Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra những nhận định như vậy khi đánh giá bức tranh kinh tế quý I/2017.

Nhìn lại bức tranh kinh tế quý I/2017

Kinh tế trong nước có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại. Tốc độ tăng GDP trong quý I đạt 5,12%, thấp hơn cùng kỳ 2 năm trước đó. Khu vực dịch vụ vẫn duy trì được đà tăng trưởng, đạt 6,52%. Khu vực công nghiệp – xây dựng suy giảm rõ nét. Giá trị gia tăng của khu vực công nghiệp chỉ tăng 4,17%, phân ngành công nghiệp khai khoáng giảm 10%.

Sự suy giảm này chủ yếu do: (i) ngành dầu khí điều chỉnh giảm kế hoạch khai thác dầu năm 2017; (ii) ngành than gặp khó khăn do cạnh tranh về giá và chưa thống nhất được giá bán than giữa Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam và các đơn vị đối tác; (iii) các ngành công nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung đang trong giai đoạn tái cơ cấu lại; (iv) suy giảm nhu cầu đối với hàng công nghiệp xuất khẩu trong bối cảnh gia tăng bất định và xu hướng bảo hộ ở không ít thị trường.

Khả năng hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng cả năm (6,7%) là rất khó khăn nếu không cải thiện đáng kể tốc độ tăng trưởng trong các quý tiếp theo.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) liên tục tăng trong quý I, dù tốc độ tăng chậm dần. CPI trung bình trong quý tăng 4,96%. Diễn biến lạm phát trong những tháng đầu năm ít nhiều chịu ảnh hưởng của sự phục hồi của giá cả trên thị trường quốc tế. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối thấp, quan ngại về hiệu quả điều phối chính sách kinh tế vĩ mô và cải cách giá cả trong thời gian qua hoàn toàn có cơ sở.

Lãi suất huy động VNĐ ổn định. Lãi suất tiền gửi USD của cá nhân và tổ chức vẫn được duy trì ở mức 0%/năm. Ngân hàng Nhà nước không có động thái điều chỉnh trần lãi suất đối với tiền gửi USD – ngay cả sau khi FED điều chỉnh tăng lãi suất. Thay vào đó, NHNN tập trung vào: (i) truyền thông về việc tiếp tục ưu tiên giảm mức độ đô-la hóa trong nền kinh tế; (ii) theo dõi diễn biến USD trên thị trường thế giới và các chính sách liên quan của Hoa Kỳ; và (iii) tiếp tục thực hiện linh hoạt cơ chế tỷ giá VNĐ/USD trung tâm.

Tín dụng tăng khoảng 4,03% trong quý I, cao hơn so với cùng kỳ các năm 2014-2016, có thể do: (i) mặt bằng lãi suất ổn định; (ii) gia tăng nhu cầu tín dụng phục vụ sản xuất và thương mại; (iii) giảm chèn lấn từ phát hành Trái phiếu Chính phủ (TPCP); và (iv) một số doanh nghiệp tranh thủ “vay sớm” trước lo ngại lãi suất có thể tăng trong các quý cuối năm.

Tỷ giá VNĐ/USD thể hiện xu hướng tăng khá rõ nét trong các tháng đầu năm. Tỷ giá VNĐ/USD trung tâm được điều chỉnh tăng dần. Vai trò của cơ chế điều hành tỷ giá trung tâm có phần mờ nhạt hơn so với năm 2016. Tỷ giá hữu hiệu thực (REER) của Việt Nam trong quý I tăng 0,95% so với cùng kì năm 2016, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vẫn lên giá tương đối so với hàng hóa thế giới. Tuy nhiên, sự lên giá ấy không phải do chính sách tỷ giá, mà do diễn biến giá cả trong nước dưới áp lực của: (i) điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ do Nhà nước quản lý; và (ii) điều chỉnh chính sách liên quan đến lương tối thiểu.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong quý I chỉ tăng 3,2% (nếu loại trừ yếu tố tăng giá), thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ các năm trước. Giải ngân vốn trái phiếu chính phủ chậm, giảm tới 20,5%, chủ yếu do: (i) chất lượng công tác chuẩn bị dự án còn thấp, hồ sơ dự án sơ sài; (ii) phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư dự án mang tính hình thức, xa rời thực tế; (iii) chậm trễ trong giải phóng mặt bằng, nhà thầu không đủ năng lực thi công. Tổng vốn FDI đăng kí đạt 7,71 tỷ USD trong quý I, tăng 91,5%, tuy nhiên, vốn FDI thực hiện đạt hơn 3,6 tỷ USD, tăng 3,4%.

Tăng trưởng xuất khẩu trong quý đạt 15,1%, mức cao nhất từ quý II/2014. Xuất khẩu vẫn tập trung ở một số ít thị trường chính; đáng lưu ý, xuất khẩu sang ASEAN có dấu hiệu phục hồi, tăng 21,8%. Giá trị nhập khẩu trong quý I đạt 46,6 tỷ USD, tăng 24,9%. Nhập siêu chủ yếu do khu vực doanh nghiệp trong nước, trong khi đó, khu vực FDI chủ yếu xuất siêu. Gia tăng nhập siêu của Việt Nam quý I chủ yếu để: (i) đáp ứng yêu cầu đầu tư và sản xuất trong nước, trong điều kiện đầu tư của khu vực FDI và khu vực ngoài nhà nước vẫn tăng; và (ii) găm nguồn hàng nhập khẩu do kỳ vọng giá hàng hóa thế giới có thể tăng trong thời gian tới.

Tổng thu NSNN trong quý I đạt 230,5 nghìn tỷ đồng, tăng tới 21,6% so với cùng kỳ; bằng 23,1% dự toán cả năm 2017 và tương đương 30,1% GDP. Chi NSNN ước đạt gần 285,0 nghìn tỷ đồng, tương đương 20,5% dự toán và chỉ tăng 2,7%. Tỷ lệ bội chi so với GDP ở mức 0,4% trong quý I/2017 - mức thấp kỷ lục so với cùng kỳ 2016 (5,53%) và mức trung bình các năm 2011-2015 (4,86%). Nhìn từ góc độ ấy, điều hành thu chi NSNN đã ít nhiều giúp giảm sức ép đối với nợ công và phát hành trái phiếu chính phủ.

Khả năng hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng cả năm (6,7%) là rất khó khăn nếu không cải thiện đáng kể tốc độ tăng trưởng trong các quý tiếp theo

Tăng trưởng kinh tế quý II ước đạt 5,61%

Bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều sự thay đổi, kể cả đảo chiều chính sách đột ngột ở một số nền kinh tế chủ chốt. Cọ xát giữa một số nước lớn có xu hướng phức tạp hơn, và không bó hẹp ở lĩnh vực kinh tế - thương mại. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế chững lại. Những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới - mà Việt Nam đã ký hoặc đang tham gia đàm phán - không có nhiều chuyển biến.

Trong bối cảnh ấy, nhóm nghiên cứu của CIEM đánh giá, Việt Nam dường như còn loay hoay trong việc cân bằng yêu cầu điều hành kinh tế - xã hội (có tính ngắn hạn hơn) và các định hướng cải cách thể chế kinh tế (trong trung và dài hạn).

Các định hướng lớn về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế đã được thông qua vào cuối năm 2016 và ít nhiều được phổ biến, song còn chậm được cụ thể hóa.

Ưu tiên cải cách và điều hành còn khá tham vọng, song độ phủ trên nhiều lĩnh vực phần nào làm giảm tính trọng tâm, hiệu lực và hiệu quả của các biện pháp đề ra. Khu vực tư nhân - một chủ thể quan trọng của nền kinh tế - chưa thực sự được tạo điều kiện kịp thời để phát triển.

Kết quả dự báo kinh tế vĩ mô cho thấy, tăng trưởng kinh tế quý II ước đạt 5,61%. Tăng trưởng xuất khẩu dự báo ở mức 9,24%. Thâm hụt thương mại ở mức 1,13 tỷ USD, tiếp tục do gia tăng cầu đầu tư và nhập khẩu tăng (dù không nhiều so với quý I). Mức tăng giá tiêu dùng trong quý II là khoảng 0,86%.

Trong năm 2016, năm đầu tiên của nhiệm kỳ Chính phủ, tư duy về xây dựng Nhà nước kiến tạo đã được chuyển thành những thay đổi trong phương thức điều hành kinh tế vĩ mô, nhấn mạnh đến tăng trưởng thực chất, bền vững, không đánh đổi bằng những thành tích ngắn hạn. Chú trọng nhiều hơn đến các mục tiêu, chỉ tiêu liên quan đến cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, phát huy dân chủ trong xã hội để đưa Nhà nước đến gần dân hơn cũng được quan tâm hơn.

Tuy vậy, theo CIEM, quá trình điều hành của Chính phủ trong giai đoạn vừa qua vẫn bộc lộ một số nhược điểm:

(i) Khung khổ pháp lý điều hành phát triển kinh tế- xã hội vẫn theo hướng truyền thống, số lượng các văn bản điều hành là rất nhiều, nhưng về bản chất là những quyết định hành chính mang tính cá biệt;

(ii) Mục tiêu điều hành tổng quát thường bao gồm những nội dung tương tự như chức năng nhiệm vụ của Chính phủ;

(iii) Chỉ tiêu được đưa ra trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm thiên về số lượng và đầu vào, ít chỉ tiêu phản ánh chất lượng đầu ra, hiệu quả sử dụng nguồn lực, chất lượng dịch vụ, chất lượng sống của người dân;

(iv) Cách thức và các các công cụ điều hành phát triển kinh tế - xã hội thiên về can thiệp, kiểm soát hành chính hơn là dựa trên các công cụ thị trường;

(v) Cơ chế điều hành hiện nay chủ yếu theo hướng xin-cho, cầm tay chỉ việc hàng ngày, cản trở tư duy chiến lược và cải cách, không nâng đỡ sáng tạo, làm méo mó thị trường, méo mó phân bổ nguồn lực, giảm năng suất và hiệu quả đầu tư.

Trước bối cảnh kinh tế và một số điều kiện phát triển kinh tế - xã hội thay đổi, CIEM đưa ra một số định hướng đổi mới công tác điều hành, bao gồm:

(i) Chuyển trọng tâm điều hành hướng vào tăng năng suất để tăng trưởng, tăng thịnh vượng và phúc lợi xã hội;

(ii) Tạo hệ thống động lực, cung cấp các dịch vụ công chất lượng, giá rẻ cần thiết cho sự phát triển năng lực người dân và bảo đảm điều kiện cho việc làm ăn của các doanh nghiệp, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các chủ thể trong nền kinh tế;

(iii) Thay đổi cách thức làm việc/thực thi, chuyển dần từ ban hành nghị quyết theo hướng điều hành sang các nghị quyết mang tính chuyên đề; thay đổi hệ thống chỉ tiêu hướng đến chỉ tiêu chất lượng; điều hành gắn chặt hơn vào cải thiện môi trường kinh doanh, cải thiện chất lượng, dịch vụ phục vụ nhân dân, doanh nghiệp ở cấp địa phương; xây dựng khuôn khổ thể chế cần thiết cho quyền tự do kinh doanh, quyền tự do tài sản, quyền tự do khế ước, tăng cường sự minh bạch và tính giải trình./.