũng bị trừng trị trước pháp luật. Đồng thời, quy định về tiền bồi thường và trợ cấp đối với người tố cáo do bị những thiệt hại về vật chất và tinh thần, tăng thêm về chế độ thưởng đối với người tố cáo tham nhũng (người tố cáo tham nhũng được hưởng theo tỷ lệ số tiền, tài sản tham nhũng thu hồi được), xác định trách nhiệm đối với người tố cáo có dụng ý xấu (bị phạt tiền và phạt tù).

- Sửa đổi pháp luật hình sự theo hướng tăng hình thức phạt tiền, giảm hình phạt đối với những đối tượng có hành vi tham nhũng, nhưng đã chủ động khai báo, khắc phục hậu quả.

- Hoàn thiện quy định xử lý tài sản tham nhũng; bổ sung quy định nhằm ngăn chặn việc tẩu tán, bảo đảm cho việc thu hồi, tịch thu tài sản do tham nhũng mà có. Hoàn thiện các quy định về giám định tư pháp, nhất là giám định tài chính, giám định đầu tư xây dựng, chất lượng công trình phục vụ kịp thời, có hiệu quả việc xử lý tham nhũng.

Hai là, thành lập doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng:

(i) Thành lập các doanh nghiệp (hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, thuộc loại kinh doanh có điều kiện) kinh doanh trong lĩnh vực chống tham nhũng, có doanh thu là phần được hưởng từ nguồn tài chính, tài sản thu hồi được từ các đối tượng tham nhũng, tài trợ của Nhà nước, thù lao trong việc cung cấp chứng cứ về tham nhũng cho các cơ quan bảo vệ pháp luật (bổ sung luật) để tự trang trải. Trong đó, chủ tịch hội đồng quản trị của doanh nghiệp là đại biểu quốc hội, có kiến thức về thanh tra, kiểm tra, điều tra, chịu sự giám sát và có trách nhiệm báo cáo thường niên hoặc đột xuất với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Doanh nghiệp được tuyển dụng các lãnh đạo cấp cao, các chuyên viên cao cấp, của Đảng và Nhà nước đã từng công tác trong các cơ quan bảo vệ pháp luật nghỉ hưu (còn sức khỏe và tự nguyện) làm việc trong doanh nghiệp.

Theo đó, các doanh nghiệp này có nhiệm vụ, chức năng như sau:

- Có nhiệm vụ tiếp nhận tố cáo về tham nhũng, phát hiện hành vi tham nhũng, cung cấp (mua - bán) thông tin, chứng cứ về tham nhũng, phơi bày những vụ việc tham nhũng; bảo vệ người tố cáo tham nhũng. Báo cáo trình lên Quốc hội phải nêu rõ: quá trình điều tra, ai vi phạm, vi phạm cái gì, ý kiến giải trình của đối tượng… đưa ra những đánh giá về hành vi tham nhũng, hướng xử lý. Các báo cáo này được công khai.

- Hợp tác với cơ quan bảo vệ pháp luật, doanh nghiệp, truyền thông và người dân trong trong việc thu thập chứng cứ về tham nhũng. Sử dụng phương thức thu nhận thông tin theo quy định của pháp luật; cho phép mở điều trần kín, cũng như công khai và có khả năng độc lập tiến hành thu thập chứng cứ phát hiện các hành vi tham nhũng ở các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp.

- Là cầu nối giữa người dân với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc tố cáo về tham nhũng, đảm bảo bí mật (tính vô danh) cho những người cung cấp các chứng cứ về tham nhũng (qua điện thoại, tin nhắn, thư. trực tuyến), bảo vệ người tố cáo tham nhũng.

(ii) Doanh nghiệp này được hỗ trợ như sau:

- Nhà nước hỗ trợ về trụ sở, phương tiện làm việc (qua ngân sách của Quốc hội); Đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên (qua Bộ Công an); Cho phép có quyền trong điều tra và sử dụng các phương tiện đặc biệt (triển khai việc áp dụng kỹ thuật điều tra đặc biệt theo Nghị quyết số 21 của Chính phủ ban hành Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2020, xây dựng cơ chế bảo đảm không lợi dụng kỹ thuật điều tra đặc biệt vào mục đích khác).

- Doanh nghiệp hỗ trợ về cung cấp các chứng cứ, tài trợ cho các hoạt động chống tham nhũng trực tiếp của doanh nghiệp đó.

- Truyền thông hỗ trợ cho việc tuyên truyền, đăng tải các thông tin, chia sẻ chứng cứ về chống tham nhũng, công khai các vụ việc tham nhũng.

- Các tổ chức xã hội như: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể quần chúng, các hiệp hội, hội, tổ dân phố tự quản... hỗ trợ trong việc cung cấp thông tin về tham nhũng và bảo vệ người tố cáo tham nhũng thuộc tổ chức của mình.

Ba là, thành lập các doanh nghiệp tư vấn tư nhân về chống tham nhũng

Chủ doanh nghiệp là các cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước đã có kinh nghiệm trong các hoạt động điều tra, thu thập chứng cứ, phòng, chống tội phạm, tham nhũng, có đủ điều kiện để thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Mục đích kinh doanh là phòng, chống tham nhũng; nguồn thu từ việc tư vấn về phòng chống tham nhũng cho người tố cáo tham nhũng; làm dịch vụ bảo vệ người chống tham nhũng và từ phần được hưởng các nguồn tài chính, vật lực thu hồi được từ các đối tượng tham nhũng.

Nhiệm vụ, hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục, quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ của người tố cáo; nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền hạn tiếp nhận, xử lý giải quyết công khai của công chức các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; bảo vệ và phải bí mật (danh tính) cho người tố cáo. Nhà nước quy định các điều kiện cần thiết để kinh doanh./.

Tài liệu tham khảo

1. Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (2013). Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 13

2. Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) (2013). Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) 2012 và bảng xếp hạng chỉ số cho 183 nước trên thế giới

3. Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Thế giới (2012). Báo cáo khảo sát xã hội học “Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức”, ngày 20/11/2012

4. Ngân hàng Thế giới (2013). Báo cáo “Tham nhũng: Liệu doanh nghiệp có thoát khỏi vòng luẩn quẩn”, ngày 31/10/2013

Trương Kim Sơn

Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 2/2014