Thừa nhận thất bại

Trong báo cáo mới nhất về tình hình ngành công nghiệp ô tô của Bộ Công Thương, tính đến nay ngành công nghiệp ô tô đã tạo ra hơn 120.000 việc làm cho người lao động, góp phần giảm nhập siêu và đưa hàng tỷ USD vào ngân sách nhà nước. Tính đến năm 2016, cả nước có khoảng 173 doanh nghiệp tham gia lắp ráp, sản xuất ôtô, bao gồm 117 doanh nghiệp sản xuất từ xe cơ sở và 56 doanh nghiệp sản xuất xe từ linh kiện rời. Trong số đó, phần lớn các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, một số cũng đã tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng phải thừa nhận hoạt động sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước phần lớn mới ở mức độ lắp ráp giản đơn và chưa đạt các tiêu chí đã đề ra.

Theo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô được Bộ Công Thương xây dựng, phấn đấu đến năm 2005, mục tiêu tỷ lệ nội địa hóa là 40% và 60% vào năm 2010. Tuy nhiên đến hiện tại chỉ đạt bình quân 7%-10%. Ngay cả tỷ lệ nội địa hóa của một doanh nghiệp hàng đầu vẫn thấp hơn mục tiêu. Cụ thể, Trường Hải (Thaco) đạt 15%-18%, Toyota Việt Nam đạt 37% (đối với riêng dòng xe Innova)…

Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam chủ yếu mới chỉ dừng ở khâu gia công, lắp ráp

Bên cạnh đó, các sản phẩm đã được nội địa hóa vẫn mang hàm lượng công nghệ rất thấp như săm, lốp ôtô, ghế ngồi, gương, kính, bộ dây điện, ắc-quy, sản phẩm nhựa... Giá trị linh kiện nhập khẩu hàng năm của các doanh nghiệp lên tới 2-3,5 tỷ USD, là con số rất lớn.

Trong khi đó, có tới 80%-90% nguyên liệu chính cho sản xuất linh kiện như thép hợp kim, hợp kim nhôm, hạt nhựa, cao su kỹ thuật cao hiện phải nhập khẩu. Vật liệu làm khuôn mẫu chủ yếu cũng phải nhập khẩu. Bên cạnh đó, hàng năm, các doanh nghiệp phải nhập khẩu khoảng 2-3,5 tỷ USD các linh kiện, phụ tùng phục vụ cho sản xuất lắp ráp và sửa chữa xe.

“Hiện nay, tỷ lệ nội địa hóa của các nước trong khu vực trung bình đã đạt được 65%-70%, Thái Lan đạt tới 80%. Do đó, nếu các nhà sản xuất ô tô trong nước không sớm có giải pháp nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, chắc chắn sẽ khó cạnh tranh với thị trường khu vực, đặc biệt khi khu vực thương mại tự do ASEAN-AFTA có hiệu lực" Bộ Công Thương đưa ra cảnh báo trong Báo cáo mới nhất về tình hình ngành công nghiệp ô tô của Bộ.

Ngoài ra, ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước vẫn chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự, phần lớn mới ở mức độ lắp ráp đơn giản, dây chuyền sản xuất chủ yếu chỉ gồm 4 công đoạn chính là hàn, sơn, lắp ráp, kiểm tra.

“Việc không đạt được mục tiêu tỷ lệ nội địa hóa, cũng như các doanh nghiệp mới chỉ sản xuất được những linh kiện đơn giản khiến giá thành ô tô trong nước cao hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực, như: Thái Lan, Indonesia, càng cao hơn so với các nước phát triển, như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc...”, báo cáo nêu rõ.

Hướng đi nào cho ngành công nghiệp ô tô?

Mặc dù thừa nhận ngành công nghiệp ô tô thất bại, song Bộ Công Thương vẫn kiên trì mục tiêu phát triển ngành này. Cụ thể Bộ đã thành lập Tổ công tác liên ngành đánh giá toàn diện thị trường ô tô Việt Nam trong mối tương quan với thị trường khu vực và thế giới.

Bên cạnh đó, Bộ cũng tập trung xây dựng Nghị định về sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, nghiên cứu, áp dụng biện pháp chống gian lận thương mại để hạn chế việc xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu do khai báo giá hải quan thấp gây tác động bất lợi đến sản xuất trong nước.

Cùng với đó, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tham mưu, đề xuất các cơ chế hỗ trợ nhằm thúc đẩy các dự án này sớm đi vào hoạt động, đồng thời với việc hình thành phát triển, hệ thống nhà cung ứng linh kiện, phụ tùng nội địa.

Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, muốn phát triển ngành công nghiệp ô tô thì cần phải tháo gỡ nhiều vấn đề về chính sách.

Theo ông Nguyễn Văn Chiến - đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, chiến lược phát triển công nghiệp ôtô của Việt Nam từ 2025-2035 được xây dựng dựa trên phương án, kế hoạch phát triển ôtô giai đoạn năm 2010-2020, tức là phát triển công nghiệp ôtô phụ truyền thống. Theo đó, các tiêu chuẩn, yêu cầu về khí phát thải còn rất thấp, không còn phù hợp với tiêu chuẩn, yêu cầu của thế giới nữa.

“Nếu Việt Nam đặt mục tiêu phát triển ngành công nghiệp ôtô nhưng vẫn theo đuổi các tiêu chí, tiêu chuẩn cũ thì cuối cùng ngành sản xuất ô tô Việt có chạy được tới năm 2035 cũng trở thành lạc hậu so với các nước”, ông Chiến nói.

"Sự thất bại của Vinaxuki chính là hệ quả trực tiếp của một chiến lược xác định mục tiêu phát triển không chuẩn. Điều này khẳng định tầm quan trọng trong việc xây dựng chiến lược phát triển của ngành ôtô là điều kiện tiên quyết quyết định sự thành công hay thất bại của ngành công nghiệp này", ông Chiến dẫn chứng.

Bên cạnh đó, hiện vẫn còn nhiều mâu thuẫn, chồng chéo của các cơ chế, chính sách pháp luật hiện hành nếu không được giải quyết nó sẽ tác động rất lớn tới chiến lược phát triển ôtô trong nước. Đồng thời, chính sách cũng phải đảm bảo được tính công bằng, bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài với nhau.

Đơn cử như, Quyết định 229/QĐ-TTg, 04/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách thực hiện Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành Công nghiệp ôtô Việt Nam đề cập tới rất nhiều ưu đãi về thuế, đất đai cũng như tín dụng cho nhà đầu tư. Điều này cũng được nhắc lại trong định hướng tại báo cáo mới đây Bộ Công Thương.

"Nếu những chính sách đó không được rà soát, thay đổi thì cuối cùng mục tiêu tăng tỷ lệ nội địa hóa thực chất cũng chỉ là tăng tỷ lệ gia công. Chính sách hỗ trợ tưởng là hỗ trợ cho chiến lược phát triển sản xuất ngành công nghiệp ôtô trong nước nhưng thực chất là hỗ trợ cho chính các doanh nghiệp FDI", ông Chiến nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo đánh giá của TS. Võ Trí Thành, chuyên gia Kinh tế, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang ở hai ngã rẽ, một là đi đến đâu và hai là sẽ đi về đâu. Công nghiệp ô tô Việt Nam hiện nay đi đến đâu?

“Ai cũng biết, sau 20 năm vẫn chỉ là khởi đầu vì chúng ta sai ngay từ chính sách lẫn cách làm. Công nghiệp ô tô Việt Nam đi về đâu? Đây là câu hỏi lớn, chúng ta có ngành công nghiệp phụ trợ không? Có sản phẩm đặc trưng không?...”, ông Thành nói.

Hiện nay, ở thị trường ô tô Việt Nam, các doanh nghiệp ô tô Việt Nam thường làm hai vai, một lo làm thế nào để nội địa hóa xe ô tô trong nước, hai là nhập khẩu bán xe nguyên chiếc. Với lợi ích doanh nghiệp, doanh thu của chính mình họ sẵn sàng lập ra những công ty, hệ thống xe nhập khẩu bán ngay trong nước. Điều này có lợi cho doanh nghiệp nhưng bất lợi cho chiến lược nội địa hóa ngành ô tô bởi tạo điều kiện cho các hãng tăng vai trò nhập khẩu bán xe nguyên chiếc thay vì tập trung sản xuất, nội địa hoá.

Trao đổi với phóng viên Thông Tấn xã Việt Nam về định hướng phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, Ông Đào Phan Long Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí cho rằng, câu hỏi đặt ra là liệu sắp tới 20 năm nữa, chiến lược tầm nhìn đến năm 2035, Việt Nam có làm ôtô không, chính sách ra làm sao, làm dòng xe nào, đơn hàng như thế nào, bảo vệ thị trường ra sao… để hài hòa cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất ôtô nhưng không vi phạm hợp tác quốc tế. Vấn đề quan trọng nhất, theo tôi là ý chí của quốc gia, của Chính phủ, chứ không chỉ riêng của doanh nghiệp. Người làm ôtô chỉ dám bung sức khi có sức mua thị trường và có chính sách khuyến khích phù hợp.

“Nhà nước có thể hỗ trợ, bảo vệ thị trường, giúp đào tạo nhân lực, giúp họ có trang thiết bị nào đó để họ có sức cạnh tranh. Nhưng việc trước tiên, phải chọn loại thị trường nào, phân khúc nào để chúng ta có thể phục vụ nội địa, đồng thời nhanh chóng nội địa hóa được mà nước ngoài chưa hoặc không chiếm lĩnh. Từ đó mới có chính sách cụ thể như thế nào, giao cho ai làm...” ông Long chia sẻ.

Tham khảo từ:

1. Đức Dũng (2017). Vực dậy ngành ôtô: Không chỉ là ý chí của doanh nghiệp, truy cập từ http://www.vietnamplus.vn/vuc-day-nganh-oto-khong-chi-la-y-chi-cua-doanh-nghiep/441563.vnp

2. Nguyễn Tuyền (2017). "Hạn chót" cho ô tô Việt: Giấc mơ dang dở và bài toán bảo hộ thị trường, truy cập từ http://dantri.com.vn/kinh-doanh/han-chot-cho-o-to-viet-giac-mo-dang-do-va-bai-toan-bao-ho-thi-truong-20170319070325888.htm

3. Thy Hằng (2017). Bộ Công Thương thừa nhận: Mục tiêu ngành công nghiệp ô tô thất bại, truy cập từ http://danviet.vn/kinh-te/bo-cong-thuong-thua-nhan-muc-tieu-nganh-cong-nghiep-o-to-that-bai-772256.html