Sự tiến hóa của lý thuyết tăng trưởng kinh tế

Cuộc sống luôn vận động và mọi lý thuyết luôn đứng trước thách thức cần được bổ sung và hoàn thiện. Lý thuyết tăng trưởng không phải ngoại lệ. Robert Solow là chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực tăng trưởng kinh tế hiện đại, nhưng bản thân ông xem Adam Smith mới là cha đẻ của lý thuyết tăng trưởng. Lý thuyết tăng trưởng hiện đại tiến hóa cùng với quá trình phát triển nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, thể hiện rõ ở sự thay đổi quan điểm về nguồn gốc của tăng trưởng.

Trong lý thuyết tăng trưởng, các nhà kinh tế thường chỉ ra hai mô hình chính: Tăng trưởng theo chiều rộng và Tăng trưởng theo chiều sâu. Nhưng trong thực tế, không tồn tại một mô hình thuần túy, mà một mô hình hỗn hợp được quan sát tại nhiều nước. Những mô hình hỗn hợp khác nhau ở tỷ lệ đóng góp của các yếu tố hữu hình và vô hình. Trong xu hướng hình thành nền kinh tế hậu công nghiệp tại một số nước phát triển, một mô hình tăng trưởng mới được bàn luận ngày càng nhiều là mô hình sáng tạo.

Một trong những hình thái chính của mô hình tăng trưởng theo chiều rộng là tăng trưởng thiếu cân đối và không bền vững, đặc trưng cho nền kinh tế trải qua một số thời kỳ tăng trưởng cao, nhưng tốc độ tăng trưởng bình quân có xu hướng giảm và dẫn đến tình trạng trì trệ. Khác với tăng trưởng không bền vững, tăng trưởng bền vững là tăng trưởng cân đối với sự hỗ trợ nhà nước cho phát triển các lĩnh vực khoa học cơ bản, giáo dục, y tế và bảo vệ môi trường. Tính thiếu cân đối và không bền vững của tăng trưởng thường đi liền với nhau.

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời kỳ cải cách kinh tế

Sau khi chương trình cải cách kinh tế (nghĩa là Đổi mới) được khởi động từ năm 1986, nước ta đã trải qua một thời kỳ tăng trưởng tương đối cao kéo dài gần 30 năm. Tốc độ tăng trưởng bình quân trong khoảng thời gian từ năm 1986-2013 đạt 6,71%. Toàn bộ thời kỳ này được chia thành những thời kỳ nhỏ với các tốc độ tăng trưởng và đặc điểm kinh tế - xã hội khác nhau. Theo quan điểm của tác giả, có thể phân biệt 4 thời kỳ: thời kỳ bình ổn kinh tế (1986-1991), thời kỳ tăng trưởng phục hồi (1991-1997), thời kỳ tăng trưởng hướng về xuất khẩu (1998-2007), thời kỳ suy giảm tăng trưởng (từ 2008 đến nay) (Bảng 1).

Đặc điểm của thời kỳ này là nền kinh tế nước ta chuyển từ kế hoạch tập trung sang cơ chế thị trường. Thực trạng kinh tế vĩ mô trong giai đoạn này biểu hiện những quy luật điển hình của một nền kinh tế chuyển đổi: lạm phát bùng nổ trong những năm đầu trong quá trình tự do hóa giá cả; nhiều doanh nghiệp nhà nước ngừng hoạt động hoặc phá sản; sản lượng công nghiệp sụt giảm kéo theo tăng trưởng kinh tế giảm mạnh; cuộc sống của người dân khó khăn. Trước tình hình như vậy, chính sách kinh tế của Việt Nam được thực hiện theo kịch bản “sốc ôn hòa” với nhiệm vụ bình ổn nhanh kinh tế, nhưng không để xảy ra cú sốc mạnh đối với hoạt động sản xuất.

Bởi vậy, trong gói giải pháp cải cách thị trường, có những biện pháp triệt để như giải phóng giá hàng hóa, mở cửa nền kinh tế, “cởi trói” các lực lượng sản xuất và các biện pháp ôn hòa như thay đổi thể chế (cải cách doanh nghiệp nhà nước, đổi mới cấu trúc thượng tầng, xây dựng các thị trường, đặc biệt là cải tổ hệ thống tài chính).

Trong thời kỳ này, do cơ cấu kinh tế và nền tảng thể chế của hệ thống kinh tế cũ chưa thay đổi đáng kể, nông nghiệp và khu vực kinh tế nhà nước chiếm tỷ trọng lớn nhất, hiệu quả kinh tế thấp, xã hội hầu như chưa có tích lũy.

Thời kỳ tăng trưởng phục hồi có đặc điểm là quan hệ kinh tế đối ngoại gặp khó khăn do khủng hoảng kinh tế xảy ra tại hầu hết các nước xã hội chủ nghĩa cũ vốn là những đối tác kinh tế chính của nước ta, Mỹ và nhiều nước khác tiếp tục cấm vận kinh tế Việt Nam.

Nhà nước nhanh chóng chuyển hướng chính sách kinh tế đối ngoại sang các nước tư bản và đồng thời đẩy mạnh hoạt động kinh tế tư nhân và nước ngoài, tăng tính tự chủ của doanh nghiệp nhà nước. Tiềm năng sản xuất vốn đã bị kìm hãm trong thời kỳ nền kinh tế kế hoạch tập trung, nhờ đó được khai thác mạnh mẽ, góp phần làm gia tăng tổng sản lượng xã hội và hiệu quả kinh tế. Do trong giai đoạn này, nền kinh tế vừa được mở cửa, thị trường nội địa vẫn đóng vai trò quyết định.

Như vậy, hiệu ứng tích cực từ chính sách cải cách kinh tế cùng với sự gia tăng nhu cầu trong nước là những nhân tố chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của giai đoạn này.

Nền kinh tế đạt mức sản lượng tiềm năng vào năm 1995 và sau đó, tăng trưởng có dấu hiệu chững lại. Trong thời kỳ này, nền kinh tế bắt đầu có tích lũy. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển biến tích cực: tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ cũng như các khu vực kinh tế tư nhân và nước ngoài tăng. Tăng trưởng kinh tế cao, nhưng lạm pháp lại có xu hướng giảm.

Bảng 1: Đặc điểm của các thời kỳ tăng trưởng

Chỉ tiêu

Thời kỳ bình ổn kinh tế

Thời kỳ tăng trưởng phục hồi

Thời kỳ tăng trưởng hướng về xuất khẩu

Thời kỳ suy giảm tăng trưởng

Tốc độ tăng trưởng kinh tế

Giảm mạnh, dao động trong khoảng 2,8%-5,8%

Phục hồi và tăng mạnh trong khoảng 8,1%-9,5%

Tăng bền vững trong khoảng 4,8%-8,5%

Suy giảm trong khoảng 5%-6,8%

Tương quan giữa cầu nội địa và cầu nước ngoài*

Chủ yếu nội địa, tỷ lệ xuất khẩu/GDP chỉ đạt 26,3% (năm 1991)

Cầu nước ngoài bổ sung cầu nội địa, tỷ lệ xuất khẩu/GDP đạt đến 34,2% (năm 1997)

Cầu nước ngoài dần chiếm ưu thế, tỷ lệ xuất khẩu/GDP tăng lên 68,4% (năm 2007)

Vai trò của cầu nước ngoài không giảm, tỷ lệ xuất khẩu/GDP tăng cao hơn 80% (từ năm 2011)

Hiệu quả nền kinh tế**

Thấp do sức ì của hệ thống kế hoạch tập trung vẫn còn lớn

Tăng nhờ hiệu ứng cải cách kinh tế

Hiệu quả giảm dần

Hiệu quả chưa được cải thiện

Tiết kiệm và đầu tư

Hầu như không có tích lũy trong nước, đầu tư chiếm 18% GDP (năm 1991) chủ yếu nhờ nguồn vốn vay quốc tế

Bắt đầu có tích lũy, đầu tư tăng mạnh nhờ nguồn tiết kiệm trong nước và nước ngoài, chiếm 35% GDP (năm 1997)

Tích lũy và đầu tư tăng, đầu tư tăng tới 46,5% GDP (năm 2007)

Tích lũy và đầu tư đều giảm, tỷ lệ đầu tư/GDP còn khoảng 30% (năm 2012)

Sự thay đổi cơ cấu sản xuất theo ngành

Nông - lâm - ngư nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất chiếm 40,5% GDP (năm 1991)

Thay đổi theo hướng tăng công nghiệp - xây dựng đạt mức 32% GDP và dịch vụ là 40% GDP, giảm nông, lâm, ngư nghiệp xuống còn 28% (năm 1997)

Nông - lâm - ngư nghiệp tiếp tục giảm những tốc độ thay đổi chậm lại, tỷ trọng khối ngành này trong GDP còn 19%, trong khi công nghiệp - xây dựng và dịch vụ là 39% và 42% (năm 2007)

Hầu như không thay đổi

Sự thay đổi cơ cấu sản xuất theo hình thức sở hữu

Khu vực kinh tế nhà nước chiếm tỷ trọng lớn nhất mặc dù giảm từ 40% (năm 1986) xuống 31% GDP (năm 1991)

Các khu vực kinh tế tư nhân và nước ngoài tăng nhanh đạt tỷ lệ 60% GDP (năm 1997)

Quá trình thay đổi chậm lại, khu vực kinh tế tư nhân và nước ngoài chỉ tăng tới 64% GDP

Tỷ trọng khu vực kinh tế tư nhân và nước ngoài tăng nhẹ

Lạm phát

Tăng cao, chỉ số CPI trong khoảng 66,1%–875,6% (so với tháng 12 năm trước)

Giảm mạnh, chỉ số CPI trong khoảng 3,6%-17,6%

Tăng dần từ mức giảm -0,6 (năm 2000) cho đến 12,6% (năm 2007)

Cao hơn so với giai đoạn 1992 - 2007

Nguồn: Tổng cục Thống kê, các năm; *Hội Kinh tế Việt Nam, 2012; **APO, 2012

Trong thời kỳ tăng trưởng kinh tế hướng về xuất khẩu sau cuộc khủng hoảng kinh tế Đông Nam Á (1997-1998), tăng trưởng kinh tế phục hồi nhanh và từ năm 2002, tốc độ tăng đều qua các năm. Đáng chú ý là trong giai đoạn này, hiệu ứng tích cực từ những biện pháp cải cách kinh tế được thực hiện trong thập niên 1990 đã kiệt cạn. Nhưng thay vào đó, trong điều kiện nền kinh tế thế giới tăng trưởng nóng, xuất khẩu và chính sách kinh tế (chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa) mở rộng, đặc biệt đầu tư công trở thành hai động lực chính của tăng trưởng. Nhờ đó, nền kinh tế tăng trưởng khá cao và đạt mức sản lượng tiềm năng vào năm 2005 (Ủy ban Kinh tế Quốc hội, 2013).

Tốc độ tăng trưởng kinh tế sụt giảm trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế thế giới xảy ra từ năm 2008 đến nay. Nếu trong những giai đoạn trước đó, nền kinh tế tăng trưởng cao (8,8% giai đoạn 1992-1997) và 7,1% giai đoạn 1998-2007), thì trong giai đoạn hiện tại, tốc độ tăng trưởng bình quân chỉ còn khoảng 6%/năm. Nếu bỏ qua những năm khôi phục kinh tế sau cuộc khủng hoảng kinh tế Đông Nam Á, cụ thể 1998-2001, thì tốc độ tăng trưởng đạt mức bình quân 7,9% từ năm 2002-2007.

Do chịu sự tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008, mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam đã bộc lộ một số hạn chế lớn tồn tại trong suốt thời gian dài:

- Mô hình tăng trưởng cơ bản theo chiều rộng với sự đóng góp chủ yếu của những yếu tố vật chất có chất lượng thấp từ phía cung và phía cầu.

Hạn chế từ phía cung là sự đóng góp không đáng kể của năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) mà các minh chứng điển hình là năng suất lao động thấp, đầu tư kém hiệu quả, mức độ tiêu hao năng lượng và nguyên vật liệu cao. Số liệu của Tổ chức Năng suất châu Á (APO) cho thấy đóng góp của TFP vào tăng trưởng kinh tế của nước ta có xu hướng giảm mạnh, cụ thể từ mức 2,1% giai đoạn 1985-2000 xuống chỉ còn 1,3% giai đoạn 2000-2010 (APO, 2012).

Cũng theo số liệu của APO về sản lượng bình quân trên một lao động quy đổi theo PPP cho thời kỳ 1990-2010, trong 22 nước châu Á không thuộc nhóm nước xuất khẩu dầu mỏ, Việt Nam chỉ thăng hạng từ ví trí 19 lên 17 trong thập niên 1990, nhưng vị trí này giữ nguyên cho đến năm 2010. Trong khối ASEAN, chúng ta chỉ đứng trên Lào, Campuchia và Myanmar về năng suất lao động. Năng suất lao động của công nhân Việt Nam chỉ bằng 5,9% Singapore - nước đứng đầu nhóm.

Nguyên nhân trực tiếp khiến xếp hạng năng suất lao động của nước ta chậm cải thiện là tốc độ tăng năng suất lao động có xu hướng giảm. Chỉ số này tăng 5,2% giai đoạn 1990-1995, nhưng giảm xuống còn 4,7% giai đoạn 1995-2000, 4,8% giai đoạn 2000-2005 và 4,2% giai đoạn 2005-2010 (APO, 2012). Trong khi đó, Trung Quốc và Ấn Độ là hai nước đạt được bước nhảy vọt về năng suất lao động.

Hạn chế từ phía cầu là chất lượng tổng cầu thấp thể hiện ở thu nhập thực tính theo đầu người của Việt Nam thấp và tăng trưởng chậm, chênh lệch vật chất giữa các địa phương và các tầng lớp dân cư ngày càng dãn rộng, mức sống và chất lượng cuộc sống của bộ phận lớn dân cư còn thấp, hàng hóa xuất khẩu có giá trị gia tăng không cao, sản phẩm công nghệ cao chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong xuất khẩu, tính sinh thái, tính xã hội và tính sáng tạo của hoạt động kinh tế còn rất thấp.

Trong những báo cáo thống kê của các tổ chức quốc tế hiện nay, có nhiều chỉ tiêu khác nhau mà có thể được sử dụng để đánh giá chất lượng tăng trưởng kinh tế. Chẳng hạn, để đánh giá tính sinh thái, có thể sử dụng chỉ tiêu thải CO2 như chỉ tiêu mang tính đại diện, còn tính sáng tạo có thể được đánh giá bằng chỉ tiêu xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao.

Theo Báo cáo thống kê năm 2013 của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ thải CO2 trong công nghiệp chế biến và xây dựng tại nước ta cao hơn nhiều so với mức bình quân thế giới, cụ thể 33,69% so với 21,22%, còn tỷ trọng công nghệ cao trong giá trị xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến chưa bằng một nửa mức bình quân thế giới, 8,6% so với 17,7% (WDI 2013).

- Tăng trưởng kinh tế của nước ta không bền vững, một số năm tăng trưởng cao như 1992-1997, hoặc 2005-2007, nhưng lại đan xen những năm tăng trưởng thấp như 1998-2001, hoặc 2008-2012. Xu hướng chung của tăng trưởng là tốc độ tối đa và tốc độ bình quân của các thời kỳ giảm dần.

Tính không bền vững của tăng trưởng có nguyên nhân nằm trong sự thiếu cân đối của cấu trúc nền kinh tế. Khu vực kinh tế nhà nước vẫn chiếm tỷ trọng cao, lao động và vốn đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng, sản xuất trong nước ngày càng phụ thuộc vào thị trường thế giới. Điều này cho thấy, tăng trưởng kinh tế của nước ta đang dựa trên nền tảng bao gồm những nhân tố có chất lượng thấp và vận hành thiếu ổn định.

Chất lượng thể chế thấp đang kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế. Giữa hệ thống thể chế và tăng trưởng kinh tế tồn tại một mối quan hệ hữu cơ. Hệ thống thể chế hiệu quả tác động tích cực tới tăng trưởng vì giảm thiểu được rủi ro từ sự bất định và tình trạng bất đối xứng thông tin, đồng thời tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô. Ngược lại, tăng trưởng thấp làm phát sinh tham nhũng và những hành vi cơ hội khác.

Theo đánh giá của Gradstein (2003), hệ số tương quan giữa thu nhập bình quân đầu người và chất lượng thể chế nằm trong khoảng 0,7-0,9. Trong Báo cáo Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu 2013-2014, về chỉ tiêu chất lượng của thể chế, Việt Nam chỉ xếp thứ 98/144 quốc gia.

Rõ ràng, lỗ hổng thể chế của chúng ta là một trong những cản trở chính của tăng trưởng kinh tế bền vững.

Để chuyển sang mô hình hỗn hợp thiên về tăng trưởng theo chiều sâu

Nền kinh tế nước ta duy trì được tăng trưởng khá cao trong thời kỳ gần 30 năm Đổi mới. Do vậy, trong điều kiện tăng trưởng liên tục, các nguồn lực vật chất, như: vốn, tài nguyên thiên nhiên và lao động được khai thác gần như triệt để.

Trong điều kiện tăng trưởng theo chiều rộng, năng suất các yếu tố sản xuất giảm dần trong khi việc mở rộng chúng về lượng vấp phải những giới hạn - sự khan hiếm của các nguồn lực vật chất và năng suất biên của chúng chậm cải thiện trong điều kiện suy thoái giáo dục và khoa học, kỹ thuật hiện nay. Đầu tư không thể vượt quá năng suất biên của vốn và việc sử dụng lao động, cũng như khai thác tài nguyên thiên nhiên không tránh được quy luật tất yếu này. Năng suất biên của các yếu tố sản xuất chỉ tăng trong điều kiện tiến bộ kỹ thuật.

Như vậy, mục tiêu chuyển sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu là đẩy nhanh tiến bộ kỹ thuật trong nền kinh tế. Đó là nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Để góp phần thực hiện nhiệm vụ này, theo tôi, cần thực thi một số giải pháp định hướng dưới đây.

Thứ nhất, nhiệm vụ trước mắt cần nâng cao hiệu quả sử dụng những nguồn lực sản xuất hiện có bằng các cách: đảm bảo toàn dụng, tăng năng suất và tái phân phối chúng.

Đối với nguồn lao động, cần những biện pháp giảm tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm, tăng năng suất lao động, đảm bảo sự tương quan giữa tiền lương và năng suất lao động, nâng cao mức sống và chất lượng sống của người lao động, hạn chế sự phân hóa vật chất, hình thành vững chắc tầng lớp trung lưu. Đặc biệt, để tăng năng suất lao động, cần phát triển vốn nhân lực thông qua hệ thống đào tạo đại học và dạy nghề hiệu quả, cung ứng cho xã hội nguồn nhân lực đáp ứng được các yêu cầu công việc của doanh nghiệp.

Để tăng năng suất vốn, cần nâng cao hệ số đổi mới và làm chậm quá trình hao mòn thực máy móc và thiết bị. Ngoài ra, đối với nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là các nguồn lực không tái sinh, không được khai thác bừa bãi, mà phải đảm bảo tính cân đối trong sử dụng, đồng thời cần ứng dụng những công nghệ thăm dò và khai thác tiên tiến, thực thi các biện pháp mạnh mẽ nhằm giảm mức độ tiêu hao nguyên vật liệu trong sản xuất.

Bên cạnh đó, cần tái phân phối các nguồn lực. Đây là nhiệm vụ cho cả ngắn và dài hạn. Trong ngắn và trung hạn, kiên quyết thực hiện tái cấu trúc đầu tư công và tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước theo hướng thu hẹp tối đa nhóm doanh nghiệp hoạt động vì lợi nhuận, còn đầu tư công chỉ nên hướng vào những ngành xã hội tạo điều kiện chung cho tăng trưởng kinh tế.

Thứ hai, cần hoạch định một chính sách công nghiệp hiệu quả và gắn bó chặt chẽ, đồng bộ với chính sách đầu tư trong quá trình thực hiện. Chính sách công nghiệp là tạo các điểm tăng trưởng nhằm tăng năng lực cạnh tranh quốc tế của khu vực doanh nghiệp và đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững. Theo kinh nghiệm quốc tế, nhiều nước phát triển đã đạt được sự phát triển thần kỳ và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế của mình do biết khai thác tiềm năng kinh tế to lớn của những làn sóng công nghệ thay đổi luân phiên theo chu kỳ 50 năm.

Để hoạch định hiệu quả các điểm tăng trưởng, cần dự báo tốt những xu hướng khoa học, công nghệ lớn. Thế giới đã trải qua năm làn sóng công nghệ và đang bắt đầu làn sóng thứ 6. Dự báo những xu hướng khoa học, công nghệ lớn là nhằm phát hiện kịp thời các xu hướng phát triển nhất. Theo thống kê quốc tế, trong thập niên 1980, 50% bằng sáng chế thuộc viễn thông, thông tin; 20% thuộc vi sinh; 10% thuộc vật liệu mới và hóa học.

Một công việc quan trọng nữa là cần dự báo và đánh giá được nhu cầu xã hội đối với những công nghệ đột phá trong việc giải quyết những vấn đề do thực tiễn đặt ra. Cuối cùng, phân tích khả năng phát triển những ngành kinh tế dựa trên các công nghệ đang hình thành này bằng tiềm lực vốn thực, vốn nhân lực và vốn tri thức của chúng ta và hoạch định chính sách đầu tư.

Thứ ba, triển khai xây dựng hệ thống đổi mới quốc gia (national innovation system). Hệ thống đổi mới quốc gia là toàn bộ những tổ chức hoạt động sản xuất và tiêu thụ thương mại kiến thức khoa học, công nghệ trong phạm vi quốc gia. Những nguyên tắc vận hành của hệ thống đổi mới quốc gia là Nhà nước phải gánh vác phần lớn kinh phí cho hoạt động nghiên cứu cơ bản, vì đây là lĩnh vực có rủi ro cao và mức sinh lợi thấp đối với tư bản tư nhân; doanh nghiệp là động lực chính phát triển hệ thống đổi mới quốc gia trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng theo sau nghiên cứu cơ bản;

Thứ tư, cần lựa chọn phương án phối hợp chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa phù hợp trong mô hình tăng trưởng hiệu quả. Chính sách tiền tệ mục tiêu lạm phát là một mô hình phối hợp chính sách tốt, nhưng để ứng dụng thành công phương án phối hợp này, cần hoàn thiện những điều kiện cần thiết. Một trong các điều kiện bắt buộc là ổn định kinh tế vĩ mô, trước hết phải giảm tỷ lệ lạm phát xuống thấp hơn 3% tương tự nhiều nước đã thực hiện. Tỷ lệ lạm phát thấp sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn tài chính giá rẻ để tăng năng lực cạnh tranh của mình./.

TSKH. Nguyễn Ngọc Thạch

Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh

Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 2/2014