Nhận định này được nêu tại tọa đàm khoa học với chủ đề “Tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2017: chỉ số, dự báo và các phân tích”, chiều 18/5.

Buổi tọa đàm do Văn phòng Quốc hội phối hợp với Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế- xã hội (NCIF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên hai cơ quan phối hợp toạ đàm trước kỳ họp Quốc hội.Tọa đàm không chỉ nhằm cung cấp thông tin, mà còn luận giải cho các vị đại biểu Quốc hội tham dự về một số chỉ tiêu kinh tế quan trọng.

Giá dầu sẽ khó vượt qua ngưỡng 55-60 USD/thùng

Tại buổi tọa đàm, TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới (NCIF) đưa ra nhận định, giá dầu rất khó có thể tăng cao.

Cụ thể, giá dầu thô tháng 2/2017 tăng 3,2% so với tháng trước trong tháng 1/2017 do các nước OPEC và các nhà xuất khẩu dầu lớn ngoại khối tuân thủ nghiêm ngặt thoả thuận cắt giảm sản lượng. Giá dầu giảm 5% xuống mức thấp nhất trong 3 tháng trở lại đây, từ mức 54 USD/thùng xuống mức 47 USD/thùng sau cảnh báo của Cơ quan Năng lượng Qquốc tế về việc sản lượng dầu đá phiến tăng còn nhu cầu sản phẩm chế biến từ dầu tại châu Âu giảm.

Ngày 16/3, giá dầu lại đổi chiều tăng lên mức 49,3 USD/thùng do Fed tăng lãi suất và tuyên bố đầu tiên về giảm dự trữ dầu tại Mỹ trong 10 tuần trở lại đây của Chính phủ Mỹ.

Đến cuối tháng 3/2017, giá dầu giảm mạnh xuống còn hơn 47,6 USD/thùng sau cuộc họp của các nước OPEC khi thông điệp giảm sản lượng đưa ra không mạnh mẽ như kỳ vọng.

Tính từ đầu năm đến thời điểm hiện nay, giá dầu thô thế giới đã giảm 10%.

Thay mặt nhóm nghiên cứu, TS. Toàn Thắng đưa ra dự báo, giá dầu sẽ khó vượt qua ngưỡng 55-60 USD/thùng trong năm 2017 và 2018.

“Khả năng giá dầu sẽ chỉ xoay quanh 40-60 USD/thùng trong khoảng 5-6 năm nữa, thậm chí có thể tiếp tục đi xuống. Vì vậy, những quốc gia như Việt Nam, ngân sách nếu dựa nhiều vào dầu lửa là rất nguy hiểm”, ông Toàn Thắng thẳng thắn.

Vì thế, Việt Nam nên có chiến lược để giảm dần và tiến tới loại bỏ sự phụ thuộc vào dầu lửa, bởi, ngoài yếu tố giá, cung cầu, thì hiện tiếng nói và các động thái của OPEC cũng không còn tác dụng nhiều như trước nữa...

Tăng trưởng không thể dựa vào… dầu

TS. Đặng Đức Anh, Trưởng ban Phân tích và Dự báo cho rằng, mô hình kinh tế của Việt Nam vẫn chuyển đổi chậm, nền kinh tế vẫn phụ thuộc nặng nề vào các ngành khai khoáng. Nền kinh tế vẫn chủ yếu là gia công, công nghiệp phụ trợ phát triển còn chậm. Và trong thời gian tới, công nghiệp khai khoáng sẽ tiếp tục suy giảm.

Vì thế, năm 2017, tăng trưởng GDP khó đạt chỉ tiêu đặt ra là 6,7%. Ông đưa ra mức dự báo, quý II/2017, GDP chỉ tăng 5,6% và cả năm chỉ đạt mức tăng trưởng 6,2%, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu kế hoạch đặt ra.

Bình luận về đề nghị điều chỉnh sản lượng khai thác dầu thô tăng thêm 1 triệu tấn, tức là tăng 8,1% kế hoạch của năm 2017 để thúc đẩy tăng trưởng, TS. Đặng Đức Anh cho rằng, giải pháp này khó khả thi.

Để làm rõ quan điểm, TS. Đức Anh cho hay, trong quý 1/2017, dầu thô đã khai thác cao hơn kế hoạch rồi, nhưng tốc độ tăng trưởng cũng mới chỉ là 5,1%. Do đó, việc khai thác thêm 1 triệu tấn dầu cũng không đóng góp đáng kể vào tăng trưởng cả năm 2017.

Cũng đồng tình là tăng trưởng 2017 khó đạt 6,7% như chỉ tiêu đã được Quốc hội quyết định, TS. Lưu Bích Hồ (nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch nhận xét, ba giải pháp thúc đẩy tăng trưởng mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu mới đây khó đạt kỳ vọng.

Theo ông, về giải pháp thứ nhất, khai thác thêm dầu thô, thì như phân tích của các diễn giả, cũng không tác động nhiều.

Giải pháp thứ hai, nếu thúc đẩy hoạt động của Samsung, thì theo vị chuyên gia này, nhập siêu từ Hàn Quốc cũng sẽ tăng cao, nên không tăng thêm được nhiều giá trị gia tăng.

Về giải pháp thứ ba nếu xem xét cho Formosa đi vào vận hành, thì cũng cần phải thận trọng.

Theo TS. Lưu Bích Hồ, những số liệu đưa ra về kinh tế Việt Nam trong thời gian tới chỉ là những dự báo. Những thuận lợi mà Việt Nam có ít hơn là những thách thức mà chúng ta sắp đối mặt.

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này tác động đến kinh tế Việt Nam lại chủ yếu xuất phát từ nội tại, tác động nội sinh đang là vấn đề then chốt mà chúng ta chưa tháo gỡ được.

“Đơn cử như doanh nghiệp nhà nước và tư nhân đều chưa phát huy được sức mạnh thực sự; các thể chế ban hành nhiều, liên tục, nhưng lại chậm đi vào cuộc sống, độ trễ vẫn còn nhiều và không phát huy được tác dụng”, TS. Lưu Bích Hồ cho hay.

“Chúng ta đang nhìn tình hình hơi sáng quá. Có lẽ Quốc hội nên xem lại cách nhìn hợp lý hơn, để có điều hành, quyết tâm giải quyết vấn đề trước mắt và tạo điều kiện cho năm 2018 được tốt hơn”, ông Lưu Bích Hồ nói.

Kết luận buổi tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ông Đỗ Mạnh Hùng cho biết, dự kiến trong kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ có nghị quyết riêng về nợ xấu.

Đồng tình với ý kiến của chuyên gia Lưu Bích Hồ, ông Đỗ Mạnh Hùng cho rằng, cần có những giải pháp giải quyết các vướng mắc nội tại.

Nguyên nhân chủ yếu là do bộ máy vận hành, nên Quốc hội cần tập trung nhiều hơn nữa vào vấn đề chấn chỉnh bộ máy, sắp xếp lại như thế nào cho hiệu quả hơn./.