Chưa từng có mức tăng trưởng 7,4% trong 6 tháng cuối năm

Tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê 6 tháng đầu năm 2017, người đứng đầu Tổng cục Thống kê, TS. Nguyễn Bích Lâm cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2017 ước tính tăng 5,73% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, quý I tăng 5,15%; quý II đã khởi sắc hơn quý I với tốc độ tăng 6,17%.

Làm rõ hơn về số liệu GDP, ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản Quốc gia (Tổng cục Thống kê) đánh giá, đây là mức tăng trưởng bứt phá, mức doãng quý II tăng hơn quý I lớn nhất trong những năm gần đây, với mức 1,02%. Điều này có được là nhờ những nỗ lực trong điều hành kinh tế, cải thiện môi truờng kinh doanh của Chính phủ. Bởi, thông thường tăng trưởng GDP quý II sẽ cao hơn quý i khoảng 0,3-0,4%.

Với những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2017 đã ghi nhận sự nỗ lực của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

"Tuy nhiên, với mức tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2017 chỉ đạt 5,73%, để hoàn thành kế hoạch tăng trưởng năm 2017 là 6,7% thì tăng trưởng 6 tháng cuối năm 2017 phải đạt trên 7,4%, đây là một thách thức rất lớn”, Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm khẳng định.

Lý giải vì sao là thách thức rất lớn, ông Hà Quang Tuyến chỉ rõ, trong lịch sử số liệu chưa có 6 tháng cuối năm nào chúng ta có mức tăng cao như vậy.

Thực tế 2 quý qua, sự tăng trưởng thấp của ngành khai khoáng cũng đang cho thấy, một trong các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng của Chính phủ khó đạt được.

Gần đây, khi Thủ tướng đã yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) điều chỉnh kế hoạch khai thác dầu thô năm 2017, tăng sản lượng khai thác thêm một triệu tấn dầu so với kế hoạch. Thế nhưng, theo ông Hà Quang Tuyến, trong bối cảnh giá dầu tiếp tục xu hướng giảm, việc tăng thêm sản lượng khai thác khó có thể giải quyết bài toán.

Là khu vực có mức tăng trưởng cao nhất, ngành dịch vụ cũng ghi nhận sự phân hóa trong 6 tháng đầu năm, khi tăng trưởng của dịch vụ lưu trú, ăn uống và hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm cao hơn so với lĩnh vực cốt lõi là bán buôn, bán lẻ.

Trong đó, hoạt động dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng gần 9%, trong bối cảnh lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm tăng hơn 30%. Những tháng đầu năm 2017 cũng tiếp tục ghi nhận sự đi lên của lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và hoạt động kinh doanh bất động sản. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản tăng kỷ lục trong 5 năm gần đây, với 3,86%.

Dư địa đạt mức tăng trưởng 6,7% vẫn còn nhiều

Tuy nhiên, ông Tuyến cũng cho rằng, vẫn có nhiều cơ hội và thuận lợi để phấn đấu đạt tăng trưởng kinh tế như mục tiêu đã định.

Trong những nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối, ông Tuyến nhấn mạnh đến nguồn lực từ khu vực doanh nghiệp.

Theo đó, số doanh nghiệp thành lập trong 6 tháng đầu năm 2017 là 61.000 doanh nghiệp, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 15.000 doanh nghiệp. Đây cũng là một nguồn lực không hề nhỏ cho tăng trưởng.

“Dư địa đầu tư cho toàn xã hội còn rất lớn, so với kế hoạch đề ra còn hơn 60% chưa được thực hiện. Tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm đạt 7,54% và còn lại gần 2/3 mức tăng trưởng có thể thực hiện trong 6 tháng cuối năm”, ông Tuyến đánh giá.

Ước tính cho cả năm 2017 vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện chiếm khoảng 34-35% GDP sẽ là yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (đóng góp của vốn vào tăng trưởng GDP vẫn chiếm trên 50% trong những năm gần đây).

Thêm vào đó, trong những tháng cuối năm, ngành công nghiệp chế biến chế tạo cũng có nhiều cơ hội để phát triển.

Dẫn báo cáo của Bộ Công Thuơng và các tập đoàn, tổng công ty lớn, ông Tuyến cho biết, có một số dự án thép lớn sẽ đi vào hoạt động từ nay đến cuối năm. Ngành điện tử, điện lạnh sẽ trưởng tăng tốt hơn trong quý III, IV và sẽ có 5 tổ máy phát điện đi vào hoạt động... Những yếu tố này sẽ đóng góp vào mức tăng chung GDP của cả nước.

Ngoài ra, ngành xây dựng dự kiến tăng trưởng trên 10% cũng sẽ có đóng góp lớn cho tăng trưởng chung./.