Ngày 25/04/2014, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tọa đàm “Sở hữu trí tuệ: Nâng cao vị thế và giá trị doanh nghiệp”.

Phát biểu tại tọa đàm, bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký VCCI cho biết, thời gian gần đây, những hoạt động liên quan đến sở hữu trí tuệ hết sức sôi động, với nhiều vấn đề như: Chỉ dẫn địa lý, bảo hộ quyền tác giả, xây dựng thương hiệu, mua bán sáp nhập, định giá tài sản trí tuệ… Tuy nhiên, câu chuyện về tài sản vô hình dường như vẫn còn xa vời với nhiều doanh nghiệp.

Do vậy, các doanh nghiệp cần nhận thức được rằng, ở trình độ phát triển của xã hội hiện nay, tài sản trí tuệ là loại tài sản vô hình có giá trị kinh doanh lớn hơn nhiều lần so với các loại tài sản hữu hình cộng lại. Đặc biệt, trong xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng, vai trò này lại càng có ý nghĩa trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh và lưu thông hàng hóa của doanh nghiệp.

Đồng quan điểm trên, ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ khẳng định, sở hữu trí tuệ đang ngày càng đóng vai trò và có ý nghĩa quan trọng đặc biệt với sự phát triển của đất nước và doanh nghiệp.

“Việc bảo hộ sở hữu trí tuệ một mặt là sự ghi nhận của Nhà nước, giảm rủi ro giao dịch thương mại, đồng thời tạo nguồn thu cho Nhà nước, mặt khác tạo cơ sở cho việc nhân lên nhiều lần giá trị sử dụng của tài sản cho đơn vị sở hữu”, ông Đinh Hữu Phí nhấn mạnh.

Cũng theo ông Phí, bảo vệ sở hữu trí tuệ là tài sản kinh doanh có giá trị, là công cụ cạnh tranh hữu hiệu cho doanh nghiệp và là một trong những năng lực nội sinh quan trọng hàng đầu cho sự phát triển.

“Quốc gia, doanh nghiệp nào có được càng nhiều quyền sở hữu trí tuệ, thì năng lực cạnh tranh của quốc gia, doanh nghiệp đó càng cao”, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ khẳng định.

Nhờ có chỉ dẫn địa lý mà giá cam Cao Phong tăng gấp 5 lần

Lấy ví dụ sinh động về lợi ích của việc đăng ký chỉ dẫn địa lý (một trong những công cụ để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ), bà Hà Nguyệt Thu, Cục Sở hữu Trí tuệ cho biết, trước đây người trồng cam ở Cao Phong rất vất vả, nhiều lúc cam chín vàng, rụng đầy đồi, mà không có người mua. Để bán được hàng, nhiều lúc họ còn mượn thương hiệu của cam Vinh để xuất đi Trung Quốc. Tuy nhiên, sau khi được cấp chỉ dẫn địa lý, cam Cao Phong không những không phải mượn thương hiệu để xuất khẩu, mà giá bán còn tăng gấp 5 lần so với trước.

“Các hộ trồng cam ở Cao Phong giờ đây nhà nhà đi ô tô và được gọi là tỷ phú làng, trong khi hàng loạt nông sản khác của Việt Nam, như: chuối, dưa… không bán được và chờ giải cứu”, bà Thu cho biết.

Mặc dù vui mừng vì cam Cao Phong đã được nâng giá trị khi có chỉ dẫn địa lý, song bà Thu cũng tỏ ra lo lắng vì nhiều sản phẩm của Việt Nam bị mất chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài.

Bà Thu cho biết: “Năm 2011, chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột của Việt Nam bị một doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký bảo hộ độc quyền là bài học “đắt giá” cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc bảo vệ thương hiệu tại nước ngoài và bảo vệ chỉ dẫn địa lý trước nguy cơ mất thị trường tại nhiều nước trên thế giới”.

Ngoài việc khuyên doanh nghiệp Việt Nam chú trọng đến việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bà Thu còn khuyến nghị doanh nghiệp cần quan tâm đến những yếu tố khác, như: chất lượng sản phẩm, các hoạt động xúc tiến, marketing…

“Để tạo thành công cho mình, thì công cụ sở hữu trí tuệ là công cụ cực kỳ quan trọng, nhưng đây không phải là công cụ duy nhất. Do đó, muốn phát triển toàn diện và bền vững, doanh nghiệp còn phải không ngừng nâng cao chất lượng của sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng, tăng cường marketing, xúc tiến thương mại…”, bà Thu nhấn mạnh./.