Tại Hội thảo "Kinh tế vĩ mô Việt Nam: Động lực cho cải cách" diễn ra chiều ngày 28/04/2017, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đã thẳng thắn chỉ rõ điều này trong bài phát biểu của mình.

TS. Nguyễn Đình Cung: "Số lượng công văn điều hành, chỉ đạo cực lớn, tạo ra một hệ thống vận hành rất trì trệ cứ phải xin ý kiến nhiều chỗ, loanh quanh”

Tăng trưởng chậm lại không phải do sự sụt giảm của khai khoáng

Tốc độ tăng GDP trong quý I đạt 5,12%, thấp hơn cùng kỳ 2 năm trước đó. Để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2017 (6,7%) thì tốc độ tăng trưởng trong 3 quý cuối năm đều phải đạt 7% trở lên. Mức tăng trưởng đó là bất khả thi trong bối cảnh hiện nay.

Đóng góp của cả tiêu dùng cuối cùng và tích lũy tài sản (xét theo điểm phần trăm) vào tăng trưởng kinh tế đều giảm so với cùng kỳ năm 2016.

Tiêu dùng cuối cùng tăng 6,73% so với cùng kỳ năm 2016, đóng góp 7,25 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Tích lũy tài sản tăng 8,50%, đóng góp 2,27 điểm phần trăm.

Chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ ở tình trạng nhập siêu làm giảm 4,42 điểm phần trăm của mức tăng trưởng chung.

Chỉ số phát triển công nghiệp (IIP) toàn ngành tăng 5,5% trong tháng 3 và 4,1% trong quý I, thấp hơn đáng kể mức tăng cùng kỳ của nhiều năm gần đây. Khai khoáng là phân ngành duy nhất sụt giảm, ở mức 11,2% - tiếp nối đà sụt giảm từ tháng 12/2015.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Dương, Phó Trưởng ban Phụ trách Ban Chính sách kinh tế vĩ mô (CIEM) thẳng thắn chỉ rõ, tăng trưởng kinh tế tăng chậm không phải là do sụt giảm ở khu vực khai khoáng và nhập siêu. Bởi, việc sụt giảm ở khai khoáng không phải đến quý 1/2017 mới gặp.

Theo ông, sâu xa hơn hoạt động kinh tế tạo ra hàm lượng giá trị gia tăng từ hoạt động kinh tế giảm đi.

Về câu chuyện về môi trường và tăng trưởng kinh tế, ông Dương đánh giá, từ vụ việc Fomorsa, chúng ta đã thận trọng hơn đối với các dự án tiềm tàng ảnh hưởng xấu đối với môi trường.

“Điều đó là đúng đắn, song chúng ta chưa tạo dựng kịp thời động lực tăng trưởng để thay thế”, ông Dương cho biết.

Động lực cho tăng trưởng từ cải cách thể chế 2014-2015 chưa được duy trì. Mô hình tăng trưởng khuyến khích năng suất và chất lượng lao động vẫn là vấn đề dài hạn, khó chuyển biến.

Về vấn đề đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo rất hay, nhưng làm thế nào, với công nghệ nào lại đang là vấn đề.

Những quan ngại về hiệu quả cải cách giá cả

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) liên tục tăng trong quý I, dù tốc độ tăng chậm dần. Mức tăng CPI lần lượt 0,46%, 0,23% và 0,21% trong các tháng 1-3. Tại thời điểm cuối tháng 3, CPI tăng 0,9% so với cuối năm 2016. CPI trung bình trong quý I tăng 4,96%.

Nhận định rằng, mức tăng giá CPI không phản ánh đà phục hồi của tổng cầu, các chuyên gia của CIEM khẳng định, khác với mức tăng lạm phát trong năm 2016 (do CPI không biến động nhiều năm 2015), mức tăng giá CPI năm 2017 vẫn ở mức khá cao.

“Đặt bên cạnh mức tăng trưởng kinh tế tương đối thấp, quan ngại về hiệu quả điều phối chính sách kinh tế vĩ mô và cải cách giá cả trong thời gian qua hoàn toàn có cơ sở”, thay mặt nhóm nghiên cứu, ông Nguyễn Anh Dương chỉ rõ.

Việc thực hiện lộ trình điều chỉnh giá thời gian qua vẫn gây ra một số hệ lụy như: (i) kỳ vọng lạm phát khó giảm, qua đó ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất và sức mua của VNĐ; (ii) tổn phí cho doanh nghiệp và người dân, đặc biệt do tính bất định của thời điểm điều chỉnh; và (iii) tâm lý trông chờ, vận động điều chỉnh tăng giá, thay vì tiết giảm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động dưới áp lực của cơ chế thị trường.

“Ở một phương diện khác, công tác điều hành giá cả nói chung và điều phối chính sách kinh tế vĩ mô nói chung chưa có sự chuẩn bị tương xứng về các kịch bản khác nhau nhằm ứng phó với bất định ở thị trường thế giới và khu vực”, ông Dương nói.

Các kiến nghị theo hướng điều chỉnh giá thường chỉ tập trung vào mặt hàng/dịch vụ được lựa chọn tăng giá, thời điểm và mức độ tăng giá. Giải trình cho các kiến nghị này cũng không tập trung vào tác động đối với cải cách các thị trường hàng hóa/dịch vụ liên quan, hiệu quả của doanh nghiệp trên các thị trường này, mà lại theo hướng tránh tác động do điều chỉnh đột ngột với mức tăng lớn sau này.

Áp lực đối với lạm phát chỉ được nhìn nhận trong bối cảnh cần điều chỉnh giá một số mặt hàng/dịch vụ, thay vì tạo dựng dư địa để ứng phó với biến động giá trên thị trường thế giới.

Trên cơ sở nhận định tình hình kinh tế quý I, các chuyên gia của CIEM dự báo, tăng trưởng kinh tế quý II ước đạt 5,61%. Tăng trưởng xuất khẩu dự báo ở mức 9,24%. Thâm hụt thương mại ở mức 1,13 tỷ USD, tiếp tục do gia tăng cầu đầu tư và nhập khẩu tăng (dù không nhiều so với quý I). Mức tăng giá tiêu dùng trong quý II là khoảng 0,86%.

Điều hành của Chính phủ đang vận hành theo hướng "cầm tay chỉ việc"

“Thực tế đang cho thấy, các bộ, ngành địa phương đều làm rất nhiều việc, nhưng vì sao hiệu quả tăng trưởng rất thấp?”, ông Dương đặt câu hỏi.

Là người đặt câu hỏi, ông Dương cũng là người đưa ra câu trả lời khi đưa ra sự ví von rằng, chúng ta đang ở một con thuyền với rất nhiều người chèo, nhưng đáng tiếc là mỗi người chèo một hướng và hăng hái chèo theo ý mình.

“Hiện các bộ, ngành, địa phương mới chỉ làm nhiều việc có tính quy trình, ít chuyển biến về thể chế. Vì thế chất lượng chính sách ít thay đổi. Dẫn tới các biện pháp hành động nhiều, nhưng thiếu trọng tâm, các biện pháp trong nhiều trường hợp chồng lấn, chồng chéo lên nhau”, ông Dương thẳng thắn chỉ rõ.

Đồng tình với người đồng nghiệp của mình, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM chỉ rõ, quá trình điều hành của chúng ta trong thời gian qua vẫn bộc lộ một số nhược điểm.

Có thể thấy, số lượng các văn bản điều hành là rất nhiều. Cụ thể năm 2014 với con số kỷ lục là 3930 văn bản được ban hành, năm 2016 con số này giảm xuống còn 3176 văn bản.

"Đó là con số cực lớn, trong khi về bản chất đây là những quyết định hành chính mang tính cá biệt, mang xin xin - cho trong điều hành", TS. Cung đánh giá..

Giải pháp là nội dung xuất hiện nhiều trong các Nghị quyết và văn bản điều hành. Chẳng hạn, tại Nghị quyết 01/NQ-CP (Nghị quyết trung tâm của điều hành), tuyệt đại bộ phận các giải pháp đều là chức năng, nhiệm vụ và công việc thường xuyên, hàng ngày của các bộ, Ủy ban nhân dân (UBND) các cấp.

“Trên thực tế, nếu không có Nghị quyết, các cơ quan này vẫn thực hiện các chức năng nhiệm vụ của mình. Chính ở đây, Nghị quyết không cho thấy nhiều giá trị gia tăng mà ngược lại gây thụ động, ỷ lại đối với cán bộ thừa hành, thực thi”, người đứng đầu CIEM thẳng thắn.

Đã vậy, những nghị quyết này thậm chí còn có hại, vì những chỉ tiêu trong nghị quyết phải tập trung làm bằng được, còn những mục tiêu khác lại phải xin ý kiến chỉ đạo.

“Chính vì thế, số lượng công văn điều hành, chỉ đạo cực lớn, tạo ra một hệ thống vận hành rất trì trệ cứ phải xin ý kiến nhiều chỗ, loanh quanh”, ông Cung quan ngại.

Cũng có những trường hợp, các giải pháp được đề cập trong Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội đã được đưa ra tại các Nghị quyết chuyên đề khác của Chính phủ, nhưng không được đề cập một cách đầy đủ và chi tiết như ở Nghị quyết chuyên đề.

Do vậy, việc hiểu và nhớ các nội dụng Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội cũng là vấn đề và chỉ có một số mục tiêu được điều hành còn các giải pháp thực hiện cũng không nhất thiết gắn với Nghị quyết.

Điều đáng lo ngại, theo ông Cung, là cách thức và các các công cụ điều hành phát triển kinh tế - xã hội thiên về can thiệp, kiểm soát hành chính hơn là dựa trên các công cụ thị trường.

“Cách thức điều hành bị cuốn theo mục tiêu tăng trưởng ngắn hạn, mục tiêu trung gian, chưa phải là mục tiêu cuối cùng sát với người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong nước. Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương dành quá nhiều thời gian thảo luận không cốt lõi, không có nội dung cụ thể, do vậy hiệu quả và hiệu lực không cao. Trong quá trình điều hành, thường sử dụng các chính sách ngắn hạn để thúc đẩy tăng trưởng, sử dụng quá nhiều chính sách tiền tệ làm thay vai trò của tài khóa”, ông Cung lý giải.

Cơ chế điều hành hiện nay chủ yếu theo hướng xin-cho, cầm tay chỉ việc hàng ngày. Chính cơ chế này cản trở tư duy chiến lược và cải cách, không nâng đỡ sáng tạo, làm méo mó thị trường, méo mó phân bổ nguồn lực, tiếp tục làm giảm năng suất và hiệu quả đầu tư.

“Thực tế cũng cho thấy nền kinh tế vận hành theo lối “giật cục”, hết nóng chuyển sang lạnh và ngược lại. Hệ lụy, theo đó, là tăng trưởng không tận dụng hết tiềm năng, lạm phát trung bình ở mức cao và không ổn định”, ông Cung thẳng thắn nhận định.

Đâu là giải pháp cần làm ngay?

Đưa ra yêu cầu phải thay đổi cách thức làm việc, người đứng đầu CIEM cho rằng, không nên ban hành nghị quyết điều hành như hiện nay, nếu cần thì chỉ nghị quyết mang tính chuyên đề, xác định các nhiệm vụ cải cách ưu tiên trong năm.

Bên cạnh đó, cần thay đổi hệ thống chỉ tiêu theo hướng chất nhiều hơn lượng, hướng tới kết quả đầu tư để thay đổi động lực và khuyến khích đối với cơ quan, công chức nhà nước.

Đặc biệt không ra các mệnh lệnh, chỉ thị cá biệt, mà các can thiệp nếu có cần mang tính chính sách, hoặc áp dụng phổ biến cho tất cả các đối tượng, trường hợp tương tự.

Các địa phương chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh và cải thiện chất lượng dịch vụ phục vụ nhân dân, doanh nghiệp.

Đồng tình với ý kiến của TS. Nguyễn Đình Cung, TS. Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia cho rằng, thời gian tới chúng ta phải quán triệt rõ là không quan trọng tăng trưởng bao nhiêu, mà cần phải tập trung nguồn lực của năm nay và năm sau để xử lý các nút thắt.

“Bộ máy muốn điều hành được phải tôn trọng kỷ cương, kỷ cương làm việc thì mới điều hành được. Điều hành phải có trọng tâm, trọng điểm và làm đến nơi đến chốn chứ có tới 230 việc thì đó là việc làm hành chính, điều hành phải bám vào công cụ của nhà nước, đổi mới mấy công cụ như quy hoạch, kế hoạch…”, vị chuyên gia này gợi mở một số giải pháp./.