Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh điều này tại cuối phiên thảo luận của Quốc hội về dự thảo Luật Quy hoạch.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình về dự thảo Luật Quy hoạch

Khắc phục được tình trạng xin – cho, tùy tiện trong việc điều chỉnh các quy hoạch

Khái quát về những lợi ích nổi bật do Luật Quy hoạch mang lại, Bộ trưởng Dũng khẳng định, đó là cải cách về thể chế, để tạo ra được sự đồng bộ thống nhất trong hệ thống pháp luật hiện nay về quy hoạch.

Bởi, hiện nay, có khoảng 95 hệ thống luật, pháp lệnh liên quan đến quy hoạch, với khoảng 19.250 quy hoạch đang được lập. Và, với việc ra đời Luật Quy hoạch, lần đầu tiên chúng ta sẽ mạnh dạn cải cách để có được một hệ thống thống nhất về quy hoạch.

Thứ hai, Luật sẽ góp phần thay đổi phương thức quản lý của nhà nước, trước đây phương thức quản lý nhà nước chúng ta thiên về quản lý, mục tiêu quản lý và bây giờ chúng ta thiên về vừa đảm bảo cho công tác quản lý, nhưng vừa đảm bảo cho kiến tạo và phát triển, phục vụ cho phát triển.

“Đây cũng thực sự là một công cụ quan trọng để huy động, phân bổ và sử dụng khai thác các nguồn lực của quốc gia. Trước đây, các quy hoạch cũ của chúng ta chỉ sử dụng chủ yếu mỗi một nguồn lực từ Nhà nước, thì bây giờ chúng ta thiết kế để có thể huy động các nguồn lực của cả xã hội, cả trong nước và nước ngoài cùng tham gia đầu tư phát triển”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Thứ ba, Luật sẽ tăng cường tính liên kết phát triển vùng, phát huy tối đa các tiềm năng lợi thế của từng vùng, từng địa phương và từng ngành.

Thứ tư, mạnh dạn đổi mới phương pháp lập quy hoạch theo một hướng là tích hợp đa ngành trong quá trình lập quy hoạch và đảm bảo tính nhất quán, khắc phục được tình trạng chia cắt cục bộ giữa các ngành, các địa phương và giữa các vùng miền trong cả nước, tránh được các xung đột về lợi ích và mâu thuẫn chồng chéo trong phát triển.

“Trong khi đó, chúng ta vẫn bảo đảm được việc quản lý của các ngành trong lập và quản lý các quy hoạch này”, Bộ trưởng giải trình thêm.

Thứ năm, cách thiết lập cơ chế cung cấp các thông tin về quy hoạch đảm bảo công khai minh bạch trong các tiếp cận thông tin và cũng là để chúng ta giám sát trong quá trình thực hiện quy hoạch.

“Chúng ta khắc phục được tình trạng xin - cho tùy tiện trong việc điều chỉnh các quy hoạch khi chúng ta bãi bỏ được một số quy hoạch ngành, toàn bộ các quy hoạch về sản phẩm đảm bảo quyền tự do của người dân và doanh nghiệp tự do kinh doanh trong tất cả các ngành nghề mà pháp luật không cấm theo quy định của Hiến pháp năm 2013”, Bộ trưởng Dũng khẳng định.

Câu hỏi đặt ra là nếu bỏ quy hoạch sản phẩm, thì sẽ quản lý bằng cách nào? Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng cho biết, vấn đề này hoàn toàn là do thị trường quyết định, Nhà nước phải đảm bảo được một nhiệm vụ là cung cấp được các thông tin dự báo phân tích, đánh giá, định hướng cho người dân và doanh nghiệp, còn quyết định đầu tư là của nhà đầu tư thực hiện theo quy hoạch.

“Ta không thể định lượng ra được sản phẩm này bao nhiêu, sản phẩm kia bao nhiêu mà hoàn toàn do thị trường quyết định. Đây là một bước hết sức mới và hết sức cách mạng trong tư tưởng của Luật Quy hoạch lần này”, Bộ trưởng Dũng cho biết thêm.

“Do vậy, việc ban hành luật lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng vì chúng ta chuẩn bị cho thời kỳ quy hoạch sắp tới của giai đoạn 2021-2030, đây là thời kỳ mà chúng ta có thể tiến hành bắt tay ngay vào quy hoạch, nếu chúng ta để chậm lại, sẽ lỡ một cơ hội cho quá trình giai đoạn phát triển 10 năm tới đây của chúng ta. Đồng thời nó đang phù hợp với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng cũng như để phục vụ cho hội nhập quốc tế của chúng ta”, người đứng đầu cơ quan soạn thảo nhấn mạnh.

Đã có phương án xử lý việc phải điều chỉnh 32 luật liên quan

Cho rằng một số ý kiến của đại biểu hết sức đúng, sâu sắc, xác đáng, Bộ trưởng hứa sẽ nghiên cứu tiếp thu và sẽ cùng Ủy ban Kinh tế, Ủy ban thẩm tra của Quốc hội báo cáo với Ủy ban thường vụ Quốc hội để tiếp tục rà soát sửa đổi, bổ sung làm rõ đặc biệt về những khái niệm từ ngữ rồi các nguyên tắc lập, các tiêu chí để xác định quy hoạch ngành, căn cứ để điều chỉnh các quy hoạch, quản lý quy hoạch trên thực địa, mối quan hệ, thẩm quyền, nội dung tích hợp.

Giải trình một số vấn đề cụ thể về đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt quy định tại Điều 5 trong hệ thống quy hoạch, Bộ trưởng cho biết, đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt là một hình thức mới, hiện nay đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nghiên cứu và sẽ trình cho Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào kỳ họp thứ tư vào cuối năm nay.

“Vấn đề này chúng tôi cũng đang nghiên cứu. Do khi chúng ta chưa rõ, định hình được các nội dung liên quan đến đơn vị hành chính đặc biệt này, trong Điều 5 chúng tôi xin được kiến nghị để như trong dự thảo của Điều 5. Cụ thể như thế nào sau khi có những quy định của luật về đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt này thì chúng tôi sẽ kiến nghị để trình với Quốc hội làm rõ, bổ sung cụ thể sau”, Bộ trưởng đề xuất.

Về thời kỳ quy hoạch và tầm nhìn của quy hoạch, Bộ trưởng chỉ rõ, quy hoạch của cấp dưới, quy hoạch cấp trên và liền kề với quy hoạch cấp dưới thì phải dài hơn quy hoạch cấp dưới, ít nhất khoảng 5 năm để quy hoạch cấp dưới có thể điều chỉnh trong những trường hợp cần thiết, trong những tiêu chí cho phép và Quốc hội cho phép.

Về việc phải chỉnh sửa 32 luật liên quan đến việc ban hành luật lần này, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ đã thiết kế như sau:

Thứ nhất, những quy hoạch đã được duyệt và những quy hoạch đã được duyệt thì chia làm hai loại: Một loại được xác định là phù hợp thì sẽ thực hiện cho đến hết thời kỳ quy hoạch của quy hoạch đã được duyệt đó, không phù hợp thì phải được điều chỉnh theo quy định của Luật quy hoạch mới này. Loại thứ hai là loại chưa được phê duyệt thì chưa được phê duyệt phải được phê duyệt theo Luật quy hoạch lần này và phải hoàn thành trước 31/12/2020.

Các quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch thì phải thực hiện cho đến hết 31/12/2020 vì các quy hoạch được tích hợp mà đã được phê duyệt, thì thường có thời kỳ đến hết năm 2020. Do vậy, chúng ta điều chỉnh và thực hiện cho đến hết thời kỳ này thì có thể chuyển sang thực hiện theo Luật quy hoạch mới.

“Còn các quy hoạch không được tích hợp vào trong quy hoạch lần này thì sẽ hết hiệu lực ngay từ 01/01/2019 khi Luật Quy hoạch này có hiệu lực. Đó là một số quy hoạch ngành và toàn bộ quy hoạch sản phẩm sẽ hết hiệu lực ngay khi luật này có hiệu lực. Còn các quy hoạch chi tiết khác thì vẫn được thực hiện bình thường theo các quy định của pháp luật liên quan”, Bộ trưởng giải trình rõ.

Về tính khả thi trong việc sửa 32 luật này các đại biểu cũng quan tâm rất nhiều, Bộ trưởng cho hay, sau nhiều lần báo cáo và tiếp thu, tính toán, Chính phủ dự kiến sẽ trình với Quốc hội để sửa một luật mà hiện nay đang có hai luật. Một luật là sửa các luật liên quan đến đầu tư kinh doanh. Tất cả nội dung của các luật liên quan đến đầu tư kinh doanh sửa lần này mà có liên quan đến nội dung quy hoạch thì sẽ được sửa cùng vào trong một luật này. Điều này đã dự kiến sẽ trình với Quốc hội vào tháng 6 này. Chính phủ đã có văn bản báo cáo với Quốc hội.

Các luật còn lại nếu chưa được chỉnh sửa thì sẽ được sửa trong một luật để sửa các luật về những điều khoản liên quan đến quy hoạch mới này.

“Báo cáo với Quốc hội, chúng ta nói là có 32 quy định nhưng thực chất nghe thì có rất nhiều các luật mà chỉ sửa có một điều. Rất nhiều luật liên quan chỉ sửa 1điều, có luật sửa 2 điều, có luật sửa 3 điều, có một số luật sửa nhiều điều liên quan đến nhiều điều thì có 4 luật. Luật Xây dựng, Luật Đất đai dự kiến sẽ trình với Quốc hội để cho sửa vào trong luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh, thì tính khả thi sẽ được làm rõ hơn và có thể thực hiện được trong thời kỳ này.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng hứa, sẽ nghiêm túc rà soát lại xem ngoài 32 luật đã báo cáo ở đây thì còn luật nào có điều khoản liên quan mà cần phải sửa đổi nữa không, thì sẽ rà soát tiếp.

“Trong 32 luật này thì những điều khoản nào cần sửa và không cần sửa chúng tôi cũng phải rà soát tiếp để thật chính xác cần sửa những luật gì, trong mỗi luật thì sửa những điều gì cho phù hợp và đảm bảo chất lượng của luật trình ra Quốc hội”, Bộ trưởng nói.

Về Khoản 3, Điều 27, 28, Bộ trưởng cho hay, sẽ nghiên cứu tiếp thu theo hướng đảm bảo đồng bộ thống nhất trong 1 hệ thống quy hoạch của chúng ta.

“Có 2 hướng xử lý chúng tôi dự kiến và sẽ báo cáo với Ủy ban thường vụ Quốc hội. Quy hoạch chi tiết thuộc ngành nào, thì ngành đó sẽ thực hiện hoặc phần nào liên quan đến Luật Xây dựng, thì sẽ thực hiện theo Luật Xây dựng hoặc sẽ giao cho Chính phủ làm rõ chi tiết những vấn đề này”, Bộ trưởng đề xuất phương án./.