Sáng 27/6, Ban Kinh tế Trung ương đã tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2017 với chủ đề “Phát huy nội lực, Tăng trưởng bền vững”.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, ông Nguyễn Văn Bình cho rằng, chúng ta cần phải thẳng thắn nhìn nhận lại mô hình và chất lượng tăng trưởng kinh tế nước ta hiện nay/ Ảnh: Đức Trung

“Cơ cấu kinh tế Việt Nam không thay đổi rõ so với cách đây 20 năm có thay đổi, nhưng nhìn kỹ thì không rõ”

Phát biểu khai mạc Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, ông Nguyễn Văn Bình cho rằng, chúng ta cần phải thẳng thắn nhìn nhận lại mô hình và chất lượng tăng trưởng kinh tế nước ta hiện nay.

Dẫn lời đánh giá của giáo sư Kenichi Ohno (Viện Nghiên cứu chính sách công Nhật Bản), ông khẳng định lại: “cơ cấu kinh tế Việt Nam hiện nay so với cách đây 20 năm có thay đổi nhưng nhìn kỹ thì không rõ”.

Lý giải vì sao có nhận định này, ông Bình cho biết, Việt Nam xuất khẩu 65% là hàng chế tạo chế biến, nhưng phần nhiều là từ khu vực FDI, còn doanh nghiệp trong nước vẫn chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng như dệt may, da giày, nông sản với giá trị gia tăng không cao. Tức là, một phần quan trọng góp phần tạo nên tốc độ tăng trưởng hiện nay của Việt Nam là từ nguồn lực bên ngoài chứ chưa phải nội lực thực tại của nền kinh tế.

“Do vậy, việc chúng ta cần làm và làm ngay là đánh giá lại mức độ bền vững của những lợi thế so sánh mà chúng ta vẫn thường nhắc tới là nhân công lao động dồi dào, giá rẻ trong bối cảnh giai đoạn dân số vàng chỉ tồn tại ngắn ngủi khoảng 10 năm nữa và sự cạnh tranh ngày một gia tăng từ các quốc gia với chi phí sản xuất thấp hơn”, ông Bình chỉ rõ.

Làm rõ hơn bức tranh chung của nền kinh tế trong những tháng qua, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, kết quả tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nền kinh tế trong quý I/2017 đạt thấp, tăng 5,1% so với cùng kỳ, đã đặt ra nhiệm vụ của các tháng cuối năm là hết sức nặng nề và khó khăn.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cũng chỉ rõ, kịch bản tăng trưởng và các giải pháp chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thời gian qua bước đầu có những kết quả tích cực, hướng tới mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 6,7% của cả năm 2017.

Mới đây, Thủ tướng đã ra Chỉ thị số 24/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực nhằm mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017.

“Chỉ thị đang dần đi vào cuộc sống, các ngành, các cấp đã chủ động vào cuộc và coi đây là nhiệm vụ chung không chỉ của các ngành, các cấp, mà còn của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân”, Thứ trưởng cho biết.

Thứ trưởng nhấn mạnh lại rằng, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ quan điểm không tăng trưởng bằng mọi giá, không đánh đổi môi trường cũng như bất ổn kinh tế vĩ mô để lấy tăng trưởng, nhưng cũng không lãng phí cơ hội và tiềm năng.

“Chính phủ vẫn luôn đặt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững lên hàng đầu. Cách tiếp cận về giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2017 của Chính phủ là nỗ lực tối đa, khơi dậy tiềm năng, tận dụng cơ hội để tăng trưởng ở mọi ngành, mọi lĩnh vực... Tất cả đều phải đóng góp vào tăng trưởng trên nền tảng cơ bản là ổn định kinh tế vĩ mô”, Thứ trưởng Đông nhấn mạnh.

Thứ trưởng Đặng Huy Đông nhấn mạnh, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ quan điểm không tăng trưởng bằng mọi giá

Chậm tái cấu trúc kinh tế: Nguyên nhân chính khiến tăng trưởng thấp

Tại Diễn đàn, đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt khoảng 6,3%.

Tuy nhiên, theo Ngân hàng Thế giới, nền kinh tế Việt Nam có mức ổn định. Lạm phát trong tầm kiểm soát; môi trường kinh doanh, tỷ giá hối đoái khá ổn định, tín dụng tăng trưởng; kiều hối, cán cân thanh toán đã được cải thiện và có dòng thanh khoản tốt.

Dẫn số liệu quý I/2017, với mức tăng trưởng 5,1%, TS. Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright Việt Nam đánh giá: “Hiện nay, chúng ta đang đứng trước sức ép lớn về kết quả tăng trưởng kinh tế. Mức tăng GDP của hai năm đầu nhiệm kỳ này đều thua so với năm cuối của nhiệm kỳ trước”.

Để làm rõ cho nhận định trên, ông Thành dẫn chứng, cuối 2015, Chính phủ đã đề ra mục tiêu tăng trưởng cho 2016 là 6,7%, nhưng kết quả cuối cùng là 6,21%. Cuối 2016, Chính phủ vẫn kiên quyết đưa ra mục tiêu 6,7% cho 2017. Nhưng với kết quả 5,1% trong quý 1 này thì 3 quý còn lại phải đạt bình quân 7%.

“Từ các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia trong hệ thống nhà nước đến chuyên gia bên ngoài đều hiểu rõ khả năng này gần như không thể”, ông Thành nhấn mạnh.

Về nguyên nhân khiến Việt Nam không thể tăng trưởng như kỳ vọng, ông Thành chỉ rõ, kinh tế thế giới đang phục hồi. Vì thế, không thể ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam.

Nguyên nhân niềm tin của doanh nghiệp, niềm tin của người tiêu dùng cũng bị ông Thành “bác”.

“Nhìn vào những điều tra khách quan trên thị trường, thì cho thấy niềm tin của doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm là được cải thiện. Chỉ số PMI vẫn thể hiện sự lạc quan, tin tưởng vào nền kinh tế Việt Nam. Niềm tin của người tin dùng nhìn vào con số điều tra được cải thiện từ tháng này qua tháng khác trong 6 tháng đầu năm là 105 – 112 điểm (trên 100 là niềm tin của người tiêu dùng là lạc quan)”, ông Thành dẫn chứng.

Trong tăng trưởng không đạt mục tiêu, nhưng tăng trưởng tiêu dùng cuối cùng là tăng trưởng mạnh. Hiện, tăng trưởng tiêu dùng quý I đóng góp 7,25 điểm % vào con số 5,1% tổng mức bán ra của chúng ta tăng 10% trong 5 tháng. Sức mua của người tiêu dùng là cải thiện.

“Nếu chỉ nhìn vào phía tổng cầu thực chất cho thấy tiêu dùng của dân cư đang là một trong những yếu tố duy trì tăng trưởng kinh tế”, ông Thành chỉ rõ.

Về rào cản thể chế, ông Thành cho rằng, dù chưa được khắc phục hết, nhưng chất lượng của môi trường thể chế trong ngắn hạn không hề xấu đi, mà lại có sự cải thiện với thông điệp Chính phủ kiến tạo, Chính phủ hành động, tạo dựng môi trường kinh doanh.

“Mặc dù mới chỉ là lời nói, chứ hành động chưa rõ nhưng ít nhất trong ngắn hạn chất lượng thể chế không xấu đi”, ông Thành chỉ rõ.

Nguyên nhân chính khiến tăng trưởng chưa đạt mục tiêu, theo vị chuyên gia đến từ Trường Đại học Fulbright là do gánh nặng chậm tái cấu trúc kinh tế, cụ thể nằm ở vấn đề cơ cấu: ngân hàng, đầu tư công – nợ công và DNNN.

Nợ xấu lớn trong hệ thống ngân hàng vẫn nằm đó có nghĩa là nền kinh tế vẫn phải dùng nguồn lực khan hiếm để nuôi. Đây là gánh nặng lớn nhất đang kéo tăng trưởng đi xuống.

Nền kinh tế vẫn cần đầu tư công không phải chỉ để thúc đẩy tăng trưởng ở phía cầu, mà quan trọng hơn là khai thông các điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng. “Nhưng đầu tư công toàn phải đi vay nợ, mà nợ công đã đạt trần 65% GDP”, ông Thành lo ngại.

Trong giai đoạn trước, đầu tư công là ở mức cao so với quy mô nền kinh tế, nhưng vì kém hiệu quả, nên tài sản chất lược tạo ra từ đầu tư không được là bao. Vì thế, để có tăng trưởng trong giai đoạn này vẫn phải đầu tư, nhưng nguồn lực đã cạn kiệt.

Việt Nam có thể tăng trưởng tới 8-9% trong trung hạn

Vẫn thẳng thắn như mọi khi, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương lại đưa ra một quan điểm “ngược” với nhiều chuyên gia.

“Tôi nghĩ rằng, 6,7% là thấp, dư địa của Việt Nam là phải 8%-9%”, ông Cung chia sẻ.

Bởi theo ông, nếu cải thiện hiệu quả hoạt động của DNNN thì dư địa tăng trưởng của Việt Nam sẽ tăng.

Cụ thể, nếu tăng 1 điểm % về hiệu quả của DNNN, thì sẽ có được 3 tỷ USD, tương đương với mức 1,5% tăng trưởng.

Dư địa thứ 2 để có thể đạt mức tăng trưởng cao, theo ông Cung là cải thiện hiệu quả khu vực kinh tế tư nhân. Theo ông, nếu tăng 1% hiệu quả của khu vực này, thì sẽ có 2 tỷ USD đóng góp vào tăng trưởng.

Dư địa 3, theo ông Cung, đó là tạo thuận lợi thúc đẩy giải ngân FDI đã cam kết, ODA đã ký kết. Hiện còn 180 tỷ USD vốn cam kết FDI và khoảng 15 tỷ USD ODA đã ký kết chưa giải ngân. Nếu giải ngân tốt sẽ ảnh hưởng rất tốt tới tăng trưởng.

Dư địa thứ 4, theo ông Cung là giảm chi phí cho doanh nghiệp. Hiện này, có tới 66% doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức, chi phí tuân thủ cũng rất lớn.

Ông Cung cũng cho biết, dư địa thứ 5, thứ 6 là thúc đẩy mở rộng kinh doanh và tập trung những ngành có tăng trưởng trong năng suất lao động.

“6 tiềm năng tăng trưởng trung hạn, trong tầm tay Chính phủ, chỉ cần chính sách đúng, là có thể tăng 8-9% chứ không phải 6,7%”, TS. Nguyễn Đình Cung nhận định.

Trên cơ sở đó, ông đề xuất thực hiện đóng băng chi thường xuyên, hoặc chí ít cắt giảm vài % chi thường xuyên. Tập trung vốn đầu tư hạ tầng cho TP.Hồ Chí Minh, tăng hạ tầng đầu tư kết nối ở khu vực này, tạo chất lượng kết nối ở khu vực này. Thực hiện cổ phần hóa đúng như tiến độ, tập trung số tiền cổ phần hóa để thực hiện các dự án tập trung, trọng điểm chứ không hòa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn. Thoái vốn nhà nước tại các công ty cổ phần đã niêm yết trên sàn chứng khoán…

Còn theo TS. Nguyễn Xuân Thành, để có đầu tư công trong ngắn hạn mà không phá vỡ trần nợ công, thì chỉ có nguồn tiền từ cổ phần hóa và thoái vốn trong DNNN.

Trong trung hạn, thay vì việc đổi đất lấy hạ tầng như trước đây, khiến cho hoạt động không minh bạch, làm tăng nợ công, có thể đổi phương thức huy động vốn cho đầu tư công.

“Đó là nên chấp nhận cho các địa phương đầu tư cơ sở hạ tầng bằng trái phiếu công trình, đảm bảo bằng quyền sử dụng đất, Nhà nước không bảo lãnh thì không gánh nợ công. Tiến hành đấu thầu cạnh tranh, hạ tầng đầu tư xong thì giá trị càng cao và thực hiện đấu giá đất, thu tiền về và sẽ trả nợ trái phiếu. Như vậy vừa đầu tư cơ sở hạ tầng, không làm tăng nợ công mà vẫn đảm bảo minh bạch”, ông Thành đề xuất.

Trong dài hạn, theo ông Thành thì có thể nghĩ tới cải cách thuế đặc biệt là thuế bất động sản để đầu tư hạ tầng tại địa phương, PPP và cải cách thể chế để nâng cao hiệu quả đầu tư công.

Còn PGS, TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó Hiệu trưởng Quốc gia Hà Nội cho rằng, tăng trưởng bền vững phụ thuộc nhân tố mang tính dài hạn chứ không phải kích thích ngắn hạn.

Ông Sơn cho rằng, nên đặt ra các mục tiêu cụ thể có thể đo lường được về cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

“Nên coi các mục tiêu đó là những chỉ tiêu pháp lệnh cần phải đạt được bằng mọi biện pháp có thể, gắn với trách nhiệm cá nhân”, ông Sơn đề xuất.

Ông Sơn cũng cho rằng, nói về Nhà nước kiến tạo thôi thì chưa đủ, chúng ta cần 1 Nhà nước kiến tạo thị trường, điều tiết thị trường, thân thiện với thị trường./.